Tranh chấp tại Happy Star Tower (Hà Nội): Bản án trái luật, trái lẽ công bằng

"Công lý là lương tâm, không phải lương tâm cá nhân mà là lương tâm của toàn bộ nhân loại. Những ai nhận thức rõ ràng giọng nói của lương tâm chính mình thường cũng nhận ra giọng nói của công lý".

- Alekxandr Solzhenitsyn, Nhà văn Nga

Tranh chấp tại Happy Star Tower (Hà Nội): Bản án trái luật, trái lẽ công bằng

Dự án Happy Star Tower do Công ty TNHH Vintep Hà Nội, gọi tắt: Vintep Hà Nội, làm Chủ đầu tư có rất nhiều sai phạm, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Các cơ quan báo chí đã có nhiều bài viết phản ánh các sai phạm của Dự án này từ năm 2017.

Thế nhưng, Bản án dân sự sơ thẩm số 169/2022/DS-ST ngày 22 và 23/9/2022 của Tòa án nhân dân quận Long Biên, "tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ", giữa Vintep Hà Nội (nguyên đơn) và bà Phạm Thị Nguyệt Nga (bị đơn, khách hàng mua căn hộ), phán quyết Vintep Hà Nội (nguyên đơn) hoàn toàn không có lỗi. Bà Phạm Thị Nguyệt Nga (bị đơn) cho rằng, phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm không chỉ trái luật, mà còn trái với lẽ công bằng.

Liên hệ

 

TRANH CHẤP TẠI DỰ ÁN HAPPY STAR TOWER ĐÃ DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO:

Nguyên đơn trong vụ án "tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ" Công ty TNHH Vintep Hà Nội, mã số doanh nghiệp: 0105846495; đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Thanh Nam - giám đốc ("Vintep Hà Nội") là Chủ đầu tư Dự án Nhà chung cư tại ô đất số No10 khu tái định cư phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội (Dự án "Happy Star Tower"). Bị đơn trong vụ án này là bà Phạm Thị Nguyệt Nga, khách hàng mua căn hộ số Căn hộ số 12BD01 tại Dự án Happy Star Tower.

Ngày 17/09/2016, Vintep Hà Nội đã bán cho bà Phạm Thị Nguyệt Nga 01 căn hộ tại tầng 12B, có diện tích 77m2 tại Dự án Happy Star Tower, với tổng giá trị hợp đồng 1.547.315.000 đồng, theo Hợp đồng mua bán chung cư số 12BD01/VINTEP/MBKH. 

Ngày 08/6/2016, tức là trước khi ký Hợp đồng mua bán chung cư số 12BD01/VINTEP/MBKH, bà Phạm Thị Nguyệt Nga đã chuyển cho Vintep Hà Nội số tiền 464.194.500 đồng (tiền mua nhà đợt 1). 

Tuy nhiên, khoảng tháng 4/2017 - thời điểm Vintep Hà Nội bắt đầu bàn giao căn hộ - nhiều khách hàng mua nhà tại Dự án Happy Star Tower nhận thấy, chất lượng căn hộ không đảm bảo như hợp đồng mua bán căn hộ đã ký. Tiếp tục tìm hiểu, nhiều khách hàng phát hiện ra, Dự án còn vướng các vấn đề về pháp lý: như chưa có nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, chưa có nghiệm thu chất lượng công trình. Nghĩa là về pháp lý, Chủ đầu tư (Vintep Hà Nội) chưa đủ điều kiện để bàn giao nhà cho khách hàng. Mâu thuẫn giữa Chủ đầu tư và khách hàng bắt đầu phát sinh.

Khi biết được thông tin này, bà Phạm Thị Nguyệt Nga đã liên lạc với Vintep Hà Nội yêu cầu hủy hợp đồng và lấy lại số tiền (464.194.500 đồng) đã đóng. Để giảm bớt bức xúc của khách hàng, đồng thời để tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng, Vintep Hà Nội đã đồng ý cho bà Phạm Thị Nguyệt Nga nhận nhà nhưng tạm thời chưa phải thanh toán số tiền còn lại theo hợp đồng  mua bán căn hộ. Vì lỡ mua nhà và không muốn tranh chấp kéo dài, bà Phạm Thị Nguyệt Nga đồng ý với đề xuất này của Vintep Hà Nội. Ngày 14/4/2017, Vintep Hà Nội đã bàn giao căn hộ Căn hộ số 12BD01 cho bà Phạm Thị Nguyệt Nga.

