Chủ thể chứng minh và nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự
1- Chủ thể chứng minh trong tố tụng dân sự
Chứng minh làm rõ các sự kiện, tình tiết của vụ việc dân sự là vấn đề rất cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự nên việc giải quyết bất kì vụ việc dân sự nào cũng đều phải tiến hành chứng minh. Các hoạt động chứng minh trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự được tiến hành bằng việc xuất trình, thu thập, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ và chỉ ra các căn cứ pháp lí áp dụng đối với quan hệ giữa các đương sự. Các chủ thể tham gia vào quá trình chứng minh nhiều nên vấn đề đặt ra là phải xác định được chủ thể nào là người có quyền, nghĩa vụ trong việc xuất trình, thu thập, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ và chỉ ra các căn cứ pháp lí áp dụng đối với quan hệ giữa các đương sự, từ đó đề cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ chứng minh của các chủ thể, bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự được đúng đắn. Nói cách khác là phải xác định được ai là chủ thể chứng minh, trong tố tụng dân sự.
Chứng minh không chỉ giới hạn ở việc đương sự cung cấp chứng cứ, chỉ ra các căn cứ pháp lí chứng minh cho yêu cầu hay phản đối yêu cầu của mình mà còn bao gồm cả các hoạt động chứng minh của các chủ thể khác như toà án, viện kiểm sát, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người giám định, người làm chứng V.V.. Ví dụ: Khi giải quyết vụ việc dân sự, ngoài việc nghiên cứu, đánh giá các chứng cứ, tài liệu do đương sự cung cấp thì toà án cồn phải nghiên cứu, đánh giá các chứng cứ, tài liệu do người khác cung cấp và thu thập chứng cứ trong những trường hợp pháp luật quy định; khi kháng nghị bản án, quyết định, viện kiểm sát phải gửi kèm theo quyết định kháng nghị những tài liệu, chứng cứ bổ sung chứng minh cho kháng nghị là có căn cứ và hợp pháp; khi cung cấp các thông tin về vụ việc dân sự, người làm chứng phải chỉ ra các thông tin họ cung cấp có nguồn gốc từ đâu; khi đưa ra kết luận giám định, người giám định phải chỉ ra các cơ sở kết luận giám định của họ. Vì thế, nhìn chung các chủ thể tố tụng đều tham gia vào quá trình chứng minh hay là chủ thể tham gia vào quá trình chứng minh, chỉ trừ một vài chủ thể như người phiên dịch, người được giao giữ tài sản kê biên... Tuy nhiên, nếu xem xét một cách đầy đủ, biện chứng các hoạt động của các chủ thể tố tụng trong việc thực hiện mục đích, nhiệm vụ của tố tụng thì các chủ thể chứng minh trong tố tụng dân sự chỉ bao gồm đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, viện kiểm sát và toà án.
2- Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự
Các chủ thể chứng minh đều có quyền và nghĩa vụ chứng minh. Tuy vậy, mỗi chủ thể chứng minh tham gia tố tụng dân sự xuất phát từ những mục đích, nhiệm vụ khác nhau nên quyền và nghĩa vụ chứng minh có thể khác nhau.
Trong tố tụng dân sự, nghĩa vụ chứng minh trước hết thuộc về đương sự. Mỗi bên đương sự khi tham gia tố tụng đều cần phải chứng minh tất cả các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự mà trên cơ sở đó họ đưa ra yêu cầu hay phản đối yêu cầu của người khác. Trong mối tương quan giữa các đương sự thì nguyên đơn phải chứng minh trước. Nguyên đơn phải đưa ra các chứng cứ, căn cứ pháp lí để chứng minh, trên cơ sở đó quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn được xác lập. Bị đơn phản đối lại yêu cầu của nguyên đơn thì phải đưa ra các chứng cứ, căn cứ pháp lí làm cơ sở cho sự phản đối của mình.
Pháp luật quy định đương sự có nghĩa vụ chứng minh vì họ là người trong cuộc nên thường biết rõ về vụ việc dân sự, có điều kiện cung cấp các tin tức về vụ việc dân sự và nguồn gốc của nó, từ đó toà án có thể xác định được những tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự. Mặt khác, đương sự có quyền, lợi ích liên quan đến vụ việc dân sự đưa ra yêu cầu, phản đối yêu cầu của đương sự khác nên họ sẽ quan tâm và tìm mọi biện pháp để khẳng định yêu cầu hay sự phản đối yêu cầu của mình. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất về quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự với các chủ thể khác trong tố tụng dân sự đồng thời cũng là sự khác biệt giữa chứng minh trong tố tụng dân sự với chứng minh trong tố tụng hình sự.
Chứng minh không những để làm rõ sự thật của vụ việc dân sự mà còn là biện pháp tốt nhất để đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước toà án. Tuy vậy, hiệu quả chứng minh lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Để bảo đảm cho đương sự thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước toà án, các đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh như nhau. Bên này được đưa ra chứng cứ, lí lẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bên kia cũng phải được đưa ra các chứng cứ, lí lẽ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Sự thiếu bình đẳng về nghĩa vụ chứng minh của đương sự có thể dẫn đến hậu quả chỉ có một bên đưa ra được chứng cứ, lí lẽ chứng minh, bảo vệ quyền, ỉợi ích hợp pháp của mình, toà án có thể nhận thức sai sự việc từ đó giải quyết vụ việc không đúng với bản chất của nó. Tuy vậy, đối với một số việc cũng có những ngoại lệ. Xuất phát từ tính chất của vụ việc dân sự, trong một sổ trường hợp pháp luật quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về một bên đương sự.
Ví dụ: Quy định tại khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
“a) Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng mình lỗi của tố chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Tố chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
b) Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho toà án tài liệu, chứng cứ vì lí do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lí, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho toà án."
Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lí kỉ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động...”.
Khi tham gia tố tụng, các đương sự phải tích cực thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình mà không được ỷ lại cho các chủ thể khác. Nếu đương sự không tích cực thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình mà ỷ lại cho chủ thể khác thực hiện thay thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng có tình tiết của vụ việc dân sự không được làm sáng tỏ vì những người thực hiện thay có thể không biết hết được sự việc và sẽ đem đến hậu quả bất lợi cho đương sự.
Ngoài đương sự, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng có nghĩa vụ chứng minh. Tuy không có quyền và lợi ích gắn liền với vụ việc dân sự như đương sự nhưng các cá nhân, cơ quan, tổ chức này cũng đưa ra yêu cầu và biết rõ sự việc. Do đó, tương tự như đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện yêu cầu toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Trong trường hợp các cá nhân, cơ quan, tổ chức này không thực hiện được nghĩa vụ chứng minh của mình thì sẽ dẫn đến sự bất lợi cho các đương sự.
Đối với người đại diện của đương sự là người thay mặt đương sự nghĩa vụ thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự nên nghĩa vụ chứng minh của họ được hình 'thành trên cơ sở' nghĩa vụ chứng minh của đương sự. Trong tố tụng dân sự, tuỳ theo việc họ đại diện cho đương sự nào mà có nghĩa vụ chứng minh của đương sự đó. Người đại diện theo pháp luật, người đại diện nào toà án chỉ định có nghĩa vụ thực hiện tất cả nghĩa vụ chứng minh của đương sự họ đại diện. Người đại diện theo uỷ quyền của đương sự thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong phạm vi được uỷ quyền.
Đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia tố tụng với mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp củạ đương sự nên cũng có nghĩa vụ chứng minh. Ngoài việc giúp đương sự về mặt pháp lí để đương sự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của họ thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải chứng minh sự tồn tại các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước toà án. Nói cách khác, người bảo vệ quyền và lợị ích hợp pháp của đương sự cũng phải đưa ra các chúng cứ, lí lẽ để chứng minh cho các yêu cầu và sự phản đối yêu cầu của đương sự là có cơ sở. Tuy nhiên, nghĩa vụ chứng minh của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không xuất phất từ nghĩa vụ chứng minh của đương sự mà xuất phát từ mục đích, nhiệm vụ tham gia tố tụng của họ.
Đối với viện kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật. Khi thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị thì viện kiểm sát có nghĩa vụ cung cấp các chứng cứ, tài liệu đề chứng minh cho yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của mình là có căn cứ và hợp pháp, hay nói cách khác là viện kiểm sát cũng có nghĩa vụ chứng minh.
Đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi tham gia tố tụng có nghĩa vụ chứng minh nhưng toà án có nghĩa vụ chứng minh không? Về nguyên tắc, toà án không có nghĩa vụ chứng minh làm rõ các tình tiết, sự kiện đương sự đưa ra làm cơ sở cho yêu cầu hay phản đối yêu cầu của họ vì toà án không phải là người chỉ ra các tình tiết, sự kiện ấy. Nhưng để giải quyết đúng vụ việc dân sự thì toà án vẫn phải xác định xem trong vụ việc dân sự phải chứng minh làm rõ là những sự kiện, tình tiết nào? Các chứng cứ, tài liệu của đương sự và những người tham gia tố tụng cung cấp đã đủ để giải quyết vụ việc dân sự chưa? Trong trường hợp xét thấy chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc không đủ làm rõ được vụ việc thì toà án yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ. Trong những trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ hoặc trong những trường hợp pháp luật quy định thì toà án tiến hành các biện pháp xác minh thu thập chứng cứ. Ngoài ra, toà án còn phải tiến hành các hoạt động chứng minh khác như nghiên cứu, đánh giá chứng cứ V.V.. Vấn đề này đã được quy định trong pháp luật tố tụng dân sự của nhiều nước như các điều 10, 11 và 144 Bộ luật Tố tụng dân sự của Cộng hoà Pháp; các điều 56, 58 và 62 Bộ luật Tố tụng dân sự của Cộng hoà liên bang Nga; các điều 64, 65 và 72 Bộ luật Tố tụng dân sự của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa V.V.. Ở Việt Nam, pháp luật vẫn quy định toà án có nghĩa vụ xác minh, thu thập và đánh giá chứng cử như quy định tại các điều 85, 87, 92, 96 V.V... Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004; quy định tại các điều 97, 99, 100, 101, 102, 104, 106, 108 V.V.. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Sự tích cực chứng minh của toà án nhàm bảo đảm tìm ra chân lí, có thể làm giảm được những hậu quả bất lợi cho đương sự trong trường hợp họ không thực hiện được nghĩa vụ chứng minh của mình. Như vậy, hoạt động chứng minh của toà án chủ yếu phục vụ cho việc làm rõ cơ sở quyết định của mình. Trong trường hợp ngoại lệ vì lí do khách quan đương sự không thể thực hiện được nghĩa vụ chứng minh thì toà án mới hỗ trợ đương sự thực hiện nghĩa vụ chứng minh làm rõ những sự kiện pháp lí làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp ỉuật giữa các đương sự. Các chủ thể có nghĩa vụ chứng minh phải thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ chứng minh của mình trong quá trình tố tụng. Việc thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng nghĩa vụ chứng minh của một chủ thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giải quyết vụ việc dân sự. Do vậy, chủ thể chứng minh thực hiện không đây đủ hoặc không đúng nghĩa vụ chứng minh của mình phải chịu trách nhiệm về việc đó.
Đối với đương sự phải chịu trách nhiệm về việc không chứng minh làm rõ được cơ sở yêu cầu của họ hay cơ sở họ phản đối yêu cầu của người khác.Theo pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, trường hợp đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ: “Toà án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc” (khoản 4 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Thực chất đây có thể hiểu là sự giải quyết vụ việc dân sự bất lợi cho một bên đương sự mà bên đó có nghĩa vụ chứng minh nhưng không chứng minh được. Tuy vậy, hậu quả chỉ phát sinh với những đương sự trong trường hợp có khả năng thực hiện nghĩa vụ chứng minh nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của họ. Trong trường hợp đương sự không có lỗi do điều kiện khách quan nên không thực hiện được nghĩa vụ chứng minh thì không phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được. Ngoài ra, trong những trường hợp này đương sự có quyền yêu cầu toà án áp dụng những biện pháp cần thiết hỗ trợ để thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình.
Đối với những chủ thể chứng minh khác nhau người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, toà án V.V.. có nghĩa vụ chứng minh mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ chứng minh của mình thì cũng phải chịu trách nhiệm về việc không chứng minh được tuỳ theo lỗi của họ, như người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải chịu trách nhiệm với đương sự, toà án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết vụ việc dân sự V.V.. Tuy nhiên, trong pháp luật tố tụng dân sự hiện hành của chúng ta hiện nay chưa có các quy định cụ thể về vấn đề này.
Chủ thể chứng minh, nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự hiện nay được quy định tại nhiều điều luật của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như các điều 6, 70, 76, 86, 91, 97, 99, 100, 101, 102, 104, 106, 108, 133, 210, 248, 260 V.V.. Các quy định này đã đề cao vai trò chứng minh của đương sự: đương sự là chủ thể có nghĩa vụ chứng minh chủ yếu, toà án về cơ bản chỉ hỗ trợ đương sự chứng minh trong trường hợp họ không thể thực hiện được nghĩa vụ chứng minh của họ. Tuy vậy, tại Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 mới chỉ quy định về nghĩa vụ chứng minh của các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Từ đó, đã dẫn tới cách hiểu không đầy đủ về các chủ thể có nghĩa vụ chứng minh: Chỉ có các chủ thể quy định tại Điều luật này mới có nghĩa vụ chứng minh còn các chủ thể khác không có nghĩa vụ chứng minh.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm