Khái niệm và nguyên tắc thương lượng tập thể tại Việt Nam

14/01/2025
Phạm Gia Minh
Hệ thống pháp luật hiện hành về thương lượng tập thể trong quan hệ lao động tại Việt Nam hiện nay được quy định tập trung trong Bộ luật Lao động năm 2019 trên cơ sở có sự kế thừa các quy định của Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong một số điều của Bộ luật Lao động về thương lượng tập thể.

1- Khái niệm thương lượng tập thể

Thương lượng tập thể trong quan hệ lao động ra đời tương đối sớm trên thế giới, khởi phát mạnh mẽ ở Anh từ cuối thế kỷ XVIII, trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa cạnh tranh tự do. Những người lao động ở Anh lúc bấy giờ đã cùng đấu tranh với các chủ xưởng yêu cầu được thương lượng về các điều kiện làm việc. Đến giữa thế kỷ XIX, giai cấp công nhân các nước đấu tranh với giới chủ ngày càng gay gắt. Các cuộc đình công nổ ra đã gây thiệt hại không nhỏ về tài sản của giới chủ. Giới chủ buộc phải nhân nhượng, tiến hành thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Do những ưu điểm của thương lượng tập thể trong việc dung hòa lợi ích các bên, đến cuối thế kỷ XIX, việc thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể lan rộng và trở thành phổ biến ở các nước. Có thể thấy, thương lượng tập thể là trái tim của quan hệ lao động lành mạnh và thị trường lao động thành công bởi nó là công cụ để xác định điều kiện lao động và sử dụng lao động tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho quan hệ lao động phát triển hài hòa, lành mạnh, bền vững, làm cân bằng lợi ích của hai bên; đồng thời góp phần phòng ngừa, hạn chế và giải quyết các tranh chấp lao động phát sinh trong quan hệ lao động. Theo quan điểm tại Công ước về xúc tiến thương lượng tập thể 1981 - số 154, Điều 2, Phần I của ILO, “Thuật ngữ thương lượng tập thể là chỉ tất cả các cuộc thương lượng diễn ra giữa người sử dụng lao động, một nhóm người sử dụng lao động hay một hoặc nhiều tổ chức của người sử dụng lao động (giới chủ) với một hay nhiều tổ chức của người lao động nhằm: Xác định điều kiện làm việc và các điều khoản việc làm; Điều tiết các mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động; Điều tiết các mối quan hệ giữa người sử dụng lao động hoặc tổ chức của người sử dụng lao động với một hay nhiều tổ chức của người lao động” . Có thể thấy, khái niệm này đã xác định rõ phạm vi áp dụng của thương lượng tập thể là cho tất cả các cuộc thương lượng giữa một bên là một người sử dụng lao động, một nhóm người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động với một bên là một hay nhiều tổ chức của người lao động; mục đích của thương lượng tập thể là để xác định điều kiện lao động và sử dụng lao động, điều tiết các mối quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động, mối quan hệ giữa người sử dụng lao động hoặc tổ chức của người sử dụng lao động với một hay nhiều tổ chức của người lao động.

Xem thêm:  Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực lao động của Công ty Luật TNHH Everest

2- Về nguyên tắc thương lương tập thể

Điều 66 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định nguyên tắc thương lượng tập thể bao gồm: Thương lượng tập thể được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện, hợp tác, thiện chí, bình đẳng, công khai và minh bạch.

Thứ nhất, Nguyên tắc thương lượng thiện chí. Bộ luật Lao động năm 2019 đã có sửa đổi quan trọng, đề cập đến nguyên tắc thương lượng thiện chí. Khái niệm thương lượng thiện chí là một khái niệm khá phức tạp của đối thoại xã hội trong quan hệ lao động hiện đại, chủ yếu đề cập đến một số nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong thương lượng tập thể như: nghĩa vụ cung cấp một số thông tin cần thiết cho công đoàn để công đoàn có thể tiến hành thương lượng được; nghĩa vụ không được từ chối thương lượng cũng như không được từ chối thương lượng về các nội dung do công đoàn đề xuất; và nghĩa vụ tiến hành thương lượng một cách thành tâm, tích cực nhằm đạt được thỏa thuận. Trên thực tế hành vi thương lượng thiếu thiện chí có thể được thực hiện thông qua rất nhiều biểu hiện tinh vi của người sử dụng lao động như cố tình không thống nhất về quy mô và thành phần cụ thể của đoàn đàm phán của công đoàn như không chấp nhận sự tham gia đàm phán của công đoàn cấp trên cũng như các chuyên gia đàm phán độc lập; khống chế hay kiểm soát sự tham gia của người lao động tham gia hoặc ủng hộ hoạt động của đoàn đàm phán của họ; chỉ giả vờ tham gia thương lượng, song luôn giữ quan điểm một cách cực đoan dẫn đến không thể đạt được thỏa ước. Để bảo đảm nguyên tắc thương lượng thiện chí, bên cạnh việc quy định về một số tiêu chí và cách thức để xác định một hành vi của người sử dụng lao động có vi phạm nghĩa vụ thương lượng thiện chí hay không, luật cũng cần có quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền ra quyết định cuối cùng đối với những khiếu nại về việc vi phạm nghĩa vụ thương lượng thiện chí của người sử dụng lao động. Về nguyên tắc thương lượng thiện chí, Bộ luật Lao động năm 2019 đã gắn quy định về thương lượng không thành với quá trình giải quyết tranh chấp, đồng thời xác định rõ các trường hợp thương lượng không thành gồm (Điều 71):

+ Một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn;

+ Đã hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày bắt đầu thương lượng mà các bên không đạt được thỏa thuận;

+ Chưa hết thời hạn 03 tháng nhưng các bên cùng xác định và tuyên bố việc thương lượng tập thể không đạt được thỏa thỏa thuận.

Thứ hai, Nguyên tắc tự nguyện, hợp tác, bình đẳng, công khai và minh bạch trong thương lượng là những nguyên tắc thương lượng tập thể tương đối phổ biến của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, các nguyên tắc này, đặc biệt là nguyên tắc bình đẳng, không mặc nhiên được thực hiện trong quá trình thương lượng tập thể, nếu nó chỉ được quy định một cách ngắn gọn như trên. Bản chất mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động với tư cách là các bên thương lượng tập thể là mối quan hệ của những chủ thể có mối quan hệ phụ thuộc. Do đó, việc tạo ra vị thế để hai bên có thể thương lượng một cách bình đẳng với nhau là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của pháp luật về thương lượng tập thể, song đây cũng là thách thức lớn nhất của hệ thống pháp luật về quan hệ lao động của bất cứ quốc gia nào. Vấn đề hết sức khó khăn, nhưng vô cùng quan trọng này không thể được giải quyết bằng việc tuyên bố một cách đơn giản về nguyên tắc thương lượng tập thể như quy định tại Điều 66 Bộ luật Lao động năm 2019 như trên mà cần có sự kết nối với chế định giải quyết tranh chấp lao động và đình công để đảm bảo tính thực chất và khả thi của quy định này.

Xem thêm:  Thỏa thuận về tiền lương trong hợp đồng lao động

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Khái niệm và nguyên tắc thương lượng tập thể được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Khái niệm và nguyên tắc thương lượng tập thể có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Khái niệm và nguyên tắc thương lượng tập thể tại Việt Nam

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Bình luận
X
1.20014 sec| 836.203 kb