Quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp 2013
1- Quyền con người, quyền của công dân theo Hiến pháp 2013
Hiện nay, Hiến pháp 2013 đã ghi nhận một số quyền cơ bản của con người, như: quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền sống; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; quyền bất khả xâm phạm về đời tư; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền khiếu nại tố cáo; quyền không bị coi là có tội cho đến khi có bản án kết tội của tòa có hiệu lực; quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế; quyền tự do kinh doanh; quyền kết hôn, ly hôn; quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và hưởng thụ các lợi ích từ hoạt động đó; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa; quyền được sống trong môi trường trong lành tại Điều 14 - Điều 43 Hiến pháp năm 2013.
Hiến pháp 2013 quy định công dân ngoài các quyền con người nêu trên, còn có các quyền: quyền có nơi ở hợp pháp; quyền tự do đi lại và cư trú; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình; quyền bầu cử, ứng cử; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước; quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý; quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền có việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, nơi làm việc; quyền học tập; quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.
Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền con người theo pháp luật Việt Nam.
Quyền bình đẳng trước pháp luật được hiểu là trong những điều kiện như nhau, được hưởng sự đối xử của pháp luật như nhau, mà không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào. Nội dung của sự bình đẳng gồm: khả năng được hưởng quyền, lợi ích; khả năng phải thực hiện nghĩa vụ; khả năng phải gánh chịu các hậu quả pháp lý khi có những hành vi vi phạm. Quyền cơ bản này được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế, khu vực; và trong Hiến pháp Việt Nam. Trong xã hội có nhà nước, có tính giai cấp. Quyền bình đẳng trước pháp luật luôn chịu sức ép lớn, khó bảo đảm tuyệt đối. Điều kiện hoàn cảnh xã hội khác nhau, sự ghi nhận, bảo vệ, thực thi quyền bình đẳng trước pháp luật cũng khác nhau.
Quyền tự do ngôn luận được hiểu là quyền tự do tiếp nhận và thể hiện ý chí, quan điểm thông qua các hình thức khác nhau nhưng không được chống lại đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không được xâm hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác; không được xâm hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội, đạo đức và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Quyền cơ bản này được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế; và trong Hiến pháp Việt Nam.
Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm được thực thi bởi cơ chế bảo hộ: ghi nhận quyền, phòng ngừa xâm hại, can thiệp khi có hành vi xâm hại. Các chủ thể thực hiện bảo vệ quyền: Cá nhân, tổ chức tự bảo vệ mình; Các cơ quan nhà nước (cơ quan quyền lực, cơ quan hành pháp, cơ quan tòa án, cơ quan kiểm sát); Các tổ chức phi chính phủ: tổ chức chính trị; tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội; Các tổ chức quốc tế, khu vực; Cư dân trong nước và quốc tế (công luận xã hội).
Quyền tự do kinh doanh được hiểu là được quyền tự quyết định, thực hiện các công việc trong kinh doanh nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật và không được thực hiện các điều pháp luật cấm; không được lợi dụng quyền tự do của mình xâm hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không được xâm phạm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Quyền này phát sinh, tồn tại gắn liền với nền kinh tế thị trường.
2- Nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp 2013
Hiến pháp 2013 quy định công dân có các nghĩa vụ: Trung thành với Tổ quốc; bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân; Tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng; Nộp thuế, cụ thể:
- Nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc (Điều 44);
- Nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc (khoản 1 Điều 45);
- Nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân (khoản 2 Điều 45);
- Nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (Điều 46);
- Nghĩa vụ chấp hành các quy tắc sinh hoạt công cộng (Điều 46);
- Nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 43);
- Nghĩa vụ nộp thuế (Điều 47);
- Nghĩa vụ học tập (Điều 39);
- Nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam (Điều 46).
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
(i) Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.net.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm