Đăng ký kết hôn
1 - Ý nghĩa của việc đăng kí kết hôn
Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“1. Việc kết hôn phải được đẫng kí và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về Hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng kí theo quy định tại Khoản này thì không có giá trị pháp lí. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập quan hệ vợ chồng thì phải đăng kí kết hôn”.
Như đã phân tích trong mục I, kết hôn là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng thông qua thủ tục đăng kí kết hôn, nếu chưa đăng ký thì bị coi là chưa kết hôn. Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thể hiện rõ ràng ý nghĩa của việc đăng kýy hôn: Đây là thủ tục bắt buộc để việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng có giá trị pháp lý . Những nghi thức khác, như: tổ chức hôn lễ tại gia đình, tại nhà thờ... không có giá trị pháp lý. Kết hôn là cơ sở phát sinh hôn nhân. Thời kì hôn nhân được tính từ khi đăng kí kết hôn đến khi hôn nhân chấm dứt theo quy định của pháp luật, trong thời kì hôn nhân, giữa các bên có các quyền, nghĩa vụ nhân thân và tài sản của vợ, chồng và được Nhà nước bảo vệ.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, mặc dù có ý nghĩa quan trọng như vậy nhung quy định về đăng kí kết hôn chỉ là yêu cầu Về hình thức (thủ tục) của việc kết hôn mà không phải là quy định Về điều kiện kết hôn. Do đó, việc nam và nữ chỉ tổ chức hôn lễ tại gia đình, tại nhà thờ... mà không đăng kí kết hôn thì không bị coi là trái pháp luật. Họ chỉ phải chịu hậu quả là Nhà nước không công nhận quan hệ của họ là vợ chồng; khi có tranh chấp Về tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng thi Tòa án giải quyết theo các quy định áp dụng đối với nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn.
2 - Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng kí kết hôn
Về thẩm quyền đăng kí kết hôn, theo quy định của Luật hộ tịch, việc đăng kí kết hôn thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ. Đối với việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau cư trú ở nước ngoài thì thẩm quyền đăng kí thuộc Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam tại nước đó; đối với trường hợp kết hôn có yếư tố nước ngoài thì thẩm quyền đăng kí kết hôn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi cư trú của công dân Việt Nam. Đây là một cải cách lớn của Nhà nước ta trong việc phân cấp thẩm quyền trong lĩnh vực đăng kí hộ tịch nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Về nguyên tắc, việc đăng kí kết hôn không đúng thẩm quyền không làm phát sinh giá trị pháp lí. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi cho nam, nữ đăng kí kết hôn, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, trong trường hợp họ thực hiện việc đăng kí kết hôn lại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quan hệ hôn nhân của họ được tính từ ngày đăng kí trước (lần đăng kí kết hôn sai thẩm quyền).
Về thủ tục, so với quy định trước đây, Luật Hộ tịch có nhiều cải cách theo hướng giảm bớt thủ tục, giấy tờ khi đăng kí kết hôn. Do tính chất của việc kết hôn gắn với nhân thân của nam, nữ và để có cơ sở xác định yếu tố tự nguyện của họ khi kết hôn, Luật quy định hai bên nam, nữ phải trực tiếp thực hiện việc đăng kí kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không thể ủy quyền cho người khác thực hiện thay. Hai bên nam, nữ phải xuất trình giấy tờ chứng minh Về nhân thân (Hộ chiếu, chứng minh nhân dân...), bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, tờ khai đăng kí kết hôn theo mẫu quy định. Đặc biệt Về thời hạn, Luật hộ tịch quy định việc đăng kí kết hôn thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp xã là một trong nhũng loại việc không quy định thời hạn giải quyết, tức là việc kết hôn cần phải được giải quyết ngay trong ngày; nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo; trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc. Nếu thấy các bên đủ điều kiện kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ kí tên vào sổ hộ tịch; hai bên nam, nữ cùng kí vào Giấy chứng nhận kết hôn; Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ. Đây là ngày hai bên nam, nữ được Nhà nước thừa nhận là vợ chồng của nhau.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest
3 - Ngoại lệ của quy định về đăng kí kết hôn
Về nguyên tắc, để được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ quan hệ vợ chồng, nam và nữ phải đăng kí kết hôn. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế trước đây, do những khó khăn Về kinh tế - xã hội, hiểu biết Về pháp luật của người dân còn hạn chế, không ý thức được đầy đủ Về ý nghĩa cửa việc đăng kí kết hôn nên nhiều trường hợp nam, nữ chỉ tổ chức hôn lễ tại gia đình, nhà thờ... mà không đãng kí kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn giải quyết vấn đề “Hôn nhân thực tế”. Tại Thông tư số 2-NCPL ngày 19/8/1972 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xử lí Về mặt dân sự những hôn nhân vi phạm điều kiện kết hôn do luật định, Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn cho các Tòa án như sau: “Chỉ nên coi là hôn nhân thực tế những cuộc hôn nhân không đăng kí, thỏa mãn đầy đủ các điều kiện kết hôn khác, trong đó hai bên có ý định thực sự lấy nhau, và từ khi kết hôn, đã thực tế coi nhau như vợ chồng, chung sống công khai và gánh vác chung công việc gia đình, được họ hàng, xã hội xung quanh coi như vợ chồng”. Hôn nhân thực tế được giải quyết giống như những trường hợp có đăng kí kết hôn, tức là giữa các bên có các quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng. Việc thừa nhận hôn nhân thực tế có thể nói là đã đáp ứng được tình hình xã hội trong một giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục giải quyết hôn nhân thực tế như những trường hợp có đăng kí kết hôn sẽ dẫn đến hậu quả là quy định pháp luật Về đăng kí kết hôn không được tôn trọng, không bảo đảm nguyên tắc pháp chế. Chính vì vậy, khi ban hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, trong Nghị quyết thi hành Luật, Quốc hội đã đưa ra quy định giải quyết vấn đề không đăng kí kết hôn theo hướng ấn định một thời hạn. Cụ thể, tại mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội Về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (Nghị quyết số 35/2000/QH10) quy định theo các trường hợp như sau:
- Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng kí kết hôn thì được khuyến khích đăng kí kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lí giải quyết theo quy định Về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;
- Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng kí kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01/01/2003; trong thời hạn này mà họ không đăng kí kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng các quy định Về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.
Từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng kí kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng;
" Kể từ ngày 01/01/2001 trở đi, trừ hai trường hợp kể trên, việc nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu Về con và tài sản thì Tòa án áp dụng Khoản 2 và Khoản 3 Điều 17 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.
Như vậy, Nghị quyết số 35/2000/QH10 không sử dụng thuật ngữ “Hôn nhân thực tế” như trước đây nữa. Đối với trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 thì thời hạn đăng kí kết hôn để hai bên được hưởng quy chế của vợ chồng kể từ ngày chung sống đã hết. Chỉ còn lại việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà không đăng kí kết hôn. Đối với trường hợp này, Nhà nước vẫn thừa nhận quan hệ của họ là vợ chồng mặc dù sau này họ vẫn không đăng kí kết hôn. Trong trường hợp này, quan hệ vợ chồng được tính từ ngày hai bên bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng (từ ngày tổ chức lễ cưới, từ ngày bắt đầu chung sống với nhau được gia đình thừa nhận...)
4 - Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Đăng ký kết hôn được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Đăng ký kết hôn có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm