Quyền thừa kế? Mối quan hệ giữa quyền thừa kế và quyền sở hữu

08/01/2025
Everest Law Firm
Everest Law Firm
Quyền thừa kế là gì? Mối quan hệ giữa quyền thừa kế và quyền sở hữu là gì? Hãy cùng Luật sư tham khảo trong bài viết dưới đây:

1. Khái niệm quyền thừa kế

[a] Khái niệm thừa kế

Thừa kế với ý nghĩa là một phạm trù kinh tế có mầm mống và xuất hiện ngay trong thời kỳ sơ khai của xã hội loài người. Ở thời kỳ này, việc thừa kế nhằm di chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống được tiến hành dựa trên quan hệ huyết thống và do những phong tục tập quán riêng của từng bộ lạc, thị tộc quyết định. 

Quan hệ thừa kế xuất hiện đồng thời với quan hệ sở hữu và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Bởi lẽ, quan hệ sở hữu là quan hệ giữa người với người về việc chiếm hữu của cải vật chất trong xã hội, trong quá trình sản xuất, lưu thông phân phối của cải vật chất. Sự chiếm hữu vật chất được thể hiện giữa người này với người khác, giữa tập đoàn người này với tập đoàn người khác. Sự chiếm hữu đó là tiền đề đầu tiên làm xuất hiện quan hệ thừa kế.

Trong xã hội cộng sản nguyên thủy, tuy là một nền sản xuất đơn giản với lao động thô sơ, chủ yếu là hái lượm và săn bắn nhưng nền sản xuất đó cũng nằm trong một hình thái kinh tế-xã hội nhất định. Do vậy, quan hệ sở hữu cũng là một yếu tố khách quan xuất hiện ngay từ khi có xã hội loài người và cùng với thừa kế, chúng phát triển cùng với xã hội loài người.

[b] Khái niệm quyền thừa kế

Theo nghĩa rộng, quyền thừa kế là pháp luật về thừa kế, là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định trình tự dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống. Thừa kế là một chế định pháp luật dân sự, là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc chuyển dịch tài sản của người chết cho người khác theo di chúc hoặc theo một trình tự nhất định đồng thời quy định phạm vi quyền, nghĩa vụ và phương thức bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của người thừa kế.

Quyền thừa kế hiểu theo nghĩa chủ quan là quyền của người để lại di sản và quyền của người nhận di sản. Quyền chủ quan này phải phù hợp với các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về thừa kế nói riêng.

Thừa kế với tư cách là một quan hệ pháp luật dân sự trong đó các chủ thể có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Trong quan hệ này, người có tài sản, trước khi chết có quyền định đoạt tài sản của mình cho người khác. Những người có quyền nhận di sản có thể nhận hoặc không nhận di sản (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Đối tượng của thừa kế là các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền của người đã chết để lại (trong một số trường hợp người để lại tài sản có thể chỉ để lại hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản). Tuy nhiên, một số quyền tài sản gắn liền với nhân thân người đã chết không thể chuyển cho những người thừa kế (tiền cấp dưỡng...) vì pháp luật quy định chỉ người đó mới có quyền được hưởng.

2. Mối quan hệ giữa quyền thừa kế và quyền sở hữu

Khi xã hội phân chia thành giai cấp, xuất hiện nhà nước, việc chiếm giữ những của cải vật chất trong xã hội được điều chỉnh bằng pháp luật theo hướng có lợi cho giai cấp thống trị xã hội. Vì vậy, quyền sở hữu hiểu theo nghĩa khách quan là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước quy định nhằm điều chỉnh những quan hệ về sở hữu đối với các lợi ích vật chất trong xã hội. Những quy phạm pháp luật đó xác nhận, quy định và bảo vệ quyền sở hữu của các sở hữu trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình. Quyền thừa kế là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành quy định các điều kiện, trình tự dịch chuyển những tài sản của người đã chết cho những người còn sống.

Quyền sở hữu và quyền thừa kế đều là những phạm trù pháp lí, song song tồn tại trong cùng một hình thái kinh tế-xã hội nhất định. Giữa chúng có mối liên quan mật thiết và chặt chẽ, từ chỗ pháp luật quy định cho công dân có quyền sở hữu tài sản và cũng dựa vào đó pháp luật quy định cho họ các quyền năng trong quan hệ thừa kế.

Trong xã hội phong kiến hoặc trong xã hội tư bản - những xã hội dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất chủ yếu như đất đai, rừng núi, sông, hồ... nhà nước là người đại diện cho nhân dân nắm giữ tư liệu sản xuất để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước và bảo vệ an ninh quốc phòng. Quyền thừa kế là thừa hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp mà nhà nước cho phép chuyển dịch. Đối tượng của thừa kế là những tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng như: nhà máy, cổ phần và các máy móc phục vụ cho sản xuất công, nông nghiệp...

Công dân có quyền để lại thừa kế những tài sản thuộc  quyền sở hữu của mình cho người khác, Nhà nước không hạn chế quyền để lại thừa kế và quyền nhận thừa kế của công dân (trừ trường hợp vi phạm Điều 621 Bộ luật Dân sự). Mặt khác, Nhà nước khuyến khích công dân bằng sức lao động của mình tạo ra nhiều của cải cho xã hội, làm giàu cho gia đình, làm cho đất nước văn minh và phồn vinh.

 

 3. Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Quyền thừa kế là gì? Mối quan hệ giữa quyền thừa kế và quyền sở hữu là gì? được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viếtQuyền thừa kế là gì? Mối quan hệ giữa quyền thừa kế và quyền sở hữu là gì? có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Quyền thừa kế? Mối quan hệ giữa quyền thừa kế và quyền sở hữu

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.20165 sec| 1036.203 kb