Kỹ năng của Luật sư sau khi hồ sơ vụ án được chuyển đến Tòa án phần hai

05/06/2021
Everest Law Firm
Everest Law Firm

 

Đối với các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, Luật sư cần có kỹ năng thực hiện một số thủ tục để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của bị cáo khi hồ sơ vụ án được chuyển đến Tòa án.

 

 

kế hoạch hỏi Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

 

Kỹ năng xây dựng kế hoạch thẩm vấn, dự thảo quan đến bào chữa của Luật sư dựa trên hồ sơ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

 

 

Một là, về kỹ năng xây dựng kế hoạch thẩm vấn của Luật sư dựa trên hồ sơ vụ án.

 

 

Khác với các hành vi khác bị coi là tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế rất phức tạp về đánh giá chứng cứ và khác biệt trong quan điểm buộc tội và gỡ tội. Xuyên suốt quá trình điều tra và truy tố, Luật sư là người được tham dự các buổi hỏi cung, tham gia một số hoạt động điều tra khác, tiếp cận sao chụng và nghiên cứu hồ sơ vụ án, nên về cơ bản đã hình dung được những căn cứ chính yếu, các dấu hiệu cấu thành tội phạm mà bị cáo bị truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm.

 

 

Tuy nhiên, bản thân bị cáo bị tạm giam, không có điều kiện biết được lời khai của những người khác, các kết quả xác minh, thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra, kết quả giám định tư pháp và định giá tài sản ..., đồng thời rất lo lắng không biết các tình huống phát sinh tại phiên tòa như thế nào. Đặc biệt, thực tiễn xét xử cho thấy, giữa câu hỏi của Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát với câu hỏi của Luật sư trong phần xét hỏi thường có sự khác biệt, nhiều trường hợp Hội đồng xét xử chỉ hỏi theo mệnh đề “có - không”, bị cáo không có điều kiện trình bày và làm rõ thêm nội dung quy buộc. Do đó, việc Luật sư chủ động xây dựng kế hoạch hay phương án thẩm vấn của mình và trao đổi thống nhất với bị cáo có ý nghĩa các rất quan trọng và thiết thực trong việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo.

 

 

Để xây dựng kế hoạch thẩm vấn, trước hết Luật sư cần nhận thức quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự về tranh tụng tại phiên tòa, trong đó có trình tự xét hỏi (Điều 307), cách thức đặt câu hỏi và hình dung các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa. Căn cứ theo bản Cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử, ngoài bị cáo, các đương sự, nhân chứng trong vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được triệu tập thường rất nhiều, còn có các nhân chứng, đại diện cơ quan giám định, định giá, Điều tra viên, Kiểm sát viên, nên Luật sư cần xác định nội dung, trình tự xét hỏi sau khi Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát đã hỏi. Kế hoạch thẩm vấn phải bao gồm mục tiêu, nội dung và đạt được những tiêu chí như sau:

 

 

(i) Về mục tiêu, kế hoạch thẩm vấn của Luật sư cần hướng đến việc làm rõ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, bám sát các nội dung quy buộc trong Cáo trạng và dự kiến quan điểm bào chữa theo hướng không phạm tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc thẩm vấn của Luật sư nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, nhưng không làm xấu đi tình trạng của bị cáo, đương sự khác trong vụ án; đồng thời chú ý sàng lọc để không trùng lặp với các câu hỏi của Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát và các đồng nghiệp khác.

 

 

(ii) Về phạm vi thẩm vấn, Luật sư cần nhận diện và phân loại những người cần hỏi. Ví dụ, trong vụ án vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Luật sư cần đặt câu hỏi về nhiệm vụ, quyền hạn bị cáo được giao, cơ cấu, mối quan hệ giữa các bộ phận chức năng (thẩm quyền Hội đồng quản trị, Hội đồng tín dụng, Ban điều hành, phòng khách hàng, phòng thẩm định, phòng kiểm soát rủi ro...); quy trình cho vay, quy trình thẩm định tài sản thế chấp cầm cố. Luật sư cần đặt câu hỏi với Giám định viên tư pháp về căn cứ, phương pháp, kết luận giám định; hỏi người định giá tài sản; hỏi Điều tra viên về các quyết định và hành vi tố tụng; hỏi nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Điều này có nghĩa là Luật sư cần hình dung phạm vi, diện chủ thể cần hỏi và dành phần hỏi cuối cùng đối với bị cáo mà mình nhận trách nhiệm bào chữa.

 

 

(iii) Về cách thức đặt câu hỏi, khác với cách đặt câu hỏi của Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát, Luật sư cần xây dựng các câu hỏi mang tính gợi mở nhưng không mớm cung, dụ cung, cấu trúc câu hỏi cần ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm để người được hỏi hiểu rõ và trả lời. Đối với loại câu hỏi nhằm làm rõ một tình tiết, sự kiện đã xảy ra mà người được hỏi đã khai, cần chú thích cuối câu hỏi để khi cần thiết thì trích lại số bút lục, ngày tháng đã khai ... Khi dự thảo bảng câu hỏi, có thể để trống khoảng 1/3 bên lề trái để ghi chép nội dung trả lời, các chú thích cần lưu ý.

 

 

(iv) Để thống nhất phương án thẩm vấn, Luật sư cần vào Trại tạm giam làm việc với bị cáo, rà soát từng phạm vi và nội dung thẩm vấn, dự kiến các tình huống phát sinh tại phiên tòa. Cần hiểu tâm lý của nhiều bị cáo lần đầu tiên ra Tòa thường lúng túng, lo sợ, bị nhiều áp lực căng thẳng, nên những cuộc trao đổi như thế này giúp cho bị cáo rất nhiều trong việc ứng xử bình tĩnh trước Tòa, nắm bắt được nội dung  cần trình bày.

 

 

Hai là, kỹ năng chuẩn bị quan điểm bào chữa của Luật sư

 

 

Quan điểm bào chữa (hay còn gọi là bài bào chữa, luận cứ bào chữa, lý đoán, ý kiến pháp lý ...) của Luật sư là sản phẩm quan trọng trong hoạt động tranh tụng của Luật sư, là cốt lõi, xương sống thể hiện nội dung” và tài hùng biện của Luật sư. Đối với các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, khi sự chú ý của dư luận xã hội, báo chí rất lớn, sự chuẩn bị chu đáo pháp lý bào chữa bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo lại càng phải được tiến hành một cách chu đáo, bài bản. Mặt khác, đó còn là sự đánh giá mức độ tận tâm của Luật sư trong hoạt động nghề nghiệp, là sự trông đợi của bị cáo đối với Luật sư. Trong thực tiễn, hiện chưa có một khuôn mẫu cho một bài phát biểu bào chữa của Luật sư tại phiên tòa, cũng như chưa có một hình thức bản án mẫu.

 

 

Tuy nhiên, theo một số luật sư có thâm niên trong hoạt động tranh tụng, cần phân biệt hai loại văn bản của Luật sư như sau: Loại văn bản thứ nhất mang tính chất là kiến nghị của Luật sư trong các giai đoạn tố tụng, phân tích các cơ sở pháp lý của việc khởi tố, truy tố, các văn bản liên quan tố tụng như yêu cầu điều tra bổ sung, đề nghị trưng cầu giám định, yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng.... Loại văn bản thứ hai là sự kết hợp của các nội dung kiến nghị trước phiên tòa với những vấn đề cập nhật, kết quả nghiên cứu hồ sơ. Dù là loại văn bản phát hành vào giai đoạn nào của tiến trình tố tụng, cơ cấu của văn bản thể hiện quan điểm pháp lý của Luật sư có thể được trình bày theo các đề mục sau đây:

 

 

(1) Giới thiệu về tư cách người bào chữa (theo yêu cầu của bị cáo hay chỉ định), giới thiệu về Luật sư và Văn phòng Luật sư ... ;

 

 

(2) Tóm tắt nội dung quy buộc của kết luận điều tra, cáo trạng (chỉ nêu tóm tắt về hành vi, các căn cứ pháp lý và kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng) theo hồ sơ vụ án;

 

 

(3) Bối cảnh, nguyên nhân xảy ra vụ án các yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến môi trường hoạt động hoặc tới trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp ...;

 

 

(4) Đánh giá chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án, bao gồm các chứng cứ buộc tội và gỡ tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ đối chiếu với yếu tố cấu thành tội phạm;

 

 

(5) Nhân thân của bị cáo (trong trường hợp xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự), các thành tích bản thân bị cáo và gia đình trong các thời kỳ chiến tranh và hoạt động công tác, việc khắc phục hậu quả vụ án;

 

 

(6) Kiến nghị của Luật sư, bao gồm các căn cứ pháp lý nhằm kiến nghị xem xét lại về tội danh, hình phạt, trách nhiệm dân sự ...

 

 

Để có sự thống nhất cao về điểm pháp lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo, Luật sư cần vào trại tạm giam (nếu bị cáo bị tạm giam) trao đổi những nội dung chủ yếu trong dự thảo chữa, hướng dẫn những công việc cần chuẩn bị tại phiên tòa, dự kiến những tình huống thẩm vấn và trình bày lời bào chữa bổ sung cuối cùng tại phiên tòa. Điều này hết sức quan trọng đối với các bị cáo trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, vì trong một số trường hợp, họ là những người có chức vụ, quyền hạn, lời trình bày cuối cùng của họ trước Tòa phải làm sao mang tính thuyết phục, được cảm thông từ phía Hội đồng xét xử và dư luận xã hội.