Theo bà Phạm Thị Nguyệt Nga, tại Dự án Tòa chung cư Happy Star, trường hợp của bà Phạm Thị Nguyệt Nga không phải là cá biệt. Nhiều khách hàng khác mua nhà tại Dự án Happy Star Tower không đồng ý thanh toán cho Chủ đầu tư. Vintep Hà Nội vẫn chấp nhận bàn giao nhà như là giải pháp giảm bớt phản ứng gay gắt từ khách hàng (Danh sách do Vintep Hà Nội lập ngày 05/5/2020 còn khoảng 20 khách hàng chưa nộp tiền, tổng số tiền là 7.004.965.000 đồng). 

Tuy nhiên sau thời điểm này, mâu thuẫn giữa Chủ đầu tư và khách hàng mua căn hộ tại Happy Star Tower ngày càng trầm trọng hơn. Theo bà Phạm Thị Nguyệt Nga, nguyên nhân chính của mâu thuẫn là Chủ đầu tư (Vintep Hà Nội) không khắc phục các vi phạm, không có thiện chí giải quyết các vướng mắc với khách hàng. 

Ngày 03/7/2019, với lý do bà Phạm Thị Nguyệt Nga vi phạm nghĩa vụ thanh toán, Vintep Hà Nội ra Thông báo số 74A/VINTEP đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán căn hộ với bà Phạm Thị Nguyệt Nga, căn cứ các điều khoản về Chấm dứt hợp đồng mua bán căn hộ (Điều 12.1), đồng thời yêu cầu bà Phạm Thị Nguyệt Nga hoàn trả lại nguyên trạng căn hộ như khi nhận bàn giao, nộp các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng. Tổng số tiền Vintep Hà Nội yêu cầu bà Phạm Thị Nguyệt Nga phải thanh toán (được ghi nhận trong Bản án số 169/2022/DS-ST) là 699.543.501 đồng.

Bà Phạm Thị Nguyệt Nga cho rằng, sự thiếu thiện chí của Vintep thể hiện ở chỗ, mặc dù Hợp đồng mua bán chung cư số 12BD01/VINTEP/MBKH đã ghi nhận: "trong trường hợp hợp các bên có tranh chấp về các nội dung của hợp đồng này thì hai bên cùng bàn bạc, giải quyết thông qua thương lượng" (Điều 18). Thế nhưng trong suốt 05 năm (2017-2022), mặc dù bà Phạm Thị Nguyệt Nga gửi rất nhiều đơn, thư, đề nghị làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Thanh Nam - giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Vintep Hà Nội (ông này sinh sống tại một căn hộ Dự án Happy Star Tower), nhưng không bao giờ được chấp thuận. Bà Phạm Thị Nguyệt Nga đã nhờ UBND phường Giang Biên làm trung gian, nhưng Vintep Hà Nội đều thể hiện quan diểm không hòa giải. Vintep Hà Nội thậm chí còn chưa có biên bản làm việc nào với bà Phạm Thị Nguyệt Nga.

Ngày 04/01/2021, Tòa án nhân dân quận Long Biên thụ lý vụ án tranh chấp Hợp đồng mua bán căn hộ giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Vintep (chủ đầu tư) và bị đơn (khách hàng) bà Phạm Thị Nguyệt Nga. Đối tượng tranh chấp là Hợp đồng mua bán căn hộ số 12BD01/VINTEP/MBKH.

Các ngày 22 và 23/09/2022, Tòa án nhân dân quận Long Biên, thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ”. Bản án số 169/2022/DS-ST, phán quyết: lỗi để xảy ra tranh chấp hoàn toàn do bị đơn (bà Phạm Thị Nguyệt Nga) từ đó chấp thuận hầu hết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (Vintep Hà Nội), từ đó buộc bị đơn phải buộc bị đơn phải trả lại căn hộ chung cư. Ngoài số tiền đã nộp mua căn hộ 12BD01 là 464.194.500 đồng không được hoàn trả lại, bà Phạm Thị Nguyệt Nga còn phải trả thêm cho Vintep Hà Nội số tiền: 222.583.652 đồng.

Không chấp nhận phán quyết Trái luậtTrái Lẽ công bằng, bà Phạm Thị Nguyệt Nga đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Long Biên.

VINTEP HÀ NỘI ĐÃ LỪA DỐI KHÁCH HÀNG NHƯ THẾ NÀO:

Nếu nhập các từ khóa: "Vintep lừa đảo", "Happy Star Tower", Google sẽ cho kết quả hàng chục bài viết từ các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, như Báo Nhân dân, Báo Tiền phong, Báo Doanh nhân, Báo diện tử VOV, Báo giao thông, Báo Dân việt, Tạp chí điện tử đầu tư tài chính, Thời báo Ngân hàng...  phản ánh các sai phạm của Vintep Hà Nội tại Dự án Happy Star Tower.  Chúng tôi trích dẫn nội dung một số bài viết tiêu biểu:

1- Báo điện tử Dân việt ngày 17/5/2017:

"Chủ đầu tư đã gửi thông báo yêu cầu cư dân thanh toán tiền mua căn hộ lần 4 (tương đương 25% giá trị hợp đồng) - nâng tổng số tiền khách hàng phải đóng lên 95% tổng giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, Chủ đầu tư lại không làm thủ tục và biên bản bàn giao chính thức căn hộ cho các hộ dân (?). Điều này, theo người dân, đã vi phạm các Quy định hiện hành và vi phạm chính hợp đồng mua bán căn hộ đã đã ký kết giữa Chủ đầu tư và cư dân.

Theo người dân, chất lượng thi công công trình không đảm bảo. Hệ thống nước rò rỉ gây ngập úng cục bộ trong tầng hầm lâu ngày nhưng không được Chủ đầu tư xử lý. Tường xây công trình không đảm bảo, có hiện tượng nứt tường ngang, dọc ở hầu hết các căn hộ. Có những vị trí tường được nhét xốp, nilon, giấy… đã bị người dân phát hiện khi sửa chữa.

Việc không có biên bản bàn giao chính thức căn hộ khiến cho người dân gặp nhiều phiền phức như không đủ điều kiện để làm thủ tục đăng ký tạm trú tạm vắng với địa phương; không đủ điều kiện ký hợp đồng sử dụng điện nước sinh hoạt với các nhà cung cấp, phải sử dụng điện nước với giá sản xuất rất cao (giá nước xấp xỉ 24.000 đồng/m3 trong khi chất lượng nước không đảm bảo)...

Nghiêm trọng hơn, sau khi chuyển về sinh sống, các hộ dân mới tá hỏa phát hiện công trình tòa nhà chưa được nghiệm thu mà đã đưa vào hoạt động. Căn cứ hợp đồng mua bán căn hộ, đến ngày 15.3.2017 (± 90 ngày), Chủ đầu tư phải bàn giao và hoàn thiện các hạng mục trong tòa nhà cho người dân. Tuy nhiên, đến nay Chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các hạng mục trong tòa nhà trong đó có hạng mục về PCCC.

Thay vì mang lại "hạnh phúc" cho cư dân, Happy Star Tower... đẩy khách hàng vào cảnh khổ:

Đơn cử, thi công hệ thống thông gió, vách ngăn chống cháy, hút khói tầng hầm không đúng theo thiết kế được Cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt. Dù đã bị Cơ quan Cảnh sát PCCC xử lý vi phạm hành chính nhưng Chủ đầu tư vẫn không tổ chức hoàn thiện các tồn tại của hệ thống để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống tại tòa nhà. Thậm chí, Chủ đầu tư vẫn tiếp tục tổ chức bàn giao các căn hộ còn lại cho người dân về sinh sống.

Chưa hết, Chủ đầu tư cũng như đơn vị phân phối (Công ty Hội quán Bất động sản) còn bị tố lừa dối khách hàng với các thông tin quảng cáo về những tiện ích của Dự án không đúng sự thật. Điển hình, những tiện ích như hạng mục Sky Garden (hơn 1.000 m2) trên tầng thượng được bố trí là những không gian cafe, khu vui chơi cho trẻ em; hay sân tennis, đài phun nước cổng chính, Khu vui chơi trẻ em đều... chưa thấy đâu dù Dự án đã bàn giao".

2- Báo Xây dựng điện tử ngày 06/8/2018:

"Muôn chiêu “thổi phồng” dự án: ... Điển hình trong số đó là việc hàng trăm cư dân tại Dự án Happy Star Tower (phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) tố Chủ đầu tư là Công ty TNHH Vintep Hà Nội đã có nhiều sai phạm, quảng cáo một đằng, thực hiện một nẻo.

Chị Lê Thị Đào - Người mua nhà tại dự án cho biết: “Chủ đầu tư Vintep Hà Nội quảng cáo rầm rộ về việc đầu tư cả chục tỷ đồng làm khu vườn trên sân thượng tòa nhà, gồm có hệ thống vui chơi, giải trí, ăn uống… nhưng đến nay khu vực sân thượng vẫn trống huơ trống hoác”.

“Chủ đầu tư từng quảng cáo, điểm khác biệt và nổi bật nhất của tòa nhà này là có Sky Garden trên nóc, bao gồm khu sân chơi trẻ em, vườn nướng BBQ và các quán cafe… Vì tiện ích nổi bật đó, nhiều người đã quyết định mua nhà tại đây, mặc dù tiện ích này đã ảnh hưởng rất lớn đến giá thành. Nhưng đến thời điểm này, trên nóc nhà chỉ có chuột bọ, mái tôn, nước ngấm ẩm thấp, chứ hoàn toàn không có các tiện ích như đã quảng cáo. Ngoài ra, sân bóng rổ, sân tennis, khu vui chơi chung, camera an ninh 24/24 cũng chẳng thấy đâu...".

3- Báo điện tử VOV ngày 13/3/2019:

"Trước hàng loạt ý kiến bức xúc của cư dân, ông Nguyễn Thanh Nam - Giám đốc Công ty TNHH Vintep Hà Nội, Chủ đầu tư Dự án Happy Star Tower cho rằng, liên quan đến các căn nhà nứt tường do mấy năm trước Bộ Xây dựng đã yêu cầu đưa gạch nhẹ vào xây, nếu không sẽ bị phạt, nên chủ đầu tư phải theo. Do gạch nhẹ có độ co dãn nên tạo ra các khe hở, cần thời gian để xử lý

Về việc Chủ đầu tư chưa bàn giao "sổ hồng" cho cư dân, ông Nam cho hay, chủ đầu tư đã cho Ban quản lý đi làm đăng ký tạm trú, tạm vắng, hồ sơ cho các hộ dân. Khoảng 01 đến 02 tuần nữa, chủ đầu tư sẽ bàn giao "sổ hồng" cho các hộ dân đợt đầu tiên, khoảng 20 hộ.

Về phí dịch vụ tại Dự án Happy Star Tower - Giang Biên, theo hợp đồng hai bên ký kết năm đầu tiên tạm tính là 5.000 đồng/m2, sau đó thành lập ban quản trị sẽ tính lại. Sau hơn 02 năm người dân về ở, Chủ đầu tư vẫn thu phí dịch vụ và chưa thành lập Ban quản trị.

Về vấn đề này, ông Nam lý giải, việc thu phí dịch vụ tạm tính của các hộ dân dựa trên hợp đồng ký kết. Sau khi hoàn thiện các hồ sơ phòng cháy chữa cháy, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng kiểm tra công trình… thì tháng 6/2018 công trình được nghiệm thu. Tới nay, chưa hết thời hạn 12 tháng để thành lập Ban quản trị như quy định, chủ đầu tư sẽ xúc tiến tổ chức Hội nghị cư dân sớm. 

Việc cư dân về ở từ tháng 01/2017, nhưng chủ đầu tư lại tính công trình đưa vào từ tháng 06/2018? Ông Nam cho biết: “đưa cư dân vào ở trước là lỗi sai của Chủ đầu tư do vội vàng! Cơ quan quản lý đã xử phạt rồi”. Còn về những công trình tiện ích như sân tennis, vườn nướng trên cao… ông Nam cho rằng không có trong thiết kế được phê duyệt và cấp phép của toà nhà, “do các đơn vị bán hàng quảng cáo quá”.

Việc cư dân vào ở từ năm 2017 nhưng tới tháng 6/2018 Dự án Happy Star - Giang Biên mới được nghiệm thu, bà Đặng Thuý Vân, Chủ tịch UBND phường Giang Biên cho biết, “thời điểm hộ dân vào ở năm 2017 phường đã yêu cầu các hộ dân phải chuyển ra”.

Tuy nhiên, sau yêu cầu mang tính hình thức của UBND phường Giang Biên, không có hộ dân nào chuyển ra và mâu thuẫn liên tục nảy sinh từ năm 2017 tới nay, đỉnh điểm là việc Chủ đầu tư cắt điện và nước của 03 hộ dân cuối tháng 2/2019.

Mâu thuẫn tại Dự án Happy Star - Giang Biên tiếp tục bộ lộ nhiều vấn đề: Việc xác định cư dân vào ở theo thực tế là tháng 01/2017 hay tháng 06/2018 khi Chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục? Đây là yếu tố để xem xét Chủ đầu tư có chậm trong việc thành lập Ban quản trị hay không? Chất lượng xây dựng, diện tích căn hộ, minh bạch phí dịch vụ, quỹ bảo trì… là các vấn đề cần được các cơ quan quản lý nhà nước làm rõ".

CĂN CỨ PHÁP LÝ CHO KHÁNG CÁO CỦA BỊ ĐƠN:

1- Vintep Hà Nội vi phạm nghĩa vụ bàn giao căn hộ:

Luật Xây dựng quy định về bàn giao công trình xây dựng: "Việc bàn giao công trình xây dựng phải tuân thủ các quy định sau: (a) Đã thực hiện nghiệm thu công trình xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng; (b) Bảo đảm an toàn trong vận hành, khai thác khi đưa công trình vào sử dụng" (Khoản 1 Điều 124).

Nghị định số 46/2015/NĐ-CP quy định về nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng: "Điều kiện để nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng: (a) Các công việc xây dựng đã thực hiện được nghiệm thu theo quy định tại Điều 27, Điều 30 Nghị định này. Kết quả thí nghiệm, kiểm tra, chạy thử đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của thiết kế xây dựng; (b) Không còn tồn tại lớn về chất lượng thi công xây dựng làm ảnh hưởng đến an toàn khai thác, sử dụng công trình; (c) Được cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ra văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; được cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan, nếu có" (Khoản 2 Điều 31).

Căn cứ quy định viện dẫn trên, Vintep Hà Nội vi phạm về điều kiện bàn giao công trình - chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình tại thời điểm bàn giao, cụ thể là Chủ đầu tư không được bàn giao căn hộ khi chưa có Xác nhận Nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy và Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình.

Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 30/8/2017 Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội mới có Xác nhận số 322/NT-PCCC-P3 "Nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy", ngày 14/6/2018 Cục thẩm định Nhà nước về chất lượng Công trình xây dựng mới có Thông báo số 103/GD-GDD2 về "Kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình chung cư tại Ô đất NO10, Khu tái định cư phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội". Điều đó có nghĩa, Biên bản bàn giao nhà ngày 14/4/2017 của Chủ đầu tư (nguyên đơn) cho bị đơn (bà Phạm Thị Nguyệt Nga) đã vi phạm điều cấm của pháp luật - bàn giao nhà khi chưa đủ điều kiện bàn giao. Biên bản này cần xác định vô hiệu theo quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự năm 2015.

2- Vintep Hà Nội quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối:

Với mục tiêu bán được hàng, Chủ đầu tư Happy Star Tower đã đua ra các Quảng cáo gian dối về các tiện ích của Dự án Happy Star Tower.

Theo các quảng cáo từ Vintep Hà Nội, chất lượng công trình đạt chuẩn, đầy đủ hạng mục “Sky Garden, sân tenis, đài phun nước, sân tập dưỡng sinh…”. Nhưng khi nhận bàn giao căn hộ (ngày 14/4/2017), bà Phạm Thị Nguyệt Nga nhận thấy, Vintep Hà Nội tiếp tục vi phạm các điều khoản của Hợp đồng:

- Các quảng cáo về giá trị gia tăng của Happy Star Tower nhiều hạng mục chỉ để lừa dối khách hàng. Khu vực sân chung, vườn hoa, công viên có chất lượng thấp, khác hoàn toàn so với những gì Vintep Hà Nội quảng cáo, nhiều hạng mục hoàn toàn không được thực hiện: Sky Garden, sân tenis, đài phun nước, sân tập dưỡng sinh. Diện tích sử dụng chung bị thiếu hụt rất nhiều so với diện tích sử dụng thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán căn hộ. Vintep Hà Nội không có bất kỳ thỏa thuận nào điều chỉnh giá hợp đồng.

- Chất lượng thi công công trình không đảm bảo. Hệ thống nước rò rỉ gây ngập úng cục bộ trong tầng hầm lâu ngày. Tường xây công trình không đảm bảo, có nhiều vết nứt ngang, dọc trên tường, nước mưa ngấm trên tường.

Thực tế cho thấy, quảng cáo gian dối, vi phạm pháp luật xây dựng, kinh doanh bất động sản và các nghĩa vụ với khách hàng theo hợp đồng, nhưng Vintep không khắc phục, hàng trăm khách hàng tại Dự án Happy Star Tower phản đối, treo băng rôn, gửi đơn, thư tố cáo “Vintep lừa đảo” đến nhiều cơ quan chức năng. Tranh chấp kéo dài suốt từ năm 2017 đến 2020, điều này đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh. Đây là chứng cứ hiển nhiên, rõ ràng không cần phải chứng minh. Như vậy, Vintep Hà Nội lừa dối khách hàng không chỉ là quan điểm cá nhân của Bị đơn. 

3- Giải pháp công bằng trong vụ án này, nên như thế nào?

Vintep Hà Nội khởi kiện, yêu cầu Tòa án áp dụng Điều 12 Hợp đồng mua bán chung cư số 12BD01/VINTEP/MBKH: đơn phương chấm dứt Hợp đồng, đồng thời áp dụng quy định về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Thế nhưng cần lưu ý rằng:

Một là, Nguyên đơn (Vintep Hà Nội) là Bên vi phạm hợp đồng về thời điểm bàn giao nhà (Theo Hợp đồng là thời hạn là ngày 15.3.2017 (± 90 ngày), nhưng đến ngày 14/6/2018, (nghĩa là sau thời hạn cuối 11 tháng) Cục thẩm định Nhà nước về chất lượng Công trình xây dựng mới có Thông báo số 103/GD-GDD2 về "Kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình chung cư tại Ô đất NO10, Khu tái định cư phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội"). Bị đơn (Bà Phạm Thị Nguyệt Nga) đã chấp nhận phương án nhận bàn giao căn hộ do chính Vintep Hà Nội đề nghị khi Căn hộ chưa được nghiệm thu đúng quy định mà chưa phải nộp số tiền còn thiếu là 1.054.586.000 đồng - như giải pháp để bù đắp thiệt hại. Thỏa thuận này của hai bên (không bằng văn bản) nhưng đã được các bên thực hiện trong thực tế - phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 411 Bộ luật Dân sự năm 2015: "Quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ: 1- Bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ". Điều đó có nghĩa, điều khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, tại Điều 12 của Hợp đồng mua bán chung cư không thể áp dụng trong trường hợp này.

Hai là, ngày 14/6/2018, Cục thẩm định Nhà nước về chất lượng Công trình xây dựng mới có Thông báo số 103/GD-GDD2 về "Kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình chung cư". Kể từ thời điểm này (ngày 14/6/2018), Bị đơn mới có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả số tiền mua căn hộ còn thiếu. Tuy nhiên, có thể thấy chính từ sự cẩu thả của Nguyên đơn khi soạn thảo hợp đồng mẫu, Khoản 3.2 và Khoản 3.3 Điều 3, Điều 4, Khoản 8.2 Điều 8 của Hợp đồng thể hiện: 04 đợt thanh toán, Lần thứ nhất vào ngày 17/4/2016 (30% giá trị căn hộ), Lần thứ hai vào ngày 28/5/2016 (20% giá trị căn hộ), Lần thứ ba vào ngày 31/7/2016 (20% giá trị căn hộ). Trong khi, thời điểm ký Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư là ngày 17/9/2016, có nghĩa rằng: điều khoản thanh toán Lần thứ nhất, Lần thứ hai, Lần thứ ba - không thể thực hiện được theo Hợp đồng. Trong trường hợp này, các bên cần thỏa thuận lại về điều khoản thanh toán. Trường hợp các Bên chưa đạt sự thống nhất về thời hạn thanh toán (nêu trên) việc Tòa án cấp sơ thẩm áp đặt Bị đơn phải chịu phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là "quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự"

Ba là, với nỗ lực cao nhất để giải quyết tranh chấp, Bị đơn đã chủ động đề nghị trả số tiền mua căn hộ còn thiếu là 1.054.586.000 đồng, cộng thêm 300.000.000 đồng (tương ứng với mức lãi suất khoảng 10% với thời gian tính lãi 03 năm từ 2019 đến 2022), là phù hợp với quy định tại Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015 về Lãi suất: "2- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này (20%/năm) tại thời điểm trả nợ". Tuy nhiên, Nguyên đơn (Vintep Hà Nội) đã không chấp nhận yêu cầu này - cho thấy sự thiếu thiện chí của Nguyên đơn.

Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Phạm Thị Nguyệt Nga. 

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.7 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Tranh chấp tại Happy Star Tower (Hà Nội): Bản án trái luật, trái lẽ công bằng

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
4.08741 sec| 1164.992 kb