Chứng cứ trong tố tụng hình sự

03/12/2022
Khái niệm chứng cứ là một trong những nội dung quan trọng của lí luận về chứng cứ. Khái niệm chứng cứ là cơ sở để giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan như các thuộc tính của chứng cứ, các thủ tục thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ… góp phần quyết định vào việc giải quyết đúng đắn, khách quan từng vụ án hình sự; định nghĩa chính xác khái niệm chứng cứ ảnh hưởng không nhỏ tới việc xác định địa vị pháp lí của những người tham gia tố tụng, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của công dân.

1- Khái niệm chứng cứ

Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Đồng thời, BLTTHS năm 2015 cung quy định các nguồn chứng cứ là vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế; các tài liệu, đồ vật khác.

2- Các thuộc tính của chứng cứ

Khái niệm chứng cứ nêu trên thể hiện đầy đủ các thuộc tính cần và đủ mà bất kì chứng cứ nào cũng phải có. Đó là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp của chứng cứ.

(i) Tính khách quan của chứng cứ:

Tính khách quan của chứng cứ là một trong những thuộc tính quan trọng của chứng cứ. Theo định nghĩa thì chứng cứ là những gì có thật. Điều đó có nghĩa rằng chứng cứ là những thông tin, tài liệu, đồ vật khách quan, tồn tại độc lập không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người. Những thông tin, tài liệu, đồ vật dù tồn tại trên thực tế nhưng bị xuyên tạc, bóp méo hay bị làm giả theo ý chí chủ quan thì không còn mang tính khách quan. Vì vậy, những thông tin, tài liệu, đồ vật đó không thể là chứng cứ của vụ án được.

(ii) Tính liên quan của chứng cứ:

Tính liên quan của chứng cứ thể hiện ở mối liên hệ khách quan của các thông tin, tài liệu với các tình tiết của vụ án cần được xác định. Mối quan hệ này thể hiện ở hai mức độ khác nhau:

Ở mức độ thứ nhất, mối quan hệ của chứng cứ với đối tượng chứng minh. Đây là mối quan hệ cơ bản, chủ yếu. Chứng cứ được dùng làm căn cứ để giải quyết thực chất vụ án, tức xác định hành vi phạm tội, người phạm tội, lỗi của người phạm tội, các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc quyết định hình phạt, các biện pháp tư pháp…

Ở mức độ khác, có những thông tin, tài liệu, đồ vật không được dùng làm căn cứ trực tiếp để giải quyết thực chất vụ án những được dùng để xác định các tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

(iii) Tính hợp pháp của chứng cứ:

Tính hợp pháp của chứng cứ là sự phù hợp của nó với các quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Chứng cứ được xác định bằng nguồn nhất định theo quy định của pháp luật. Những thông tin, tài liệu, đồ vật tuy tồn tại trong thực tế và có liên quan đến vụ án nhưng không được lưu giữ trong nguồn mà pháp luật quy định thì không được coi là chứng cứ.

3- Phân loại chứng cứ

Khoa học luật tố tụng hình sự Việt Nam phân biệt nhiều loại chứng cứ khác nhau bao gồm chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp, chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, chứng cứ gốc và chứng cứ sao chép lại, thuật lại…

(i) Chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp

  • Chứng cứ trực tiếp là chứng cứ liên quan trực tiếp đến đối tượng chứng minh. Thông qua chứng cứ trực tiếp có thể xác định ngay được những vấn đề cần phải chứng minh. Bằng chứng cứ trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể chứng minh được ngay hành vi phạm tội, người thực hiện tội phạm, lỗi của người phạm tội, đông cơ, mục đích phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các yếu tố nhân thân và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
  • Chứng cứ gián tiếp là chứng cứ không liên quan trực tiếp mà chỉ liên quan gián tiếp đến đối tượng chứng minh. Chứng cứ gián tiếp chỉ xác định sự kiện chứng minh; chứng cứ gián tiếp không chỉ rõ hành vi phạm tội, người thực hiện tội phạm, lỗi của người phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự,… Chỉ khi kết hợp với các chứng cứ khác, chứng cứ gián tiếp mới có thể giúp xác định được đối tượng chứng minh.

(ii) Chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội

  • Chứng cứ buộc tội là chứng cứ xác định tội phạm được hiện, xác định người phạm tội, lỗi của người phạm tội, các tình tiết định khung tăng nặng, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và các tình tiết khác bất lợi cho người phạm tội khi giải quyết vụ án.
  • Chứng cứ gỡ tội là chứng cứ xác định không có hành vi phạm tội, xác định hành vi không cấu thành tội phạm, xác định các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự, các tình tiết định khung giảm nhẹ, các tình tiết giảm nhẹ trach nhiệm hình sự và các tình tiết khác có lợi cho người phạm tội khi giải quyết vụ án.

(iii) Chứng cứ gốc và chứng cứ sao chép, thuật lại

  • Chứng cứ gốc là chứng cứ được thu thập trực tiếp từ nơi xuất xứ của nó mà không thông qua khâu trung gian nào. Trường hợp người làm chứng trực tiếp biết được các tình tiết liên quan đến vụ án và tự mình khai báo với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì nội dung lời khai đó là chứng cứ gốc.
  • Chứng cứ sao chép lại, thuật lại là chứng cứ thu thập được không phải trực tiếp từ nơi xuất xứ của nó mà qua một hay nhiều khâu trung gian. Những thông tin, tư liệu liên quan đến đối tượng chứng minh hay sự kiện chứng minh được thu thập thông qua bản sao hoặc qua một người được nghe kể lại.

4- Nguồn chứng cứ

Nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức chứa đựng các thông tin tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Trong khoa học luật tố tụng hình sự, nguồn chứng cứ thường được gọi bằng thuật ngữ khác là phương tiện chứng minh.

Theo quy định của Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì chứng cứ được xác định bằng nguồn là vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử, kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; các tài liệu, đồ vật khác.

Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

Tags: , chứng cứ
0 bình luận, đánh giá về Chứng cứ trong tố tụng hình sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
5.54059 sec| 954.891 kb