 

 

Trong quá trình chuẩn bị quan điểm bào chữa, có Luật sư quan niệm chỉ cần phát biểu trực tiếp bằng miệng tại phiên tòa, nhưng theo kinh nghiệm của nhiều Luật sư, trong điều kiện trình độ các Thư ký và phương tiện làm việc của Tòa án còn hạn chế, chắc chắn quan điểm pháp lý của Luật sư không được ghi chép một cách đầy đủ trong bản phiên tòa. Vì thế, việc thể hiện quan điểm pháp lý của Luật - bằng văn bản viết nộp trước hoặc ngay sau khi phát biểu bào chữa là phiên tòa, yêu cầu Thư ký lưu hồ sơ vụ án là một cách làm thể hiện sự cẩn trọng, có trách nhiệm, dễ dàng cho việc xem xét của Tòa án.

 

 

Ba là, dự thảo, trao đổi về lời nói cuối cùng của bị cáo

 

 

Theo trình tự xét hỏi và tranh tụng , trước khi Hội đồng xét xử bước vào phần nghị án, bị cáo được nói lời cuối cùng. Có nhiều Luật sư chưa quan tâm đến việc trao đổi, chuẩn bị trước nội dung lời nói cuối cùng của bị cáo, nên chưa thấy hết được những giá trị của lời phát biểu của bị cáo trước khi Hội đồng xét xử nghị án. Ngoài sự quan tâm của Hội đồng xét xử, thông qua lời nói cuối cùng, những người tham dự phiên tòa, dư luận báo chí cũng hiểu thêm những điều mà bị cáo muốn gửi gắm khi nói lời nói cuối cùng.

 

 

Cần chú ý trong dự thảo hay trao đổi về nội dung này, bị cáo không lặp lại những ý kiến của Luật sư hay của mình đã trình bày trước Tòa, mà nêu lên những suy nghĩ, tâm trạng chân thành nhất của mình, mong muốn Hội đồng xem xét những vấn đề gì và nêu nguyện vọng. Lời nói cuối cùng phải thể hiện được những năm tháng dằn vặt, suy nghĩ trong Trại tạm giam, đối diện với bản ản tuyên phạt của Tòa án, danh dự uy tín bị tổn thương, gia đình mất mát tình cảm; bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử xem xét thấu đáo bản chất sự thật khách quan của vụ án để tuyên mình không phạm tội hoặc thể hiện sự ăn năn, hối cải trước hành vi sai phạm của mình.

 

 

Trong một số trường hợp, Luật sư có thể chuẩn bị trước những nội dung cần trình bày, nhưng cũng có thể nêu ra những gợi ý cơ bản, để bị cáo suy nghĩ, chuẩn bị những điều cần trình bày sao cho thuyết phục và thành tâm nhất.

 

 

Bốn là, trao đổi, hướng dẫn cho bị cáo những tình huống, diễn biến tại phiên tòa, biết rõ quyền và nghĩa vụ của mình để có tng xử phù hợp

 

 

Nếu kỹ lưỡng hơn, Luật sư có thể xây dựng bảng tổng hợp chung về một số vấn đề về tố tụng và tình huống tại phiên tòa cho bị cáo. Trong đó bao gồm một số nội dung cần lưu ý về thủ tục tố tụng tại phiên tòa, dự kiến những công việc cần chuẩn bị khi ra Tòa (mang theo giấy triệu tập, căn cước công dân nếu tại ngoại), lưu ý cho bị cáo về vị trí ngồi các bị cáo do Thư ký Tòa án hướng dẫn, dặn dò bị cáo chỉ nên trao đổi tính xã giao, chào hỏi với một số bị cáo hay những người tham dự phiên tòa khi cần thiết (trừ với Luật sư bào chữa). Cần lưu ý hướng dẫn phần chủ tọa phiên tòa giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo, trong đó có quyền thay đổi các thành viên Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát, Thư ký Tòa án, xác nhận việc nhờ Luật sư bào chữa.

 

 

Luật sư cũng cần trao đổi, chuẩn bị cho bị cáo về trình tự điễn ra phiên tòa, trong đó sau phần thủ tục, trước khi bước vào phân xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát sẽ công bố bản cáo trạng; đồng thời sẽ hỏi bị cáo có ý kiến như thế nào về nội dung bản cáo trạng và tội danh Viện kiểm sát đã truy tố. Đây là một chi tiết cần hết sức chú ý, vì bị cáo phải trả lời ngắn gọn câu hỏi này, có thừa nhận hay không thừa nhận tội danh mà Viện kiểm sát truy tố. Trong trường hợp bị cáo không đồng ý với tội danh, có thể hướng dẫn bị cáo cách trả lời: “Về cáo trạng của Viện kiểm sát tôi xin đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại về tội danh và đường lối xử lý đối với tôi ...”. Luật sư cũng cần chuẩn bị trước cho bị cáo về cách thức đặt câu hỏi của Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát, các Luật sư khác, trình tự xét hỏi, tranh tụng, đối đáp.

 

 

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

 

 

 

 

 

 

 

 

  • Bài viết trong lĩnh vực pháp luật thương mại được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  • Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

 

 

Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

 

0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của Luật sư sau khi hồ sơ vụ án được chuyển đến Tòa án phần hai

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.21798 sec| 978.672 kb