Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Công lý là thứ nhất thời và cuối cùng cũng sẽ đi đến kết thúc; nhưng lương tâm là vĩnh cửu và sẽ không bao giờ lụi tàn".
- Martin Luther, 1483 - 1546, nhà thần học người Đức
‘Cho thuê sim’ – 14 người bị Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái cáo buộc với tội danh “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”. Ngày 06/4/2022 và ngày 07/04/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự. Theo đó, bản án nhận định nội dung vụ án, cụ thể như sau: Từ tháng 8/2019 đến tháng 01/2021, Trần Duy Dương tạo lập trang https://rentcode.co cùng các đối tượng Nguyễn Đình Cường, Trường Đình Luân, Vũ Quang Trung, Trần Trung Triều, Hồ Đức Thuận, Hoàng Thị Hường, Nguyễn Duy Tùng, Nguyễn Văn Tuấn, Lê Văn Đức đưa trái phép thông tin cá nhân 3.279.271 số thuê bao điện thoại lên mạng máy tính, mạng viễn thông, cho thuê thuê bao số điện thoại trái phép, thu lợi bất chính 11.478.118.500.
Ngày 06/4/2022 và ngày 07/04/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự. Theo đó, bản án nhận định nội dung vụ án, cụ thể như sau: Từ tháng 8/2019 đến tháng 01/2021, Trần Duy Dương tạo lập trang https://rentcode.co, cùng các đối tượng Nguyễn Đình Cường, Trường Đình Luân, Vũ Quang Trung, Trần Trung Triều, Hồ Đức Thuận, Hoàng Thị Hường, Nguyễn Duy Tùng, Nguyễn Văn Tuấn, Lê Văn Đức đưa trái phép thông tin cá nhân 3.279.271 số thuê bao điện thoại lên mạng máy tính, mạng viễn thông, cho thuê thuê bao số điện thoại trái phép, thu lợi bất chính 11.478.118.500. Từ khoảng tháng 01/2018 đến tháng 4/2021, Đỗ Quốc Cường lập website https://simthue.com, cùng Ngô Tiên Quyết, Ngô Ngọc Chiên, Khuất Quang huyu sử dụng máy tính kết nối internet và các thiết bị Hub, Dcom 3G không hợp quy, đưa trái phép thông tin cá nhân 1.508.332 số thuê bao điện thoại lên mạng máy tính, mạng viễn thông thu lợi bất chính 17.374.383.070 đồng. Bản án quyết định tuyên bố các bị cáo nêu trên phạm tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.
Kết luận giám định ngày 30/6/2021 của Giám định viên tư pháp thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái: “… chỉ có doanh nghiệp viễn thông được quyền cho thuê và thuê sim điện thoại gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông; việc cá nhân, tổ chức khác không phải doanh nghiệp viễn thông thực hiện hành vi cho thuê sim điện thoại là vi phạm các quy định tại Khoản 3, Điều 12 Luật Viễn thông… “sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông”.
Trong vụ án này, bản chất dịch vụ của bị cáo Trần Duy Dương là “cho thuê sim online” – Bên cho thuê giao quyền sử dụng số thuê bao viễn thông (sim – subscriber identity module) cho “Bên thuê” (khách hàng) để sử dụng trong một thời hạn, “bên thuê” phải trả tiền thuê. Bên cho thuê sim, không chuyển giao sim vật lý, bởi mục đích của bên thuê là lấy mã OTP (one time password – mật khẩu sử dụng một lần) từ đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến, trong đó:
SIM (viết tắt của “Subscriber Identity Module”, tạm dịch: module nhận dạng chủ thuê bao) là một mạch tích hợp IC có khả năng lưu trữ an toàn thông tin người đăng ký thuê bao quốc tế (International Mobile Subscriber Identity IMSI) bao gồm: số thuê bao và các thông tin liên quan để xác định và chứng thực người chủ thuê bao trên thiết bị di động. Thẻ SIM cũng có khả năng lưu trữ thêm những thông tin liên lạc.
OTP (viết tắt của “One Time Password”, tạm dịch: mật khẩu chỉ sử dụng một lần). là một dãy các ký tự hoặc chữ số tạo ra ngẫu nhiên được gửi đến số điện thoại của người dùng để xác nhận bổ sung khi người dùng thực hiện giao dịch qua mạng internet (ví dụ lập tài khoản mua sắm trực tuyến tại trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo…, hoặc tài khoản mạng xã hội như zalo, facebook…).
Đối chiếu với quy định của pháp luật, cụ thể là:
[1] Luật Đầu tư năm 2020:
“Điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” (Khoản 9 Điều 3);
“Kinh doanh dịch vụ viễn thông” (Mục số 118, Phụ Lục IV – Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện).
Như vậy, dịch vụ viễn thông (bao gồm dịch vụ cho thuê số thuê bao viễn thông) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (không phải ngành nghề bị cấm kinh doanh).
[2] Thông tư số 25/2015/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 09/9/2015 quy đỊnh về quản lý và sử dụng kho số viễn thông (Thông tư số 25/2015/TT-BTTTT):
“Nguyên tắc thuê và cho thuê số thuê bao viễn thông: 1- Doanh nghiệp viễn thông bán dịch vụ viễn thông cho một doanh nghiệp viễn thông khác thì được cho doanh nghiệp đó thuê lại số thuê bao viễn thông mà mình được phân bổ. Doanh nghiệp viễn thông mua dịch vụ viễn thông của một doanh nghiệp viễn thông khác để bán lại thì được cấp số thuê bao viễn thông mà mình thuê cho thuê bao viễn thông. Không được thuê, cho thuê số thuê bao viễn thông không gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông” (Điều 25).
[3] Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật viễn thông:
“Bán lại dịch vụ viễn thông: 1. Trước khi bán lại dịch vụ viễn thông cố định cho người sử dụng tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà mình được quyền sử dụng hợp pháp, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp viễn thông. 2. Trước khi bán lại dịch vụ viễn thông cố định tại hai địa điểm trở lên có địa chỉ, phạm vi xác định mà mình được quyền sử dụng hợp pháp, trước khi bán lại dịch vụ viễn thông di động, doanh nghiệp phải có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông. 3. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể việc bán lại dịch vụ viễn thông” (Điều 25).
[4] Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, tại: Chương III – Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, internet, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, Mục 5 – Hành vi vi phạm về tài nguyên viễn thông, internet:
“Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: (a) Thuê và cho thuê số thuê bao viễn thông không gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông” (Điểm a Khoản 2 Điều 48).
“Biện pháp khắc phục hậu quả: (a) Buộc thu hồi kho số viễn thông đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này; (b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này” (Khoản 5 Điều 48).
Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi khẳng định: (1) Dịch vụ viễn thông (bao gồm dịch vụ cho thuê số thuê bao viễn thông) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không phải ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh; (2) “Cho thuê sim online” được xác định là hành vi “sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông” – thuộc nhóm: “hành vi vi phạm về tài nguyên viễn thông, internet”. Hành vi vi phạm này chỉ là vi phạm hành chính.
Việc Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái cáo buộc 14 bị cáo gồm Trần Duy Dương, Đỗ Quốc Cường và những người thiết kế, bảo dưỡng web, cho thuê server hosting, chăm sóc khách hàng thuê sim, đảo sim,… cùng về tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự là không đúng bản chất sự việc.
Kết luận giám định ngày 30/6/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái kết luận: “số thuê bao viễn thông là thông tin cá nhân” là: sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Đối chiếu với quy định của pháp luật, cụ thể là:
- Luật viễn thông năm 2009: “Thuê bao viễn thông là người sử dụng dịch vụ viễn thông có gắn với việc ấn định tài nguyên viễn thông hoặc đường truyền dẫn viễn thông cụ thể” (Khoản 26 Điều 3).
- Thông tư 22/2014/TT-BTTTT về Quy hoạch kho số viễn thông: “Số thuê bao là tập hợp các chữ số được quay (trực tiếp hoặc sau mã đích quốc gia) để nối đến một thuê bao khác và được quy hoạch thống nhất (trong phạm vi vùng đánh số hoặc trên phạm vi toàn mạng” (Khoản 4 Điều 3).
- Luật an toàn thông tin mạng năm 2015: “Thông tin cá nhân là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể“ (Khoản 15 Điều 3).
- Nghị định số 64/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/4/2007 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, quy định rõ: “Thông tin cá nhân: là thông tin đủ để xác định chính xác danh tính một cá nhân, bao gồm ít nhất nội dung trong những thông tin sau đây: họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu. Những thông tin thuộc bí mật cá nhân gồm có hồ sơ y tế, hồ sơ nộp thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng và những bí mật cá nhân khác”.
Như vậy:
(i) Số thuê bao viễn thông (số điện thoại) chỉ là một bộ phận cấu thành thông tin cá nhân. Nếu tách riêng số điện thoại hầu hết các trường hợp thì không thể xác định chính xác được danh tính của một cá nhân. Việc kết luận “số thuê bao viễn thông là thông tin cá nhân” là: sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
(ii) Đối chiếu với quy định của Luật Viễn thông năm 2009, sửa đổi, bổ sung năm 2018, Luật An ninh mạng năm 2018, “thông tin trái phép” theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, pháp luật chỉ cấm cung cấp trái phép thông tin thuộc bí mật cá nhân lên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không có sự đồng ý của người đó.
Bản án nhận định: “hành vi của các bị cáo sử dụng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký, kích hoạt sim trả trước của các nhà mạng, đăng lên website cho thuê số thuê bao điện thoại, mặc dù, các thông tin về số thuê bao điện thoại mà các đối tượng đưa lên mạng viễn thông không phải là thông tin trái pháp luật nhưng việc công khai hóa thông tin riêng, hợp pháp của các cá nhân mà không được phép của chủ sở hữu các thông tin đó…đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân được pháp luật bảo vệ”. Vậy câu hỏi đặt ra “công khai hóa thông tin riêng, hợp pháp của các cá nhân” là cá nhân nào? Bị hại trong vụ án này là ai? Hay chỉ là tưởng tượng?
Từ những căn cứ trên, chúng tôi cho rằng: Bản án số: 10/2022/HS-ST ngày 07/04/2022 nhận định hành vi của bị cáo Trần Duy Dương và Đỗ Quốc Cường là hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân 3.279.271 và 1.508.332 số thuê bao điện thoại lên mạng máy tính, mạng viễn thông là không chính xác, không có căn cứ pháp luật và sai lệch hoàn toàn bản chất vụ việc. Khi bị cáo Trần Duy Dương và bị cáo Đỗ Quốc Cường không có hành vi (tội phạm) đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, thì không thể có người đồng phạm giúp sức (tội phạm).
Lý do kháng cáo: bị cáo Vũ Quang Trung cho rằng mình chỉ cung cấp dịch vụ Server Hosting cho bị cáo Trần Duy Dương – đây hoạt động kinh doanh hợp pháp. Trong phạm vi cung cấp dịch vụ, bị cáo Vũ Quang Trung không biết và không có nghĩa vụ buộc phải biết về những vi phạm pháp luật (nếu có) của bị cáo Trần Duy Dương và các bị cáo khác trong vụ án. Bản án hình sự sơ thẩm vụ án “Đưa trái phép thông tin mạng viễn thông” do Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái xét xử sơ ngày 06/04/2022 và ngày 07/4/2022 kết luận bị cáo Vũ Quang Trung phạm tội – không phản ánh đúng bản chất vụ án. Căn cứ cụ thể như sau:
Hành vi của bị cáo Vũ Quang Trung:
Trong vụ án này, bị cáo Vũ Quang Trung đã cho lời khai thống nhất và phù hợp với lời khai của các bị cáo khác (Trần Duy Dương), thể hiện: từ tháng 02/2020, bị cáo Vũ Quang Trung làm việc cho bị cáo Trần Duy Dương, thực hiện: mua và đặt địa điểm server, cho thuê hosting, đảm bảo server kết nối với các thiết bị khác, đảm bảo dữ liệu được sao lưu thường xuyên, không bị mất dữ liệu và khắc phục lỗi kỹ thuật khi đường truyền xảy ra sự cố.
Một số thuật ngữ chuyên ngành có liên quan trong vụ án này đang được hiểu như sau:
- Hosting (hay web hosting): là một dịch vụ trực tuyến giúp khách hàng xuất bản website (trang điện tử) hoặc ứng dụng website lên Internet. Người cung cấp dịch vụ hosting cho khách hàng thuê một chỗ đặt trên server chứa tất cả các files và dữ liệu cần thiết để website của khách hàng hoạt động được.
- Server: là một máy tính vật lý chạy không gián đoạn để website của khách hàng có thể luôn hoạt động mọi lúc cho tất cả mọi người truy cập vào. Nhà cung cấp web hosting chịu trách nhiệm cho việc giữ server hoạt động, chống tấn công bởi mã độc, và chuyển nội dung (văn bản, hình ảnh, files) từ server xuống trình duyệt người dùng.
Để đảm bảo cung cấp dịch vụ, bị cáo Trần Duy Dương đã cấp cho bị cáo Vũ Quang Trung 01 (một) tài khoản người dùng của website rentcode.co: “Nhan111”, mật khẩu: q123456. Bút lục 3146, bị cáo Vũ Quang Trung đã thể hiện: tài khoản “Nhan111” dùng để truy cập vào trang rentcode.co, kiểm tra việc kết nối internet – phục vụ công việc bình thường của bị cáo Vũ Quang Trung khi cung cấp dịch vụ server hosting. Đây là tài khoản người dùng, không phải tài khoản quản trị. Bị cáo Vũ Quang Trung chỉ có thể sao chép, xóa dữ liệu của trang rentcode.co nhưng không thể đọc được dữ liệu, cũng không làm thay đổi được nội dung bên trong dữ liệu của trang web này (BL 3139).
Ngoài tài khoản người dùng “Nhan111” nêu trên, bị cáo Trần Duy Dương yêu cầu bị cáo Vũ Quang Trung thông qua công cụ untraview, teamview để kiểm tra, sửa lỗi của 04 (bốn) máy tính (phần cứng). Đây là công việc hoàn toàn bình thường trong hoạt động cung cấp dịch vụ cho thuê hosting.
Hồ sơ vụ án thể hiện, cơ quan tiến hành tố tụng không có bất cứ chứng cứ nào thể hiện bị cáo Vũ Quang Trung có hoạt động can thiệp vào phần mềm hoặc dữ liệu tại website rentcode.co.
Về số tiền 220.000.000 đồng:
Khi thực hiện công việc (nêu trên), bị cáo Trần Duy Dương thống nhất trả tiền thuê dịch vụ server hosting cho bị cáo Vũ Quang Trung số tiền: 20.000.000 đồng/tháng (hai mươi triệu đồng một tháng). Tổng số tiền mà bị cáo Trần Duy Dương trả cho bị cáo Vũ Quang Trung để thuê dịch vụ trong 11 tháng (từ tháng 02/2020 đến tháng 12/2020) là 220.000.000 đồng (hai trăm hai mươi triệu đồng). Số tiền này bị cáo Vũ Quang Trung có được là do thực hiện cung cấp dịch vụ hợp pháp, không phải số tiền thu lợi bất chính.
Dịch vụ cho thuê server hosting đang rất phổ biến, được nhiều doanh nghiệp uy tín như: Công ty CP hạ tầng viễn thông CMC (CMC Telecom), Công ty TNHH Viettel – CHT (Viettel IDC), Công ty TNHH MTV viễn thông quốc tế FPT (FPT Telecom)… cũng như nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh khác cung cấp. Thực tế, bị cáo Vũ Quang Trung đặt server và sử dụng hạ tầng của Công ty CP hạ tầng viễn thông CMC (CMC Telecom) và cho khách hàng (trong đó có bị cáo Trần Duy Dương) thuê lại dịch vụ server hosting từ hạ tầng của CMC Telecom.
Như vậy có thể khẳng định, bị cáo Vũ Quang Trung cung cấp dịch vụ dịch vụ server hosting – hoạt động kinh doanh dịch vụ hợp pháp.
Lời khai của bị cáo Vũ Quang Trung thống nhất với lời khai của các bị cáo khác và chứng cứ trong hồ sơ vụ án, thể hiện: Bị cáo Vũ Quang Trung biết trang web rentcode.co là do bị cáo Trần Duy Dương sở hữu, để cho thuê sim, cụ thể hoạt động cho thuê sim như thế nào thì bị cáo Vũ Quang Trung không rõ. Bị cáo Vũ Quang Trung chỉ được bị cáo Trần Duy Dương thuê đặt hosting (lưu trữ dữ liệu) cho trang rentcode.co và hỗ trợ kỹ thuật hosting (BL 3138). Thông tin website rentcode.co của bị cáo Trần Duy Dương cung cấp dịch vụ cho thuê sim (kho số viễn thông) là thông tin rõ ràng, hết sức bình thường, ai cũng có thể biết (rentcode, ghép của hai từ rent (cho thuê), code (mã), tạm dịch sang tiếng Anh dịch sang nghĩa tiếng Việt là cho thuê mã).
Ngoài ra, bị cáo Vũ Quang Trung được biết bị cáo Trần Duy Dương là giám đốc của Công ty TNHH Viễn thông Go Moon – doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề là đại lý, môi giới, đấu giá hàng hóa (ngành nghề chính) và một số hoạt động viễn thông. Tuy nhiên, bị cáo Vũ Quang Trung không biết bị cáo Trần Duy Dương hoạt động kinh doanh, cho thuê sim như thế nào, có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hay không (nội dung này, chúng tôi sẽ phân tích chi tiết ở phần sau).
Luật Viễn thông năm 2009, sửa đổi, bổ sung năm 2018 quy định:
“Dịch vụ viễn thông là dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng” (Khoản 7 Điều 3).
“Doanh nghiệp viễn thông là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông” (Khoản 23 Điều 3).
Luật Đầu tư năm 2020 quy định:
“Kinh doanh dịch vụ viễn thông” thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Khoản 118, Phụ lục IV).
Như vậy, có thể khẳng định, “kinh doanh dịch vụ viễn thông” thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, không phải ngành nghề cấm kinh doanh. Bị cáo Vũ Quang Trung chỉ biết bị cáo Trần Duy Dương có cung cấp dịch vụ liên quan đến viễn thông cho khách hàng. Bị cáo Vũ Quang Trung theo quy định của pháp luật không có nghĩa vụ phải biết doanh nghiệp của bị cáo Trần Duy Dương không có “giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông” (cho thuê kho số viễn thông). Trong vụ án này, việc bị cáo Trần Duy Dương vi phạm quy định pháp luật viễn thông – không có “giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông” – không thuộc trách nhiệm của bị cáo Vũ Quang Trung.
Như đã phân tích ở trên, hành vi của bị cáo Vũ Quang Trung cung cấp dịch vụ server hosting – hoạt động kinh doanh hợp pháp – không có hành vi “đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Theo đó, đồng phạm được thể hiện trên hai phương diện về lý trí và ý chí. Về lý trí: mỗi người đồng phạm đều nhận thức được tính chất nguy hiểm đối với hành vi của mình, nhận thức được tính chất nguy hiểm của những người đồng phạm khác, thấy trước được việc gây ra hậu quả chung của hành vi phạm tội đó. Về ý chí: những người đồng phạm khi thực hiện hành vi đều mong muốn cùng thực hiện tội phạm và mong muốn hậu quả chung của tội phạm xảy ra. Giữa những người phạm tội đó có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện tội phạm hoặc có sự tiếp nhận về mặt ý chí giữa những người phạm tội.
Hồ sơ vụ án thể hiện: ngoài cung cấp dịch vụ server, bị cáo Vũ Quang Trung không biết và về hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo Trần Duy Dương và không có bất kỳ sự bàn bạc, thống nhất về việc cung cấp dịch vụ cho thuê sim. Như vậy, có thể khẳng định, bị cáo Vũ Quang Trung không có hành vi giúp sức (đồng phạm) cho bị cáo Trần Duy Dương.
Ngày 18/01/2021, ngay sau khi biết về vụ việc, bị cáo Vũ Quang Trung đang công tác thành phố Hồ Chí Minh, đã lập tức trở về Hà Nội, liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Yên Bái để hợp tác điều tra.
Dù không có giấy triệu tập, giấy mời làm việc, bị cáo Vũ Quang Trung đã chủ động làm việc trực tiếp tại trụ sở Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Yên Bái bốn (04) lần, vào các ngày: 19/01/2021, 22/01/2021, 26/01/2021, 29/01/2021. Đồng thời, bị cáo Vũ Quang Trung đã chủ động nộp số tiền 220.000.000 đồng (phí dịch vụ cho thuê dịch vụ server hosting đã nhận từ bị cáo Trần Duy Dương).
Ngày 29/01/2021, vào lúc 18h00, bị cáo Vũ Quang Trung bị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Yên Bái tạm giữ khẩn cấp. Ngày 01/02/2021, bị cáo Vũ Quang Trung bị tạm giam theo Lệnh tạm giam số 15/LTG-CSHS của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Yên Bái, Quyết định phê chuẩn lệnh tạm giam số 15/QĐ-VKS-P2 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái. Trong suốt quá trình bị tạm giữ, tạm giam: bị cáo Vũ Quang Trung thể hiện lời khai thống nhất, phù hợp với các tình tiết, lời khai của các bị cáo khác (đã bị tạm giữ trước đó) và các chứng cứ trong vụ án.
Bị cáo Vũ Quang Trung yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết: Hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo Vũ Quang Trung không có tội và đình chỉ vụ án “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” do Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái xét xử sơ thẩm ngày 06/04/2022 và ngày 07/4/2022.
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm