Kỹ năng theo dõi, đề xuất trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa của Luật sư

26/04/2021

Kỹ năng theo dõi , đề xuất trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa làm một trong những kỹ năng quan trọng của luật sư. Đặc biệt, trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Luật sư cần lưu ý về kỹ năng này để đảm bảo bảo vệ cho quyền lợi của khách hàng. 

Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

Kỹ năng theo dõi , đề xuất trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa

Ngay sau khi HĐXX vào phòng xử án , khai mạc phiên tòa , luật sư cần chú ý theo dõi diễn biến của phiên tòa xem các thủ tục tố tụng mà Bộ luật tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định có được Hội đồng xét xử (HĐXX) thực hiện đúng hay không , các quyền tố tụng của thân chủ có được bảo đảm hay không . Khi Thư ký phiên tòa báo cáo danh sách những người được triệu tập , luật sư chú ý theo dõi để biết những người nào Tòa án triệu tập đã có mặt , người nào vắng mặt , còn thiếu người nào chưa được Tòa án triệu tập để chủ động chuẩn bị sẵn ý kiến đề xuất khi chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến luật sư .

-Trong trường hợp có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa , luật sư cần căn cứ vào quy định tại Điều 290 , Điều 291 , Điều 292 , Điều 293 , Điều 294 , Điều 295 , Điều 296 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 về sự có mặt của những người tham gia tố tụng, Điều tra viên (ĐTV) và những người khác tại phiên tòa , xác định xem sự vắng mặt đó có bất lợi cho thân chủ hay không để đề xuất với HĐXX hoãn phiên tòa .

Theo quy định tại Điều 290 BLTTHS năm 2015 , bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án ; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải ; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa . Trường hợp bị cáo vắng mặt do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan , luật sư bào chữa cần đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bị cáo

Điều 291 BLTTHS năm 2015 quy định người bào chữa có nghĩa vụ tham gia phiên tòa để bào chữa cho người mà mình đã nhận bào chữa. Nếu người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa , trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa . Nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử. Vì vậy , khi có lịch phiên tòa , người bào chữa phải thu xếp công việc một cách hợp lý để tham gia phiên tòa bào chữa cho bị cáo; nếu vì lý do trở ngại khách quan không thể có mặt tại phiên tòa thì cần báo trước và đề nghị hoãn phiên tòa để Tòa án có thể quyết định hoãn phiên tòa tránh lãng phí thời gian và chi phí tổ chức phiên tòa .

- Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 BLTTHS năm 2015 mà người bào chữa vắng mặt thì HĐXX phải hoãn phiên tòa . Khi luật sư được chỉ định bào chữa phải bảo đảm có mặt tại phiên tòa làm nhiệm vụ bào chữa , tuyệt đối không được lợi dụng quy định của BLTTHS về việc hoãn phiên tòa khi vắng mặt để buộc Tòa án phải hoãn phiên tòa nhiều lần , kéo dài thời hạn xét xử và tốn kém về vật chất , lãng phí thời gian không cần thiết . Tuy nhiên , nếu người bào chữa chỉ định vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan , bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo vẫn có thể đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa và Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt người bào chữa .

Theo quy định tại Điều 292 BLTTHS năm 2015 nếu bị hại , đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp , HĐXX quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử . Trường hợp xét thấy sự vắng mặt của bị hại , đương sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại thì HĐXX có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định của pháp luật . Vì vậy , khi những người này vắng mặt thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người đó cần đánh giá xem quyết định nào của HĐXX có lợi cho thân chủ của mình ( tiếp tục xét xử , hoãn phiên tòa hay tách việc bồi thường để xét xử sau ) từ đó đề xuất HĐXX quyết định . Tuy vậy , trường hợp vắng mặt bị hại , người bảo vệ quyền lợi cho họ đề nghị hoãn phiên tòa nhưng việc hoãn phiên tòa chỉ kéo dài thời gian bị cáo bị tạm giam và việc vắng mặt bị hại cũng chỉ trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại thì luật sư bào chữa đề nghị HĐXX tách việc bồi thường để xét xử sau.

 Ví dụ 1 : Nếu tại phiên tòa vắng mặt bị hại , xét thấy sự vắng mặt này chỉ ảnh hưởng đến giải quyết bồi thường thiệt hại và có lợi cho bị cáo thì người bào chữa cho bị cáo phân tích sự vắng mặt của bị hại chỉ trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại , không ảnh hưởng gì đến việc xác định hành vi phạm tội của bị cáo , đề nghị HĐXX căn cứ Điều 292 BLTTHS năm 2015 tách việc bồi thường để xét xử sau .

Điều 293 BLTTHS năm 2015 quy định người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án . Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra (CQĐT) thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó . Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Căn cứ quy định trên, tùy từng trường hợp cụ thể khi thấy vắng mặt người làm chứng, luật sư kiểm tra lời khai của người làm chứng , đối chiếu với lời khai khác, chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án xem sự vắng mặt đó có lợi hay gây bất lợi cho thân chủ mà đề nghị hoãn phiên tòa hay vẫn tiếp tục xét xử.

 Ví dụ 2 : Người làm chứng A có lời khai buộc tội bị cáo vắng mặt. Xem xét lời khai này thấy có nhiều điểm chưa rõ và rất mâu thuẫn giữa các lần khai khác nhau, mâu thuẫn với các chứng cứ khác của vụ án thì luật sư bào chữa phân tích rõ những mâu thuẫn trong lời khai của người này ảnh hưởng tới việc xác định sự thật của vụ án, sự vắng mặt của người này sẽ cản trở hoạt động xét xử, đề nghị HĐXX quyết định dẫn giải người đó đến phiên tòa để hỏi làm rõ sự mâu thuẫn trong lời khai của họ. Nếu luật sư không đề nghị thì HĐXX sẽ công bố lời khai tại CQĐT của họ mà nội dung lời khai này buộc tội bị cáo nên rất bất lợi cho việc bào chữa . Sau khi đã đề nghị nhưng người làm chứng vẫn không thể có mặt thì luật sư đề nghị hoãn phiên tòa            

 Điều 294 BLTTHS năm 2015 quy định người giám định , người định giá tài sản tham gia phiên tòa khi được Tòa án triệu tập. Nếu người giám định , người định giá tài sản vắng mặt thì tùy trường hợp, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Điều 295 BLTTHS năm 2015 quy định người phiên dịch , người dịch thuật tham gia khi được Tòa án triệu tập . Trường hợp người phiên dịch , người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế thì HĐXX quyết định hoãn phiên tòa . Điều 296 BLTTHS năm 2015 quy định trong quá trình xét xử , khi xét thấy cần thiết , HĐXX có thể triệu tập Điều tra viên (ĐTV) , người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.

 Như vậy , theo quy định của pháp luật thì HĐXX bắt buộc phải hoãn phiên tòa trong một số trường hợp như vắng mặt Kiểm sát viên (KSV) , bị cáo , người bào chữa chỉ định còn các trường hợp khác thì HĐXX có quyền xem xét để quyết định hoãn phiên tòa hay vẫn tiến hành xét xử. Tùy vào từng vụ án, vào lợi ích của bị cáo hay của đương sự mà luật sư đề nghị hoãn phiên tòa hoặc phản đối ý kiến đề nghị hoãn phiên tòa của người khác cho phù hợp . Đối với trường hợp luật quy định vắng mặt phải hoãn phiên tòa thì luật sư chỉ cần đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa , nhưng với các trường hợp vắng mặt sẽ do HĐXX xem xét , quyết định thì luật sư cần chuẩn bị ý kiến để thuyết phục HĐXX hoãn phiên tòa hoặc tiếp tục xét xử . Đối với trường hợp trước khi xét xử , luật sư đề nghị Tòa án triệu tập ĐTV , KSV đã giải quyết vụ án đến phiên tòa mà những người này vắng mặt thì luật sư trình bày ý kiến nêu rõ sự cần thiết phải có mặt của những người này mới làm rõ được vấn đề liên quan đến vụ án như có dấu hiệu mớm cung , bức cung nhục hình khi hỏi cung và việc giải quyết khiếu nại về vấn đề đó không đúng để đề nghị HĐXX triệu tập họ đến phiên tòa .

Ví dụ 3 : Trong vụ án cố ý gây thương tích có đông người tham gia, khi vào gặp bị cáo trong trại tạm giam , bị cáo nói với luật sư bào chữa sự thật là bị cáo không sử dụng dao đâm nạn nhân mà chỉ dùng tay đấm sượt bị hại , vết thương do dao đâm trên cơ thể bị hại là do người khác đội TH thực hiện. Tuy nhiên , do bị đánh đau không chịu được nên bị cáo buộc phải nhận là đã dùng dao đâm, còn đâm như thế nào thì khai theo sự hướng dẫn của ĐTV . Sau lần đó , bị cáo không nhận dùng dao đâm nữa nhưng không được chấp nhận. Bị cáo còn được ĐTV “ chỉ ” viết bản tường trình sự việc đâm nạn nhân, chứ bị cáo trình độ văn hóa thấp không thể tự viết được bản tường trình sự việc rành rọt được như vậy. Trước khi mở phiên tòa , luật sư đã đề nghị Tòa án triệu tập ĐTV nhưng họ vắng mặt thì luật sư cần có ý kiến đề nghị HĐXX xem xét triệu tập ĐTV đến phiên tòa để làm rõ việc hỏi cung bị can.

Khi bào chữa cho bị cáo , luật sư cần theo dõi xem chủ tọa phiên tòa đã hỏi bị cáo nhận được bản cáo trạng chưa. Trường hợp bị cáo chưa nhận được bản cáo trạng thì luật sư đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa chuyển cáo trang cho bị cáo để bị cáo biết mình bị truy tố về tội gì và thực hiện quyền bào chữa của họ. Luật sư cần chú ý theo dõi xem chủ tọa phiên tòa có hỏi bị cáo nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử không, nếu có thì trong thời hạn bao nhiêu ngày. Trường hợp bị cáo nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử dưới 10 ngày thì chủ tọa phiên tòa có hỏi bị cáo xem bị cáo có đề nghị hoãn phiên tòa không. Nếu chủ tọa không hỏi là thiếu sót và luật sư cần đề nghị chủ tọa giải thích cho bị cáo rõ quyền này. Khi theo dõi chủ tọa giải thích quyền , nghĩa vụ cho bị cáo , luật sư cần chú ý xem chủ tọa phiên tòa có giới thiệu thành phần HĐXX , KSV , Thư ký Tòa án , người giám định , người định giá tài sản , người phiên dịch , người dịch thuật và hỏi bị cáo có đề nghị thay đổi những người trên hay không. Nếu bị cáo chưa được giải thích thì luật sư đề nghị chủ tọa phiên tòa giải thích để bị cáo được thực hiện quyền này. Khi thực hiện quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, luật sư đối chiếu với quy định của BLTTHS xem có căn cứ xác định người tiến hành tố tụng có vô tư trong khi làm nhiệm vụ hay không. Theo quy định tại Điều 49 BLTTHS năm 2015 , người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp :

  • Đồng thời là bị hại , đương sự ; là người đại diện , người thân thích của bị hại , đương sự hoặc của bị can , bị cáo ;
  • Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó ;
  • Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ .

Đối với căn cứ thứ nhất và thứ hai, nếu KSV, Thư ký hoặc Thẩm phán, Hội thẩm thuộc một trong các căn cứ đó thì việc đề nghị thay đổi có thể dễ dàng vì nếu đã tham gia trong vụ án với tư cách người tham gia tố tụng hoặc là người đại diện, người thân thích của người tham gia tố tụng thì người bị đề nghị thay đổi khó chối cãi. Đối với căn cứ không vô tư trong khi làm nhiệm vụ “đây là căn cứ mở” có nội dung không thật cụ thể nhưng rất rộng nên luật sư phải có tài liệu viện dẫn cùng với việc phân tích lập luận để chứng minh sự không vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Luật sư cần cân nhắc thận trọng trước khi đưa ra đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vì lý do không vô tư của họ, cần phân biệt ranh giới việc đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng của bị cáo, đương sự với yêu cầu thay đổi của luật sư .

Ví dụ 4 : Tham gia bào chữa cho bị cáo trong vụ án cố ý gây thương tích, luật sư nhận thấy Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa nhiều lần không chấp nhận yêu cầu chính đáng của bị cáo . Đặc biệt , khi đọc hồ sơ vụ án, luật sư thấy có báo cáo án do chủ tọa phiên tòa ký trong đó nêu rõ bị cáo không phạm tội cố ý gây thương tích mà phạm tội giết người. Với nhận định này của Thẩm phán cùng với việc không chấp nhận các yêu cầu chính đáng của bị cáo cho thấy Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có biểu hiện không vô tư. Quan điểm của Thẩm phán kết tội bị cáo trước khi xét xử là trái nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo quy định tại Điều 13 BLTTHS năm 2015 thì “ người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật ” . Việc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhận định bị cáo phạm tội giết người khi chưa mở phiên tòa là biểu hiện không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Tại phiên tòa , luật sư đã đề nghị thay đổi chủ tọa phiên tòa.

Trường hợp bảo vệ cho bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, nếu thấy thân chủ không được chủ tọa giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên tòa hoặc không hỏi họ có đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật thì luật sư phải đề nghị HĐXX cho họ được thực hiện các quyền đó theo quy định của pháp luật. Nếu thấy thân chủ không được hỏi xem có bổ sung tài liệu , chứng cứ , có đề nghị triệu tập thêm người làm chứng không thì luật sư đề nghị HĐXX hỏi thân chủ mình về vấn đề đó. Trường hợp có chứng cứ, tài liệu nhưng chưa cung cấp cho Tòa án thì luật sư đưa ra chứng cứ, tài liệu đó để HĐXX xem xét tại phiên tòa , tránh trường hợp ở phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, luật sư không đưa ra mà để đến phần xét hỏi mới trình bày thì có thể HĐXX không chấp nhận. Trong trường hợp nhận thấy những người làm chứng nếu nghe được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc với những người liên quan thì lời khai có thể không khách quan , cũng như trường hợp lời khai của bị cáo trong vụ án đồng phạm và người làm chứng có ảnh hưởng lẫn nhau gây bất lợi cho thân chủ thì luật sư đề nghị HĐXX cách ly người làm chứng hoặc cách ly bị cáo với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng. Khi thấy HĐXX không triệu tập người làm chứng những lời khai của người làm chứng này giúp cho việc xét xử được khách quan thì luật sư phải đề nghị HĐXX quyết định triệu tập thêm người làm chứng đến phiên tòa.

Tại phiên tòa, nếu được tiếp xúc với thân chủ là bị cáo của vụ án , luật sư sẽ có điều kiện căn dặn , thống nhất với bị cáo về những tình huống mới phát sinh , giúp bị cáo bình tĩnh , tự tin hơn . Tuy vậy , nếu không được sự đồng ý của HĐXX thì cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp sẽ không để luật sư tiếp xúc với bị cáo . Do vậy , luật sư cần đưa ra ý kiến đề nghị HĐXX cho bị cáo được tiếp xúc với mình . Trước khi kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa , chủ tọa phiên tòa thường hỏi các luật sư có ý kiến gì không. Nếu đồng ý thì trả lời luật sư không có ý kiến gì , đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc ; nếu thấy cần có ý kiến để bảo đảm quyền lợi của thân chủ thì trình bày ý kiến đề nghị HĐXX xem xét .

0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng theo dõi, đề xuất trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa của Luật sư

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.21226 sec| 978.5 kb