Các vấn đề về phạm tội chưa đạt
1- Khái niệm phạm tội chưa đạt
Phạm tội chưa đạt là trường hợp hành vi phạm tội đã thực hiện chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong CTTP vì nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Tương tự như định nghĩa khoa học trên, Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015 xác định:
"Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội".
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
2- Dấu hiệu xác định phạm tội chưa đạt
Có ba dấu hiệu xác định trường hợp phạm tội chưa đạt.
[a] Dấu hiệu thứ nhất
Người phạm tội “đã thực hiện tội phạm".
Đây là dấu hiệu phân biệt phạm tội chưa đạt với chuẩn bị phạm tội. “Đã thực hiện tội phạm" có nghĩa: Người phạm tội đã thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP.
Cũng được coi là "đã thực hiện tội phạm" nếu người phạm tội đã thực hiện hành vi "đi liền trước" hành vi được mô tả trong CTTP. Đó là hành vi (xét về khách quan và chủ quan) thể hiện là sự bắt đầu của hành vi được mô tả trong CTTP và kế tiếp ngay sau nó hành vi được mô tả trong CTTP sẽ xảy ra.
[b] Dấu hiệu thứ hai
Đây là dấu hiệu có hai diễn đạt khác nhau về cùng một nội dung giữa điều luật và định nghĩa khoa học.
Theo điều luật, phạm tội chưa đạt khác tội phạm hoàn thành ở chỗ người phạm tội không thực hiện tội phạm được "đến cùng".
Theo định nghĩa khoa học, phạm tội chưa đạt khác tội phạm hoàn thành ở chỗ hành vi phạm "chưa thỏa mãn" hết các dấu hiệu của CTTP.
Trường hợp hành vi phạm tội chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của CTTP có thể xảy ra theo các dạng sau:
-
Chủ thể chưa thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP mà mới chỉ thực hiện hành vi “đi liền trước" hành vi đó. Ví dụ: Chủ thể tội giết người mới nhật dao để đâm thì đã bị bắt giữ;
-
Chủ thể đã thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP nhưng chưa thực hiện hết. Ví dụ: Chủ thể tội hiếp dâm mới vật ngã được nạn nhân nhưng chưa thực hiện hành vi giao cấu thì đã bị bắt giữ,
-
Chủ thể đã thực hiện được hành vi khách quan được mô tả trong CTTP nhưng chưa gây ra hậu quả thiệt hại được mô tả trong CTTP. Ví dụ: Chủ thể tội giết người đã đâm nạn nhân nhưng nạn nhân không chết;
Trong ba dạng có thể xảy ra nêu trên, dạng thứ ba chỉ có thể xảy ra ở các tội phạm có CTTP vật chất.
[c] Dấu hiệu thứ ba
Người phạm tội không thực hiện tội phạm được “đến cùng” là do nguyên nhân ngoài ý muốn của họ.
Dấu hiệu này được đặt ra vì có hai loại trường hợp hành vi phạm tội đã thực hiện nhưng không "đến cùng" - "không thoả mãn" hết các dấu hiệu của CTTP là trường hợp do nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội và trường hợp do ý muốn chủ quan của người phạm tội. Hai trường hợp này là khác nhau. Trong đó, trường hợp thứ hai là trường hợp cần được khuyến khích.
Theo điều luật, dấu hiệu thứ ba đòi hỏi người phạm tội vẫn muốn tội phạm hoàn thành nhưng tội phạm không hoàn thành là do:
-
Nạn nhân hoặc người bị hại đã chống lại được hoặc đã tránh được;
-
Người khác đã ngăn chặn được;
-
Có những trở ngại khác (như bắn nhưng đạn không nổ; thuốc độc dùng để đầu độc không đủ liều lượng...);
-
v.v…
Dấu hiệu thứ ba trên đây cho phép phân biệt phạm tội chưa đạt với trường hợp dừng lại do ý muốn chủ quan của người phạm tội được quy định tại Điều 16 Bộ luật Hình sự.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
3- Phân loại các trường hợp phạm tội chưa đạt
[a] Căn cứ vào thái độ tâm lí của người phạm tội đối với hành vi mà họ đã thực hiện
- Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là trường hợp phạm tội chưa đạt, trong đó người phạm tội vì những nguyên nhân khách quan nên chưa thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả thiệt hại được mô tả trong CTTP.
Ví dụ: A định giết B và đã đâm B. Mới đâm được một nhát sượt qua bả vai thì bị bắt giữ nên không thể đâm tiếp được như ý muốn. Kết quả B chỉ bị thương.
- Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp phạm tội chưa đạt, trong đó người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả thiệt hại được mô tả trong CTTP nhưng do nguyên nhân ngoài ý muốn, hậu quả đó vẫn không xảy ra.
Ví dụ: A định hủy hoại ô tô của B nên chuẩn bị mìn và đặt mìn hẹn giờ đã được kích hoạt dưới gầm ô tô của B. Theo kế hoạch, sau 2 tiếng, mìn sẽ tự nổ. Nhưng mìn đã không nổ vì kíp mìn hỏng.
[b] Căn cứ vào tính chất đặc biệt của nguyên nhân dẫn đến việc chưa đạt
Theo căn cứ này, luật hình sự phân biệt trường hợp phạm tội chưa đạt vô hiệu với các trường hợp phạm tội chưa đạt khác.
Chưa đạt vô hiệu là trường hợp phạm tội chưa đạt mà nguyên nhân khách quan của việc chưa đạt gắn với đối tượng tác động của tội phạm, với công cụ, phương tiện phạm tội. Theo đó, phạm tội chưa đạt vô hiệu gồm hai trường hợp:
- Trường hợp thứ nhất là chủ thể thực hiện hành vi nhằm gây thiệt hại cho khách thể bảo vệ của luật hình sự nhưng thực tế không gây thiệt hại được vì không có đối tượng tác động (mở két của cơ quan để lấy trộm tiền nhưng không lấy được vì trong két không còn tiền) hoặc vì đối tượng tác động không có tính chất mà người phạm tội tưởng là có (đưa hối lộ cho người tưởng là có chức vụ, quyền hạn nhưng thực tế người đó không có chức vụ, quyền hạn).
- Trường hợp thứ hai là phạm tội chưa đạt do người phạm tội đã sử dụng nhầm công cụ, phương tiện phạm tội mà người đó muốn.
Ví dụ: Người phạm tội dùng thuốc ngủ liều cao để đầu độc người có tư thù với mình để họ chết, nhưng người đó không chết vì người phạm tội nhầm phải thuốc ngủ giả. Ở đây cần phân biệt trường hợp này với trường hợp chủ thể đã dùng những phương tiện rõ ràng là không thể gây thiệt hại được. Ví dụ: Người vì lạc hậu, mê tín đã bỏ bùa để giết người khác. Trường hợp này không phải là trường hợp phạm tội giết người.
Phạm tội chưa đạt vô hiệu trong luật vẫn chỉ là trường hợp chưa đạt như mọi trường hợp chưa đạt khác. Vì vậy, trong BLHS Việt Nam không có điều luật riêng quy định về phạm tội chưa đạt vô hiệu. Vấn đề TNHS của phạm tội chưa đạt vô hiệu cũng không có gì đặc biệt so với những trường hợp chưa đạt khác.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Các vấn đề về phạm tội chưa đạt được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Các vấn đề về phạm tội chưa đạt có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm