Kỹ năng xác định tâm lý bị hại trong vụ án hình sự

"Công lý không phải chỉ dành cho một phía, nó phải dành cho cả hai phía"

- Eleanor Roosevelt

Kỹ năng xác định tâm lý bị hại trong vụ án hình sự

Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Tùy vào tính chất và hậu quả của các hành vi phạm tội mà diễn biến tâm lý của người bị hại là khác nhau. Tâm lý của bị hại ảnh hưởng rất lớn tới việc cho lời khai và xác định sự thật khách quan của vụ án, do vậy Luật sư cần nắm bắt được các tâm lý riêng này để có biện pháp phù hợp.

Liên hệ

I- KỸ NĂNG TIẾP XÚC, TRAO ĐỔI CỦA LUẬT SƯ ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG LÀ BỊ HẠI VÀ ĐƯƠNG SỰ TROING VỤ ÁN HÌNH SỰ

Bị hại là cá nhân bị thiệt hại về tính mạng thường liên quan đến các tội danh được quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự (Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe...). Tuy nhiên, có trường hợp tội danh được quy định tại các chương khác như các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng gây ra hậu quả chết người...

Ngay sau khi bị hành vi phạm tội xâm hại, trạng thái tâm lý bị hại lúc này có nhiều bất ổn, không ổn định, tinh thần hoảng loạn, lo sợ thậm chí mất khả năng kiểm soát hành vi của mình. Trong nhiều vụ án xảy ra quá đột ngột và dã man khiến bị hại sốc và ngất, nhiều vụ án làm bị hại phát điên, thành người tâm thần như trong các vụ án hiếp dâm, cố ý gây thương tích, giết người...

Trong các vụ án xâm phạm tính mạng, được thực hiện với lỗi cố ý như vụ án giết người,... khi nạn nhân đã chết, bị hại (thường là những người thân thích, người đại diện của nạn nhân mời Luật sư). Vào thời điểm vụ án vừa mới xảy ra, nỗi đau mất người thân còn chưa kịp nguôi ngoai, họ mang trong mình nỗi bức xúc cao độ, thậm chí sự căm thù đối với người phạm tội, kẻ đã cướp đi tính mạng người thân của họ. Xuất phát từ trạng thái tâm lý như vậy nên những người đại diện cho bị hại trong các vụ án giết người thường mong muốn pháp luật phải xử lý nghiêm minh đối với người phạm tội. Thậm chí có người vì quá bức xúc còn đề nghị Luật sư phải yêu cầu các Cơ quan có thẩm quyền phải tuyên án “tử hình” kẻ phạm tội để “đền mạng" cho người thân của họ. Do đó, khi tiếp xúc, trao đổi với những người đại diện cho nạn nhân trong vụ án giết người, Luật sư cần biết lắng nghe, chia sẻ với những nỗi đau, thiệt hại mà bị hại đã phải gánh chịu, từ đó, có những lời tư vấn, khuyên nhủ, động viên có tình, có lý, đúng quy định pháp luật.

Tâm lý bức xúc của bị hại trong nhiều vụ án giết người không chỉ xuất phát từ hành vi của người phạm tội mà còn có thể xuất phát từ chính cách hành xử của phía gia đình, thân nhân người phạm tội sau khi sự việc xảy ra. Luật sư cần nắm được tâm lý này để trong trường hợp nhận bảo vệ cho bị hại hoặc đương sự có liên quan đến vụ án như trên cần có sự chia sẻ, động viên kịp thời và tư vấn chính xác cho phía gia đình khách hàng để có cách hành xử có tình, có lý, văn minh.

Trong các vụ án xâm phạm tính mạng con người, về nguyên tắc phía bị hại đã được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, có những trường hợp, bị hại mời Luật sư vì có những lý do khiến họ nghĩ rằng dường như các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc chưa khách quan, công bằng. Từ tâm lý bức xúc vì hành vi phạm tội của bị can, bị cáo đã lấy đi mạng sống của người thân, nay họ lại cảm thấy việc giải quyết có dấu hiệu thiếu khách quan, không công bằng, do đó họ cần phải mời Luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Qua tiếp xúc, trao đổi với bị hại, lắng nghe những nội dung họ trình bày, Luật sư có thể hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, lý do họ đến mời Luật sư để từ đó có sự định hướng giải quyết vụ án một cách chính xác.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

Trong vụ án hình sự liên quan đến các tội xâm phạm tính mạng, cùng với việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng còn xem xét, giải quyết cả các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, như việc bồi thường thiệt hại. Khi trao đổi với khách hàng là bị hại, Luật sư cần nắm được tâm tư, nguyện vọng của họ không chỉ về mức hình phạt đối với người phạm tội mà cả mong muốn của họ về vấn đề bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh các tội danh xâm phạm đến tính mạng con người được thực hiện với lỗi cố ý, có nhiều tội danh xâm phạm đến tính mạng người khác nhưng được thực hiện với lỗi vô ý như các tội danh vô ý làm chết người, vi phạm quy định về giao thông dẫn đến hậu quả chết người..., trong những trường hợp này, khi đến gặp Luật sư, tâm lý bị hại thường không quá bức xúc, bởi họ cũng phần nào hiểu được là người phạm tội không cố ý tước đoạt tính mạng người thân của mình, hậu quả chết người xảy ra nằm ngoài mong muốn của người phạm tội. Trong các trường hợp này, việc mời Luật sư thường nhằm mục đích để được tư vấn, hỗ trợ trong quá trình giải quyết vụ án và thường tập trung vào các yêu cầu bồi thường thiệt hại và bảo đảm vụ án được giải quyết khách quan, công bằng. Nắm được đặc điểm tâm lý này, khi nhận bào chữa, bảo vệ cho bị can, bị cáo trong các vụ án xâm phạm tính mạng được thực hiện do lỗi vô ý, Luật sư cần tư vấn, giúp khách hàng tiếp xúc với phía bị hại, từ đó để bị hại cảm thông, xin giảm nhẹ cho bị can, bị cáo.

Liên quan đến việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có hậu quả chết người, chúng ta hiểu rằng tính mạng của con người là vô giá, không thể đo được bằng tiền, nên trong một số vụ án, bị hại đưa ra yêu cầu mức bồi thường quá cao, không có cơ sở pháp lý, có bị hại do không hiểu biết pháp luật, nhưng cũng có trường hợp bị hại lợi dụng vụ án, vị thế của mình đề “làm tiền” từ phía người phạm tội. Luật sư cần nắm được tâm lý này để có hướng tư vấn cho khách hàng của mình theo đúng quy định pháp luật.

Xem thêm: Thù lao luật sư và Chi phí pháp lý tại Công ty Luật TNHH Everest.

II- KỸ NĂNG XÁC ĐỊNH TÂM LÝ BỊ HẠI TRONG GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA, TRUY TỐ VÀ CHUẨN BỊ XÉT XỬ

Ở giai đoạn này, do hành vi phạm tội của bị can vừa xảy ra, hậu quả, tâm lý còn nặng nề, theo đó, bị hại lúc này chất chứa nhiều cảm xúc, thể hiện ra rất mạnh mẽ, quyết liệt, tâm lý chung ở giai đoạn này thường là hoang mang, căm hận đạt ngưỡng đỉnh điểm hoặc cao hơn là sự xuất hiện rối loạn tâm lý khiến trạng thái tâm lý có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai báo, cung cấp đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án. Nếu bị hại ở trạng thái bức xúc, bực tức cao độ (Ví dụ: các vụ án Trộm cắp tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cướp tài sản: Cướp giật tài sản; Công nhiên chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Cố ý gây thương tích...) thì họ sẽ tích cực khai báo, hợp tác với Luật sư, với các cơ quan tiến hành tố tụng để mong muốn tìm ra kẻ phạm tội, cũng như trừng trị nghiêm người đã thực hiện hành vi phạm tội và yêu cầu họ phải bồi thường thiệt hại cho bị hại. Trái lại, với tâm lý lo sợ bị trả thù, bị ám ảnh về hành vi phạm tội man rợ, hoặc bị hại rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý... thì hầu như không có sự hợp tác hoặc hợp tác không chính xác về lời khai. Do đó gây nhiều bất lợi cho khách hàng của Luật sư. Hiểu được tâm lý này, Luật sư cần đưa ra phương án và kế hoạch bảo vệ cho khách hàng phù hợp. Nếu là Luật sư bào chữa cũng cần có phương án bào chữa làm sao để tránh gây xung đột thêm với bị hại trong những trường hợp diễn biến tâm lý xấu như trên.

- Bị hại bị thiệt hại về sức khỏe thường liên quan đến các tội danh được quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 2015 như các tội về cố ý gây thương tích gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc các tội phạm quy định trong các chương khác nhưng có hậu quả liên quan đến sức khỏe con người.

Trong các vụ án xâm phạm về sức khỏe, nếu cần mời Luật sư thì thường chính bị hại, người trực tiếp bị thiệt hại về sức khỏe do hành vi phạm tội gây ra sẽ đến mời Luật sư. Trong các vụ án xâm phạm về sức khỏe được thực hiện với lỗi cố ý, như tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, khi bị hại tìm đến với Luật sư, họ thường ở trạng thái tâm lý căng thẳng, tâm trạng đầy ấm ức, bức xúc, căm tức tột độ vì bị hành hung, đánh đập gây thương tích, theo đó họ mong muốn phải xử lý thật nghiêm người phạm tội theo đúng quy định pháp luật và được bồi thường thỏa đáng với thương tích mà họ phải gánh chịu. Tuy nhiên, diễn biến tâm lý của bị hại và đương sự thường có nhiều thay đổi theo diễn biến của tiến trình giải quyết vụ án và thái độ cũng như cách ứng xử của phía bên bị can, bị cáo đối với họ và gia đình họ. Khi sự việc mới xảy ra, tâm lý bị hại thường rất bức xúc, chỉ mong muốn xử lý hình sự thật nặng đối với người phạm tội, tuy nhiên, qua thời gian giải quyết vụ án, sự bức xúc thường giảm đi, đến khi xét xử, thường bị hại quan tâm nhiều đến vấn đề bồi thường trách nhiệm dân sự. Tùy theo địa vị tố tụng của Luật sư khi tham gia vụ án, hiểu được diễn biến tâm lý của bị hại trong các vụ án xâm phạm sức khỏe nói riêng cũng như các diễn biến tâm lý bị hại trong các vụ án hình sự khác, Luật sư có thể tư vấn, xác định phương pháp, định hướng bào chữa, cũng như bảo vệ cho khách hàng của mình hiệu quả nhất.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư giải quyết tranh chấp nhà đất (luật sư đất đai) của Công ty Luật TNHH Everest

Trong thực tiễn, có nhiều vụ án về tội cố ý gây thương tích xảy ra do lỗi của cả hai bên khi đánh nhau, cùng gây thương tích cho nhau dẫn đến cả hai bên đều bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự. Các đối tượng liên quan vừa là người phạm tội, vừa là bị hại trong cùng một vụ án. Khi được mời tham gia vụ án, Luật sư cần hiểu rõ tâm lý của các bên để có hướng bào chữa, bảo vệ có lợi nhất cho khách hàng của mình.

- Trong các bị hại là người bị thiệt hại về danh dự, nhân phẩm thường xuất hiện trong các nhóm tội được quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 2015, liên quan đến các hành vi như hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, làm nhục người khác, vu khống…

Tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị hại trong các vụ án xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, đặc biệt đối với các tội như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với người dưới 16 tuổi, dâm ô…, Luật sư cần nắm được đặc điểm tâm lý của bị hại trong các vụ án này, họ thường có thái độ sợ hãi, hoảng loạn, không tự tin, xấu hổ, không muốn nhắc lại sự việc mà họ đã trải qua, nhiều người có tâm lý không muốn người khác biết sự việc đã xảy ra với mình... Họ thường mong muốn pháp luật xử lý nghiêm khắc người phạm tội và được bồi thường thỏa đáng.

- Trường hợp bị hại bị thiệt hại về tài sản thường xuất hiện trong các tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm về sở hữu quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự năm 2015. Các tội danh trong nhóm các tội xâm phạm quyền sở hữu luôn có vai trò bị hại. Trong cuộc sống cũng như thực tiễn hành nghề Luật sư, các tội danh liên quan đến xâm phạm quyền sư hữu chiếm một tỷ lệ lớn so với các loại án khác như các tội trộm cắp tài sản, cướp, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản... Trong vụ án xâm phạm sở hữu, ví dụ như vụ án cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản... Luật sư có thể tham gia với tư cách là bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại... Dù ở bất cứ địa vị pháp lý nào, việc nhận định được tâm lý của bị hại cũng có ý nghĩa quan trọng giúp Luật sư giải quyết vụ án, bảo vệ tốt cho quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Trong trường hợp tham gia vụ án với tư cách là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại, khi tiếp xúc với bị hại, qua trao đổi hoặc nghiên cứu lời khai, đơn từ của bị hại, Luật sư có thể hiểu được tình trạng tinh thần, suy nghĩ, nguyện vọng của khách hàng mình. Các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt như các tội trộm cắp, cướp, cưỡng đoạt tài sản... thường diễn ra bất ngờ, giữa bị hại và người phạm tội không có quan hệ, mâu thuẫn với nhau nên về mặt tâm lý, sự bức xúc của bị hại đối với người phạm tội thường không cao, khi người phạm tội đã phải chịu trách nhiệm hình sự, bị hại thường cũng không quan tâm nhiều đến mức án của người phạm tội. Điều họ quan tâm nhất là thu hồi lại tài sản bị chiếm đoạt. Nắm được tâm lý này, nếu bảo vệ cho bị hại, Luật sư có thể trao đổi, tiếp xúc với người phạm tội hoặc gia đinh họ, động viên họ thực hiện việc hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hại cho bị hại để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Nếu là người bào chữa cho bị can, bị cáo, từ việc nhận định tâm lý của bị hại, Luật sư có thể tiếp xúc, trao đổi với bị hại, giúp khách hàng thực hiện việc hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hại, có thể đề nghị bị hại viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội.

Xem thêm: Về Công ty Luật TNHH Everest

III- KỸ NĂNG XÁC ĐỊNH TÂM LÝ BỊ HẠI TẠI PHIÊN TÒA XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ.

Theo diễn biến sự việc phạm tội, quá trình giải quyết vụ án, lúc này trạng thái tâm lý bị hại có nhiều thay đổi, có thể tích cực hơn mà cũng có thể tiêu cực hơn trước. Việc thay đổi trạng thái tâm lý này có nhiều yếu tố tác động, một trong những yếu tố quan trọng chính là thái độ và cách ứng xử của bị can, bị cáo đối với bị hại và gia đình bị hại trong quá trình giải quyết vụ án trên. Hiểu được diễn biến trạng thái tâm lý này Luật sư bảo vệ cho bị hại sẽ có phương hướng và kế hoạch bảo vệ thỏa đáng như yêu cầu xử kín đối với những vụ án nhạy cảm và tâm lý bị hại không ổn định; yêu cầu bồi thường thiệt hại thỏa đáng hoặc tư vấn đường lối giải quyết vụ án phù hợp. Theo đó, Luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo cũng cần hiểu và nắm được trạng thái tâm lý bị hại để có những cách thức giải quyết vụ án hiệu quả nhất.

Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về tội xâm phạm sở hữu, có nhiều vụ án, mặc dù người phạm tội đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đủ yếu tố cấu thành tội phạm, những nguyên nhân sâu xa lại xuất phát từ chính sự vi phạm pháp luật của bị hại. Khi đã xảy ra vụ việc có tính chất hình sự, trong tâm lý bị hại, về lương tâm con người, cũng sẽ có những trăn trở, suy nghĩ. Trong trường hợp này, nếu nhận bào chữa cho người phạm tội, Luật sư cần tìm hiểu bán chất, nguyên nhân vụ án, từ đó có thể tiếp xúc, trao đổi với bị hại để họ hiểu ra sự việc có lỗi của họ, từ đó có hướng xin giảm nhẹ cho người phạm tội tại phiên tòa xét xử.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, bị hại có thể là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Về nguyên tắc, bị hại là cơ quan, tổ chức không có biểu hiện “tâm lý” như đối với bị hại là cá nhân, con người cụ thể. Tuy nhiên, vì là bị hại trong vụ án hình sự nên cơ quan, tổ chức cũng là một đối tượng tham gia tố tụng trong vụ án hình sự. Việc xác định mong muốn, nguyện vọng của cơ quan, tổ chức có ý nghĩa quan trọng đối với Luật sư khi tham gia vụ án hình sự để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình. Luật sư có thể xác định “tâm lý” của bị hại là cơ quan, tổ chức qua hành vi, thái độ, nguyện vọng của người đại diện cho cơ quan, tổ chức đó khi tham gia vụ án.

Do thiệt hại đối với cơ quan, tổ chức trong vụ án hình sự chỉ về tài sản, uy tín nên thường những người có thẩm quyền, người đại diện cho bị hại là cơ quan, tổ chức cũng không quá bức xúc với hành vi của người phạm tội. Đối với họ, việc người phạm tội đã bị xử lý về hình sự là đủ, và họ thường cũng không quá quan tâm đến mức án. Điều họ quan tâm trong vụ án là việc thu hồi tài sản, bồi thường danh dự... Nắm được “tâm lý” này, Luật sư có thể giúp khách hàng của mình trong quá trình giải quyết vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng mà mình bào chữa, bảo vệ.

Luật sư Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn: Tổng hợp từ Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự (phần tự chọn) - Học viện Tư pháp và các nguồn khác.)

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.4 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng xác định tâm lý bị hại trong vụ án hình sự

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.08974 sec| 1137.648 kb