Chào bán chứng khoán ra công chúng là gì?

29/12/2024
Đoàn Phi
Phương thức chào bán chứng khoán là phương pháp và hình thực thực hiện việc chào bán chứng khoán. Với cách hiểu như vậy, có hai phương thức chào bán chứng khoán: Chào bán chứng khoán ra công chúng và chào bán chứng khoán riêng lẻ. Vậy chào bán chứng khoán ra công chúng là gì?

1-Khái niệm chào bán chứng khoán ra công chúng

Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định, chào bán chứng khoán ra công chúng là việc chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức sau: 

+ Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;

+ Chào bán cho từ một trăm nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

+ Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.

Như vậy, các nhà làm luật Việt Nam chú trọng tới số lượng nhà đầu tư tham gia vào mỗi cuộc chào bán và coi đó là tiêu chí chủ yếu để phân biệt chào bán chứng khoán ra công chúng với chào bán chứng khoán riêng lẻ. 

Chào bán chứng khoán ra công chúng gồm hai loại: chào bán lần đầu (initial public offering: IPO) và chào bán thêm (seasoned offering). Chào bán lần đầu chứng khoán ra công chúng thường được thực hiện bởi công ti mới thành lập hoặc các công ti nhỏ muốn tăng vốn để mở rộng quy mô kinh doanh. Chào bán lần đầu chứng khoán ra công chúng có thể được thực hiện bởi các công ti một chủ (ví dụ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ti cổ phần) nay muốn chuyển đổi thành công ti cổ phần đại chúng (public corporation) để có thêm cơ hội huy động vốn từ công chúng đầu tư, thỏa mãn nhu cầu về vốn trong kinh doanh của mình. Quá trình phát hành chứng khoán ra công chúng có thể chia làm năm giai đoạn: (1) Lựa chọn nhà bảo lãnh phát hành; (2) Đăng kí chào bán với cơ quan quản lí nhà nước về thị trường chứng khoán; (3) Thăm dò thị trường hay tiếp thị việc chào bán chứng khoán trong khi chờ đợi đăng kí chào bán có hiệu lực; (4) Phân phối chứng khoán sau khi đăng kí chào bán có hiệu lực; và (5) Kết thúc chào bán chứng khoán.

Chào bán thêm chứng khoán ra công chúng là hoạt động chào bán chứng khoán mới của công ti đại chúng (được tiến hành sau đợt chào bán lần dầu). Loại chào bán này thường được các công ti cổ phần đại chúng thực hiện khi muốn tăng vốn điều lệ (chào bán cổ phiếu) hoặc vốn tự có (chào bán trái phiếu) trong quá trình kinh doanh để mở rộng quy mô kinh doanh hoặc để thực hiện dự án kinh doanh cần nhiều vốn mà ở thời điểm hiện tại, nguồn vốn sẵn có của công ti không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đó.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đầu tư của Công ty Luật TNHH Everest

2-Ưu thế và bất lợi của chào bán chứng khoán ra công chúng

[a] Ưu thế của việc chào bán chứng khoán ra công chúng

Một là, chào bán chứng khoán ra công chúng sẽ cho phép công ti huy động vốn một các dễ dàng để đáp ứng nhu cầu đa dạng về vốn trong quá trình hoạt động của công ti. Nếu tạm gạt bỏ khía cạnh pháp lí sang một bên, "chào bán chứng khoán ra công chúng" là công khai gọi vốn từ công chúng, gồm các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, trên phạm vi rộng, từ trong và ngoài nước.

Hai là, chào bán chứng khoán ra công chúng góp phần làm tăng tính thanh khoản cho chứng khoán của công ti phát hành. Chứng khoán của công ti đại chúng thường được giao dịch rộng rãi trong công chúng, vì vậy thị giá của chứng khoán được hình thành và chứng khoán có thể mua đi, bán lại dễ dàng. Lợi thể này cho phép công ti thu hút và giữ chân nhân viên bằng các chào bán chứng khoán, đặc biệt là cổ phiếu cho họ với điều kiện ưu đãi.

Ba là, chào bán chứng khoán ra công chúng có khả năng làm tăng uy tín của công ti phát hành và đem lại nhiều thuận lợi cho công ti trong kinh doanh cũng như trong huy động vốn sau này. Sau khi chào bán chứng khoán ra công chúng, công ti trở thành công ti đại chúng và sẽ được công chúng biết đến nhiều hơn công ti phi đại chúng. Điều này cho phép hàng hóa và dịch vụ của công ti đại chúng chiếm được thị phần lớn hơn; cho phép công ti đại chúng có khả năng tiếp cận với những nguồn vốn lớn hơn cũng như tiếp cận với các loại nguồn vốn khác nhau trong nền kinh tế.

Bốn là, chào bán chứng khoán ra công chúng giúp phản ánh giá trị đích thực của công ti đại chúng. Khi đó, giá trị của công ti đại chúng sẽ được xác định bởi chính thị trường thông qua dung lượng và thị giá của chứng khoán công ti được giao dịch trên thị trường, chứ không phải được xác định bởi tập hợp những tiêu chí chủ quan được đưa ra bởi các tổ chức đánh giá chuyên biệt.

Năm là, chào bán chứng khoán ra công chúng có thể làm tăng giá trị tài sản của cổ đông. Cổ đông sáng lập công ti thường tin rằng tài sản trong của họ công ti sẽ tăng lên sau khi công ti chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng.

[b] Bất lợi của chào bán chứng khoán ra công chúng

Một là, chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng thường rất đắt đỏ vì công ti phát hành phải bỏ tiền để sử dụng các dịch vụ pháp lí, kế toán, in ấn và các dịch vụ khác. Hơn nữa, tiền thuê bảo lãnh phát hành thường chiếm từ 7-10% tổng số lãi chào bán, tùy thuộc vào kích cơ vốn huy động và những nhân tố khác.

Hai là, chế độ công bố thông tin áp dụng đối với công ti đại chúng thường rất nghiêm ngặt. Một khi công ti đã hoàn tất việc chào bán chứng khoán ra công chúng, công ti sẽ phải tuân thủ những yêu cầu về công bố thông tin định kì và bất thường theo những biểu mẫu, báo cáo mà pháp luật chứng khoán quy định.

Ba là, người quản lí công ti có thể mất đi tính năng động để hành động kịp thời trong việc xử lí những tình huống mà luật yêu cầu phải được sự phê chuẩn của đại hội cổ động.

Bốn là, các quyết định của người quản lí công ti có thể bị ảnh hưởng bởi thị giá cổ phiếu và cảm giác rằng họ buộc phải làm cho thị trường thừa nhận cổ phiếu của công ti. Điều này có thể dẫn tới hiện tiện công ti sẽ có những hoạt động nhằm thu được nguông lợi trước mắt thay vì những hoạt động đem lại lợi ích lâu dài cho công ti.

Năm là, nếu thị giá cổ phiếu của công ti giảm, công ti có thể mất uy tín trên thị trường. Sự giảm giá trị của công ti có thể ảnh hưởng tới mức độ tín nhiệm của công ti, tới giá của cổ phiếu sẽ chào bán thêm, tới khả năng của công ti trong việc duy trì đội ngũ nhân viên đang làm việc trong công ti và tới tài sản của các cá nhân cổ đông công ti.

Sáu là, một khi công ti đã bán tỉ lệ lớn cổ phiếu ra công chúng, công ti có thể trở thành mục tiêu của các cuộc thôn tính, đẫn đến cổ đông kiểm soát sẽ mất quyền kiểm soát.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

3-Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Chào bán chứng khoán ra công chúng là gì? được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Chào bán chứng khoán ra công chúng là gì? có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Chào bán chứng khoán ra công chúng là gì?

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Bình luận
X
0.13885 sec| 823.398 kb