Chủ thể tham gia quan hệ pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Nội dung bài viết
1- Người nộp thuế
Trong quá trình hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, việc xác định một cách chính xác ai là chủ thể nộp thuế có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Việc xác định đúng đối tượng nộp thuế không chỉ có tác dụng nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong hoạt động hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mà còn góp phần tránh được các vi phạm pháp luật về thuế hoặc những tranh chấp trong lĩnh vực thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có thể xảy ra giữa người nộp thuế với cơ quan thu thuế, vốn không phải khi nào cũng có thể giải quyết một cách dễ dàng.
Theo quy định tại Điều 3 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 (có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2016), người nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bao gồm:
- Chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
- Tổ chức nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu.
- Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, gửi hoặc nhận hàng hoá qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
- Người được uỷ quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế, bao gồm:
+ Đại lí làm thủ tục hải quan trong trường hợp được người nộp thuế uỷ quyền nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
+ Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trong trường hợp nộp thuế thay cho người nộp thuế;
+ Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng trong trường hợp bảo lãnh, nộp thuế thay cho người nộp thuế;
+ Người được chủ hàng hoá uỷ quyền trong trường hợp hàng hoá là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lí gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh;
+ Chi nhánh của doanh nghiệp được uỷ quyền nộp thuế thay cho doanh nghiệp;
- Người thu mua, vận chuyển hàng hoá trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán tại thị trường trong nước và thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ở chợ biên giới theo quy định của pháp luật.
- Người có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trước đây, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005 quy định người nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là “tổ chức, cá nhân có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu”. Quy định này dù có tính khái quát nhưng trên thực tế có thể hiểu đó chính là người đứng tên làm thủ tục xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hoá với cơ quan hải quan tại cửa khẩu.
2- Ngườỉ thu thuế
Về phương diện lí thuyết, tuy người có thẩm quyền thu thuế là Nhà nước nhưng trên thực tế, thẩm quyền này thường được thực hiện bởi nhiều cơ quan nhà nước khác nhau do Nhà nước thành lập ra để thực hiện vai trò là cơ quan thu thuế.
Trong lĩnh vực hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức việc thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là Tổng cục hải quan.
Để thực hiện chức năng hành thu thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu một cách hiệu quả, Nhà nước không chỉ trao quyền cho Tổng cục hải quan - với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm chính, mà còn trao quyền rộng rãi cho một số cơ quan hữu trách khác cùng phối hợp với Tổng cục hải quan trong việc hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, chẳng hạn như Bộ tài chính; Kho bạc nhà nước; Tổng cục thuế; uỷ ban nhân dân các cấp... Trên nguyên tắc, do các cơ quan này cũng tham gia ở những mức độ khác nhau và với tư cách khác nhau vào quá trình hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nên cũng được xem như là các chủ thể của quan hệ pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm