Kỹ năng theo dõi , đề xuất trong phần xét hỏi của Luật sư tại phiên tòa hình sự

28/04/2021

Kỹ năng theo dõi , đề xuất trong phần xét hỏi tại phiên tòa hình sự là một trong những kỹ năng quan trọng mà Luật sư cần lưu ý rèn luyện để thực hiện trách nhiệm của mình đối với khách hàng, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong quá trình tố tụng hình sự tại và đặc biệt tại phiên tòa xét xử. 

Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

Kỹ năng theo dõi, đề xuất trong phần xét hỏi tại phiên tòa hình sự

Xét hỏi là một bước trong trình tự tranh tụng tại phiên tòa. Đây là điểm mới của BLTTHS năm 2015 ( đã nhập phần xét hỏi và phần tranh luận trong cùng thủ tục tranh tụng tại phiên tòa) . Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp , hoàn thiện thủ tục TTHS nói chung , tranh tụng trong xét xử nói riêng đã được đề ra trong nhiều Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó nhấn mạnh “ nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp” và “ việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng , nguyên đơn , bị đơn và những người có quyền , lợi ích hợp pháp để ra những bản án , quyết định đúng pháp luật , có sức thuyết phục và trong thời hạn quy định”

Với yêu cầu trên thì luật sư có vai trò quan trọng, bởi vì luật sư là một bên tranh tụng . Bằng việc tham gia tranh tụng của luật sư bào chữa, các chứng cứ buộc tội sẽ được phản biện , các chứng cứ gỡ tội cũng được đề nghị xem xét , tạo nên sự cân bằng giữa bên buộc tội và bên bào chữa, bảo đảm đâu có buộc tội thì ở đó có bào chữa. Và điều quan trọng là từ kết quả  tranh tụng, giúp cho HĐXX có điều kiện cân nhắc , đánh giá để ra bản án giải quyết vụ án được chính xác.

 Muốn tranh tụng tại phiên tòa đạt kết quả , trước hết luật sư phải có kỹ năng theo dõi diễn biến tại phiên tòa nhằm phát hiện ra những lời khai nào có lợi, lời khai nào bất lợi cho thân chủ cũng như thân chủ có được thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ của mình không, HĐXX có bảo đảm các thủ tục tố tụng tại phiên tòa không ... Từ kết quả theo dõi , luật sư đưa ra những đề xuất bảo vệ cho thân chủ .

Theo dõi diễn biến tại phiên tòa 

Theo dõi KSV công bố bản cáo trạng 

Luật sư nghe để phát hiện bản cáo trạng được công bố tại phiên tòa có đúng là cáo trạng đã có trong hồ sơ vụ án không. Nếu thấy có điểm nào khác , luật sư cần ghi lại để sau khi KSV đọc xong, luật sư có ý kiến với HĐXX yêu cầu KSV làm rõ những điểm khác đó . Nếu thấy điểm khác này là bất lợi cho thân chủ thì đề nghị hoãn phiên tòa, chuyển bản cáo trạng cho bị cáo để bị cáo biết nội dung thay đổi trong bản cáo trạng .

Ví dụ 1 : Khi nghe KSV công bố bản cáo trạng số 37/KSĐT - TA ngày 07/6/2019 của VKSND thị xã TS, tỉnh BN có nội dung :

Gia đình anh Vũ Sỹ T ( vợ là Phạm Thị T ) trú tại khu đô thị Phú Điền , phường Đồng Nguyên , thị xã TS và gia đình Đào Xuân B ( sinh năm 1967 ) trú tại khu Phố Mới , phường Đồng Nguyên , thị xã TS , tỉnh BN có quan hệ làm ăn kinh doanh với nhau từ nhiều năm nay . Do có khúc mắc trong việc vay nợ và B cho rằng vợ chồng anh T đi nói xấu vợ chồng B vay nợ nhiều sắp vỡ nợ, vì vậy khoảng 17 giờ ngày 10/9/2018, B một mình đi xe mô tô đến nhà anh T để nói chuyện . Đến nơi , B dựng xe mô tô ở vỉa hè rồi đi vào trong nhà anh T thì thấy có anh T , chị T, cháu T ( con gái anh T ), cháu Q ( cháu anh T ) và hai người giúp việc đang lau dọn nhà cửa . Tại đó , giữa B và vợ chồng anh T lời qua tiếng lại dẫn đến việc cãi chửi nhau. Lúc này, anh Phạm Văn Th ( sinh năm 1953 ) trú tại thôn Bờ Mạnh xã Hương Vỹ , huyện YT , tỉnh BG ( là anh vợ anh T ) đang trông coi công trình xây dựng cho vợ chồng anh T ở gần đó đi về nhà anh T lấy nước đá mang ra cho thợ uống. Thấy cãi nhau to tiếng , anh Phạm Văn Th hỏi anh T “ Có việc gì thế? ” . Anh T trả lời “ B nó say rượu nói lằng nhằng, không có chuyện gì đâu, bác cứ mang nước ra ngoài kia đi ”. Vì vậy , anh Phạm Văn Th cầm túi đá đi sang công trình đang xây dựng, còn B tiếp tục cãi chửi nhau với vợ chồng anh T ở trong nhà. B vớ được chiếc xô nhựa ở gần ghế sa - lông đang ngồi quăng ra giữa nền nhà. Thấy vậy anh T ra đóng cửa lại đồng thời bảo cháu T gọi điện báo cho công an phường Đồng Nguyên xuống giải quyết . B chạy ra cửa thì bị anh T đấm một cái vào má trái nhưng không gây thương tích gì. B tức quá chạy vào góc nhà bên trái rút điện thoại di động ra điện về cho vợ và Đào Văn N ( sinh năm 1969 ) trú tại khu phố Xuân Thụ, phường Đông Ngàn, thị xã TS ( em trai B ) thông báo đại ý là đến ngay nhà anh T nó đang chất tạo ở trong nhà. Thấy B điện thoại nghĩ là B gọi điện cho “ đầu gấu ” nên anh T liền đi vào trong bếp lấy một khẩu súng ngắn màu xám đen ( dạng côn ) ở góc bếp ( nơi để những đồ điện không dùng của gia đình ) đút vào túi quần bên phải đang mặc

Còn anh Phạm Văn Th sau khi mang nước đá cho thợ, do cảm thấy không yên lại quay về nhà anh T. Một lúc sau , N đi xe mô tô nhãn hiệu AIRBLADE đến đỗ ở vỉa hè nhà anh T , trong cốp xe , N mang sẵn theo 01 con dao tông màu trắng . Thấy N đến , anh T mở cửa cho N vào nhà , giữa hai bên tiếp tục xảy ra xô xát . N và anh Th du đẩy nhau , B và anh T du đẩy nhau làm B va vào vỡ 01 chiếc đôn bằng sứ của nhà anh T. Đúng lúc này đồng chí Tr ( cán bộ Công an phường Đồng Nguyên ) đến giải quyết sự việc . B liền chạy ra ngoài cửa nhặt hai viên gạch định ném vào trong nhà . Thấy vậy đồng chí Tr đã chạy ra kịp thời ngăn chặn và vứt hai viên gạch đi. Cùng lúc này Nguyễn Giang L ( sinh năm 1972 ) trú tại khu phố Xuân Thụ , phường Đông Ngàn , thị xã TS đi xe mô tô đến đỗ ở dưới lòng đường trước cửa nhà anh T. L rút ra 01 thanh tuýp sắt màu trắng dài 96cm , đường kính 2,5cm , 01 đầu vát nhọn ở trên tay quay lại đuổi anh T. Anh T sợ quá bỏ chạy vào trong khu Phú Điền. B không đuổi được anh T liên quay lại thì nhìn thấy anh Th đang đứng ở bậc thềm trước cửa nhà . Cứ thế hai tay B nắm chiếc tuýp sắt lao vào đâm về phía anh Th . Anh Th phản xạ lấy tay trái gạt đỡ và túm được vào đầu vát nhọn của tuýp sắt , vì vậy bị đầu nhọn của tuýp sắt đâm vào lòng bàn tay trái , cẳng tay trái và xước da ở mu bàn tay trái bị thương chảy máu. Sau đó, anh Th và B giằng co nhau chiếc tuýp sắt. Thấy vậy , N chạy ra xe máy của mình mở cốp xe lấy ra 01 con dao tông màu trắng bằng i - nốc do Trung Quốc sản xuất dài khoảng 53cm, rộng 4cm chạy đến chỗ B và anh Th đang giằng co nhau , cầm dao ở tay trái giơ lên chém một nhát từ trên xuống trúng vào cánh tay trái anh Th bị thương chảy máu. Thấy vậy , đồng chí Tr - Công an phường chạy đến can ngăn đẩy N ra xa và đẩy B ngã ra vỉa hè. Anh Th giằng được tuýp sắt từ tay B thì có dùng tuýp sắt vụt lại B một phát . B đưa tay phải lên đỡ thì bị trúng vào cẳng tay phải bầm tím và trúng đầu làm rách da đầu . B liền vớ lấy 01 thanh gỗ ở gần đó cầm ở một tay, một tay nhặt một viên gạch thì tiếp tục bị đồng chí Tr chạy đến giằng thanh gỗ và viên gạch ném đi. Lúc này anh T đã quay trở lại và đứng ở vỉa hè gần nhà mình. Thấy vậy , B liền chạy đến chỗ N giằng con dao tông trên tay N chạy đến chỗ anh T định chém anh T. Anh T liền thờ tay vào túi quần rút khẩu súng ngắn đút sẵn ở trong đó giơ lên trời bóp cò. Súng nổ “ đoàng ” một tiếng. Thấy vậy , B sợ không dám chém nữa . Ngay sau đó, B , N và L lên xe mô tô đi về, mọi người giải tán ai về nhà nấy. Anh Th được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa thị xã TS cấp cứu và điều trị từ ngày 10/9/2018 đến ngày 18/9/2018 thì ra viện . Tổng số tiền chi phí viện phí , thuốc men có hóa đơn hợp lệ kèm theo là 1.540.100 đồng ( Một triệu năm trăm bốn mươi nghìn một trăm đồng ) .

Tại Giấy chứng nhận thương tích số 25 ngày 20/9/2018 và Biên bản xác nhận ngày 11/10/2018 do Bệnh viện đa khoa thị xã TS cấp cho Phạm Văn Th xác nhận thương tích như sau :

-1/3 dưới mặt ngoài cánh tay trái có vết rách dài 7cm x 1cm gọn sạch chảy máu .

- 1/3 dưới mặt trong cẳng tay trái có vết rách hình vòng cung dài 6cm x 1cm lóc da gọn sạch chảy máu .

-  Gan bàn tay trái có vết rách dài 2cm x 0,5cm nham nhở , chảy máu nhiều .

-  Mu bàn tay trái có vết xước da nhỏ dài khoảng 1cm , rớm máu .

Luật sư nghe đọc bản cáo trạng tại phiên tòa nêu Giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện đa khoa thị xã TS xác nhận Phạm Văn Th có 4 vết thương nhưng bản cáo trạng trước đó chỉ xác nhận có 3 vết thương là có sự khác nhau. Luật sư đối chiếu với Giấy chứng nhận thương tích số 25 ngày 20/9/2018 của Bệnh viện đa khoa thị xã TS cấp cho Phạm Văn Th thấy toàn bộ nội dung của Giấy chứng nhận thương tích như sau :

Với nội dung của Giấy chứng nhận thương tích chỉ có 3 vết thương tại 1/3 dưới mặt ngoài cẳng tay trái, 1/3 dưới mặt trong cẳng tay trái và vết thương gan bàn tay trái, không có vết thương ở mu bàn tay trái thì bản cáo trạng đọc tại phiên tòa nêu không đúng như Giấy chứng nhận thương tích. Luật sư ghi lại điểm khác này, sau khi KSV đọc xong bản cáo trạng thì đề nghị HĐXX yêu cầu KSV giải thích về sự khác nhau đó.

Theo quy định tại Điều 306 BLTTHS năm 2015, sau khi công bố xong cáo trạng, KSV có thể trình bày ý kiến bổ sung. Luật sư chú ý nghe và ghi lại ý kiến này vì có nhiều trường hợp KSV giải thích về một điểm nào đó trong bản cáo trạng, nếu không nghe kỹ thì luật sư không nắm được để thực hiện việc bào chữa cho phù hợp . Nếu ý kiến bổ sung bất lợi cho bị cáo, luật sư phải có ý kiến đề nghị với HĐXX không chấp nhận ý kiến bổ sung đó

Theo dõi việc hỏi của HĐXX, KSV và luật sư khác

BLTTHS năm 2015 đã quy định cụ thể về quyền của chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi theo hướng chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, KSV, người bào chữa , người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi. Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ . Người giám định , người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định , định giá tài sản. Như vậy , luật sư chỉ được hỏi sau khi HĐXX , KSV đã hỏi . Để việc bào chữa , bảo vệ đạt kết quả , luật sư cần chú ý theo dõi những câu hỏi của HĐXX , KSV xem các vấn đề cần hỏi đã được hỏi hết chưa, còn vấn đề nào liên quan đến thân chủ chưa được hỏi . Theo dõi phát hiện lời khai của người tham gia tố tụng nào có lợi , lời khai nào bất lợi cho thân chủ . Theo quy định tại Điều 308 BLTTHS năm 2015 thì HĐXX , KSV chỉ được công bố những lời khai trong giai đoạn điều tra , truy tố khi thuộc một trong các trường hợp :

(i) Lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra , truy tố ;

(ii) Người được xét hỏi không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ những lời khai của mình trong giai đoạn điều tra , truy tố ;

(iii) Người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra , truy tố ;

(iv) Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết .

Do vậy nếu luật sư thấy lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa bất lợi cho thân chủ và có mâu thuẫn với lời khai tại CQĐT thì đề nghị HĐXX công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra. Trong vụ án đồng phạm, khi thấy bị cáo khác khai không đúng về hành vi, vị trí , vai trò của thân chủ cũng như lời khai của bị hại có điểm không chính xác về nguyên nhân xô sát , về hành vi cố ý gây thương tích của bị cáo hoặc công cụ, phương tiện sử dụng thực hiện tội phạm ... nhưng thấy bị cáo trực tiếp hỏi bị cáo khác, hỏi bị hại sẽ sát hơn , làm rõ hơn tình tiết khai không đúng của bị cáo khác và bị hại thì luật sư bào chữa đề nghị chủ tọa phiên tòa cho bị cáo được trực tiếp hỏi những người đó để làm rõ sự thật vụ án.

Ví dụ 2 : Trong vụ án B phạm tội cố ý gây thương tích đã nêu trên ( ví dụ 5 ), khi chủ tọa phiên tòa hỏi bị hại về việc chứng kiến sự việc tại nhà ông T. Ông Th khai “ Khi vào trong nhà , tôi thấy anh B chửi vợ chồng anh T và xông vào đấm anh T, rồi với chiếc xô nhựa ở gần ghế sa lông đánh anh T, cốc chén bị vỡ loảng xoảng. Tôi chạy vào can cũng bị B dùng tuýp sắt đâm vào tay trái làm tôi bị thương ” . Rõ ràng lời khai việc xô sát giữa B và gia đình nhà anh T không đúng như tài liệu , chứng cứ trong hồ sơ thể hiện B một mình đến nhà anh T đòi nợ thì bị cả nhà anh T đánh, khóa cửa lại và rất khó khăn mới chạy được ra ngoài. Còn bị hại Th không trực tiếp chứng kiến việc xảy ra xô sát lúc ban đầu, nhưng lại khai như mình đã trực tiếp chứng kiến việc cãi chửi nhau giữa hai bên và đổ hết lỗi cho B. Trong trường hợp này sự việc xô sát diễn ra như thế nào , có những ai tham gia thì B là người biết rõ hơn cả nên luật sư đề nghị chủ tọa phiên tòa cho B có thể hỏi bị hại để làm rõ sự việc xô sát và nguyên nhân dẫn đến việc Th bị thương .

Theo dõi xét hỏi , nếu thấy lời khai của những người tham gia tố tụng có mâu thuẫn gây bất lợi cho thân chủ hoặc mâu thuẫn với lời khai của thân chủ nhưng trong giai đoạn điều tra chưa được tiến hành đổi chất thì luật sư đề nghị HĐXX cho người có lời khai mâu thuẫn đối chất để làm sáng tỏ những điểm còn mâu thuẫn phục vụ cho việc bào chữa, bảo vệ .

Ví dụ 3  : Vụ án mua bán trái phép chất ma túy tại quận HK , thành phố HN.

Vào hồi 17 giờ 45 phút ngày 25/10/2017 , hai tên Trần Văn N và Nguyễn Nhật V là đối tượng nghiện ma túy đã tới nhà Nguyễn Thị T mua hê-rô-in. Khi tới nhà T chỉ có mình T ở nhà , V đã đưa 50.000 đồng cho T mua 02 gói  hê-rô - in . Số thuốc he - rô - in T bán cho N và V cất giấu trên bờ tường vào nhà T. Sau khi có thuốc , N và V vào buồng ngủ nhà T ngồi định hút thì vừa lúc cảnh sát hình sự công an quận HK ập tới bắt giữ cùng số ma túy trong người N , V. Khi bị bắt Trần Văn N và Nguyễn Nhật V , Nguyễn Thị T không có nhà, lúc đang lập biên bản bắt thì T mới về. Tại CQĐT , N và V khai nhận số ma túy trong người là vừa mua của Nguyễn Thị T để hút . Trước đó , cả 2 đã nhiều lần tới nhà T cầm đồ tài sản đổi lấy hê - rô - in hút . Kết quả giám định : 3 gói bột màu trắng có niên phong và chữ ký của Nguyễn Thị T gửi tới giám định là bột hê - rô - in có trọng lượng 0,1298 gam , 3 mảnh giấy có màu sáng bạc có vết cháy đen gửi giám định có tìm thấy vết của hê - rô - in.

Nguyễn Thị T không khai nhận hành vi bán ma túy cho Trần Văn N và Nguyễn Nhật V. Căn cứ tài liệu trong hồ sơ, VKSND quận HK Đà truy tố bị can Nguyễn Thị T về tội mua bán trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 251 BLHS năm 2015 và tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 255 BLHS năm 2015 .  

Tại phiên tòa , Trần Văn N vắng mặt , Nguyễn Thị T vẫn giữ nguyên lời khai khẳng định không bán 3 gói hê - rô - in cho N và V, còn V khai cùng với N đến nhà T cầm đồ sau đó N mua ma túy và 2 người xuống phòng chờ tắm giặt nhà T để hút .

 Lời khai của V có nhiều điểm mâu thuẫn với lời khai trước đó và lời khai của T. Trong giai đoạn điều tra , luật sư đã đề nghị cho T đối chất với N và V nhưng chưa được chấp nhận. Tại phiên tòa , luật sư tiếp tục đề nghị cho T đối chất với V và được HĐXX chấp nhận . Kết quả đối chất , T giữ nguyên lời khai còn V khai chỉ đi cùng N rồi vào phòng chỗ thuê tắm giặt nhà T để hút hê - rô - in . Sự thực việc N mua ma túy thế nào V không biết . Sở dĩ V khai mua ma túy của T là vì N cầm xe cho T thì hai bên có mâu thuẫn. Chính vì thế , N mới tìm cách rủ V xuống nhà T để xem sao. Sau khi đến, T không có nhà . Tranh thủ lúc ngồi đợi T, V và N cùng hút hê - rô - in . N đưa cho V một gói và bỏ một gói ra để hút . Vừa lúc đó thì công an đến bắt . Sau khi bị bắt tại nhà T , trên đường về , N bảo với V “ tao khai thế nào thì mày phải khai theo như thế ” nên V mới khai như N khai là mua ma túy của T.

Luật sư tiếp tục hỏi làm rõ sự thực về nguồn gốc 3 gói hê - rô - in thu được ở nhà T và sử dụng lời khai đối chất tại phiên tòa của V để bào chữa cho T.

Trong trường hợp lời khai tại phiên tòa có nhiều tình tiết mâu thuẫn về địa điểm xảy ra tội phạm, về vật chứng không đưa tới phiên tòa được nhưng HĐXX không tiến hành xem xét tại chỗ thì luật sư đề nghị HĐXX xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa hoặc xem xét nơi xảy ra tội phạm.

 Trường hợp trong hồ sơ vụ án có nhận xét của cơ quan, tổ chức về những tình tiết vụ án , về quá trình công tác của bị cáo nhưng đại diện cơ quan , tổ chức vắng mặt mà HĐXX không công bố nhận xét đó thì luật sư đề nghị HĐXX công bố nhận xét của cơ quan , tổ chức .

 Khi tham gia phiên tòa , dù là bị cáo hay bị hại thì thường họ hay bị áp lực và mất bình tĩnh bởi những câu hỏi dồn dập mang tính áp đặt của KSV , các thành viên HĐXX và cả luật sư phía đối lập nên khó có thể trả lời câu hỏi một cách chính xác. Có những trường hợp KSV đặt những câu hỏi phiến diện , thiếu khách quan , đặt câu hỏi gợi ý hướng bị cáo khai nhận tội hoặc có hiện tượng bức cung, hỏi dồn dập không cho bị cáo có thời gian suy nghĩ trả lời hoặc phát hiện những vi phạm thủ tục tố tụng khác xâm phạm đến nhân phẩm , danh dự của thân chủ ... Đối với những trường hợp này , luật sư cần có ý kiến phản đối việc KSV hay HĐXX đặt ra những câu hỏi như vậy . Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo tâm lý ổn định và sự bình tĩnh cho bị cáo , nhất là những bị cáo là người dưới 18 tuổi . Việc xét hỏi bị cáo là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa phải theo quy định của BLTTHS và phù hợp với lứa tuổi , mức độ phát triển của bị cáo .

0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng theo dõi , đề xuất trong phần xét hỏi của Luật sư tại phiên tòa hình sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Bình luận
X
0.15728 sec| 861.945 kb