Biện pháp cưỡng chế trong hoạt động tố tụng hình sự
Bài viết sau đây của Công ty Luật TNHH Everest sẽ chia sẻ cho bạn về : "Biện pháp cưỡng chế trong hoạt động tố tụng hình sự"
1- Biện pháp cưỡng chế là gì?
Theo Điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:
“Để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản.”
Cưỡng chế hình sự là dùng quyền lực nhà nước buộc người có liên quan trong vụ án hình sự phải tuân theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, biện pháp cưỡng chế là biện pháp do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bằng cách buộc đối tượng phải thi hành hoặc buộc giữ trong trường hợp khẩn cấp. Các biện pháp này được đặt ra để đảm bảo các hoạt động trong quá trình giải quyết vụ án gồm: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời biện pháp cưỡng chế mang tính buộc đối tượng phải thi hành.
Đặc điểm, tính chất của biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự
Có tính chất cưỡng bức, được đảm bảo thực hiện bằng quyền lực công bắt buộc đối tượng phải thi hành.
Do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện
Đối tượng áp dụng: người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị can, bị cáo
Mục đích là nhằm đảm bảo hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án diễn ra đúng pháp luật.
2- Điểm mới về các biện cưỡng chế trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Các biện pháp cưỡng chế được quy định tại Mục II Chương VII, từ Điều 126 đến Điều 130 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Trong phần này, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định về bốn biện pháp cưỡng chế là áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản, trong đó phong tỏa tài khoản là biện pháp cưỡng chế mới, còn ba biện pháp còn lại đã có trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nay được tập hợp lại và có những bổ sung nhất định (các biện pháp như khám xét, thu giữ, tạm giữ, khám xét dấu vết trên thân thể tuy cũng có tính cưỡng chế nhưng Bộ luật mới vẫn kế thừa kỹ thuật lập pháp của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định tại các chương về hoạt động điều tra là phù hợp). Xung quanh những biện pháp cưỡng chế này có một số nội dung mới như sau:
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có sự phân biệt về mục đích áp dụng giữa biện pháp ngăn chặn và biện pháp cưỡng chế ở Mục II Chương VII. Mục đích áp dụng biện pháp ngăn chặn là để kịp thời ngăn chặn tội phạm, loại trừ những khó khăn do người bị buộc tội gây ra cho việc điều tra, truy tố, xét xử, ngăn chặn tiếp tục tội phạm và để bảo đảm thi hành án, còn mục đích áp dụng bốn biện pháp cưỡng chế chỉ được quy định “để bảo đảm hoạt động khởi tố điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.
- Các biện pháp ngăn chặn chỉ áp dụng với cá nhân, còn các biện pháp cưỡng chế như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản có thể áp dụng đối với tổ chức, pháp nhân.
3- Các biện pháp cưỡng chế
(i) Áp giải, dẫn giải
Áp giải: đối tượng là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội
Dẫn giải: Đối tượng gồm:
- Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
- Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
- Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Thẩm quyền ra quyết định: Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử.
Trường hợp không được áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải: Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.
(ii) Kê biên tài sản
Đối tượng áp dụng: bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.
Thẩm quyền ra quyết định:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Lệnh kê biên của những đối tượng này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
- Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh kê biên tài sản.
Trường hợp không được áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải:
- Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm;
- Không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.
(iii) Phong tỏa tài khoản
Đối tượng áp dụng:
- Người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.
- Tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.
Thẩm quyền ra quyết định:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Lệnh kê biên của những đối tượng này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử;
- Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh phong tỏa tài khoản.
Điều kiện phong tỏa tài khoản:
- Chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại.
- Người được giao thực hiện lệnh phong tỏa, quản lý tài khoản bị phong tỏa mà giải tỏa việc phong tỏa tài khoản thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
(I) Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
(II) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
(III) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn...
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm