Trách nhiệm, quyền lợi của các bên khi chấm dứt hợp đồng lao động
1- Các vấn đề chung về chấm dứt hợp đồng lao động:
Khác với việc chấm dứt các hợp đồng khác, chấm dứt hợp đồng lao động (đặc biệt là việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật) có thể dẫn đến việc người lao động không có việc làm nếu họ không có sự chuẩn bị trước và dẫn tới việc họ mất đi nguồn thu nhập, việc này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động. Với người sử dụng lao động, việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của người lao động đồng nghĩa với việc có thể dẫn đến sự xáo trộn, thay đổi về mặt nhân lực trong doanh nghiệp. Vì vậy, Tổ chức Lao động quốc tế cũng như pháp luật các nước trong đó có cả Việt Nam đều đã và đang rất quan tâm đến vấn đề này. Pháp luật các nước thường xác định quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên khi chấm dứt hợp đồng lao động trên cơ sở tính hợp pháp pháp luật của việc chấm dứt hợp đồng.
Đối với các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp, sẽ tuỳ theo điều kiện của kinh tế-xã hội mà các nước sẽ có sự quy định khác nhau nhưng nhìn chung thì đều hướng đến việc trả cho người lao động một khoản trợ cấp nhất định (như trợ cấp thôi việc; trợ cấp mất việc; trợ cấp thất nghiệp;...) để nhằm hỗ trợ cho người lao động một khoản tiền khi chấm dứt hợp đồng lao động. Ngoài ra, các bên có trách nhiệm thanh toán cho nhau các quyền lợi như tiền lương, tiền nợ, tiền bồi thường (nếu có)... và trả lại cho nhau những giấy tờ cần thiết (Sổ Bảo hiểm xã hội đã chốt thời gian đóng).
Với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, pháp luật các nước đều quy định trách nhiệm phải bồi thường của bên vi phạm. Tuy nhiên, có những quan điểm về bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động ở các nước cũng rất khác nhau,có nước quan điểm phải đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên trong quan hệ lao động nên trách nhiệm bồi thường trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động phải là như nhau, không có sự phân biệt và những nước theo quan điểm này thường là nước có mức an sinh xã hội, điều kiện kinh tế-xã hội tương đối cao như Đức, Pháp, Bỉ... nhưng rất nhiều nước lại quan điểm mức bồi thường trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của người sử dụng lao động cao hơn người lao động bởi họ cho rằng những người lao động ở vị trí thế yếu trong quan hệ lao động với người sử dụng lao động. Hơn nữa, việc làm đối với người lao động là rất khó khăn khi tìm kiếm một công việc mới nên việc người sử dụng lao động chấm dứt họp đồng lao động trái pháp luật đã ảnh hưởng lớn đến người lao động về nguồn thu nhập cũng như đời sống, những nước theo quan điểm này có thể kể đến như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam cũng là một trong những nước theo quan điểm này.
2- Quyền lợi và trách nhiệm của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:
Khi hợp đồng lao động chấm dứt, các bên phải thanh toán cho nhau các quyền lợi như đã thoả thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật. Thông thường khi 2 bên đã ký kết chấm dứt hợp đồng, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp từ phía người sử dụng lao động nếu làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên. Tuy nhiên sẽ tuỳ từng trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc hay trợ cấp mất việc. người lao động được hưởng trợ cấp mất việc trong trường hợp doanh nghiệp chấm dứt vì lí do doanh nghiệp thay đổi cơ cấu công nghệ, lí do kinh tế, doanh nghiệp có sự thay đổi như sáp nhập, hợp nhất, chia tách... Thì mức trợ cấp mất việc làm sẽ được tính theo thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động. Mỗi năm làm việc tính bằng 1 tháng lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động khác người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc. Mức trợ cấp thôi việc cũng được tính theo thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động. Mỗi năm làm việc tính bằng 1/2 tháng lương. Người lao động sẽ được thanh toán các khoản tiền lương, tiền nợ, tiền bồi thường, tiền trợ cấp trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, trường hợp đặc biệt cũng không quá 30 ngày.
Tuy nhiên, nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc đồng thời có trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng. Trường hợp người lao động vi phạm nghĩa vụ báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước (theo Điều 40 Bộ luật lao động năm 2019).
3- Quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:
Việc người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật.
Khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết và thanh toán các quyền lợi cho người lao động như tiền lương, trợ cấp... và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cùng các giấy tờ khác cho người lao động. Tuy nhiên, nếu người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì hậu quả pháp lí sẽ khác. Ngoài khoản tiền lương phải trả cho người lao động trong thời gian không được làm việc, người sử dụng lao động còn phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trái pháp luật thì có trách nhiệm nhận người lao động trở lại làm việc (nếu người lao động có nhu cầu) đồng thời trả toàn bộ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Trường hợp người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của Người lao động trong những ngày không báo trước (theo Điều 45 Bộ luật lao động năm 2019 và Điều 41 Bộ luật lao động năm 2012). Bên cạnh đó khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng giấy tờ chính khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của Nngười lao động. Người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm cung cấp các bản sao các tài liệu có liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu Nngười lao động cỏ yêu cầu.
Về quyền lợi, người sử dụng lao động không phải trả trợ cấp thôi việc và được bồi thường nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước. Ngoài ra, khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động còn được hoàn trả phí đào tạo (nếu có). Thời hạn thanh toán các quyền lợi cho người sử dụng lao động là 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, trường hợp đặc biệt cũng không quá 30 ngày.
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
(i) Bài viết trong lĩnh vực pháp luật lao động được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 024 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm