Khái niệm, ý nghĩa và điều kiện của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

15/02/2023
Bản chất của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo dựa trên cơ sở của kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, mà cụ thể là kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Để đảm bảo hiệu quả của việc mang thai hộ, đảm bảo quyền, lợi ích của các bên có liên quan, việc mang thai hộ được tiến hành theo quy trình thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm do Bộ Y tế ban hành.Việc mang thai hộ phải tuân thủ các nguyên tắc của việc áp dụng kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; các bên tham gia quá trình thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ phải tuân thủ các chỉ dẫn, hướng dẫn, điều trị của bác sĩ chuyên khoa và có đủ các điều kiện về sức khỏe để thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ theo sự xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; chỉ các cơ sở y tế có đủ điều kiện, có thực tế kinh nghiệm thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và được Bộ Y tế công nhận, cho phép mới được thực hiện kĩ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

1-Khái niệm mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 lần đầu tiên quy định về việc mang thai hộ. Trước đây, theo Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học (Nghị định số 12/2003/NĐ-CP) thì việc mang thai hộ bị cấm. Tuy nhiên, trên thực tế việc mang thai hộ vẫn được lén lút thực hiện với sự trợ giúp của các cơ sở y tế có khả năng thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản với các bên có liên quan. Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng vô sinh còn lựa chọn biện pháp nhờ người mang thai hộ ở nước ngoài tại các nước cho phép mang thai hộ. Thực tế đó dẫn tới hệ quả pháp lí phức tạp đối với những đứa trẻ được sinh ra từ mang thai hộ. Việc không cho phép mang thai hộ cũng cản trở việc thực hiện quyền làm cha mẹ đối với những cặp vợ chồng không thể mang thai ngay cả khi thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản. Theo số liệu do Bộ Y tế cung cấp tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về nghiên cứu sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ngày 12/12/2012 thì Việt Nam có tỉ lệ vô sinh trong cả nước khá cao là 7,7%. Theo đánh giá của Bộ Y tế về 08 năm thi hành Nghị định số 12/2003/NĐ-CP thì nhu cầu nhờ mang thai hộ là có thật hiện nay và khá phổ biến.  Việc nhờ mang thai hộ xuất phát từ thực tiễn là có nhiều người vì bệnh lí không thể tự mình mang thai như bị dị tật bẩm sinh không có tử cung, u xơ tử cung, suy tim, suy gan, suy thận,... tuy nhiên họ vẫn có noãn có đủ chất lượng để thụ thai và có mong muốn được làm mẹ. Việc cho phép mang thai hộ sẽ giúp cho các cặp vợ chồng rơi vào hoàn cảnh này thực hiện được quyền làm cha mẹ với đứa con cùng huyết thống của mình. Do đó, việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có tính nhân văn sâu sắc.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc mang thai hộ cũng có thể phát sinh những vấn đề phức tạp, nhạy cảm vì liên quan đến đứa trẻ được sinh ra, liên quan đến quyền nhân thân của cá nhân, nên cần được điều chỉnh chặt chẽ. Hiện nay chỉ có một số quốc gia thừa nhận và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đồng thời nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại như Thái Lan, Liên bang Nga, Hà Lan, Bỉ, Hungari, Canada, Australia, Israel, Nam Phi, Anh, Hy Lạp và một số bang của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. 
Theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là “việc một người phụ nữ tự ngưyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khỉ ảp dụng kĩ thuật ho trợ sình sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyên mang thai để người này mang thai và sinh con.
Việc mang thai hộ chỉ được thực hiện trong trường hợp người vợ không thể mang thai, sinh con ngay cả khi áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản vì lí do bệnh lí. Khi đó vợ chồng được nhờ một người phụ nữ khác mang phôi thai đã được thụ tinh trong ống nghiệm từ noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để sinh con. Việc mang thai hộ nhằm giúp cặp vợ chồng vô sinh thực hiện được quyền làm cha mẹ đối với đứa con mang dòng máu huyết thống của mình mà không kèm theo bất cứ lợi ích vật chất nào. Mọi trường hợp mang thai hộ với mục đích thương mại hoặc với bất cứ lí do không chính đáng khác đều không được pháp luật cho phép. Việc mang thai hộ chỉ được thực hiện đối với cặp vợ chồng mà không được áp dụng với người phụ nữ độc thân có nhu cầu có con.

2- Ý nghĩa của việc quy định về mang thai hộ

Việc mang thai hộ được pháp luật quy định có ý nghĩa nhiều mặt: về tâm lí, pháp lí, đạo đức và xã hội. Các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là cơ sở pháp lí cho việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Các quy phạm này là cơ sở pháp lí để các cơ sở y tế có thẩm quyền có thể tiến hành một cách công khai, minh bạch các kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhằm thực hiện việc mang thai hộ đáp ứng nguyện vọng của các cặp vợ chồng. Các cặp vợ chồng mong muốn có con có quyền trình bày nguyện vọng nhờ người mang thai hộ một cách công khai, người có khả năng mang thai hộ có quyền thực hiện việc mang thai hộ một cách đàng hoàng, minh bạch, không phải lén lút, giấu giếm.
Chỉ việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tuân thủ đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định mới được công nhận là hợp pháp, những hành vi mang thai hộ nhằm mục đích thương mại không được thừa nhận. Tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng vô sinh mà người vợ không thể mang thai ngay cả khi áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản có thể thực hiện quyền làm cha mẹ đối với con mang huyết thống của mình, thể hiện tính nhân văn trong pháp luật, đáp ứng nguyện vọng của các gia đình, dòng họ theo phong tục tập quán, đạo đức. Quy định về mang thai hộ hướng tới việc đảm bảo quyền, lợi ích cho đứa trẻ được sinh ra từ việc mang thai hộ. Việc đảm bảo quyền, lợi ích của trẻ được quan tâm điều chỉnh ngay trong quá trình mang thai, sinh con và giao con giữa các bên, gắn liền với việc xác định trách nhiệm cụ thể của bên mang thai hộ, bên nhờ mang thai hộ trong từng giai đoạn. Quyền nhân thân của trẻ sinh ra từ mang thai hộ về họ tên, xác định cha mẹ... được quy định rõ ràng, vừa tránh tranh chấp vừa đảm bảo lợi ích nhân thân của trẻ.
Các quy định về mang thai hộ nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người phụ nữ mang thai hộ cũng như gia đình họ. Khi mang thai hộ, người phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều sự rủi ro về sức khỏe, tinh thần, trạng thái tâm lí trong suốt quá trình mang thai, đòi hỏi họ phải khắc phục, vượt qua, không chỉ vì bản thân mình mà còn vì sức khỏe thể chất, tinh thần, tâm lí của thai nhi. Các quy định về quyền, nghĩa vụ của người mang thai hộ vừa xác định trách nhiệm cửa người mang thai hộ khi tự nguyện thực hiện việc mang thai hộ vừa là cơ sở pháp lí để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của họ khi mang thai hộ. Các quy định về mang thai hộ là cơ sở pháp lí để cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc mang thai hộ.

3-Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Theo quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải tuân thủ các điều kiện sau:

3.1Đảm bảo sự tự nguyện của các bên

Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của bên nhờ mang thai, bên mang thai hộ và phải lập thành văn bản. Văn bản thỏa thuận về việc mang thai hộ phải có các nội dung cơ bản sau: Thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Cam kết của các bên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong thời gian mang thai hộ; Việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa; hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ khác có liên quan; Trách nhiệm dân sự của các bên khi có sự vi phạm cam kết đã thỏa thuận.
Về hình thức, thỏa thuận về mang thai hộ phải lập thành văn bản và được công chứng. Vợ chồng bên nhờ mang thai hộ, vợ chồng bên mang thai hộ có thể ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận và việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lí. Việc thỏa thuận về mang thai hộ giữa các bên được lập cùng với thỏa thuận giữa họ với cơ sở y tế thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản và văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ sở y tế.

3.2- Điều kiện đối với bên nhờ mang thai hộ

Khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:...”. Theo đó, chỉ có cặp vợ chồng mà người vợ không thế mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản mới có quyền nhờ người khác mang thai hộ. Vợ chồng là những người có quan hệ hôn nhân họp pháp. Việc nhờ người khác mang thai hộ không được áp dụng đối với người độc thân (dù là nam hay nữ), cũng không được áp dụng đối với cặp đôi chung sống như vợ chồng (dù là chung sống giữa những người cùng giới tính hay khác giới tính). Theo quy định của pháp luật, vợ chồng nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thế mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản. 
Tổ chức y tế có thẩm quyền là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế công nhận được thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Cơ sở y tế có thẩm quyền xác nhận về việc người vợ có bệnh lí, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, của thai nhi. Vợ chồng đang không có con chung: Khi vợ chồng không có con chung thì việc mong muốn có con là khao khát cháy bỏng của cặp vợ chồng nên nhu cầu mang thai hộ là thật sự cần thiết và chính đáng. Vợ chồng đã được tư vấn về y tế, pháp lí, tâm lí: Sự tư vấn về y tế, tâm lí, pháp lí là hết sức cần thiết, có ý nghĩa thiết thực và giúp cho cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ có hiểu biết đầy đủ, lường trước được những khó khăn, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện việc mang thai hộ để cân nhắc về quyết định của mình.
Tư vấn về y tế bao gồm các nội dung sau: Các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin nhận con nuôi; quá trình thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ; các khó khăn, tỉ lệ thành công khi thực hiện mang thai hộ; chi phí điều trị; khả năng đa thai; khả năng em bé bị dị tật và có thể phải phá bỏ thai; các nội dung khác có liên quan.
Tư vấn về pháp lí: quyền và nghĩa vụ giữa các bên khi thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; trách nhiệm của các bên khi vi phạm thỏa thuận; xác định cha mẹ cho con sinh ra từ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo...
Tư vấn về tâm lí bao gồm các nội dung sau: Các vấn đề tâm lí có thể phát sinh trước mắt và lâu dài của việc nhờ mang thai hộ đối với người thân và bản thân đứa trẻ; người mang thai hộ có thể có ý định muốn giữ lại đứa trẻ; hành vi, thói quen của người mang thai hộ có thể có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ; tâm lí, tình cảm khi nhờ người khác mang thai hộ và sinh con; tâm lí căng thẳng, mệt mỏi khi việc mang thai hộ có thể thất bại và tốn kém...

3.3- Điều kiện đối với bên mang thai hộ

Người mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ. Người mang thai hộ là người thân thích cùng hàng với bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ sẽ đảm bảo sự tương thích về tuổi giữa cha mẹ với con, không làm xáo trộn trật tự thứ bậc trong gia đình. Người thân thích cùng hàng mang thai hộ sẽ tránh được hiện tượng lợi dụng việc mang thai hộ để trục lợi hoặc vì mục đích thương mại.
Giữa những người có quan hệ họ hàng thân thích thì việc mang thai hộ được thực hiện một cách tâm huyết, thiện tâm, có ý nghĩa gắn kết tình cảm, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, và do đó việc mang thai hộ sẽ có hiệu quả hơn, tốt hon cho các bên, đặc biệt là đối với sức khỏe thể chất, tinh thần của đứa trẻ.

Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP thì người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này, ủy ban nhân dân cấp xã cũng có thể xác nhận mối quan hệ thân thích cùng hàng giữa bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ nếu biết rõ về điều đó.
Người mang thai hộ phải đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần. Quy định này nhằm đảm bảo khả năng có thể mang thai, sự hiểu biết, kinh nghiệm nhất định trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc thai nhi và sinh con của người mang thai hộ, qua đó đảm bảo hiệu quả của việc mang thai hộ, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của người mang thai hộ. Người mang thai hộ chỉ được mang thai hộ một lần để tránh tình trạng lợi dụng việc mang thai hộ nhằm mục đích kinh doanh, thương mại, dịch vụ.
Người mang thai hộ phải ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về độ tuổi của người mang thai hộ. Tuy nhiên độ tuổi phù hợp của người phụ nữ với việc mang thai hộ thông thường được hiểu là trong độ tuổi sinh đẻ để đảm bảo tốt nhất khả năng mang thai và sinh con. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm xác nhận về khả năng mang thai của người mang thai hộ; người mang thai hộ đáp ứng đầy đủ quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP. Trong trường họp người phụ nữ mang thai hộ đã có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. Sự đồng ý này của người chồng tạo tâm lí yên tâm, thoải mái cho người phụ nữ mang thai hộ, đảm bảo sự phát triển an toàn cho thai nhi trong quá trình mang thai, đồng thời là cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong việc mang thai hộ. Trong thời kì hôn nhân, vợ chồng cùng chia sẻ, gánh vác với nhau mọi việc cần giải quyết trong cuộc sống. 
Việc mang thai hộ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, trạng thái tâm lí, tinh thần không chỉ của riêng người phụ nữ mang thai hộ mà còn chi phối, ảnh hưởng đến chồng, con của họ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày trong suốt thời kì mang thai. Vì vậy, sự đồng ý của người chồng có ý nghĩa quan trọng và là bắt buộc, được thể hiện một cách minh bạch, rõ ràng bằng văn bản. Người mang thai hộ được tư vấn đầy đủ về y tế, tâm lí, pháp lí. Sự tư vấn về các nội dung có liên quan tới việc mang thai hộ giúp cho người mang thai hộ có sự cân nhắc kĩ càng, cẩn thận về những hậu quả, những rủi ro về nhiều mặt khí mang thai hộ, qua đó giúp họ có quyết định chính xác hơn và xác định trước những thách thức, những khó khăn phải vượt qua khi đồng ý mang thai hộ.Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trải với quy định của pháp luật về sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản
Bản chất của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo dựa trên cơ sở của kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, mà cụ thể là kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Để đảm bảo hiệu quả của việc mang thai hộ, đảm bảo quyền, lợi ích của các bên có liên quan, việc mang thai hộ được tiến hành theo quy trình thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm do Bộ Y tế ban hành.Việc mang thai hộ phải tuân thủ các nguyên tắc của việc áp dụng kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; Các bên tham gia quá trình thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ phải tuân thủ các chỉ dẫn, hướng dẫn, điều trị của bác sĩ chuyên khoa và có đủ các điều kiện về sức khỏe để thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ theo sự xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; Chỉ các cơ sở y tế có đủ điều kiện, có thực tế kinh nghiệm thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và được Bộ Y tế công nhận, cho phép mới được thực hiện kĩ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

0 bình luận, đánh giá về Khái niệm, ý nghĩa và điều kiện của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.20368 sec| 996.047 kb