Khái niệm và phân loại quan hệ pháp luật

25/02/2023
Quan hệ pháp luật là một vấn đề cơ bản của khoa học lí luận chung về nhà nước và pháp luật, đồng thời cũng là vấn đề quan trọng của các khoa học pháp lí chuyên ngành. Việc nghiên cứu về quan hệ pháp luật góp phần bổ sung, hoàn thiện cũng như làm sâu sắc hơn những tri thức lí luận về vai trò của pháp luật, cơ chế điều chỉnh pháp luật... Đồng thời, thông qua nghiên cứu vấn đề này, các cá nhân, tổ chức trong xã hội có thể biết cách vận dụng pháp luật để xác định cách thức ứng xử cụ thể khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh.

I- KHÁI NIỆM QUAN HỆ PHÁP LUẬT

Quan hệ pháp luật trước hết là quan hệ xã hội, đó là quan hệ giữa người với người trong cuộc sống. Quan hệ xã hội xuất hiện, tồn tại một cách khách quan cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Do yêu cầu khách quan của đời sống cộng đồng đòi hỏi các quan hệ xã hội phải được điều chỉnh, đảm bảo cho chúng phát triển theo định hướng nhất định. Các quan hệ xã hội rất đa dạng, phức tạp, vì vậy xã hội có nhiều công cụ, phương tiện khác nhau để tác động đến chúng. Một mối quan hệ xã hội cụ thể có thể chịu sự tác động của nhiều loại phương tiện điều chỉnh, hiệu quả tác động của mỗi loại công cụ trong nhiều trường họp có sự khác nhau khá lớn.

Chẳng hạn, quan hệ hôn nhân và gia đình có thể chịu sự tác động của đạo đức, pháp luật, tín điều tôn giáo, phong tục tập quán..., trong đó mỗi công cụ phát huy ưu thế của mình ở những khía cạnh nhất định. Trong mối quan hệ này, đạo đức sẽ tác động mang lại hiệu quả cao hơn trong việc chăm sóc, yêu thương giữa các anh chị em trong gia đình; ngược lại pháp luật sẽ chiếm uu thế hơn khi tác động tới quan hệ vợ chồng trong trường hợp có sự hành hạ, ngược đãi của vợ chồng với nhau. Trong nhiều quan hệ xã hội, sự tác động của pháp luật là vô cùng cần thiết, bởi vì với những đặc tính trội của mình, pháp luật có ưu thế hơn hẳn so với những quy phạm xã hội khác.

Ở khía cạnh khác, có rất nhiều quan hệ xã hội trước hết cần có sự tác động của pháp luật, sự tác động của các công cụ khác nếu có chỉ có ý nghĩa bổ sung nhằm điều chỉnh một cách có hiệu quả nhất đối với chúng. Tuy nhiên, sự tác động của pháp luật đến các quan hệ xã hội cũng phải có giới hạn. Khi ban hành pháp luật, nhà làm luật luôn phải cân nhắc, tính toán xem quan hệ xã hội nào cần tác động bằng pháp luật, tác động bằng cách nào, tác động ở mức độ nào... Quan hệ xã hội được pháp luật tác động (điều chỉnh) trở thành quan hệ pháp luật. Khi đó, các bên tham gia quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh phải xử sự theo những cách thức mà pháp luật đã xác định, họ có thể hoặc cần phải hay không được thực hiện những hành vi nhất định nhằm không những đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình mà còn đảm bảo quyền và lợi ích họp pháp của chủ thể bên kia. 

Nếu một bên chủ thể không thực hiện đúng đắn, đầy đủ cách thức ứng xử của mình, bên chủ thể kia có quyền yêu cầu nhà nước can thiệp. Trong trường họp này, bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó quan trọng là biện pháp cưỡng chế, nhà nước buộc các chủ thể phải thực hiện nghiêm chỉnh các hành vi đã được xác định. Pháp luật không điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội, nó chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng, đã trở thành phổ biến trong đời sống. Việc pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội nào đó dựa trên sụ nhận thức của nhà nước về vai trò của pháp luật, nhu cầu của đời sống xã hội, khả năng điều chỉnh của pháp luật, ý chí của nhà nước...

Tóm lại, quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội được pháp luật điêu chỉnh trong đó các bên tham gia quan hệ pháp luật có các quyền và nghĩa vụ pháp li được nhà nước bảo đảm thực hiện.

Xem thêm: Khách thể trong quan hệ pháp luật.

II- ĐẶC ĐIỂM QUAN HỆ PHÁP LUẬT

(i) Quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội có ý chí: Quan hệ pháp luật xuất hiện do ý chí của con người, nó được hình thành thông qua hoạt động có ý chí của con người. Yếu tố ý chí trong quan hệ pháp luật được thể hiện bao gồm ý chí nhà nước và ý chí của các bên chủ thể quan hệ đó trong sự phù hợp với ý chí nhà nước. Trước hết, pháp luật, công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội luôn chứa đựng ý chí nhà nước. Thông qua quy phạm pháp luật, mệnh lệnh của nhà nước được đặt ra đối với các bên tham gia quan hệ pháp luật, họ có thể làm gì, phải làm gì, làm như thế nào... Đây chính là cách thức xử sự phải tuân theo khi họ tham gia quan hệ pháp luật. Tiếp theo, các bên tham gia quan hệ pháp luật bày tỏ ý chí của mình bằng việc tiến hành các hoạt động nhất định trên cơ sở cách thức xử sự mà quy phạm đã nêu. Tùy theo khả năng của mình, các bên tham gia quan hệ pháp luật tự thực hiện những hành vi nhất định phù họp với pháp luật và đồng thời thỏa mãn nhu cầu của họ. Chẳng hạn, trong quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ thực hiện việc nuôi dưỡng con của mình thành người có ích cho xã hội phù hợp với điều kiện của gia đình. Như vậy, cha mẹ tiến hành các hoạt động đúng theo cách xử sự mà pháp luật đã nêu, họ bày tỏ ý chí của mình phù họp với ý chí của nhà nước. 

(ii) Các bên tham gia quan hệ pháp luật có quyền và nghĩa vụ pháp lí được nhà nước đảm bảo thực hiện: Cách xử sự của các bên tham gia quan hệ pháp luật do quy phạm pháp luật quy định và bảo đảm thực hiện. Đó có thể là các bên được phép hoặc bắt buộc phải tiến hành những xử sự nào đó, những xử sự này do pháp luật quy định, đó chính là quyền và nghĩa vụ pháp lí của các bên tham gia quan hệ pháp luật. Bằng xử sự thực tế của mình, các bên tham gia quan hệ pháp luật đã cụ thể hoá các cách xử sự mà quy phạm đã nêu thành quyền và nghĩa vụ pháp lí cho mình. Trong trường họp các bên thực hiện không đúng các quyền và nghĩa vụ pháp lí thì họ phải chịu hách nhiệm về hành vi của mình, họ phải gánh chịu những hậu quả bất lợi mà nhà nước đã dự kiến trong phần chế tài của quy phạm pháp luật.

III- PHÂN LOẠI QUAN HỆ PHÁP LUẬT

Quan hệ pháp luật nảy sinh ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, nên rất phong phú và đa dạng. Chúng nhiều về số lượng và khác nhau về tính chất, về cách xử sự, về thành phần tham gia quan hệ pháp luật. Việc phân loại quan hệ pháp luật là cần thiết, giúp cho hoạt động xây dựng pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền được nhanh chóng và chính xác. Ngoài ra, việc phân loại cũng có ý nghĩa quan trọng đối với công tác dự báo pháp luật, góp phần xác định xu hướng vận động và phát triển của các quan hệ xã hội trong tương lai. Có nhiều tiêu chí để phân loại quan hệ pháp luật:

(i) Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh, quan hệ pháp luật được phân chia thành các loại tương ứng với các ngành luật: Quan hệ pháp luật hành chính, quan hệ pháp luật dân sự, quan hệ pháp luật đất đai... Đây là cách phân loại khá phổ biến và được thừa nhận rộng rãi. Thông qua cách phân loại này, chúng ta có điều kiện để tìm hiểu sâu hơn từng loại quan hệ xã hội, thấy được những đặc điểm riêng của chúng từ đó giúp cho hoạt động xây dựng pháp luật hoàn thiện, chính xác hơn.

(ii) Căn cứ vào tính xác định của các bên tham gia quan hệ pháp luật, quan hệ pháp luật được chia thành quan hệ pháp luật tuyệt đối và quan hệ pháp luật tương đối. Quan hệ pháp luật tuyệt đối là quan hệ mà một bên của quan hệ pháp luật được xác định còn bên kia của quan hệ là bất kì cá nhân, tổ chức nào. Trong quan hệ pháp luật tuyệt đối bên tham gia quan hệ được xác định là bên có quyền, còn các bên kia của quan hệ có nghĩa vụ tôn trọng các quyền này và không được vi phạm, chẳng hạn quan hệ pháp luật về sở hữu, quan hệ pháp luật về quyền tác giả là những quan hệ pháp luật thuộc loại này. Quan hệ pháp luật tương đối là quan hệ pháp luật mà tất cả các bên tham gia quan hệ pháp luật đều được xác định cụ thể, trong đó chỉ rõ cá nhân, tổ chức có những quyền và nghĩa vụ pháp lí đối với nhau, chẳng hạn quan hệ họp đồng, quan hệ hôn nhân gia đình...

Ngoài ra, căn cứ vào số lượng bên tham gia, quan hệ pháp luật được chia thành quan hệ pháp luật có hai bên và quan hệ pháp luật có nhiều bên, căn cứ vào tính chất chủ thể, quan hệ pháp luật còn được chia thành quan hệ công pháp và quan hệ tư pháp...

Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).


 

0 bình luận, đánh giá về Khái niệm và phân loại quan hệ pháp luật

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.44043 sec| 960.602 kb