Điều kiện để mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định của pháp luật
1- Đảm bảo sự tự nguyện của các bên
Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của bên nhờ mang thai, bên mang thai hộ và phải lập thành văn bản. Văn bản thỏa thuận về việc mang thai hộ phải có các nội dung cơ bản sau:
- Thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Cam kết của các bên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong thời gian mang thai hộ;
- Việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa; hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ khác có liên quan;
- Trách nhiệm dân sự của các bên khi có sự vi phạm cam kết đã thỏa thuận.
Về hình thức, thỏa thuận về mang thai hộ phải lập thành văn bản và được công chứng. Vợ chồng bên nhờ mang thai hộ, vợ chồng bên mang thai hộ có thể ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận và việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lí. Việc thỏa thuận về mang thai hộ giữa các bên được lập cùng với thỏa thưận giữa họ với cơ sở y tế thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản và văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ sở y tế.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest
2- Điều kiện đối với bên nhờ mang thai hộ
Khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:...”. Theo đó, chỉ có cặp vợ chồng mà người vợ không thế mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản mới có quyền nhờ người khác mang thai hộ. Vợ chồng là những người có quan hệ hôn nhân hợp pháp. Việc nhờ người khác mang thai hộ không được áp dụng đối với người độc thân (dù là nam hay nữ), cũng không được áp dụng đối với cặp đôi chung sống như vợ chồng (dù là chung sống giữa những người cùng giới tính hay khác giới tính).
Theo quy định của pháp luật, vợ chồng nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau:
- Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thế mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản. Tổ chức y tế có thẩm quyền là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế công nhận được thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Cơ sở y tế có thẩm quyền xác nhận về việc người vợ có bệnh lí, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, của thai nhi.
- Vợ chồng đang không có con chung: Khi vợ chồng không có con chung thì việc mong muốn có con là khao khát cháy bỏng của cặp vợ chồng nên nhu cầu mang thai hộ là thật sự cần thiết và chính đáng.
- Vợ chồng đã được tư vấn về y tế, pháp lí, tâm lí: Sự tư vấn về y tế, tâm lí, pháp lí là hết sức cần thiết, có ý nghĩa thiết thực và giúp cho cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ có hiểu biết đầy đủ, lường trước được những khó khăn, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện việc mang thai hộ để cân nhắc về quyết định của mình.
Tư vấn về y tế bao gồm các nội dung sau: Các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin nhận con nuôi; quá trình thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ; các khó khăn, tỉ lệ thành công khi thực hiện mang thai hộ; chi phí điều trị; khả năng đa thai; khả năng em bé bị dị tật và có thể phải phá bỏ thai; các nội dung khác có liên quan.
Tư vấn về pháp lí: quyền và nghĩa vụ giữa các bên khi thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; trách nhiệm của các bên khi vi phạm thỏa thuận; xác định cha mẹ cho con sinh ra từ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo...
Tư vấn về tâm lí bao gồm các nội dung sau: Các vấn đề tâm lí có thể phát sinh trước mắt và lâu dài của việc nhờ mang thai hộ đối với người thân và bản thân đứa trẻ; người mang thai hộ có thể có ý định muốn giữ lại đứa trẻ; hành vi, thói quen của người mang thai hộ có thể có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ; tâm lí, tình cảm khi nhờ người khác mang thai hộ và sinh con; tâm lí căng thẳng, mệt mỏi khi việc mang thai hộ có thể thất bại và tốn kém...
Xem thêm: Dịch vụ luật sư ly hôn của Công ty Luật TNHH Everest
3- Điều kiện đối với bên mang thai hộ
Người mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau:
- Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ. Người mang thai hộ là người thân thích cùng hàng với bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ sẽ đảm bảo sự tương thích về tuổi giữa cha mẹ với con, không làm xáo trộn trật tự thứ bậc trong gia đình. Người thân thích cùng hàng mang thai hộ sẽ tránh được hiện tượng lợi dụng việc mang thai hộ để trục lợi hoặc vì mục đích thương mại. Giữa những người có quan hệ họ hàng thân thích thì việc mang thai hộ được thực hiện một cách tâm huyết, thiện tâm, có ý nghĩa gắn kết tình cảm, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, và do đó việc mang thai hộ sẽ có hiệu quả hơn, tốt hon cho các bên, đặc biệt là đối với sức khỏe thể chất, tinh thần của đứa trẻ.
Theo quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP thì người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này. ủy ban nhân dân cấp xã cũng có thể xác nhận mối quan hệ thân thích cùng hàng giữa bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ nếu biết rõ về điều đó.
- Người mang thai hộ phải đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần. Quy định này nhằm đảm bảo khả năng có thể mang thai, sự hiểu biết, kinh nghiệm nhất định trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc thai nhi và sinh con của người mang thai hộ, qua đó đảm bảo hiệu quả của việc mang thai hộ, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của người mang thai hộ. Người mang thai hộ chỉ được mang thai hộ một lần để tránh tình trạng lợi dụng việc mang thai hộ nhằm mục đích kinh doanh, thương mại, dịch vụ.
- Người mang thai hộ phải ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về độ tuổi của người mang thai hộ. Tuy nhiên độ tuổi phù hợp của người phụ nữ với việc mang thai hộ thông thường được hiểu là trong độ tuổi sinh đẻ để đảm bảo tốt nhất khả năng mang thai và sinh con. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm xác nhận về khả năng mang thai của người mang thai hộ; người mang thai hộ đáp ứng đầy đủ quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP.
- Trong trường hợp người phụ nữ mang thai hộ đã có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. Sự đồng ý này của người chồng tạo tâm lí yên tâm, thoải mái cho người phụ nữ mang thai hộ, đảm bảo sự phát triển an toàn cho thai nhi trong quá trình mang thai, đồng thời là cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong việc mang thai hộ. Trong thời kì hôn nhân, vợ chồng cùng chia sẻ, gánh vác với nhau mọi việc cần giải quyết trong cuộc sống. Việc mang thai hộ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, trạng thái tâm lí, tinh thần không chỉ của riêng người phụ nữ mang thai hộ mà còn chi phối, ảnh hưởng đến chồng, con của họ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày trong suốt thời kì mang thai. vì vậy, sự đồng ý của người chồng có ý nghĩa quan trọng và là bắt buộc, được thể hiện một cách minh bạch, rõ ràng bằng văn bản.
- Người mang thai hộ được tư vấn đầy đủ về y tế, tâm lí, pháp lí. Sự tư vấn về các nội dung có liên quan tới việc mang thai hộ giúp cho người mang thai hộ có sự cân nhắc kĩ càng, cẩn thận về những hậu quả, những rủi ro về nhiều mặt khí mang thai hộ, qua đó giúp họ có quyết định chính xác hơn và xác định trước những thách thức, những khó khăn phải vượt qua khi đồng ý mang thai hộ.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest
4- Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản
Bản chất của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo dựa trên cơ sở của kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, mà cụ thể là kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. để đảm bảo hiệu quả của việc mang thai hộ, đảm bảo quyền, lợi ích của các bên có liên quan, việc mang thai hộ được tiến hành theo quy trình thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm do Bộ Y tế ban hành.
- Việc mang thai hộ phải tuân thủ các nguyên tắc của việc áp dụng kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm;
- Các bên tham gia quá trình thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ phải tuân thủ các chỉ dẫn, hướng dẫn, điều trị của bác sĩ chuyên khoa và có đủ các điều kiện về sức khỏe để thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ theo sự xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
- Chỉ các cơ sở y tế có đủ điều kiện, có thực tế kinh nghiệm thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và được Bộ Y tế công nhận, cho phép mới được thực hiện kĩ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest
5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Điều kiện để mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định của pháp luật được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Điều kiện để mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định của pháp luật có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm