Khái quát về trách nhiệm pháp lý

24/02/2023
Trách nhiệm pháp lí là khái niệm cơ bản của khoa học pháp lí nói chung, lí luận chung về nhà nước và pháp luật nói riêng. Thông thường, trách nhiệm được hiểu là bổn phận của một chủ thể nào đó. Tuy nhiên, trong khoa học pháp lí, trách nhiệm pháp lí được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau.

I- KHÁI NIỆM TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ.

Theo nghĩa chung nhất, trách nhiệm pháp lí được hiểu là nghĩa vụ pháp lí, nói cách khác, trách nhiệm pháp lí là sự bắt buộc chủ thể phải thực hiện một yêu cầu, đòi hỏi của pháp luật. Cụ thể hơn, trách nhiệm pháp lí có thể được tiếp cận ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, trách nhiệm pháp lí là công việc mà chủ thể phải thực hiện theo quy định của pháp luật, chẳng hạn, chính phủ có trách nhiệm tổ chức thi hành luật; toà án có trách nhiệm tống đạt quyết định xét xử đến đương sự... 

Thứ hai, trách nhiệm pháp lí là công việc mà chủ thể phải thực hiện theo mệnh lệnh cụ thể của cơ quan, tổ chức hay cá nhân có thẩm quyền, chẳng hạn chiến sĩ có trách nhiệm thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy đơn vị...

Thứ ba, trách nhiệm pháp lí là nghĩa vụ pháp lí về tài sản mà bắt buộc chủ thể phải thực hiện, chẳng hạn chủ sở hữu cây cối, súc vật phải bồi thường cho người bị thiệt hại khi cây cối, súc vật thuộc sở hữu của họ gây thiệt hại cho người khác...

Thứ tư, trách nhiệm pháp lí là sự bắt buộc phải gánh chịu những hậu quả pháp lí bất lợi được pháp luật quy định trong chế tài của quy phạm pháp luật khi chủ thể vi phạm pháp luật, chẳng hạn việc một người phạm tội phải chịu hình phạt tù về tội mà họ đã phạm.

Trong phạm vi của giáo trình này, trách nhiệm pháp lí được hiếu theo nghĩa thử tư và luôn được gắn với vi phạm pháp luật. Theo đó, trách nhiệm pháp lí là sự bắt buộc phải gánh chịu hậu quả pháp lỉ bẩt lợi do vỉ phạm pháp luật.

Trách nhiệm pháp lí theo nghĩa này có một số đặc điểm sau đây:

(i) Trách nhiệm pháp lí luôn gắn liền vi phạm pháp luật. Những hành vi tuy có thể gây ra những thiệt hại nhất định cho xã hội nhưng nếu không bị coi là vi phạm, chẳng hạn hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng không làm phát sinh trách nhiệm pháp lí.

(ii) Trách nhiệm pháp lí thể hiện thái độ phản ứng của nhà nước và xã hội đối với chủ thể vi phạm pháp luật. Nhà nước với tư cách là người duy trì và bảo vệ trật tự xã hội phải có biện pháp để lên án, trừng trị và ngăn chặn những chủ thể đã có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho xã hội.

(iii) Trách nhiệm pháp lí luôn mang tính bất lợi đối với chủ thể phải gánh chịu. Chủ thể chịu trách nhiệm pháp lí sẽ phải gánh chịu những thiệt hại nhất định về quyền, tự do, tài sản, tinh thần, sức khoẻ, thậm chí kể cả tính mạng của họ.

(iv) Trách nhiệm pháp lí là một loại nghĩa vụ pháp lí đặc biệt, phát sinh khi có vi phạm pháp luật. Chủ thể gánh chịu trách nhiệm pháp lí bắt buộc phải thực hiện những xử sự nhất định trước một chủ thể khác, có thể là nhà nước hoặc cá nhân, tổ chức có quyền, lợi ích bị xâm hại.

(v) Trách nhiệm pháp lí được nhà nước bảo đảm thực hiện. Nhà nước bằng quyền lực của mình, bắt buộc chủ thể phải thực hiện đúng đắn, nghiêm chỉnh trách nhiệm pháp lí của mình.

Sở dĩ nhà nước buộc một người phải gánh chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của mình bởi khi thực hiện hành vi đó, họ là người có lí trí và có tự do ý chí. Trong cuộc sống, hành vi của con người tuy có tính tất yếu nhưng đồng thời luôn có tính tự do. Mặc dù hành vi của con người luôn chịu sự chi phối bởi điều kiện kinh tế xã hội của cuộc sống, tuy nhiên, điều kiện kinh tế xã hội bên ngoài tác động đến hành vi của con người không phải một cách máy móc mà phải thông qua sự suy xét (lí trí) và sự quyết định (ý chí) của họ. Bởi vậy, trong những điều kiện hoàn cảnh khách quan giống nhau, mỗi người có thể lựa chọn cách xử sự riêng. Một người đã lựa chọn cách xử sự trái pháp luật trong khi hoàn toàn có thể xử sự phù hợp với các quy định của pháp luật thì họ phải chịu trách nhiệm về xử sự đó của mình.

II- CÁC LOẠI TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ.

Thông thường, trách nhiệm pháp lí được phân chia tương ứng với các loại vi phạm pháp luật.

Theo quan điểm truyền thống và cũng có tính phổ biến, tương ứng với bốn loại vi phạm pháp luật là bốn loại trách nhiệm pháp lí. Đó là trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỉ luật nhà nước và trách nhiệm dân sự. Một hành vi vi phạm pháp luật có thể đồng thời xâm hại một hoặc nhiều khách thể, vì vậy, chủ thể có thể phải gánh chịu một hoặc nhiều loại trách nhiệm pháp lí. Tuy nhiên, nếu chủ thể đã gánh chịu trách nhiệm hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hành chính và ngược lại, vì đây đều là các loại trách nhiệm của chủ thể vi phạm pháp luật trước nhà nước.

Trách nhiệm hình sự là loại trách nhiệm pháp lí nghiêm khắc nhất do toà án áp dụng đối với các chủ thể đã thực hiện hành vi phạm tội. Chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự có thể phải gánh chịu các biện pháp chế tài pháp luật như cảnh cáo, phạt tiền, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình...

Trách nhiệm hành chính được áp dụng đối với chủ thể đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Chủ thể phải chịu trách nhiệm hành chính có thể phải gánh chịu các biện pháp chế tài pháp luật như cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề...

Trách nhiệm kỉ luật nhà nước được áp dụng đối với các chủ thể vi phạm kỉ luật nhà nước. Chủ thể phải chịu trách nhiệm kỉ luật nhà nước có thể phải gánh chịu các biện pháp chế tài pháp luật như cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc, buộc thôi học... Loại trách nhiệm pháp lí này có thể đi kèm các loại trách nhiệm pháp lí khác nếu có hành vi phạm tội, vi phạm hành chính hay vi phạm dân sự mà đồng thời cũng vi phạm kỉ luật nhà nước.

Trách nhiệm dân sự được áp dụng đối với các chủ thể có hành vi vi phạm dân sự. Chủ thể phải chịu trách nhiệm dân sự có thể phải gánh chịu các biện pháp chế tài pháp luật như buộc chấm dứt hành vi vi phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; phạt vi phạm... Trách nhiệm dân sự cũng có thể đi kèm các loại trách nhiệm pháp lí khác nếu có hành vi phạm tội, vi phạm hành chính hay vi phạm kỉ luật nhà nước mà những hành vi này cũng xâm hại đến quyền dân sự của cá nhân, tổ chức trong xã hội (mà đồng thời cũng vi phạm dân sự).

Hiện nay, trong khoa học pháp lí còn có quan niệm về một số loại trách nhiệm pháp lí khác, chẳng hạn trách nhiệm hiến pháp, trách nhiệm vật chất... Tuy nhiên, những vấn đề này còn đang được tiếp tục tranh luận.

Bên cạnh trách nhiệm pháp lí theo pháp luật quốc gia còn có trách nhiệm pháp lí theo pháp luật quốc tế. Chủ thể phải gánh chịu loại trách nhiệm này chủ yếu là các quốc gia do vi phạm điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên.

Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Khái quát về trách nhiệm pháp lý

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.44946 sec| 955.852 kb