Hành nghề của luật sư nước ngoài theo quy định tại Luật Luật sư năm 2006
Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527
1- Quy định của Luật Luật sư năm 2006
Lần đầu tiên những vấn đề về tổ chức, hoạt động của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam và hành nghề của luật sư Việt Nam được điều chỉnh trong cùng một văn bản pháp luật thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao là Luật Luật sư năm 2006.
Về cơ bản, các quy định của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22/7/2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam là đầy đủ, phù hợp với thực tiễn nghề luật sư, thông lệ quốc tế và các cam kết của Việt Nam về lĩnh vực dịch vụ pháp lý trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và phương án đàm phán gia nhập WTO. Do vậy, các quy định của Luật Luật sư về điều kiện, hình thức và phạm vi hành nghề, quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và của luật sư nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu được xây dựng trên cơ sở các quy định tương ứng của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP.
2- Hình thức hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài
Luật Luật sư (Điều 69) đã mở rộng hình thức hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể là tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:
- Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài;
- Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh.
Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, được thành lập tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư. Trưởng chi nhánh có thể là luật sư Việt Nam.
Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài là tổ chức hành nghề luật sư do một hoặc nhiều tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh là tổ chức hành nghề luật sư liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam. Giám đốc công ty luật nước ngoài là luật sư và có thể là luật sư Việt Nam.
Luật Luật sư đã không giới hạn phạm vi hành nghề của văn phòng luật sư và công ty luật Việt Nam (bao gồm cả công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn). Điều đó đã tạo điều kiện để tổ chức luật sư nước ngoài được mở rộng cơ hội hợp tác hành nghề, có thể liên doanh với ba hình thức tổ chức hành nghề của luật sư Việt Nam là văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn (theo Nghị định số 87/2003/NĐ-CP, tổ chức luật sư nước ngoài chỉ được hợp tác với công ty luật hợp danh Việt Nam). Đây là điều kiện thuận lợi cho tổ chức luật sư nước ngoài tìm kiếm, lựa chọn đối tác để liên doanh, hợp tác hành nghề tại Việt Nam.
Việc cho phép tổ chức luật sư nước ngoài được hành nghề dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn là phù hợp với xu thế phát triển của nghề luật sư trên thế giới. Ngày càng có nhiều công ty luật trách nhiệm hữu hạn được thành lập thay vì mô hình công ty luật trách nhiệm vô hạn truyền thống. Quy định về công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam (Điều 72 Luật Luật sư) không chỉ là việc thay đổi về tên gọi, về mặt hình thức so với công ty luật hợp danh giữa tổ chức luật sư nước ngoài và tổ chức luật sư Việt Nam theo Nghị định số 87/2003/NĐ-CP, mà đã có sự thay đổi về nội dung, về bản chất. Công ty luật liên doanh thể hiện đúng yêu cầu theo cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Trên thực tế, từ khi Nghị định số 87/2003/NĐ-CP có hiệu lực, chưa có một công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và Việt Nam nào được thành lập tại Việt Nam. Từ đó cho thấy, việc mở rộng hình thức tổ chức hành nghề là tạo điều kiện cho tổ chức luật sư nước ngoài có thêm khả năng lựa chọn những hình thức hành nghề phù hợp.
3- Phạm vi hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài
Điều 70 Luật Luật sư quy định: “Chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, không được cử luật sư nước ngoài tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam, được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam, tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước Toà án Việt Nam đối với các vụ, việc mà chi nhánh, công ty luật nước ngoài thực hiện tư vấn pháp luật, trừ vụ án hình sự”.
Quy định này có những ưu điểm sau đây:
- Giảm bớt hạn chế về tiếp cận thị trường đối với tổ chức luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập WTO của Việt Nam.
- Tạo điều kiện thực tế cho các luật sư Việt Nam tham gia vào các vụ kiện mang tính chất quốc tế, qua đó, có thể nâng cao kiến thức và kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp quốc tế.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam có thể tiếp nhận và thực hiện trọn gói vụ việc cho khách hàng, từ việc tư vấn đến việc giải quyết tranh chấp phát sinh tại Toà án Việt Nam.
4- Hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam
Luật sư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật Luật sư thì được hành nghề tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây (Điều 75):
- Làm việc với tư cách thành viên cho một chi nhánh hoặc một công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;
- Làm việc theo hợp đồng cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.
Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn về pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, được thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài, được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một luật sư Việt Nam, không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam.
Luật Luật sư năm 2006 quy định rõ về mối quan hệ giữa các quy định của pháp luật về hành nghề của luật sư với pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong cơ chế điều chỉnh pháp luật. Điều này càng khẳng định hành nghề luật sư ở Việt Nam bao gồm hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường pháp lý cho việc kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam được phát triển.
5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
1. Bài viết trong lĩnh vực pháp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 024 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.


TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm