Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
Nội dung bài viết
- 1. Khái niệm thời kỳ hôn nhân (TKHN) và cách xác định
- 2. Các loại tài sản chung của vợ chồng
- 3. Khi nào có thể chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân?
- Căn cứ Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:
- 4. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
- 5. Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
- 6. Chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
1. Khái niệm thời kỳ hôn nhân (TKHN) và cách xác định
Khoản 13 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “ Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân”.
Theo đó, ngày đăng ký kết hôn được lấy làm mốc đầu để thời kỳ hôn nhân bắt đầu, và ngày chấm dứt hôn nhân là mốc cuối. Đây là một quy định rõ ràng về TKHN và chính vì sự rõ ràng như vậy nên sẽ không gây ra sự lúng túng khi áp dụng pháp luật.
Việc xác định thời kỳ hôn nhân là quan trọng, bởi vì khi thời kỳ hôn nhân bắt đầu thì pháp luật cũng bắt đầu điều chỉnh quan hệ này giữa vợ và chồng, trong đó bao gồm tài sản chung, con cái, quan hệ cấp dưỡng, nuôi dưỡng khác đối với các thành viên trong gia đình với nhau,…
Tuy nhiên, qua sự phát triển của xã hội và các quy định khác trong pháp luật hôn nhân và gia đình mà TKHN cũng sẽ được xác định theo mốc bắt đầu khác với quy định tại khoản 3 Điều 3 nêu trên. Theo đó, có cả trường hợp TKHN bắt đầu trước ngày đăng ký kết hôn và sau ngày đăng ký kết hôn.
2. Các loại tài sản chung của vợ chồng
Căn cứ Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng gồm:
- Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân,
(trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật hôn nhân và gia đình 2014
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
- Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
- Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
3. Khi nào có thể chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân?
Căn cứ Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 Luật hôn nhân và gia đình 2014
Nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Trường hợp thỏa thuận:
Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp yêu cầu Tòa án giải quyết:
Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014
4. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được quy định tại Điều 39 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
- Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản;
Nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
- Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.
- Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
5. Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
- Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Lưu ý: Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.
- Thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật hôn nhân và gia đình 2014 không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba.
6. Chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
- Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung.
Hình thức của thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
“Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
…
2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.”
- Kể từ ngày thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều 41Luật hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực thì việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 33 và Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014
Phần tài sản mà vợ, chồng đã được chia vẫn thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
- Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Trong trường hợp việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung phải được Tòa án công nhận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm