Hiệu lực của Luật hình sự

08/11/2024
Lê Hằng Nga
Lê Hằng Nga
Hiệu lực của luật hình sự là giá trị thi hành của luật hình sự đối với tội phạm nên nó phải gắn với hành vi phạm tội. Nói đến hiệu lực của luật hình sự là nói đến hiệu lực của luật đối với hành vi phạm tội xảy ra khi nào (hiệu lực về thời gian) và đối với hành vi phạm tội xảy ra ở đâu (hiệu lực về không gian).

1- Hiệu lực về thời gian của luật hình sự

Khi đã chấp nhận nguyên tắc pháp chế mà trước hết là nguyên tắc “Nullum crimen sine lege" (không có tội khi không có luật) thì vấn đề hiệu lực về thời gian phải được xác định theo nguyên tắc: Luật hình sự chỉ có hiệu lực để truy cứu TNHS đối với hành vi được thực hiện sau khi luật được ban hành và có hiệu lực thi hành. Nguyên tắc chung này được hiểu với hai nội dung sau:

- Nếu việc áp dụng luật mà không có lợi cho chủ thể bị áp dụng thì luật hình sự không có hiệu lực trở về trước. Cụ thể: Luật hình sự không có hiệu lực trở về trước trong các trường hợp sau:
+ Xác định có tội hoặc xác định tội nặng hơn;
+ Xác định TNHS nặng hơn;
+ Quy định nội dung khác không có lợi cho chủ thể bị áp dụng luật.
- Nếu việc áp dụng luật mà có lợi cho chủ thể bị áp dụng thì luật hình sự có hiệu lực trở về trước.

Ở đây có hai điểm cần chú ý:
+ Khi nói không có hay có hiệu lực trở về trước thì có thể là đối với toàn bộ các quy định hoặc chi đối với một hoặc một số quy định của luật hình sự. Điều này phụ thuộc vào nội dung của quy định cũng như vào thời điểm có hiệu lực thi hành của quy định trong trường hợp được bổ sung, sửa đổi.
+ Trong trường hợp giữa thời điểm bắt đầu thực hiện tội phạm với thời điểm tội phạm kết thúc là khoảng thời gian dài và luật hình sự có hiệu lực thi hành trong khoảng thời gian đó thì vấn đề hiệu lực theo thời gian được giải quyết theo nguyên tắc: Thời điểm thực hiện tội phạm được tính là thời điểm bắt đầu thực hiện tội phạm vì như vậy mới đảm bảo được nguyên tắc “có lợi cho người phạm tội”. 
Pháp luật Việt Nam nói chung cũng như luật hình sự Việt Nam nói riêng đều xác định hiệu lực về thời gian theo nguyên tắc chung trên. Cụ thể, khoản 2 Điều 152 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định:“Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:
a. Quy định trách nhiệm pháp lí mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lí;
b. Quy định trách nhiệm pháp lí nặng hơn."

Theo đó, các BLHS Việt Nam đã tuân thủ hoàn toàn nguyên tắc trên đây khi quy định thời hiệu về thời gian.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

2- Hiệu lực về không gian của luật hình sự

Theo nguyên tắc lãnh thổ, luật hình sự của mỗi quốc gia có hiệu lực đối với tất cả các tội phạm xảy ra trên lãnh thổ của mình, không kể người thực hiện tội phạm đó là công dân của quốc gia hay người nước ngoài hay người không có quốc tịch. Tuy nhiên, nguyên tắc này không được áp dụng trong trường hợp công dân nước ngoài thuộc diện được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo luật quốc tế. 

Theo luật quốc tế thì lãnh thổ quốc gia “... bao gồm vùng đất, vùng nước, vùng trời và vùng lòng đất thuộc chủ quyền hoàn toàn, riêng biệt hoặc tuyệt đối của một quốc gia”. Với cách hiểu như vậy, lãnh thổ quốc gia chỉ là lãnh thổ tự nhiên mà không bao gồm lãnh thổ “mở rộng” thường được dùng để chỉ tàu thuyền hay tàu bay của một quốc gia khi ở ngoài lãnh thổ quốc gia. Mặc dù tàu thuyền và tàu bay không phải là lãnh thổ quốc gia nhưng luật hình sự của mỗi quốc gia vẫn có thể có hiệu lực đối với tội phạm xảy ra trên tàu thuyền, tàu bay thuộc quốc gia mình khi ở ngoài lãnh thổ quốc gia và do vậy có thể coi các phương tiện này như là “lãnh thổ mở rộng”. Tuy nhiên, nguyên tắc lãnh thổ và nguyên tắc cho phép luật hình sự có hiệu lực đối với tội phạm xảy ra trên các phương tiện này vẫn là hai nguyên tắc khác nhau. Nguyên tắc thứ hai thường được gọi là nguyên tắc mang cờ. Đây có thể coi là nguyên tắc bổ sung cho nguyên tắc lãnh thổ. Theo nguyên tắc mang cờ, hiệu lực về không gian của luật hình sự được xác định theo quốc gia mà tàu thuyền, tàu bay được đăng kí.

Từ nguyên tắc lãnh thổ, vấn đề hiệu lực của luật hình sự đối với tội phạm xảy ra tại vùng đặc quyền kinh tế và tại thềm lục địa cũng được đặt ra. Vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa tuy không thuộc lãnh thổ quốc gia nhưng theo pháp luật quốc tế, quốc gia có quyền chủ quyền đối với hai vùng này. Theo đó, các quốc gia ven biển có các đặc quyền nhất định đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Các quyền này gắn liền với chủ quyền quốc gia của các quốc gia ven biển và từ đó cũng làm phát sinh quyền tài phán đối với tội phạm xảy ra tại đây. Như vậy, từ nguyên tắc lãnh thổ, các quốc gia ven biển có thể xác định hiệu lực của luật hình sự đối với tội phạm gắn liền với các đặc quyền xảy ra tại vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của mình.

Tội phạm được coi là xảy ra trên lãnh thổ quốc gia khi địa điểm phạm tội được xác định là trên lãnh thổ quốc gia. Trong đó, địa điểm phạm tội có thể chỉ là nơi bắt đầu, nơi kết thúc của hành vi phạm tội hoặc chỉ là nơi một phần hành vi phạm tội diễn ra hoặc chỉ là nơi hậu quả xảy ra hoặc được dự kiến xảy ra. Hành vi phạm tội ở đây cũng được hiểu không chỉ là hành vi thực hiện tội phạm mà có thể là hành vi chuẩn bị phạm tội cũng như các hành vi đồng phạm như xúi giục, giúp sức. Với nguyên tắc này, có thể xảy ra trường hợp luật hình sự của các quốc gia khác nhau cùng có hiệu lực về không gian đối với tội phạm đã xảy ra.

Theo nguyên tắc quốc tịch, luật hình sự của mỗi quốc gia có hiệu lực đối với các tội phạm do công dân của mình thực hiện hoặc đối với tội phạm mà nạn nhân là công dân của mình, không kể tội phạm đó xảy ra ở đâu - trong hoặc ngoài lãnh thổ quốc gia. Như vậy, nguyên tắc quốc tịch có hai loại: Nguyên tắc quốc tịch chủ động (theo quốc tịch của người phạm tội) và nguyên tắc quốc tịch bị động (theo quốc tịch của nạn nhân). Khi xác định hiệu lực của luật hình sự theo nguyên tắc quốc tịch chủ động có hai trường hợp được đặt ra: Trường hợp công dân của một quốc gia phạm tội trong nước và trường hợp công dân của một quốc gia phạm tội ở nước ngoài. Đối với trường hợp thứ nhất, hiệu lực được xác định theo cả hai nguyên tắc là nguyên tắc lãnh thổ và nguyên tắc quốc tịch và không có vấn đề gì đặc biệt được đặt ra. Đối với trường hợp thứ hai lại có vấn đề đặc biệt được đặt ra là: Hành vi xảy ra ở nước ngoài có thể là tội phạm theo luật trong nước (theo nguyên tắc quốc tịch) cũng như theo luật nước ngoài, nơi hành vi xảy ra (theo nguyên tắc lãnh thổ) nhưng cũng có thể, hành vi xảy ra ở nước ngoài chỉ là tội phạm theo luật trong nước còn theo luật nước ngoài, nơi hành vi xảy ra thì hành vi không bị coi là tội phạm. Từ đó, đòi hỏi các quốc gia khi quy định hiệu lực theo nguyên tắc quốc tịch cần chú ý điều đặc biệt này. Khi xác định hiệu lực của luật hình sự đối với tội phạm do công dân của quốc gia mình thực hiện ở nước ngoài, các quốc gia có thể khẳng định hiệu lực này không phụ thuộc vào luật của nước ngoài, nơi hành vi xảy ra nhưng cũng có thể giới hạn hiệu lực đối với những hành vi mà theo luật nước ngoài, nơi hành vi xảy ra cũng bị coi là tội phạm v.v..

Theo nguyên tắc quốc tịch thì có thể có trường hợp luật hình sự của nhiều quốc gia cùng có hiệu lực đối với tội phạm nhất định khi người phạm tội có nhiều quốc tịch.

Ở đây cũng cần chú ý: Vấn đề luật hình sự của quốc gia có hiệu lực đối với tội phạm do công dân của mình thực hiện ở nước ngoài với vấn đề có thể thực hiện được việc truy cứu TNHS đối với họ hay không là hai vấn đề khác nhau.

Các nguyên tắc trên là các nguyên tắc chủ yếu, điều chỉnh hiệu lực về không gian của luật hình sự. Ngoài ra, còn có các nguyên tắc khác.

Theo nguyên tắc bảo đảm an ninh quốc gia, luật hình sự của một quốc gia sẽ có hiệu lực đối với tội phạm xảy ra bên ngoài lãnh thổ và do người không phải là công dân của quốc gia mình thực hiện khi tội phạm đó đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của quốc gia. Đây là nguyên tắc mở rộng hiệu lực về không gian của luật hình sự và các quốc gia có thể sử dụng nguyên tắc này khi quy định hiệu lực của luật hình sự.

Theo nguyên tắc phổ cập, luật hình sự của quốc gia sẽ có hiệu lực đối với tội phạm xảy ra bên ngoài lãnh thổ và do người không phải là công dân của quốc gia mình thực hiện nếu tội phạm đó là tội phạm mà quốc gia có nghĩa vụ phải chống theo cam kết của quốc gia trong các điều ước quốc tế. Đó là các tội phạm quốc tế hoặc là các tội phạm có tính quốc tế. Nguyên tắc phổ cập là nguyên tắc đáp ứng yêu cầu của sự hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống một số tội phạm vì an ninh chung. Việc thừa nhận và cho phép hiệu lực có tính toàn cầu đó của luật hình sự là vì lợi ích của tất cả quốc gia và là cơ sở pháp lí cho việc thực hiện được cam kết quốc tế của mỗi quốc gia.

Pháp luật hình sự Việt Nam nói chung cũng như các BLHS Việt Nam nói riêng đều xác định hiệu lực về không gian trong phạm vi cho phép của các nguyên tắc chung trên.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Hiệu lực của Luật hình sự được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại. 

[b] Bài viết Hiệu lực của Luật hình sự có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Hiệu lực của Luật hình sự

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.16571 sec| 974.242 kb