Những đặc điểm nổi bật của Doanh nghiệp nhà nước

08/12/2024
Lê Hằng Nga
Doanh nghiệp nhà nước là một lại hình doanh nghiệp đặc thù, nhà nước là chủ sở hữu của công ty nắm giữ tòa bộ hoặc đa phần vốn điều lệ. Bài viết dưới đây viết về những đặc điểm nổi bật của doanh nghiệp nhà nước.

1- Về chủ sở hữu

Nhà nước là chủ sở hữu công ty, nắm giữ tòa bộ hoặc đa phần vốn điều lệ của doanh nghiệp. Với tư cách như vậy, nhà nước có toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến sự tồn tại và hoạt động của từng doanh nghiệp nhà nước; Một là, quyết định về hình thành, tổ chức lại và định đoạt doanh nghiệp như thành lập, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn cho tổ chức, cá nhân khác; giải thể doanh nghiệp; Hai là, quyết định mục tiêu, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư tài chính của doanh nghiệp; Ba là, quyết định mô hình tổ chức quản lí doanh nghiệp; quyết định giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp; phê duyệt điều lệ hoạt động, sửa đổi và bổ sung điều lệ; quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỉ luật người quản lí doanh nghiệp (Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc). Bốn là, quyết định các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá hoạt động của doanh nghiệp. Năm là, kiểm tra, giám sát thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của doanh nghiệp đã được giao.
Để bảo đảm thống nhất sự quản lí của chủ sở hữu nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước, với tư cách chủ sở hữu, nhà nước phải thực hiện các trách nhiệm sau đối với toàn khu vực doanh nghiệp nhà nước, bao gồm: Một là, tổ chức xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển khu vực doanh nghiệp nhà nước, bao gồm thành lập mới, sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế; Hai là, quy định chế độ tài chính doanh nghiệp, chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của người đại diện chủ sở hữu nhà nước và các chức danh khác thuộc thẩm quyền quyết định của chủ sở hữu nhà nước.
Để thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ là cơ quan thống nhất quản lí và thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ phân công, phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lí ngành, UBND cấp tỉnh thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước. Cơ quan nhà nước theo phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo phân tách chức năng của cơ quan nhà nước với vai trò là cơ quan hành chính chủ quản và với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp

2- Về lĩnh vực hoạt động

Để đảm bảo thực hiện đúng vai trò, mục tiêu và chức năng chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tể quốc dân, phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp nhà nước đã được giới hạn trong bốn ngành, lĩnh vực sau:
+ Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội;
+ Hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ về tổ chức quản lí và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh;
+ Hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên;
+ Hoạt động ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.
Như vậy, hiện nay pháp luật đã khẳng định, doanh nghiệp nhà nước chỉ được thành lập và hoạt động ở những khâu, công đoạn then chốt trong một số ngành, lĩnh vực nhằm mục tiêu đảm bảo lợi ích của cộng đồng, bảo đảm an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ và kinh doanh trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn mà các thành phần kinh tế khác không muốn hoặc không thể cung cấp.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp

3- Về hình thức tồn tại

- Doanh nghiệp nhà nước tồn tại dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, bao gồm:
+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Mặc dù tồn tại dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phẩn và tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các luật khác có liên quan về loại hình công ty này nhưng hiện nay trên thực tế trong giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước tồn tại với những tên gọi khác nhau. Ví dụ: Tập đoàn dầu khí Việt Nam là công ty mẹ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam là công ty mẹ của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam; Tổng công ty hàng hải Việt Nam, Tổng công ty hàng không Việt Nam, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Khai thác và chế biến Đá An Giang, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hanel, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Dầu Tiếng, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bà Rịa...
Doanh nghiệp nhà nước tồn tại dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nên các quy định về tổ chức quản lí, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phải tuân theo các quy định của Nghị định 22/2022/NĐ-CP về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện cho chủ sở hữu tại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Do đặc thù về sở hữu của doanh nghiệp nhà nước nên để quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nhà nước có hiệu quả, thực hiện được các mục tiêu và chức năng của doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và một số văn bản pháp luật khác có liên quan đã quy định một số nội dung dành riêng cho doanh nghiệp nhà nước như: Quy định đặc thù trong tổ chức quản lí doanh nghiệp nhà nước và quản lí người giữ chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước; Quy định về cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và cách thức thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; Quản lí, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp nhà nước; Giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại đối với doanh nghiệp nhà nước; Công khai hóa thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước; Chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp

4- Về tư cách pháp lí và trách nhiệm tài sản

Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế tồn tại dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Nói đến doanh nghiệp nhà nước cần phân biệt hai chủ thể pháp lí trong việc chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của doanh nghiệp. Với tư cách là một chủ thể có tư cách pháp nhân độc lập, có tài sản riêng, doanh nghiệp nhà nước tự chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng đó về mọi khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp. Nhà nước với tư cách là chủ đầu tư vào doanh nghiệp nên Nhà nước có trách nhiệm, quyền hạn của chủ đầu tư vì vậy Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp

5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Những đặc điểm nổi bật của Doanh nghiệp nhà nước của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại. 
[b] Bài viết Những đặc điểm nổi bật của Doanh nghiệp nhà nước có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Những đặc điểm nổi bật của Doanh nghiệp nhà nước

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Bình luận
X
0.49238 sec| 843.477 kb