Khái niệm và vai trò xây dựng pháp luật
Nội dung bài viết
I- KHÁI NIỆM XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
Ở khía cạnh chính trị, xây dựng pháp luật là hoạt động nhằm thể hiện ý chí của nhà nước thành pháp luật, còn ở khía cạnh kĩ thuật pháp lí thì đó là hoạt động sáng tạo pháp luật.
Xây dựng pháp luật, theo nghĩa hẹp là hoạt động ban hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thầm quyền, còn theo nghĩa rộng là hoạt động của tất cả tổ chức và cá nhân (các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền, các tổ chức xã hội và các cá nhân trong xã hội) vào quá trình tạo lập pháp luật. Quá trình tạo lập pháp luật rất phức tạp, bao gồm rất nhiều các hoạt động kế tiếp nhau, liên hệ chặt chẽ với nhau, do nhiều tổ chức và cá nhân có vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn khác nhau cùng tiến hành, nhằm chuyển hoá ý chí nhà nước thành những quy định pháp luật dựa trên những nguyên tắc nhất định và được thể hiện dưới những hình thức pháp lí nhất định, đặc biệt là hình thức văn bản quy phạm pháp luật.
Xây dựng pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình điều chỉnh pháp luật, thông qua xây dựng pháp luật các quy định pháp luật được đặt ra, sửa đổi hoặc bãi bỏ cho phù hợp với nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội.
Hoạt động xây dựng pháp luật của nhà nước cũng thể hiện mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhà nước và pháp luật, theo đó, pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, chỉ nhà nước mới có thể ban hành một hệ thống quy phạm pháp luật thống nhất để điều chỉnh một cách hiệu quả các quan hệ xã hội. Do vậy, xây dựng pháp luật là một trong những hình thức để thực hiện chức năng nhà nước, là sự thể hiện và thực hiện quyền lực nhà nước trong thực tiễn.
Xây dựng pháp luật là hoạt động mang tính tổ chức rất chặt chẽ, được diễn ra theo các quy trình nhất định với những nội dung cơ bản là:
Thứ nhất, làm sáng tỏ những nhu cầu về sự cần thiết của việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với quan hệ xã hội, xác định đối tượng áp dụng, phạm vi áp dụng và phương pháp điều chỉnh pháp luật đối với quan hệ xã hội đó;
Thứ hai, công nghệ sáng tạo ra quy phạm pháp luật. Các nhà nước thường có những quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền, tên gọi, nội dung, nguyên tắc và trình tự, thủ tục ban hành đối với mỗi loại hình thức (nguồn) pháp luật nhất định. Việc đặt ra những quy định như vậy có tác dụng bảo đảm cho các quy định pháp luật được ban hành có chất lượng, mang tính khoa học, thể hiện được đầy đủ ý chí nhà nước, phát huy được hiệu lực và có hiệu quả trên thực tế. Vì vậy, có thể nói xây dựng pháp luật gắn liền với quá trình nhận thức và thể hiện các lợi ích của toàn xã hội, của nhóm xã hội khác nhau, của nhà nước, của tập thể, của các giai cấp và mỗi cá nhân trong pháp luật.
Xem thêm: Các nguyên tắc xây dựng pháp luật.
II- VAI TRÒ CỦA XÂY DỰNG PHÁP LUẬT.
Khác với các hoạt động pháp luật khác, kết quả của hoạt động xây dựng pháp luật luôn là tạo ra quy định pháp luật mới để bổ sung vào hệ thống quy phạm pháp luật hiện hành hoặc sửa đổi, loại bỏ những quy định pháp luật đã lỗi thời, không còn phù với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội hiện tại, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Do vậy, xây dựng pháp luật là hoạt động mang tính sáng tạo, là một quá trình sáng tạo ra các quy định pháp luật trên cơ sở nhận thức quy luật và lợi ích xã hội.
Các quy định pháp luật - sản phẩm của hoạt động xây dựng pháp luật là kết quả hoạt động tư duy của con người, thông qua quá trình nhận thức các quy luật vận động, phát triển của các quan hệ xã hội, tầm quan trọng của chúng rồi từ đó các chủ thể có thẩm quyền tham gia xây dựng pháp luật sẽ tạo ra các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội sao cho phù họp với lợi ích của nhà nước và xã hội. Ngay cả trong việc thừa nhận các quy tắc xử sự đã có sẵn như đạo đức, tập quán... thành pháp luật cũng đòi hỏi sự sáng tạo rất lớn của các chủ thể tham gia. Bởi việc thừa nhận quy tắc này hay quy tắc khác cũng đòi hỏi có sự nghiên cứu, đánh giá đúng, chính xác những quy tắc xử sự đó cùng với những điều kiện tồn tại vận động và phát triển của các quan hệ xã hội. Trong quá trình xây dựng pháp luật đòi hỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải dự liệu được trước cả những điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong tương lai để có thể đặt ra các quy định pháp luật bảo đảm nhu cầu phát triển lâu dài, ổn định của đất nước.
Việc xây dựng pháp luật có thể được thực hiện chỉ bằng các cơ quan nhà nước, cũng có thể là cơ quan nhà nước cùng với cơ quan của các tổ chức xã hội. Các chủ thể có thẩm quyền có thể phê chuẩn các quy tắc như tập quán, đạo đức... đã có sẵn trong xã hội thành pháp luật hoặc có thể đặt ra các quy tắc mới thể hiện trong văn bản quy phạm pháp luật, cũng có thể tạo ra các quy định mới từ hoạt động thực tiễn của các cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp trong việc giải quyết những vụ việc cụ thể.
Vì pháp luật là một hệ thống nên khi ban hành, sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ bất kì một quy định pháp luật nào cũng cần phải cân nhắc xem xét đến tính hệ thống của nó trong tổng thể của hệ thống quy phạm pháp luật của đất nước, tức là sự phù hợp, sự tác động, ảnh hưởng của nó đối với các quy phạm pháp luật hiện hành. Do sự liên kết chặt chẽ giữa các quy phạm pháp luật, giữa các bộ phận của hệ thống pháp luật, cho nên một quy phạm pháp luật được bổ sung hay thay đổi có thể dẫn đến sự thay đổi của các quy phạm pháp luật khác, sự thay đổi của các hiện tượng pháp luật khác, vì vậy, không thể tuỳ tiện khi xây dựng các quy định pháp luật.
Xây dựng pháp luật được cho là biến những đòi hỏi, những quy luật khách quan của đời sống xã hội thành những quy tắc hành vi cho con người. Do vậy, nó cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, khoa học để củng cố nhà nước, quản lí các mặt khác nhau của đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu ồn định và phát triển bền vững đất nước.
Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm