Các khóa học hỗ trợ cho nghề luật sư

"Anh có thể bắt trượt mục tiêu nếu nhắm quá cao hoặc quá thấp”

Thomas Fuller

Các khóa học hỗ trợ cho nghề luật sư

Khi hành nghề luật sư, ngoài kiến thức pháp luật chuyên sâu trong một hay một vài lĩnh vực pháp luật nào đó, bạn còn cần có một ít kiến thức tổng quát ở một số lĩnh vực hỗ trợ khác nhằm giúp cho những tư vấn pháp lý của bạn có chiều sâu và chất lượng cũng như thực sự có hiệu quả cho khách hàng. Ví dụ, bạn có kiến thức chuyên sâu về pháp luật về sở hữu trí tuệ nhưng bạn lại không biết cách viết một thư tư vấn gãy gọn, súc tích bằng tiếng Anh cho khách hàng hay nếu bạn có một buổi thuyết trình nào đó nhằm thuyết phục khách hàng về những tư vấn pháp lý của bạn dành cho họ nhưng bạn lại gặp khó khăn khi chuẩn bị tài liệu thuyết trình bằng ứng dụng Power Point sao cho ngắn gọn và chuyên nghiệp. Qua đó, có thể thấy rằng việc bổ sung những kiến thức phổ biến của một số lĩnh vực hỗ trợ khác chẳng hạn như kinh tế, kế toán, kỹ năng viết bằng ngoại ngữ, giao tiếp, vi tính văn phòng, thuyết trình, hùng biện, v.v.., là hết sức cần thiết cho việc hành nghề luật sư chuyên nghiệp.

Liên hệ

1- Kiến thức về kinh tế

Ngoài việc học các môn học pháp luật chuyên ngành tại trường đại học, nếu muốn trở thành một luật sư giỏi, đặc biệt là trong lĩnh vực tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, bạn cần phải trang bị thêm cho mình một số kiến thức cơ bản về kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và kế toán.

Theo đó, học về kinh tế sẽ giúp bạn hiểu được cách thức nền kinh tế vận hành trên bình diện vĩ mô và cách thức mà doanh nghiệp hoạt động trong bình diện vi mô.

Trong cái vi mô đó thì sẽ học về kế toán sẽ giúp bạn không chỉ biết cách quản lý công việc kế toán trong công ty luật của bạn mà còn giúp bạn biết được những thông tin quan trọng có liên quan đến khách hàng. Cụ thể, bạn sẽ biết cách doanh thu và chi phí được phân bổ như thế nào trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp, biết được khi nào thì một khoản tiền mà doanh nghiệp chi ra để mua sắm một loại tài sản nào đó sẽ được xem là chi phí của doanh nghiệp và khi nào thì cũng là khoản chi phí đó nhưng lại được xem là tài sản của doanh nghiệp, hoặc biết cách đọc các báo cáo tài chính của doanh nghiệp, bao gồm bảng cân đối kế toán (balance sheet), đây là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ tài sản hiện có và nguổn vốn để hình thành tài sản của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định nào đó; báo cáo kết quả kinh doanh (income statement), đây là báo cáo phản ánh kết quả tích lũy mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định nào đó, nó cho biết doanh nghiệp đã hoạt động như thế nào, có mang lại lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp hay không hay có thể hiểu theo cách khác nó là lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp tức là doanh nhiệp có lãi hay bị lỗ; và báo cáo lưu chuyển tiền tệ (cash flow statement), đây là báo cáo tài chính tổng hợp phản ánh tình hình thu, chi tiền tệ trong các hoạt động phát sinh tại doanh nghiệp.

Cũng trong cái vi mô đó thì học vê thuế sẽ giúp bạn tư vấn các vấn đề có liên quan đến thuế một cách hiệu quả cho khách hàng doanh nghiệp và nhân viên của họ, một mảng tư vấn quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, học về thuế cũng sẽ giúp bạn có thể nhìn ở góc độ thuế khi tư vấn cho khách hàng của bạn trong các giao dịch mua bán, sáp nhập cũng như giúp bạn giám sát một cách hiệu quả công việc thuế và kế toán của chính công ty luật của bạn, giúp tinh hình tài chính của công ty luật của bạn được khỏe mạnh và chỉ phải trả các loại thuế ở mức thấp nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo tính hợp pháp theo quy định của pháp luật về thuế.

2- Khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ

Bên cạnh lĩnh vực tài chính, như đã trình bày ở trên, kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) cũng không kém phần quan trọng, nhất là khi bạn đặt trọng tâm các khách hàng của công ty luật của bạn trong tương lai sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài ví dụ như các công ty, tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện hay chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh hay làm việc tại Việt Nam.

Trong đó, tiếng Anh được xem là ngôn ngữ phổ biến nhất trong môi trường pháp lý có tính quốc tế, nó được xem là công cụ hỗ trợ quan trọng đối với bất kỳ luật sư nào muốn hành nghề luật sư có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Khả năng tiếng Anh pháp lý không chỉ đơn thuần là giúp bạn hiểu rõ hơn các vấn đề pháp lý của khách hàng mà còn là thước đo phản ánh sự chuyên nghiệp của bạn trong mắt của khách hàng và vì thế nó có tầm ảnh hưởng nhất định đối với thành công của bạn. Do đó, ngay từ khi còn ở trường đại học, bạn nên đầu tư một ít thời gian của mình cho việc học tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh pháp lý bằng nhiều cách khác nhau ví dụ như tự học tại nhà bằng cách đọc sách, truyện, xem phim ngoại tuyến và trực tuyến; tham gia các khóa học tiếng Anh pháp lý tại các trung tâm dạy ngoại ngữ chuyên ngành tại Việt Nam và các khóa tiếng Anh chuyên ngành pháp luật ngắn hạn tại trường đại học.

Các khóa học như trên sẽ giúp trang bị cho bạn một số kiến thức nhất định về đặc tính pháp lý và bản chất của pháp luật, khả năng trao đổi, thương thuyết tự tin trong các công việc có liên quan đến thương lượng, giao kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, khả năng sử dụng một cách tự nhiên từ vựng và ngữ pháp tiếng Anh pháp lý. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh với khách hàng, đối tác, đồng nghiệp và đây thực sự là lợi thế vô cùng lớn cho bạn trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh hội nhập quốc tế như hiện nay.

Tuy nhiên, nếu chỉ biết tiếng Anh thôi thì vẫn chưa được xem là đủ đối với bạn. Kinh nghiệm cho thấy rằng, bạn nên học thêm một ngoại ngữ phổ biến khác ví dụ như tiếng Pháp hay tiếng Trung Quốc vì có khá nhiều quốc gia trên thế giới đang sử dụng các ngôn ngữ này trong giao tiếp thương mại và đây sẽ là một lợi thế lớn của bạn so với các luật sư khác, vì các khách hàng nước ngoài thường thích trao đổi các vấn đề pháp lý của họ với luật sư bằng tiếng mẹ đẻ của họ hay nếu không thể thì sẽ bằng một loại ngôn ngữ phổ biến nào đó mà họ thông thạo hay một ngôn ngữ nào đó mà được xem là thuận tiện nhất cho cả hai bên.

Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn một ngoại ngữ nào khác để học dù nó có thể không quá phổ biến trên thế giới nhưng lại rất thông dụng tại Việt Nam ví dụ như tiếng Nhật hay tiếng Hàn vì hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc đang đẩu tư hay làm việc tại Việt Nam nhưng lại có rất ít luật sư Việt Nam có thể giao tiếp với họ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Do đó, việc thông thạo một trong các ngôn ngữ nêu trên sẽ là một lợi thế không nhỏ đối với bạn và từ đó nó sẽ giúp bạn có thêm nhiều khả năng có được khách hàng mục tiêu.

3- Kỹ năng văn phòng

Kỹ năng văn phòng thường là việc bạn sử dụng một cách thông thạo bộ Microsoft office, bao gồm các ứng dụng như Word, Excel, Outlook, Microsoft Teams, là hết sức cẩn thiết cho công việc hành nghề luật sư hằng ngày của bạn, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi việc giao tiếp giữa khách hàng và luật sư phẩn lớn được thực hiện thông qua trao đổi bằng thư điện tử và các phương tiện điện tử khác.

Bên cạnh đó, việc giới thiệu dịch vụ pháp lý của công ty luật của bạn cũng thường được thực hiện qua các ứng dụng phổ biến như Power Point của bộ Microsoft Office. Một điểm dễ nhận thấy là các dạng giao tiếp khách hàng và luật sư truyền thống thông qua các hình thức ví dụ như gửi thư, fax hiện đã không còn thông dụng nữa vì bạn phải tốn chi phí gửi, không nhanh chóng và tiện dụng cho nên việc bạn biết cách sử dụng một cách thuần thục các ứng dụng vừa nêu là rất cần thiết vì chúng được xem như là những công cụ không thể thiếu đối với một luật sư hành nghề chuyên nghiệp.

4- Kỹ năng thuyết trình và hùng biện

Tại các trường đại học có đào tạo chuyên ngành luật tại Việt Nam, bạn ít nhiều đã được học kỹ năng trình bày và hùng biện thông qua các buổi thảo luận trên lớp, các hoạt động do các câu lạc bộ, đội, nhóm trong trường đại học tổ chức. Tuy nhiên, có thể thấy rằng vẫn còn khá nhiều sinh viên vẫn không có được hai kỹ năng quan trọng vừa nêu, mà nguyên nhân chính xuất phát từ căn bệnh “Ngại!”. Sở dĩ có tình trạng nêu trên là vì những sinh viên đó thường bỏ qua cơ hội tự rèn luyện khả năng thuyết trình và hùng biện của mình khi còn học ở trường đại học. Ví dụ, những sinh viên đó thường không chủ động xin thuyết trình vì họ lo rằng mình sẽ trình bày không tốt, những sinh viên ấy cũng không chịu đóng góp các ý kiến trái chiều, phản biện những quan điểm, lập luận của người khác mà họ chưa cảm thấy thuyết phục vì cho rằng họ sẽ bị bạn bè hay thầy cô chê bai khi đưa ra những quan điểm, lập luận không theo số đông. Hệ quả là, mặc dù những sinh viên đó vẫn tốt nghiệp đại học với nền tảng kiến thức pháp luật vững chắc, nhưng họ lại thiếu khả năng thuyết trình và hùng biện, và điều đó ít nhiều làm giảm đi cơ hội nghề nghiệp cũng như gây khó khăn cho họ trong quá trình hành nghề luật sư sau này.

Do đó, nếu lỡ mắc phải căn bệnh vừa nêu, bạn hãy tìm cách vượt qua và gạt bỏ nó ngay khi có thể. Bởi lẽ, trên chặng đường trở thành một luật sư chuyên nghiệp, chắc chắn là bạn sẽ nhiều lần phải thuyết phục khách hàng, đồng nghiệp, cấp trên, chuyên viên của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề pháp lý nào đó hoặc thể hiện khả năng hùng biện của mình ở các phiên tòa, trung tâm trọng tài mà bạn là luật sư bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của bạn.

Nếu bạn biết cách tận dụng tốt cơ hội để rèn dũa kỹ năng thuyết trình và hùng biện của mình trong thời gian học đại học thì xin chúc mừng bạn, bạn đã có được một sự chuẩn bị tốt cho nghề nghiệp luật sư của mình trong tương lai. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trở thành một luật sư tranh tụng trong các vụ kiện, bạn nên tham gia thêm các khóa huấn luyện ngắn hạn từ 01 đến 03 tháng về kỹ năng thuyết trình và hùng biện vì chúng sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn khi cố gắng thuyết phục người khác như thẩm phán, hội thẩm nhân dân, trung tâm trọng tài, luật sư của đối phương, khách hàng của bạn, v.v..., để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho khách hàng của bạn.

5- Học chơi thể thao và nhạc cụ

Bạn có thể thắc mắc tại sao lại phải đề cập đến hai lĩnh vực không có liên quan trực tiếp gì đến pháp luật đó là thể thao và âm nhạc ở đây. Chắc bạn đã biết, thể thao và âm nhạc là hai lĩnh vực mang đến cho người chơi những cơ hội giao tiếp xã hội rất lớn. Việc biết chơi một môn thể thao phổ biến nào đó ví dụ như golf, quần vợt, cầu lông, bóng bàn, v.v..., cũng là một lợi thế không nhỏ khi bạn tim kiếm, duy trì và phát triển quan hệ với những khách hàng tiềm năng có cùng sở thích với ban.

Bạn biết không, bất kỳ ai cũng ít nhiều có sở thích về một môn thể thao nào đó và khách hàng của bạn chắc cũng không là ngoại lệ. Nếu bạn biết chơi một môn thể thao nào đó mà khách hàng của bạn cũng yêu thích thì đó chắc chắn sẽ là chủ đề chung thú vị để hai bên cùng trò chuyện, trao đổi với nhau ngoài những vấn để pháp lý phức tạp của khách hàng. Nếu có điều kiện, hai bên thậm chí còn có thể thi đấu giao lưu với nhau nhằm tăng cường cho mối quan hệ khách hàng - luật sư sẵn có. Đây có thể được xem là thuận lợi của việc bạn là luật sư mà biết chơi thể thao.

Ngoài việc biết chơi một môn thể thao phổ biến như trên, bạn cũng nên tập chơi một loại nhạc cụ nào đó như đàn guitar, trống, keyboard, piano, v.v..., thậm chí là tập hát (hay còn được gọi là học thanh nhạc) hay học khiêu vũ để khi có dịp giao lưu với các khách hàng tiềm năng tại một sự kiện cộng đồng nào đó, bạn sẽ có thể tự mình đệm hát, song tấu, song ca hay khiêu vũ với những khách hàng tiềm năng nhằm gầy thiện cảm với họ và khi có thể làm được như vậy thì bạn sẽ gia tăng cơ hội được khách hàng tiềm năng giao các công việc pháp lý quan trọng của họ cho bạn sau đó. 

Nguồn: Sách "Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề Luật sư" của Luật sư Nguyễn Hữu Phước - Công ty Luật Phuoc & Partner.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.4 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Các khóa học hỗ trợ cho nghề luật sư

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
2.22678 sec| 1120.281 kb