Thừa kế thế vị và cách chia di sản theo quy định pháp luật
1- Thừa kế thế vị
Thừa kế thế vị là một trường hợp đặc biệt của chế định thừa kế, được quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể như sau:
"Điều 652. Thừa kế thế vị"
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Ngay từ tên của quy định này – thừa kế thế vị thì chúng ta cũng có thể hiểu đơn giản đây là việc một người thay thế vị trí của một người khác để được nhận thừa kế của người đó. Cụ thể theo quy định trên thì thừa kế thế vị là việc các con (cháu, chắt) được thay vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông hoặc bà) để hưởng di sản của ông, bà (hoặc cụ) trong trường hợp bố hoặc mẹ (ông hoặc bà) chết trước hoặc chết cùng ông, bà (hoặc cụ).
Ví dụ: Gia đình ông A có 3 người con: B, C. B có con là D. B chết trước A. Vậy khi ông A chết thì D sẽ được thừa kế thế vị từ ông A (cháu được thay vào vị trí của con). Trường hợp nếu D chết trước ông A và có người con là E thì E sẽ được thừa kế thế vị từ ông A (chắt được thay vào vị trí của ông).
2- Thừa kế thế vị áp dụng khi nào?
Để áp dụng thừa kế thế vị thì cần thỏa mãn các điều kiện sau:
Người thế vị phải là người ở đời sau. Con cái, cháu được thế vị bố mẹ, ông bà mà không có trường hợp ngược lại. Ngoài ra các mối quan hệ khác không được xem là thừa kế thế vị.
Chỉ áp dụng cơ chế thừa kế thế vị trong trường hợp con/cháu của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, nếu con/cháu của người để lại di sản chưa chết mà chỉ từ bỏ quyền nhận di sản hay vì bất cứ lý do khác thì cơ chế thế vị sẽ không được áp dụng
Người thừa kế thế vị phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Ví dụ: Ông A có con là B. Tuy nhiên không may A và B bị tai nạn xe bị mất, lúc này vợ B đang mang thai con của B, thì đứa bé sẽ được thừa kế thế vị từ A.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về thừa kế (luật sư thừa kế) của Công ty Luật TNHH Everest
3- Hồ sơ, thủ tục khai nhận di sản để thừa kế thế vị?
Về hồ sơ khai nhận: Hồ sơ tương tự với việc khai nhận di sản thừa kế bình thường, cụ thể phải đáp ứng được các nguyên tắc về hồ sơ như sau:
(i) Giấy tờ chứng minh về thời điểm mở thừa kế: Giấy chứng tử của người để lại di sản.
(ii) Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người yêu cầu khai nhận di sản thừa kế và người để lại di sản thừa kế. Vì là thừa kế thế vị nên sẽ không có giấy tờ chứng minh trực tiếp mối quan hệ (vì giữa ông với cháu, cụ với chắt thì không có giấy tờ chứng minh) mà phải sử dụng nhiều hồ sơ để chứng minh sự liên kết, cụ thể cần phải có Giấy khai sinh của người chết trước người để lại di sản, Giấy khai sinh của người nhận di sản để chứng minh mối quan hệ thế vị.
(iii) Giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số tiết kiệm,... để đưa ra được yêu cầu cụ thể.
(iv) Giấy tờ nhân thân về người thừa kế thế vị như: Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu,...
Ngoài ra, phụ thuộc vào những trường hợp cụ thể thì cần thêm những văn bản tài liệu khác nhau để có thể thu thập đủ hồ sơ khai nhận di sản thừa kế.
Về thủ tục: Khai nhận di sản thừa kế là thủ tục được thực hiện tại Phòng/Văn phòng công chứng nếu những người thừa kế thống nhất việc phân chia di sản.
Trường hợp có bất cứ người thừa kế nào không đồng ý với việc phân chia di sản thì thủ tục này sẽ không thực hiện được và cần phải tiến hành khởi kiện yêu cầu phân chia di sản tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
4- Các thắc mắc thường gặp trong thừa kế thế vị
[a]- Con nuôi thì có được hưởng thừa kế thế vị hay không?
Về vấn đề này thì pháp luật đã có quy định cụ thể tại Điều 653 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 653. Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ
Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.”
Như vậy, theo quy định này thì con nuôi thuộc đối tượng thừa kế thế vị tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015
[b]- Vợ có được thừa kế thế vị từ chồng đã mất không?
Về nội dung này thì pháp luật đã quy định rõ ràng, thừa kế thế vị chỉ được áp dụng cho trường hợp là con/cháu chứ không được áp dụng cho bất kể quan hệ nào khác
[c]- Tài sản được thừa kế thế vị như thế nào?
Về việc chia tài sản thì di sản được chia theo quy định về thừa kế theo pháp luật, và có quyền hưởng trọn phần di sản của mình được phân chia tương đương với những người thừa kế khác.
Trên đây là một số nội dung về khái niệm thừa kế thế vị. Thực tế mỗi gia đình lại gặp những trường hợp khác nhau, do đó để có thể bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì gia đình nên cần được tham khảo và tư vấn bởi những công ty luật am hiểu và chuyên sâu về những nội dung này.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest
5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Thừa kế thế vị và cách chia di sản theo quy định pháp luật được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Thừa kế thế vị và cách chia di sản theo quy định pháp luật có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm