Chế độ tài sản của vợ chồng trong cổ luật Việt Nam

16/02/2023
Tạ Thị Thu Hoà
Tạ Thị Thu Hoà
Chế độ tài sản của vợ chồng được áp dụng trong cổ luật và tục lệ ở Việt Nam là chế độ cộng đồng toàn sản, với nội dung toàn bộ tài sản mà vợ, chồng có được từ trước khi kết hôn hoặc do vợ chồng tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc khối tài sản chung của vợ chồng. Tài sản chung của vợ chồng với thành phần bao gồm các tài sản là động sản (Quốc Triều hình luật gọi là phù vật) và các bất động sản (điền sản). Trong đó điền sản được coi là tài sản chủ yếu, chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong khối tài sản chung của vợ chồng. Nó có ý nghĩa thiêng liêng và thế hiện trật tự giữa các thành viên trong gia đình.

Trong xã hội phong kiến Việt Nam, các quy định về hôn nhân và gia đình chiếm một vị trí quan trọng trong các văn bản luật. Tuy nhiên, khảo cứu các quy định của pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng trong cổ luật Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cổ luật Việt Nam không dự liệu về chế độ tài sản của vợ chồng theo như quan niệm của những nhà lập pháp tư sản. Quốc Triều hình luật được ban hành dưới triều Lê trong khoảng niên hiệư Hồng Đức (1470-1497) và Hoàng Việt luật lệ ban hành dưới triều Nguyễn (1815) đều có các quy định về vấn đề hôn nhân và gia đình, nhưng chế độ tài sản của vợ chồng không được quy định như một chế định riêng rẽ và cụ thể. Các quy định về vấn đề tài sản của vợ chồng không rõ ràng. Quốc triều hình luật không có điều khoản nào đề cập đến vấn đề tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, mà chỉ dự liệu một số trường họp chia tài sản của vợ chồng khi một bên vợ, chồng chết trước (Điều 374, 375, 376). Hoàng Việt luật lệ không có điều khoản nào đề cập về vấn đề tài sản của vợ chồng. Theo Điều 94 Hoàng Việt luật lệ quy định về sự thoái hôn thì người nào đã bằng lòng gả con gái và đã chấp nhận “hôn thư” hoặc đã ký kết “tư ước” tức là đã biết rõ về tình trạng hôn nhân và gia đình của vị hôn phu (tuổi, tật bệnh, dòng giống, con chính thức, con nuôi...) mà rồi tự mình vô cớ cự tuyệt sẽ bị phạt 50 trượng. Dù là không có khế ước viết nhung nếu đã nhận lễ vật (sính lễ), thì cũng bị trừng phạt như trên. “Hôn thư” được quy định trong điều luật này không phải là một “hôn ước” thoả thuận về vấn đề tài sản của vợ chồng như quan niệm ngày nay ở các nước tư bản. “Hôn thư” chỉ là một văn bản ghi nhận sự đính hôn giữa hai bên gia đình gả con cái cho nhau mà thôi. Luật và tục lệ cổ ở Việt Nam không hề biết đến “hôn thư” như một họp đồng thoả thuận về vấn đề tài sản giữa vợ chồng để chi phối trong suốt thời kỳ hôn nhân. Theo quan niệm truyền thống của người phương Đông thì hôn nhân được tác thành xuất phát từ lợi ích của gia đình, để xây dựng gia đình, “sinh con đẻ cái” để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên. Tình nghĩa vợ chồng buộc người vợ phải tuyệt đối “trung thành” với chồng, phải sinh con (đặc biệt là con trai) để có người nối dõi, phụng sự lợi ích của gia đình nhà chồng. Người vợ mà “vô tử” (không có con), hoặc có hành vi “gian dâm” (ngoại tình) với người khác là một trong bảy “tội” (thất xuất) để người chồng bỏ vợ (ly hôn). Như vậy, trong gia đình truyền thống ở Việt Nam, yếu tố tình cảm với những lợi ích về tinh thần được coi trọng hơn là yếu tố tài sản, với quan niệm “trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, sinh đẻ, giáo dục con vì lợi ích của gia đình và xã hội. Hôn nhân là một sự phối hợp tuyệt đối về mọi phương diện và mục tiêu là để xây dựng gia đình, sinh con, đẻ cái để nối dõi tông đường, vợ chồng khi có con chung, với tư cách là cha, mẹ, họ cùng chung sức, chung ý chí để tạo dựng tài sản nhằm mục đích là nuôi dưỡng, giáo dục các con, vì lợi ích của các con. Vì vậy, toàn bộ tài sản mà vợ chồng tạo dựng được hợp nhất thành một khối để cho gia đình sử dụng vào việc nuôi dưỡng các con, để lại cho các con khi cha, mẹ chết. Quan niệm này đã ăn sâu, bám rễ vào tâm trí của người Việt Nam, trải qua bao nhiêu thế kỉ và cho đến tận ngày nay, hầu như vẫn không hề thay đổi. Như vậy, trong suốt thời kỳ hôn nhân, tất cả của cải của vợ chồng tạo thành khối cộng đồng. Cũng theo tư tưởng Nho giáo, người vợ khi lấy chồng là thuộc hẳn về nhà chồng, là “hiền thê” (vợ hiền) của người chồng. “Thuyền theo lái, gái theo chồng” - Thuyết tam tòng buộc người vợ phải tuân thủ người chồng. Người chồng trong hôn nhân phong kiến được coi là “cái nóc của ngôi nhà” là trụ cột, là người chủ của gia đình, đại diện cho quyền lợi của gia đình. Cũng là chủ sở hữu các tài sản trong gia đình, định đoạt tài sản vì quyền lợi của gia đình, vì thế, không cần thiết phải dự liệu về vấn đề tài sản chung hay tài sản riêng của vợ, chồng. Những vấn đề này có thể lý giải tại sao trong cổ luật ở nước ta không dự liệu cụ thể về chế độ tài sản của vợ chồng.

Qua nghiên cứu các quy định lyên quan đến vấn đề tài sản của vợ chồng trong Quốc Triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, cũng như các tục lệ được thực hiện trong xã hội phong kiến, có thế thấy rằng, chế độ tài sản của vợ chồng trong cổ luật Việt Nam là chế độ cộng đồng pháp định. Chế độ tài sản này được áp dụng như là duy nhất (chung) cho các quan hệ vợ chồng.

Như vậy, chế độ tài sản của vợ chồng được áp dụng trong cổ luật và tục lệ ở Việt Nam là chế độ cộng đồng toàn sản, với nội dung toàn bộ tài sản mà vợ, chồng có được từ trước khi kết hôn hoặc do vợ chồng tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc khối tài sản chung của vợ chồng. Tài sản chung của vợ chồng với thành phần bao gồm các tài sản là động sản (Quốc Triều hình luật gọi là phù vật) và các bất động sản (điền sản). Trong đó điền sản được coi là tài sản chủ yếu, chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong khối tài sản chung của vợ chồng. Nó có ý nghĩa thiêng liêng và thế hiện trật tự giữa các thành viên trong gia đình. Với quan điểm coi điền sản là chính yếu, Quốc Triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ đã quy định thành phần khối tài sản chung của vợ chồng gồm ba loại:

Một là, phu tông điền sản (tài sản của chồng được thừa kế từ gia đình chồng);

Hai là, thê điền sản (tài sản của vợ được thừa kế từ gia đình);

Ba là, tần tảo điền sản (những tài sản mà vợ chồng làm ra trong thời kỳ hôn nhân).

Tất cả các tài sản này được đặt dưới sự quản lý của người chồng - chủ gia đình, tài sản chung của vợ chồng chỉ được chia khi một bên vợ, chồng chết trước mà giữa họ không có con... Tuy nhiên, pháp luật thời Lê hoặc theo tục lệ cũng dành cho người vợ được tham gia vào việc quản trị tài sản chung của vợ chồng; người vợ được tự do hành động trong các nhu cầu gia vụ bảo đảm đời sống chung của gia đình với tư cách là “nội tướng” sử dụng tài sản chung của vợ chồng. Sự đồng ý của người chồng trong các trường hợp này là mặc nhiên. Đặc biệt đối với các giao dịch lyên quan đến tài sản chung có giá trị của vợ chồng (điền sản) thì đều phải có sự thoả thuận đồng ý của hai vợ chồng. Trong các văn tự cổ như mua, bán, cầm cố tài sản lyên quan đến tài sản chung của vợ chồng là “điền sản” thì đều phải có chữ ký của hai vợ chồng; hoặc trường hợp người chồng sử dụng tài sản chung không bảo đảm quyền lợi của các con và lợi ích của gia đình thì người vợ cũng có quyền phản đối. Điều đó đã thể hiện trong chừng mực nhất định, người vợ được “bình đẳng” cùng chồng định đoạt tài sản chung, hoàn toàn không phải là “người vô năng lực”. Quy định này của pháp luật nhà Lê tiến bộ hơn hẳn so với pháp luật của Trung Quốc cùng thời, coi người vợ hoàn toàn “vô năng lực”, phụ thuộc người chồng một cách tuyệt đối.

 

0 bình luận, đánh giá về Chế độ tài sản của vợ chồng trong cổ luật Việt Nam

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.29443 sec| 959.563 kb