Giới thiệu pháp luật hội nhập kinh tế khu vực

28/02/2023
Chủ nghĩa khu vực được mô tả là các hoạt động của chính phủ nhằm tự do hoá hoặc tạo thuận lợi cho thương mại trên nền tảng khu vực, thường dưới hình thức các liên minh hải quan (viết tắt là ‘CUs’) hoặc các khu vực thương mại tự do (viết tắt là ‘FTAs’). Từ những năm 1990, số lượng các hiệp định thương mại khu vực đã tăng lên và tốc độ kí kết các hiệp định thương mại khu vực cũng trở nên nhanh hơn.

1- Quy định của WTO về hội nhập kinh tế khu vực và những ngoại lệ

Đặc điểm chủ yếu của các hiệp định thương mại khu vực (viết tắt là ‘RTAs’) là các bên tham gia hiệp định dành cho nhau sự đối xử ưu đãi hơn về thương mại so với các đối tác thương mại khác. Sự phân biệt đối xử đó là trái ngược với nghĩa vụ đối xử MFN - một trong những nguyên tắc cơ bản của luật WTO. Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử đó được chấp nhận theo quy định tại các điều khoản sau đây: Điều XXIV GATT, Điều V GATS và ‘Điều khoản cho phép’ và các quy định khác, theo đó các CUs hoặc FTAs được phép thành lập với những điều kiện nhất định. Các án lệ của WTO cũng là nguồn luật rất quan trọng về vấn đề này, đặc biệt là án lệ Turkey-Restriction on Imports of Textiles and Other Clothing Products [1999],  và án lệ US-Definitive Safeguard Measures on Imports of Circular Welded Carbon Quality Line Pipe Korea, [2002].  Các quy định nói trên đã tạo ra các ‘ngoại lệ hội nhập kinh tế khu vực’ của nguyên tắc cơ bản MFN.

1.1- Cơ sở pháp lí của RTAs

Các thành viên WTO được phép gia nhập RTA theo quy định của những điều khoản dưới đây:

- Điều XXIV GATT (từ khoản 4 đến khoản 10) và các điều khoản có liên quan quy định về việc thành lập và hoạt động của CU và FTA trong lĩnh vực thương mại hàng hoá;

- Quyết định năm 1979 về đối xử khác biệt    và ưu đãi hơn, có đi có lại và tham gia đầy đủ hơn của các DCs, được gọi là ‘Điều khoản cho phép’, đề cập đến các thoả thuận thương mại ưu tiên (viết tắt là ‘PTAs’) trong thương mại hàng hoá giữa các DCs;

- Điều V GATS điều chỉnh việc kí kết RTA trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, dành cho cả các nước phát triển và các DCs; và Điều Vbis GATS quy định về các thoả thuận hội nhập kinh tế trong lĩnh vực dịch vụ;

- Các án lệ có liên quan của WTO, đặc biệt là án lệ Turkey-Restriction on Imports of Textiles and Other Clothing Products [1999] và án lệ US-Definitive Safeguard Measures on Imports of Circular Welded Carbon Quality Line Pipe Korea, [2002].

Điều XXIV GATT và các điều khoản có liên quan

Điều XXIV GATT ban đầu được bổ sung bằng ‘Điều khoản bổ sung Điều XXIV’, đã được cập nhật vào năm 1994 bằng Hiệp định của Vòng đàm phán U-ru-goay về Điều XXIV GATT.

Theo Điều XXIV GATT, trong trường hợp CU hoặc FTA được thành lập, thuế quan và các rào cản thương mại khác sẽ được giảm hoặc loại bỏ về cơ bản đối với tất cả các lĩnh vực thương mại trong CU hoặc FTA đó.

Điều XXIV:5 GATT quy định về ngoại lệ có điều kiện và có giới hạn như sau: ‘Các quy định của Hiệp định này không ngăn cản... [s]ự thành lập liên minh hải quan hoặc khu vực thương mại tự do, hoặc việc thông qua hiệp định tạm thời cần thiết cho sự hình thành liên minh hải quan hoặc khu vực thương mại tự do’.

Với điều kiện thuế quan đối ngoại và các quy chế thương mại khác ‘về tổng thể... [k]hông cao hơn hoặc hạn chế hơn những tác động chung so với trước khi thành lập liên minh hải quan hoặc khu vực thương mại tự do đó’. Đây là điều kiện ‘đối ngoại’.

Ngoài ra, hiệu lực của ngoại lệ (Điều XXIV GATT) phụ thuộc vào sự tồn tại của CU hoặc FTA hoặc hiệp định tạm thời. Theo Điều XXIV GATT, nếu CU hoặc FTA được định nghĩa theo cách hạn chế, thì nó sẽ phải tiếp tục tuân thủ điều kiện ‘đối nội’.

Điều kiện này nằm trong khoản 8(a) Điều XXIV GATT, quy định rằng thuế quan và các quy chế thương mại hạn chế khác phải bị loại bỏ đối với hầu hết các lĩnh vực thương mại. Các điều kiện ‘đối nội’ và ‘đối ngoại’ nói trên bao gồm nhiều vấn đề rất khó giải thích.

Bên cạnh đó, Hiệp định của Vòng đàm phán U-ru-goay về Điều XXIV GATT cũng quy định một số giải thích và các yêu cầu bổ sung đối với các RTAs.

Điều V GATS

Điều V GATS đóng vai trò tương đương như Điều XXIV của GATT nhưng khác với Điều XXIV GATT. Điều V GATS quy định về các thoả thuận hội nhập kinh tế trong lĩnh vực dịch vụ. Khoản 1 của điều này quy định: ‘Hiệp định này không ngăn cản bất kì thành viên nào trở thành một bên hoặc gia nhập hiệp định tự do hoá thương mại dịch vụ giữa các bên tham gia hiệp định đó’. Bên cạnh đó, Điều Vbis GATS còn quy định về các thoả thuận hội nhập thị trường lao động.

‘Điều khoản cho phép’

‘Quyết định năm 1979 về đối xử khác biệt và ưu đãi hơn, có đi có lại và tham gia đầy đủ hơn của các nước đang phát triển’ hoặc ‘Quyết định ngày 28/11/1979 (L/4903)’, hay còn gọi là ‘Điều khoản cho phép’ cho phép các DCs gia nhập các hiệp định toàn cầu hoặc khu vực, trong đó quy định giảm hoặc loại bỏ thuế quan và các rào cản phi thuế quan trong thương mại giữa các nước này với nhau. Nó cho phép vi phạm nguyên tắc MFN theo hướng có lợi cho các DCs.

‘Điều khoản cho phép’ năm 1979 đã trở thành bộ phận của luật WTO theo Phụ lục 1A Hiệp định Ma-ra-két, quy định các ngoại lệ của nghĩa vụ đối xử MFN theo hai cách. Thứ nhất, cho phép các bên kí kết dành sự đối xử ưu đãi một chiều cho hàng hoá nhập khẩu từ các DCs. Thứ hai, cho phép thiết lập các RTAs giữa các LDCs.

Các án lệ của WTO

Trong án lệ Turkey-Restriction on Imports of Textiles and Other Clothing Products [1999], Ấn Độ khiếu nại rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt các biện pháp hạn chế số lượng đối với 19 sản phẩm dệt may của nước này là ‘không cần thiết’ theo Quyết định số 1/952 (1995) của Hội đồng Hiệp hội Thổ Nhĩ Kỳ-EC, theo đó vạch ra quy tắc thực thi giai đoạn cuối của việc thành lập CU giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng đồng châu Âu, đồng thời ghi nhận điều khoản theo đó Thổ Nhĩ Kỳ phải áp dụng ‘chính sách thương mại, về cơ bản, giống như Cộng đồng châu Âu, đối với lĩnh vực hàng dệt may, bao gồm các hiệp định hoặc thoả thuận về thương mại hàng dệt may’. Thổ Nhĩ Kỳ phản bác rằng: do việc áp đặt hạn ngạch đối với hàng dệt may được thực hiện theo quy định về thành lập CU, nên nó phù hợp với Điều XXIV GATT.  Trong vụ này, Cơ quan phúc thẩm xem xét mối quan hệ giữa Điều XXIV GATT và các điều khoản khác của GATT. Đặc biệt, câu hỏi đặt ra là liệu có phải Điều XXIV của GATT được áp dụng chỉ nhằm tạo ra ngoại lệ của riêng nguyên tắc MFN, hay nó còn tạo ra ngoại lệ của các nguyên tắc khác của GATT? 

Trong vụ US-Definitive Safeguard Measures on Imports of Circular Welded Carbon Quality Line Pipe Korea [2002], Hàn Quốc khiếu kiện rằng với việc không áp dụng biện pháp tự vệ (dưới hình thức hạn ngạch thuế quan) đối với mặt hàng đường ống của Mê-hi-cô và Ca-na-đa, Hoa Kỳ đã vi phạm nguyên tắc MFN quy định tại Điều I, khoản 1 Điều XIII, và Điều XIX của GATT, và khoản 2 Điều 2 Hiệp định Tự vệ (viết tắt là ‘SA’). Hoa Kỳ phản biện bằng cách lập luận rằng sự đối xử khác biệt dành cho hàng nhập khẩu từ Mê-hi-cô và Ca-na-đa (cả hai nước này đều là thành viên của NAFTA) được biện minh trên cơ sở ‘ngoại lệ hạn chế’ theo Điều XXIV GATT. 

1.2- Tại sao các quy định điều chỉnh RTAs được quy định trong luật WTO? 

Có nhiều lí do giải thích tại sao các quy định điều chỉnh RTAs lại được quy định trong luật WTO. Có thể nêu một số lí do sau đây:

Thứ nhất, RTAs có thể hỗ trợ cho hệ thống thương mại đa phương của WTO. RTAs cho phép một nhóm nước đàm phán các quy định và cam kết vượt ra ngoài giới hạn các cam kết của WTO.

Thứ hai, một số quy định có vai trò mở đường cho thoả thuận trong WTO. Dịch vụ, sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn môi trường, đầu tư và chính sách cạnh tranh là tất cả các vấn đề được đưa ra trong các cuộc đàm phán RTAs, và sau đó phát triển thành các thoả thuận được bàn bạc nhiều trong khuôn khổ WTO.

Thứ ba, các hiệp định của WTO thừa nhận rằng RTAs và hội nhập kinh tế sâu sắc hơn có thể đem lại lợi ích cho các nước. Thông thường, việc thiết lập CU hoặc FTA thường trái với các nguyên tắc của WTO về đối xử bình đẳng áp dụng cho tất cả các đối tác thương mại (nguyên tắc MFN). Tuy nhiên, Điều XXIV GATT cho phép RTAs được thành lập như một trường hợp ngoại lệ, với điều kiện đáp ứng được các tiêu chuẩn chặt chẽ nhất định.

Thứ tư, RTA có thể giúp dòng chảy thương mại được tự do hơn giữa các nước trong nhóm mà không có các rào cản, nghĩa là có thể bổ sung cho hệ thống thương mại toàn cầu mà không hề đe dọa sự tồn tại của hệ thống thương mại toàn cầu.

1.3- Lí do kinh tế của việc thành lập RTAs

Người ta cho rằng tự do hoá thương mại sẽ diễn ra nhanh hơn nếu nó được tiến hành trong khối thương mại khu vực. Mặc dù động cơ kinh tế đóng vai trò quyết định trong việc cho ra đời một RTA, nhưng các lợi ích kinh tế lại không luôn luôn được đánh giá cao như vậy. Đối với các DCs, nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu luôn luôn là động cơ chủ yếu của việc quyết định đàm phán RTA, đặc biệt trong trường hợp thành viên của RTA là thị trường xuất khẩu quan trọng. Đối với các nước phát triển như Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ, lợi ích kinh tế do RTAs tạo ra luôn luôn được đánh giá trong bối cảnh rộng hơn. Thông qua RTAs, các nước phát triển sẽ có thể đẩy ‘biên giới kinh tế’ vượt xa hơn biên giới hải quan truyền thống. Sự khác nhau về lợi ích giữa chính các bên là lí do tại sao các cuộc đàm phán RTAs giữa các DCs và các nước phát triển đôi khi trở nên khó khăn.

1.4- Lí do chính trị của việc thành lập RTAs

Dưới đây là một số lí do:

- Trong trường hợp hội nhập châu Âu, thông qua hội nhập kinh tế, các nước thành viên EU đã cố gắng thành lập và đã thành công trong việc thành lập một liên minh gắn bó chặt chẽ hơn bao giờ hết giữa các dân tộc châu Âu, nhằm ngăn ngừa chiến tranh tái diễn.

- RTAs có thể tăng cường sự tham gia của các nước thành viên trong WTO, đặc biệt là trường hợp của các DCs, như trường hợp Việt Nam gia nhập WTO.

- Thông qua RTAs, một nước thành viên có thể duy trì khả năng cạnh tranh và ảnh hưởng của nó đối với các bên tham gia thương mại. Việc thiết lập RTAs giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ với ASEAN, hoặc RTA giữa ASEAN và EU, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (viết tắt là ‘TPP’) là các ví dụ điển hình cho các động cơ chính trị này.

- Các RTAs thường thúc ép các nước thành viên phải thay đổi trong nhiều lĩnh vực - những lĩnh vực không được điều chỉnh toàn diện trong các hiệp định của WTO - như môi trường, lao động và đầu tư.

2- Hội nhập kinh tế khu vực - Khái niệm truyền thống và sự phát triển

2.1- Các cấp độ hội nhập kinh tế khu vực truyền thống

Bằng chứng đầu tiên của hội nhập kinh tế khu vực đã tồn tại từ đầu thế kỉ XVI. Lúc đó, một nhóm các thành phố ở Bắc Âu đã thành lập Liên minh Han-xi-tic nhằm mục đích bảo vệ lợi ích thương mại của họ trên cơ sở 
nguyên tắc có đi có lại.

Kể từ khi thành lập vào năm 1957, Cộng đồng kinh tế châu Âu (‘EEC’) đã là ví dụ điển hình của chủ nghĩa khu vực. Từ năm 1957, theo quan điểm của châu Âu về hội nhập kinh tế khu vực, bước đầu tiên của quá trình hội nhập đó bắt đầu bằng FTA, trong đó thuế quan và các rào cản phi thuế quan (‘NTBs’) được loại bỏ đối với hàng nhập khẩu trong nội bộ khu vực, nhưng mỗi thành viên vẫn duy trì rào cản thương mại đối ngoại của mình. FTA truyền thống được hiểu là: ‘Một nhóm hai hoặc nhiều nước cùng nhau loại bỏ thuế quan và hầu hết các rào cản phi thuế quan gây tác động đến thương mại giữa các nước, trong khi đó mỗi nước vẫn áp dụng lộ trình thuế quan độc lập của riêng mình đối với hàng hoá nhập khẩu từ nước không phải là thành viên’. 

Điều XXIV GATT nói trên nêu lên ý nghĩa của FTA trong GATT và chỉ rõ hiệu lực của các quy định khác của GATT liên quan đến FTAs.

Bước thứ hai của hội nhập kinh tế khu vực là xây dựng CU - vốn được coi là ‘FTA+’ với thuế quan đối ngoại chung. Bước thứ ba là xây dựng thị trường chung (viết tắt là ‘CM’) bao gồm sự tự do dịch chuyển vốn và lao động. Trong CM, các thành viên có thể phối hợp mạnh mẽ hơn nữa các chính sách thương mại đối ngoại. Bước thứ tư là xây dựng liên minh tiền tệ và kinh tế (viết tắt là ‘EMU’) bao gồm sự tự do dịch chuyển tất cả các yếu tố kinh tế như hàng hoá, dịch vụ, lao động và vốn. Bên cạnh đó, EMU còn nhằm mục đích thống nhất các chính sách tiền tệ, tài chính và xã hội (xem Mục 2 - Chương 3 của Giáo trình).

2.2- Sự phát triển của các mô hình hội nhập kinh tế khu vực

Sự đa dạng của các hiệp định thương mại tự do

Phạm vi điều chỉnh và chiều sâu của sự đối xử ưu đãi được ghi nhận trong các RTAs không giống nhau. Các RTAs hiện đại, và không chỉ các RTAs liên quan đến các nền kinh tế phát triển nhất, có khuynh hướng không dừng lại ở cam kết giảm thuế quan. Các hiệp định đó đề ra các quy định ngày càng phức tạp nhằm điều chỉnh thương mại nội ngành (ví dụ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm, các điều khoản về tự vệ, quản lí hải quan v.v.) và cũng đề ra khuôn khổ quy định ưu đãi đối với thương mại dịch vụ có đi có lại. Các RTAs tinh vi nhất đã vượt ra khỏi các cơ chế chính sách thương mại truyền thống, nó bao gồm các quy định khu vực điều chỉnh đầu tư, cạnh tranh, môi trường và lao động. Các RTAs hiện nay được mở rộng về mặt địa lí, với các thoả thuận xuyên lục địa, không chỉ bó hẹp trong nội bộ khu vực. Các RTAs có thể là các thoả thuận giữa các nước không nhất thiết nằm trong cùng khu vực địa lí, ví dụ FTA giữa Hoa Kỳ và Xinh-ga-po. Vì thế, Joel P. Trachtman cho rằng ‘Thuật ngữ chính xác hơn [về RTA]... [c]ó thể là “hội nhập tiểu đa phương” hay “hiệp định thương mại ưu tiên” (‘PTA’)’. 

Xu hướng của các FTAs không phải là hiện tượng mới. Tuy nhiên, nó thực sự là hiện tượng đang tăng nhanh kể từ những năm 1990 đến nay.

Trước kia, các FTAs ‘truyền thống’ được thiết lập thường xuyên giữa các nước có những điểm tương đồng nhất định về chế độ chính trị, trình độ phát triển, khu vực địa lí hoặc cơ cấu thị trường. Những hiệp định này được gọi là các FTAs ‘Bắc-Bắc’ (như Cộng đồng kinh tế châu Âu - EEC trước đây), hoặc các FTAs ‘Nam-Nam’ (như AFTA, MERCOSUR). Gần đây, các FTAs đã hình thành một cách linh hoạt hơn và chấp nhận sự khác biệt về địa lí và quan điểm chính trị giữa các nước thành viên, đặc biệt là khi có sự tham gia của ‘các nền kinh tế mới nổi’ (ví dụ, Trung Quốc, Ấn Độ, Liên bang Nga và Brazil).

Bên cạnh EU, NAFTA là ví dụ điển hình khác của hội nhập kinh tế khu vực. NAFTA là FTA trong đó có sự tự do dịch chuyển hàng hoá, dịch vụ, lao động, vốn và sự hợp tác chặt chẽ về lĩnh vực IPR (xem Mục 3 - Chương 3 của Giáo trình).

Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (‘TPP’) 

Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (viết tắt là ‘TPP’) được kí kết năm 2005 giữa 4 quốc gia Thái Bình Dương (Chi-lê, Xinh-ga-po, Bru-nây Đa-rút-xa-lam và Niu Di-lân), được gọi là ‘Hiệp định P-4’. Đến thời điểm tháng 3/2012, có 9 nước tham gia TPP (bao gồm Úc, Bru-nây, Chi-lê, Ma-lai-xi-a, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po, Việt Nam, và Hoa Kỳ) với tham vọng sẽ cùng nhau kí kết một hiệp định thương mại ‘thế hệ tiếp theo’. Các nước khác hiện cũng đang bày tỏ ý muốn tham gia đàm phán, như Ca-na-đa, Nhật Bản, Thái Lan, Phi-líp-pin, và In-đô-nê-xi-a. Từ tháng 3/2010 đến tháng 3/2012, TPP đã trải qua 11 vòng đàm phán. Cho đến thời điểm tháng 2/2012, TPP dường như là ‘Câu lạc bộ’ chưa có sự tham gia của Trung Quốc.

Mục tiêu dự kiến của TPP là sẽ trở thành khuôn khổ thương mại toàn diện với chất lượng cao và là ‘mô hình’ của hiệp định thương mại của thế kỉ XXI, bao trùm khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chiếm hơn nửa tổng sản phẩm toàn cầu và chiếm trên 40% thương mại thế giới. Phạm vi điều chỉnh của TPP rộng hơn cả WTO, bao gồm thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật và hàng rào kĩ thuật trong thương mại, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, môi trường, tiêu chuẩn lao động, chuỗi cung ứng dịch vụ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), mua sắm chính phủ và nguyên tắc minh bạch. Bên cạnh đó, nó còn bao gồm một chương về hợp tác và hai phụ lục kèm theo về hợp tác môi trường và hợp tác lao động.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Giới thiệu pháp luật hội nhập kinh tế khu vực

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Bình luận
X
0.12744 sec| 878.32 kb