Chủ thể đặc biệt của tội phạm

12/11/2024
Phạm Huyền My
Một số cấu thành tội phạm đòi hỏi chủ thể phải có thêm dấu hiệu đặc biệt khác vì chỉ chủ thể có dấu hiệu này mới có thể thực hiện được hành vi phạm tội mà cấu thành tội phạm phản ánh.

1- Chủ thể đặc biệt của tội phạm

Cấu thành tội phạm của tất cả các tội phạm đều đòi hỏi chủ thể phải có năng lực trách nhiệm hình sự (đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và không thuộc trường hợp trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự). Một số cấu thành tội phạm đòi hỏi chủ thể phải có thêm dấu hiệu đặc biệt khác vì chỉ chủ thể có dấu hiệu này mới có thể thực hiện được hành vi phạm tội mà cấu thành tội phạm phản ánh.

Chủ thể đòi hỏi phải có thêm dấu hiệu đặc biệt như vậy được gọi là chủ thể đặc biệt.

Việc quy định chủ thể đặc biệt không phải là để truy cứu trách nhiệm hình sự người có đặc điểm nhất định về nhân thân mà vẫn nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi nguy hiểm cho xã hội và hành vi đó chỉ có thể được thực hiện bởi người có đặc điểm nhất định về nhân thân.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

2- Đặc điểm chủ thể đặc biệt của tội phạm

Theo luật hình sự Việt Nam, những đặc điểm nhất định đó có thể thuộc những loại sau:

- Các đặc điểm liên quan đến chức vụ, quyền hạn.

Ví dụ: Tội tham ô (Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015), tội nhận hối lộ (Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015)...; 

- Các đặc điểm liên quan đến nghề nghiệp, tính chất công việc.

Ví dụ: Tội vi phạm quy định điều khiển tàu bay (Điều 277 Bộ luật Hình sự 2015), tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (Điều 284 Bộ luật Hình sự 2015)...;

- Các đặc điểm liên quan đến nghĩa vụ phải thực hiện.

Ví dụ: Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự (Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015); tội không chấp hành án (Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015) ...;

- Đặc điểm về quan hệ gia đình, họ hàng.

Ví dụ: Tội loạn luân (Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015), tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015) …

Ngoài các trường hợp trên đây, bộ luật hình sự còn quy định một số dấu hiệu khác cho chủ thể của tội phạm ở một số tội phạm. Trong đó có dấu hiệu được quy định nhằm thu hẹp phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội.

Ví dụ: Dấu hiệu "đủ 18 tuổi trở lên" ở tội dâm ô với người dưới 16 tuổi (Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015). Trường hợp này cũng được coi là không trái với nguyên tắc chung khi quy định dấu hiệu đặc biệt của chủ thể.

Trường hợp quy định thêm dấu hiệu đặc biệt của chủ thể mà có ý kiến khác nhau là trường hợp quy định dấu hiệu đặc biệt của chủ thể để thay thế cho đầu hiệu hậu quả thiệt hại.

Ví dụ: Dấu hiệu "đã bị xử phạt hành chính" ở tội trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015) (dấu hiệu này thay cho dấu hiệu "tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng). Hiện có ý kiến cho rằng, cần phải xem xét lại trường hợp này vì quy định như vậy là không phù hợp với nguyên tắc chung. 

Những đặc điểm nêu trên, khi đã được quy định trong cấu thành tội phạm thì trở thành dấu hiệu bắt buộc và có ý nghĩa trong việc định tội danh. Nhưng cần chú ý rằng trong những vụ đồng phạm, những đặc điểm đó chỉ đòi hỏi ở những người thực hiện tội phạm (người thực hành). Những người đồng phạm khác (tổ chức, xúi giục, giúp sức) không đòi hỏi phải có những dấu hiệu đặc biệt của chủ thể đặc biệt.

Ví dụ: Người không có chức vụ, quyền hạn có thể xúi giục người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến tài sản tham ô tài sản...

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Chủ thể đặc biệt của tội phạm được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Chủ thể đặc biệt của tội phạm có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Chủ thể đặc biệt của tội phạm

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Bình luận
X
0.14213 sec| 815.063 kb