Nguyên tắc suy đoán vô tội? Nội dung, ý nghĩa của nguyên tắc này?

03/12/2022
Suy đoán vô tội là một nguyên tắc lâu đời và có vai trò đặc biệt quan trọng trong tố tụng hình sự, là kết quả của quá trình đấu tranh bảo vệ quyền con người của nhân loại. Tại Việt Nam, nguyên tắc này đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Hoàn thiện pháp luật về nguyên tắc suy đoán vô tội là nhu cầu tất yếu đặt ra cho Việt Nam trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, vì vậy nghiên cứu về nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng trong khoa học và thực tiễn lập pháp.

1- khái niệm nguyên tắc suy đoán vô tội

Suy đoán vô tội là quyền được giả định vô tội, theo đó, người bị cáo buộc thực hiện một tội phạm được coi là không có tội cho đến khi cơ quan công tố thuyết phục được Tòa án rằng bị cáo đã phạm tội.

Nguyên tắc suy đoán vô tội là những phương châm, định hướng quan trọng phải tuân theo trong TTHS. Theo đó, một người bị buộc tội được coi là không có tội cho tới khi tội phạm của họ được chứng minh theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

2- Nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội

Điều 13 BLTTHS năm 2015 quy định:“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Như vậy, khi chưa được chứng minh theo trình tự, thủ tục do luật quy định, chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội phải được coi là người không có tội. Do không được coi là người có tội nên các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được đối xử với người bị buộc tội như người có tội, kể cả trường hợp họ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất như tạm giam.

Trong giai đoạn xét xử nếu không đủ căn cứ để xác định bị cáo có tội thì hội đồng xét xử ra bản án tuyên bố bị cáo không có tội. Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự cũng cho thấy khuynh hướng nhìn nhận người bị buộc tội như là người có tội, dù lỗi của họ chưa được chứng minh. Trong tâm lý học, khuynh hướng này được coi là khuynh hướng buộc tội, còn trong khoa học pháp lý thì coi đó là "suy đoán có tội". Nguyên nhân dẫn đến tình trạng oan, sai thường xuất phát từ khuynh hướng này. Suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc điển hình của tố tụng tranh tụng.

Từ phân tích trên, Điều 13 BLTTHS năm 2015 quy định nguyên tắc này với nội dung được thể hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi tội của họ được chứng minh theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định và có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Nguyên tắc này khẳng định chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền phán quyết, xác định một người có tội bằng bản án kết tội có hiệu lực pháp luật. Chừng nào chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì người bị buộc tội vẫn là người vô tội. Nói cách khác, thời gian suy đoán vô tội của người bị buộc tội là từ thời điểm Viện kiểm sát buộc tội đến thời điểm bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có thể là bản án sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm. Các cơ quan tố tụng một mặt phải đối xử với họ như người không có tội, mặt khác, phải tạo mọi điều kiện để người bị buộc tội thực hiện quyền bào chữa và các quyền tố tụng khác.

Thứ hai, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục luật định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội. Mọi nghi ngờ trong quá trình tố tụng đều phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.

Để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội, trên cơ sở đó truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được người bị buộc tội là người thực hiện hành vi phạm tội nào đó được quy định trong Bộ luật hình sự. Nếu không chứng minh được một người đã thực hiện tội phạm thì không thể kết tội người đó. Trong giai đoạn điều tra, tuy tố nếu không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm mà thời hạn điều tra đã hết thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 230 và Điều 248 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Trong giai đoạn xét xử nếu không đủ căn cứ để xác định bị cáo có tội thì Hội đồng xét xử ra bản án tuyên bố bị cáo vô tội.

3- Ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội

Một là, giúp hoạt động chứng minh được thực hiến đúng pháp luật

Suy đoán vô tội là một nguyên tắc có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án nói chung và quá trình chứng minh nói riêng; giúp hoạt động chứng minh được thực hiện đúng quy định pháp luật, theo trình tự thủ tục nhất định và loại trừ những yếu tố, vấn đề còn nghi ngờ về hành vi phạm tội.

Các quy định liên quan đến nguyên tắc suy đoán vô tội được thể hiện trong các giai đoạn tố tụng hình sự, tạo thành hệ thống các quy phạm ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội, bôi lẽ: việc ghi nhận quyền chứng minh của người bị buộc tội sẽ đảm bảo sự cân bằng trong hoạt động tố tụng hình sự giữa một bên là nhà nước với bộ máy điều tra, truy tố xét xử hùng mạnh được thực hiện bằng quyền lực nhà nước vói một bên yếu thế hơn là người bị buộc tội. Đảm bảo người bị buộc tội không bị phần biệt đối xử khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án và là nhân tố phát triển tính đúng đắn của lĩnh vực tố tụng hình sự.

Hai là, tạo thành một hành lang pháp lý trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể tố tụng

Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng mang ý nghĩa định hướng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật tố tụng hình sự; tạo ra một hành lang pháp lý trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể tố tụng, duy trì trật tự và tạo điều kiện cho việc phát huy, bảo đảm các quyền cá nhân, sự công bằng, khách quan. Không chỉ là quyền của người bị buộc tội và nghĩa vụ của bên buộc tội, suy đoán vô tội còn phù hợp với quy luật của nhận thức trong tố tụng hình sự: một người luôn vô tội khi nhà nước không chỉ ra được những bằng chứng chống lại điều này và chứng minh được họ có tội. Như là một điều luật bảo vệ bên yếu thế, chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía công quyền, nguyên tắc suy đoán vô tội bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm: cơ quan tư pháp, điều tra có trách nhiệm phải tìm được bằng chứng chứng minh vô tội song song với việc tìm bằng chứng chứng minh có tội. Đề cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trước số phận chính trị, danh dự, nhân phẩm và quyền lợi của công dân, nguyên tắc suy đoán vô tội là “lá chắn thép" bảo vệ quyền của người bi tình nghi, bị can, bị cáo, phòng chống oan sai - yếu tố căn bản, thể hiện rõ nhất việc tôn trọng và bảo vệ các giá trị cao quý của con người.

Ba là, suy đoán vô tội có nội dung quan trọng và trọng tâm là bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phản ánh bản chất nhân văn, nhân đạo của pháp luật dân chủ và pháp quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, loại trừ việc buộc tội và kết án thiếu căn cứ.

 

 

0 bình luận, đánh giá về Nguyên tắc suy đoán vô tội? Nội dung, ý nghĩa của nguyên tắc này?

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Bình luận
X
0.12002 sec| 818.078 kb