Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội

15/11/2024
Phạm Gia Minh
Điều 50 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định căn cứ quyết định hình phạt như sau: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”. Như vậy, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng là một trong số những căn cứ để quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Vậy cụ thể quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội như thế nào?

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể được phân loại thành các tình tiết ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và các tình tiết phản ánh khả năng giáo dục, cải tạo của người phạm tội.

1- Các tình tiết ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội

- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên (điểm i khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp phạm tội có đối tượng bị xâm hại là những người cần được bảo vệ đặc biệt do khả năng tự vệ hạn chế hoặc không có khả năng tự vệ. Hành vi phạm tội trong trường hợp này còn vi phạm chính sách bảo vệ bà mẹ, trẻ em cũng như vi phạm đạo đức xã hội và nguyên tắc nhân đạo nói chung, Do đó, trường hợp phạm tội này có tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn so với trường hợp phạm tội bình thường.

- Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác (điểm k khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp phạm tội có đối tượng bị xâm hại tương đối đặc biệt và do vậy mà có tính nguy hiểm cao hơn so với trường hợp phạm tội bình thường. Người ở trong tình trạng không thể tự vệ được là người do thể chất hoặc tinh thần có sự bất thường nên không có khả năng chống đỡ, tự bảo vệ mình được như người bị bệnh nặng, người không có khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do mắc bệnh tâm thần...; "Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện được một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày". "Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày". Người bị hạn chế khả năng nhận thức là người do mắc bệnh nên không có khả năng nhận thức được đầy đủ hành vi của mình; Người lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác là người mà người phạm tội có thể chi phối và họ có thể lợi dụng sự chi phối này để phạm tội.

- Phạm tội có tổ chức (điểm a khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những chủ thể cùng thực hiện tội phạm.

- Xúi giục người đưới 18 tuổi phạm tội (điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp người phạm tội kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm.

- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội (điểm m khoản 1 Điểu 52 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp phạm tội có thủ đoạn phạm tội không bình thường làm tăng tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Thủ đoạn tinh vi là thủ đoạn phạm tội kín đáo, phức tạp khó nhận biết; thủ đoạn xảo quyệt là thủ đoạn phạm tội gắn với những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm; thủ đoạn tàn ác là thủ đoạn phạm tội có tính thâm độc, tàn nhẫn, man rợ...

- Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội (điểm n khoản 1 Điểu 52 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp người phạm tội đã sử dụng cách thức hoặc phương tiện phạm tội có khả năng gây thiệt hại cho nhiều người, như đốt nhà trong đó có nhiều người, ném lựu đạn hoặc dùng súng bắn vào đám đông...

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội (điểm c khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp người phạm tội đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình như là phương tiện để thực hiện tội phạm.

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội (điểm 1 khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phức tạp của xã hội đề dễ dàng thực hiện tội phạm. Hành vi phạm tội có tình tiết này có tính chất nghiêm trọng hơn trường hợp phạm tội bình thường vì nó không chỉ cản trở sự khắc phục khó khăn mà còn làm tăng thêm những khó khăn đang có của xã hội.

- Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp (điểm b khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp liên tiếp phạm tội (từ năm lần trở lên) về cùng một tội phạm (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

- Phạm tội có tính chất côn đồ (điểm d khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp phạm tội mà hành vi và các tình tiết khách quan khác thể hiện sự hung hãn, coi thường người khác, coi thường pháp luật của người phạm tội.

- Phạm tội vì động cơ đê hèn (điểm đ khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp phạm tội bị thúc đẩy bởi động cơ đê tiện, thấp hèn. Hành vi phạm tội trong trường hợp này thường là những biểu hiện của sự bội bạc, phản trắc, hèn nhát, ích kỷ... Do vậy, lỗi của người phạm tội trong trường hợp này có mức độ nghiêm trọng hơn trường hợp bình thường.

- Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng (điểm e khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp pham tội có biểu hiện quyết tâm thực hiện tội phạm như cố gắng khắc phục mọi trở ngại để thực hiện bằng được tội phạm. Do vậy, lỗi của người phạm tội này có mức độ nghiêm trọng hơn trường hợp bình thường.

- Phạm tội 02 lần trở lên (điểm g khoản 1 Điểu 52 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp phạm tội mà trước đó người phạm tội đã phạm tội này ít nhất là một lần và chưa bị xét xử.

- Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm (điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015)Theo khoản 1 Điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015 tái phạm là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội mới do cố ý hoặc do vô ý về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian chưa được xoá án tích về tội phạm trước đã bị kết án. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm có tính nguy hiểm cao hơn người phạm tội thuộc trường hợp phạm tội lần đầu vì họ đã bị kết án nhưng vẫn phạm tội lại trong thời gian chưa được xoá án tích về tội đã bị kết án. Cụ thể người phạm tội bị coi là tái phạm đòi hỏi các điều kiện sau:

Điều kiện thứ nhất: Người phạm tội phải là người đã bị kết án và đang có án tích.

Ở đây cần chú ý: Không phải tất cả những người đã bị kết án đều bị coi là có án tích. Các trường hợp đã bị kết án nhưng không bị coi là có án tích được quy định tại khoản 2 Điều 69 Bộ luật hình sự năm 2015 và tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự năm 2015 (đối với người bị kết án dưới 18 tuổi). Như vậy, người bị kết án mà không thuộc các trường hợp này mới bị coi là có án tích. Tuy nhiên, án tích sẽ được xóa theo quy định tại các điều từ 69 đến 73 Điều 107 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, điều kiện thứ nhất của tái phạm là: Người phạm tội đã bị kết án; thuộc trường hợp có án tích và án tích này chưa được xoá.

Điều kiện thứ hai: Người đang có án tích đã phạm tội mới và tội phạm đó là tội phạm cố ý hoặc tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiệm trọng do vô ý.

Các trường hợp tái phạm nguy hiểm được quy định tại khoản 2 Điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, tái phạm nguy hiểm là trường hợp đặc biệt của tái phạm, có tính nguy hiểm cao hơn trường hợp tái phạm. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 53, tái phạm nguy hiểm gồm hai trường hợp:

- Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.

- Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện tội phạm cố ý.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

2- Các tình tiết phản ánh khả năng giáo dục, cải tạo của người phạm tội

Điều luật chỉ quy định 1 tình tiết thuộc loại này. Đó là tình tiết: Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm (điểm p khoản 2 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015): Đây là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội đã có những hành vi gian dối, quý quyệt hoặc hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực đối với người khác nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Bình luận
X
0.14930 sec| 848.469 kb