Hoạt động ngân hàng và cấu trúc hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng

"Nếu bạn muốn giàu có thì chẳng những phải học cách làm ra tiền mà còn phải học cách sử dụng đồng tiền."
                                                                                                                                                                         - Franklin - 

Hoạt động ngân hàng và cấu trúc hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng

Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, khi sản xuất hàng hoá phát triển thì kéo theo sự hình thành và phát triển của các quan hệ thương mại giữa các khu vực, giữa các quốc gia sử dụng các đồng tiền khác nhau. Việc mua, bán, trao đổi hàng hoá giữa các khu vực, giữa các quốc gia sử dụng đồng tiền khác nhau làm nảy sinh nhu cầu đổi tiền. Các thương nhân phải đổi các loại tiền của mình để lấy các loại tiền khác thích ứng với từng quan hệ mua, bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ. Để đáp ứng nhu cầu đổi tiền của các thương nhân, xã hội xuất hiện tầng lớp thương nhân mới đó là những người làm nghề đổi tiền. Ban đầu tầng lớp thương nhân mới này chỉ thuần túy làm nghề đổi tiền nhưng dần dần do yêu cầu của khách hàng mà họ thực hiện thêm các dịch vụ khác như nhận tiền gửi, cho vay... Cùng với sự phát triển của nền văn minh nhân loại, nghề đổi tiền và các dịch vụ kinh doanh tiền tệ cũng phát triển trở thành một nghề kinh doanh và được gọi là nghề ngân hàng.

Liên hệ

1- Khái niệm hoạt động ngân hàng

Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, khi sản xuất hàng hoá phát triển thì kéo theo sự hình thành và phát triển của các quan hệ thương mại giữa các khu vực, giữa các quốc gia sử dụng các đồng tiền khác nhau. Việc mua, bán, trao đổi hàng hoá giữa các khu vực, giữa các quốc gia sử dụng đồng tiền khác nhau làm nảy sinh nhu cầu đổi tiền. Các thương nhân phải đổi các loại tiền của mình để lấy các loại tiền khác thích ứng với từng quan hệ mua, bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ. Để đáp ứng nhu cầu đổi tiền của các thương nhân, xã hội xuất hiện tầng lớp thương nhân mới đó là những người làm nghề đổi tiền. Ban đầu tầng lớp thương nhân mới này chỉ thuần túy làm nghề đổi tiền nhưng dần dần do yêu cầu của khách hàng mà họ thực hiện thêm các dịch vụ khác như nhận tiền gửi, cho vay... Cùng với sự phát triển của nền văn minh nhân loại, nghề đổi tiền và các dịch vụ kinh doanh tiền tệ cũng phát triển trở thành một nghề kinh doanh và được gọi là nghề ngân hàng.

Nhiều công trình nghiên cứu cho rằng, nghề ngân hàng xuất hiện đầu tiên ở miền Bắc Italia vào thời kì trung cổ. Người Italia gọi nghề kinh doanh này bằng từ “Banco”.

Ngày nay, để đáp ứng sự phát triển đa dạng của nền kinh tế ở mỗi quốc gia và tính toàn cầu hoá của kinh tế thế giới, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, hoạt động ngân hàng ngày càng mang tính đa dạng và tinh xảo về các nghiệp vụ kinh doanh. Đồng thời, cơ cấu chủ thể hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng cũng đa dạng như: ngân hàng trung ương, các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng v.v.. Tuy vậy, trong các tài liệu nghiên cứu và trong văn bản pháp luật của nhiều nước, khái niệm “hoạt động ngân hàng” thường được dùng để chỉ hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Trong hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật, việc chuẩn hóa khái niệm “hoạt động ngân hàng” có tác dụng lớn trong việc xác định phạm vi áp dụng đạo luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh ngân hàng. Chính vì vậy, trong đạo luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh ngân hàng của nhiều nước có điều luật ghi nhận hoạt động nào là hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Ở nhiều nước, pháp luật không đưa ra định nghĩa tổng quát về hoạt động ngân hàng mà liệt kê các hoạt động được coi là hoạt động ngân hàng. Chẳng hạn, Luật các tổ chức tài chính và ngân hàng của Malaysia năm 1989 liệt kê các dạng hoạt động được coi là hoạt động ngân hàng như:

- Huy động tiền gửi của khách hàng;

- Cấp tín dụng;

- Thực hiện các dịch vụ thanh toán;

Ở Việt Nam, tại Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam và tại Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2010 giải thích khái niệm hoạt động ngân hàng như sau: Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số nghiệp vụ sau đây:

- Nhận tiền gửi;

- Cấp tín dụng;

- Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

Tiền tệ là vật trung gian trong trao đổi hàng hoá, thực hiện chức năng phương tiện thanh toán.

Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác (khoản 14 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010).

Việc cung ứng dịch vụ thanh toán với tính cách là hoạt động ngân hàng được thực hiện dưới nhiều hình thức như: thực hiện dịch vụ thanh toán séc, thẻ ngân hàng...

Dịch vụ ngân hàng là các loại công việc tổ chức tín dụng phục vụ khách hàng liên quan tới hoạt động tiền tệ.

Như vậy, hoạt động ngân hàng là loại hình hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế có đối tượng kinh doanh là tiền tệ. Đây là dấu hiệu quan trọng để phân biệt hoạt động kinh doanh ngân hàng với các hoạt động kinh doanh khác trong nền kinh tế như với hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá, hoạt động kinh doanh dịch vụ đời sống v.v..

2- Cấu trúc hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng

Xem xét cấu trúc hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng là xem xét các bộ phận bên trong hợp thành nó. Hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng ở mỗi quốc gia bao gồm nhiều bộ phận hợp thành. Mỗi bộ phận trong hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng có vị trí và vai trò khác nhau đối với đời sống kinh tế-xã hội ở mỗi nước.

Ngày nay phổ biến ở các quốc gia, hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng gồm ngân hàng trung ương và các tổ chức tín dụng.

a. Ngân hàng trung ương

Khi đánh giá về vai trò của ngân hàng trung ương, Samuelson nhà kinh tế học người Mỹ cho rằng: “Từ khi thời gian bắt đầu có, cho đến nay, đã có ba phát minh lớn: lửa, bánh xe và ngân hàng trung ương”. Mặc dù ngày nay ngân hàng trung ương được nhìn nhận với vai trò to lớn như vậy nhưng sự ra đời của thực thể này trong lịch sử gắn liền với quá trình phát triển lâu dài của nghề kinh doanh tiền tệ và yêu cầu quản lí nhà nước đối với các hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng ở các quốc gia.

Đến thế kỉ XVII, hoạt động kinh doanh ngân hàng không còn là hoạt động kinh doanh mang tính cá thể của thương nhân mà ở nhiều nước đã xuất hiện các tổ chức kinh doanh tiền tệ có quy mô lớn như Ngân hàng Amsterdam (Hà Lan) thành lập năm 1609, Ngân hàng Hambourg (Đức) thành lập năm 1619, Ngân hàng Anh quốc (Bank of England) thành lập năm 1694 V.V.. Tuy vậy, cho đến cuối thế kỉ XVII, ở các quốc gia, hoạt động của các ngân hàng mang 2 đặc điểm phổ biến sau: ;

Thứ nhất, hoạt động kinh doanh ngân hàng mang tính đơn lẻ. Điều này thể hiện ở chỗ, các ngân hàng tồn tại độc lập, không có quan hệ liên kết theo hệ thống;

Thứ hai, các ngân hàng đều có quyền thực hiện các hoạt động kinh doanh giống nhau như nhận tiền gửi, cho vay, phát hành tiền cho lưu thông v.v..                                 

Tình trạng các ngân hàng đều có quyền phát hành tiền đã dẫn tới tình trạng “thừa tiền” trong nền kinh tế và tác động xấu tới sản xuất và lưu thông hàng hoá. Do đó, đến đầu thế kỉ XVIII, các nước đều thực hiện chính sách chỉ cho phép một số ngân hàng hội đủ điều kiện do nhà nước quy định mới được phép phát hành tiền. Thực tế đó đã dẫn tới sự hình thành hai loại hình ngân hàng: Các ngân hàng được phép phát hành tiền gọi là ngân hàng phát hành, còn các ngân hàng không được phép phát hành tiền gọi là ngân hàng trung gian.

Sự vận động của nền kinh tế chịu ảnh hưởng to lớn của hoạt động phát hành tiền. Do đó, cùng với việc tăng cường sự can thiệp, điều tiết đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, ở các quốc gia, nhà nước dần dần tiến tới kiểm soát chặt chẽ hoạt động phát hành tiền.

Đến cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, ở châu Âu, nhiều nước ban hành đạo luật quy định chỉ cho phép một ngân hàng duy nhất được phát hành tiền.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới thời kỳ 1929 - 1933 đã buộc nhà nước ở các nước tư bản phải cải cách căn bản cơ chế sử dụng ngân hàng phát hành. Một mặt, nhà nước xác lập cơ chế kiểm soát chặt chẽ tổ chức và hoạt động của ngân hàng phát hành. Mặt khác, nhà nước giao cho ngân hàng phát hành thực thi chính sách tiền tệ quốc gia và quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh ngân hàng trong nền kinh tế.

Sau thời kỳ 1929 - 1933, trong các tài liệu nghiên cứu ở các nước xuất hiện khái niệm ngân hàng trung ương. Ngân hàng trung ương là ngân hàng có chức năng chủ yếu là phát hành tiền, thực thi chính sách tiền tệ quốc gia.

Ngày nay, ở các nước ngân hàng trung ương được tổ chức theo một trong hai loại: mô hình ngân hàng trung ương thuộc sở hữu nhà nước và mô hình ngân hàng trung ương được thành lập dưới dạng công ty cổ phần.

Mô hình ngân hàng trung ương thuộc sở hữu nhà nước được nhiều nước áp dụng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Việt Nam V.V..

Mô hình ngân hàng trung ương được tổ chức dưới dạng công ty cổ phần được áp dụng ở một số nước, ở Hoa Kỳ, Hệ thống Dự trữ liên bang (FED) đóng vai trò của ngân hàng trung ương được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần.

Ngoài hai dạng chủ yếu trên, Cộng đồng kinh tế châu Âu (EU) có ngân hàng trung ương thực hiện chức năng phát hành tiền chung cho các nước thành viên.

Mặc dù phương thức thành lập và phạm vi quyền hạn của ngân hàng trung ương ở các quốc gia có khác nhau nhưng chúng đều là định chế tài chính công quyền. Tính chất công quyền của ngân hàng trung ương thể hiện ở chỗ, hoạt động chủ yếu của nó nhằm thực hiện những nhiệm vụ mà nhà nước hoặc liên minh các quốc gia giao và dựa trên cơ sở quyền lực nhà nước.

b. Tổ chức tín dụng

Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tiền tệ, làm dịch vụ ngân hàng.

Căn cứ vào phạm vi thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh, pháp luật của các nước quy định các tổ chức tín dụng gồm hai loại: Tổ chức tín dụng là ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan.

Luật của các nước quy định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng thường có quy định các loại giao dịch được coi là giao dịch ngân hàng và về nguyên tắc một tổ chức là ngân hàng được phép thực hiện tất cả các loại giao dịch đó. Chẳng hạn, Luật về ngành tín dụng của Cộng hoà liên bang Đức năm 1992 quy định 9 loại giao dịch được coi là giao dịch ngân hàng. Còn Luật ngân hàng thương mại của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1995 quy định 13 loại giao dịch được coi là giao dịch ngân hàng.

Các loại giao dịch được coi là giao dịch ngân hàng (nghiệp vụ ngân hàng) theo quy định của pháp luật các nước là những giao dịch phổ biến như: huy động vốn dưới hình thức tiền gửi, cho vay, mua bán các giấy tờ có giá ngắn hạn, cung cấp dịch vụ thanh toán, dịch vụ bảo lãnh v.v.. Ngoài ra, đối với một số giao dịch khác, tuỳ thuộc quan điểm của nhà nước mà ở các nước cỏ sự khác nhau trong việc quy định loại giao dịch mà ngân hàng được phép thực hiện. Chẳng hạn, ở Hoa Kỳ, Nhật Bản... các ngân hàng chỉ được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh ngân hàng mang tính truyền thống còn việc kinh doanh chứng khoán do các công ty chứng khoán độc lập thực hiện. Còn ở Cộng hoà Liên bang Đức, ngoài hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng, các ngân hàng còn được phép kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm.

Ngày nay ở các nước, các ngân hàng được tổ chức và thành lập dưới nhiều dạng như: ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư-phát triển, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác v.v..

Ở nước ta, Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 (được sửa đổi bổ sung năm 2004) quy định tổ chức tín dụng gồm hai loại: Tổ chức tín dụng là ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã.

Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu lợi nhuận.

Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.

Công ty cho thuê tài chính là loại hình công ty tài chính có hoạt động chính là cho thuê tài chính theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hoà vốn trong hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Ngân hàng Việt Nam - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

 

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.8 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Hoạt động ngân hàng và cấu trúc hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.50360 sec| 1144.539 kb