Định nghĩa và đặc điểm văn bản pháp luật?
1. Khái niệm văn bản pháp luật
[a] Khái niệm văn bản pháp luật
Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về văn bản pháp luật. Quan điểm thứ nhất cho rằng, văn bản pháp luật là hình thức thể hiện ý chí của chủ thể có thẩm quyền, thể hiện dưới dạng ngôn ngữ viết, được ban hành theo hình thức, thủ tục do pháp luật quy định, nhằm đạt được mục tiêu quản lý đã đặt ra.
Quan điểm thứ hai khẳng định văn bản pháp luật là văn bản được ban hành bởi chủ thể có thẩm quyền theo hình thức, thủ tục do pháp luật quy định, có nội dung là ý chí của nhà nước, luôn mang tính bắt buộc và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của Nhà nước.
Hai quan điểm trên chủ yếu khác nhau về ngôn ngữ thể hiện còn các dấu hiệu thuộc tính của văn bản pháp luật về cơ bản là tương tự nhau. Tuy nhiên, quan điểm thứ nhất coi ngôn ngữ viết là dấu hiệu đặc trưng của văn bản pháp luật là chưa thuyết phục bởi lẽ văn bản của các tổ chức xã hội như nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... đều được thể hiện bằng ngôn ngữ viết. Còn quan điểm thứ hai định nghĩa văn bản pháp luật theo truyền thống lấy khái niệm rộng hơn (văn bản) để nhấn mạnh văn bản pháp luật là một loại của văn bản nói chung. Cách định nghĩa này chưa khẳng định và gọi tên chính xác bản chất của văn bản pháp luật.
Từ hai quan điểm trên, văn bản pháp luật được hiểu: Văn bản pháp luật là hình thức thể hiện ý chí của Nhà nước, được ban hành theo hình thức, thủ tục do pháp luật quy định, luôn mang tính bắt buộc và được bảo đảm thực hiện bởi Nhà nước.
[b] Nhóm chủ thể ban hành văn bản pháp luật
Văn bản pháp luật được ban hành bởi những nhóm chủ thể sau:
+ Cơ quan nhà nước
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật quy định, các cơ quan nhà nước thường xuyên ban hành văn bản pháp luật để giải quyết những công việc phát sinh như ban hành quy định pháp luật để điều chỉnh quan hệ xã hội cơ bản; ổn định tổ chức bộ máy, tổ chức nhân sự trong nội bộ; giải quyết những công việc về chuyên môn, nghiệp vụ... Mọi cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều là cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật, có thể kể điển hình như: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân...
Ngoài ra, pháp luật còn quy định một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền phối hợp với cơ quan nhà nước khác hoặc với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ban hành văn bản pháp luật liên tịch.
+ Cá nhân có thẩm quyền.
Văn bản pháp luật không chỉ do các cơ quan nhà nước mà còn do những cá nhân được Nhà nước trao quyền ban hành. Nhóm cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật bao gồm một số thủ trưởng cơ quan nhà nước (Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân...); công chức khi thi hành công vụ (nhân viên thuế, nhân viên kiểm lâm, thanh tra viên chuyên ngành, cảnh sát, bộ đội biên phòng...) và người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển rời sân bay, bến cảng.
2. Đặc điểm của văn bản pháp luật
Thứ nhất, văn bản pháp luật được ban hành bởi chủ thể có thẩm quyền
Đây là dấu hiệu đầu tiên để phân biệt giữa văn bản pháp luật với văn bản do các tổ chức xã hội ban hành như văn bản của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam...Tùy theo mỗi nhóm văn bản pháp luật khác nhau mà pháp luật trao quyền ban hành cho những cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền khác nhau. Đối với văn bản quy phạm pháp luật, chỉ những chủ thể được quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 mới có thẩm quyền ban hành. Đối với văn bản áp dụng pháp luật, số lượng các chủ thể có thẩm quyền ban hành nhiều hơn văn bản quy phạm pháp luật nhưng vẫn chịu sự ràng buộc của quy định pháp luật
Thứ hai, nội dung của văn bản pháp luật là ý chí của Nhà nước
Ý chí của Nhà nước trong văn bản pháp luật được hiểu là Nhà nước quyết tâm đạt được mục đích đem lại lợi ích cho Nhà nước và xã hội. Thông thường ý chí của Nhà nước được thể hiện thông qua:
+ Những chủ trương, chính sách, biện pháp của Nhà nước mang tính định hướng. Thông qua những chủ trương, chính sách, biện pháp mang tính vĩ mô, Nhà nước đã thể hiện được mong muốn của mình đó là sự phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội, là làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Hiện nay, nội dung là chủ trương, chính sách, biện pháp của Nhà nước được các cơ quan nhà nước thể hiện trong hình thức văn bản pháp luật chủ yếu là nghị quyết.
+ Những quy tắc xử sự chung điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức trong xã hội theo hướng xác lập, làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của đối tượng thi hành văn bản đó.
+ Những mệnh lệnh áp dụng pháp luật mang tính bắt buộc đối với những cá nhân, tổ chức cụ thể.
Thứ ba, văn bản pháp luật được ban hành theo thủ tục do pháp luật quy định.
Thủ tục ban hành văn bản pháp luật là những cách thức, trình tự mà các chủ thể có thẩm quyền cần phải tiến hành khi ban hành văn bản pháp luật.
Các văn bản pháp luật đều được ban hành theo thủ tục, trình tự do pháp luật quy định. Tùy theo mỗi loại văn bản pháp luật khác nhau mà thủ tục ban hành chúng cũng khác biệt.
Thứ tư, văn bản pháp luật được trình bày theo hình thức do pháp luật quy định
Hình thức của văn bản pháp luật bao gồm tên loại văn bản và thể thức, kỹ thuật trình bày.
Hệ thống văn bản pháp luật ở nước ta hiện nay bao gồm nhiều loại văn bản. Các loại văn bản này không chỉ khác nhau về tên gọi mà còn về cách thức trình bày. Thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật cũng như cách trình bày về hình thức của từng loại văn bản đều được Nhà nước quy định cụ thể trong những văn bản khác nhau.
Khi soạn thảo văn bản để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền, cơ quan nhà nước cần căn cứ vào các quy định của pháp luật và nội dung, tính chất công việc để lựa chọn loại văn bản đúng với thẩm quyền của mình và phù hợp với tình huống thực tế cần giải quyết, đồng thời cần phải trình bày văn bản theo đúng thể thức mà pháp luật quy định.
Pháp luật cũng quy định các văn bản pháp luật cần được trình bày theo kết cấu chung về hình thức văn bản như vị trí và cách thức thể hiện một số chi tiết thuộc về mẫu trình bày văn bản (cỡ chữ, kiểu chữ, dấu gạch chân...) cho mỗi đề mục hình thức: quốc hiệu, tên cơ quan ban hành...)
Thứ năm, văn bản pháp luật luôn mang tính bắt buộc và được bảo đảm thực hiện bởi Nhà nước
Vì có nội dung là ý chí của Nhà nước nên văn bản pháp luật luôn có tính áp đặt, ràng buộc quyền, nghĩa vụ với đối tượng quản lý. Để văn bản được triển khai và thi hành nghiêm chỉnh trên thực tế, Nhà nước sử dụng nhiều biện pháp như phổ biến, tuyên truyền; biện pháp tổ chức, hành chính; biện pháp cưỡng chế...
3. Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Định nghĩa và đặc điểm văn bản pháp luật? được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Định nghĩa và đặc điểm văn bản pháp luật? có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm