Kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm

13/03/2023
Việc đương sự, người đại diện của đương sự chống lại bản án, quyết định của toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật yêu cầu toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án dân sự được gọi là kháng cáo còn Kháng nghị bảo đảm cho viện kiểm sát thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của toà án trong việc giải quyết vụ án dân sự. Kháng cáo, kháng nghị là điều kiện để toà ấn cấp phúc thẩm tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án. Những bản án, quyết định sơ thẩm dù có sai lầm nhưng nếu không bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án cũng không được xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

1- Khái niệm kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm

Để bảo đảm việc bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, pháp luật quy định cho các chủ thể như đương sự, người đại diện của đương sự có quyền yêu cầu toà án cấp trên xét xử lại vụ án dân sự. Việc đương sự, người đại diện của đương sự chống lại bản án, quyết định của toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật yêu cầu toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án dân sự được gọi là kháng cáo.
Kháng cáo là hoạt động tố tụng của đương sự và các chủ thể khác theo quy định của pháp luật trong việc yêu cầu toà án cấp trên xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của toà án cấp sơ thẩm theo thử tục phúc thẩm. Để bảo đảm việc giải quyết vụ án dân sự đúng pháp luật, pháp luật quy định viện kiếm sát có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tố tụng dân sự. Khi không đồng ý với bản án, quyết định giải quyết vụ án của toà án cấp sơ thẩm, viện kiểm sát có quyền yêu cầu toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án. Việc viện kiểm sát yêu cầu toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của toà án cấp sơ thẩm được gọi là kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là hoạt động tố tụng của viện kiểm sát theo quy định của pháp luật trong việc đề nghị toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Việc kháng cáo, kháng nghị của các chủ thể hiện nay được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 271 đến Điều 284 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015.
Kháng cáo bảo đảm cho các đương sự có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước toà án. Kháng nghị bảo đảm cho viện kiểm sát thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của toà án trong việc giải quyết vụ án dân sự. Kháng cáo, kháng nghị là điều kiện để toà ấn cấp phúc thẩm tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án. Những bản án, quyết định sơ thẩm dù có sai lầm nhưng nếu không bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án cũng không được xét xử lại theo thủ tực phúc thẩm.

2- Người có quyền kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm

Theo quy định tại Điều 271 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, người có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là: 1) Các đương sự, 2) Người đại diện của đương sự; 3) Cơ quan, tổ chức đã khởi kiện vụ án dân sự.
Theo quy định tại Điều 278 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, người có quyền kháng nghị là viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và cấp trên trực tiếp. Ví dụ: Toà án nhân dân huyện X tỉnh Y tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án dân sự. Bản án sơ thẩm có thể bị viện trưởng viện kiểm sát nhân dân huyện X hoặc viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh Y kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Do viện kiểm sát được tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất, viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo trực tiếp của viện kiểm sát cấp trên nên thông thường cả ngành kiểm sát nếu có kháng nghị sẽ chỉ ra một quyết định kháng nghị hoặc là của viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị hoặc là của viện trưởng viện kiểm sát trên một cấp kháng nghị.

3- Đối tượng kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm

Đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, cụ thể:
- Các bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
- Các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của toà án cẩp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.
Các quyết định khác của toà án cấp sơ thẩm như quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định chuyển vụ án cho toà án khác giải quyết, quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự, quyết định đưa vụ án ra xét xử không phải là đối tượng của kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

4- Thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm

a) Thời hạn kháng cáo

Theo quy định tại Điều 273 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, thời hạn kháng cáo đối với bản án của toà án cấp sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên toà hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lí do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên toà nhưng vắng mặt khi toà án tuyên án mà không có lí do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án. Thời hạn kháng cáo đổi với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của toà án cấp sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày đương sự,cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015. Nếu người kháng cáo trực tiếp nộp đơn kháng cáo thì ngày kháng cáo được tính từ ngày nộp đơn. Nếu đơn kháng cáo được gửi qua đường bưu điện thì ngày kháng cáo được tính từ ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu trên phong bì.

Nếu ngày cuối cùng của thời hạn ỉà ngày nghỉ (thứ bảy, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào đúng 12 giờ đêm của ngày hôm đó (khoản 5, 6 Điều 148 Bộ Luật dân sự năm 2015).

Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vằo ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.
Nếu kháng cáo ngoài thời hạn quy định của pháp luât là kháng cáo quá hạn. Theo Điều 275 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, toà án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình lí do kháng cáo quá hạn của người kháng cáo và tài liệu, chứng cứ nếu có cho toà án cấp phúc thẩm. Trong thời hạn 10 kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, toà án cấp phúc thẩm thành lập hội đồng gồm ba thẩm phán để xem xét việc kháng cáo quá hạn. 
Phiên họp xét kháng cáo quá hạn có sự tham gia của kiểm sát viên viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp người kháng cáo, kiểm sát viên vắng mặt thì hội đồng xét kháng cáo quá hạn vẫn tiến hành phiên họp. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện viện kiểm sát tại phiên họp, hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõlí do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định. Toà án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn, toà án cấp sơ thẩm và viện kiểm sát cùng cấp; nếu toà án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì toà án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định và gửi hồ sơ vụ án cho toà án cấp phúc thẩm.

b) Thời hạn kháng nghị

Theo quy định tại Điều 280 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, thời hạn kháng nghị đối với bản án của toà án cấp sơ thẩm của viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp kiểm sát viên không tham gia phiên toà thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án. Thời hạn kháng nghị của viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của toà án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày viện kiếm sát cùng cấp nhận được quyết định.
Khi toà án nhận được quyết định kháng nghị của viện Idem sát mà quyết định kháng nghị đó đã quá thời hạn thì toà án cấp sơ thẩm yêu cầu viện kiếm sát giải thích bằng văn bản và nêu rõ lí do.

5- Hình thức kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm

a) Hình thức kháng cáo

Việc kháng cáo phải được người có quyền kháng cáo thực hiện trong thời hạn luật định và bằng một đơn kháng cáo, có nội dung chính được quy định tại Điều 272 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015: Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo; kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật; lí do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo; chữ kí hoặc điểm chỉ của người kháng cáo. 

Người kháng cáo là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo.ở phần cuối đơn kháng cáo, người kháng cáo phải lá tên hoặc điểm chỉ. Người có quyền kháng cáo nếu không tự mình kháng cáo thì có thể uỷ quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo uỷ quyền của người kháng cáo, của người kháng cáo uỷ quyền kháng cáo; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo uỷ quyền kháng cáo và văn bản uỷ quyền. 

Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo uỷ quyền phải kí tên hoặc điểm chỉ. Người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi tên, địa chỉ; sổ điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của đương sự là cơ quan, tổ chức; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải kí tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó, trường hợp doanh nghiệp kháng cáo thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp. Trường họp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức uỷ quyền cho người khác kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo uỷ quyền, của đương sự là cơ quan, tổ chức uỷ quyền; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của đương sự là cơ quan, tổ chức uỷ quyền; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó và văn bản uỷ quyền. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo uỷ quyền phải kí tên hoặc điểm chỉ. Người đại diện theo pháp luật của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. 

Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự. ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải kí tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của đương sự uỷ quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo uỷ quyền và văn bản uỷ quyền; họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật của đương sựuỷ quyền; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự. ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo uỷ quyền phải kí tên hoặc điểm chỉ. Việc uỷ quyền kháng cáo phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản uỷ quyền đó được lập tại toà án có sự chứng kiến của thẩm phán hoặc người được chánh án toà án phân công. Trong văn bản uỷ quyền  phải có nội dung đương sự uỷ quyền cho người đại diện theo uỷ quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của toà án cấp sơ thẩm. 
Đơn kháng cáo phải được gửi cho toà án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định SO’ thẩm bị kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho toà án cấp phúc thấm thì toà án đó phải chuyến cho toà án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của Bộ luật này. Kèm theo đơn kháng cáo, người kháng cáo phải gửi tài liệu, chứng cứ bổsung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp. Đơn kháng cáo được gửi đến cho toà án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo. Trường họp đơn kháng cáo được gửi cho toà án cấp phúc thẩm thì toà án cấp phúc thẩm chuyển lại đơn kháng cáo cho toà án cấp sơ thẩm để toà án cấp sơ thẩm tiến hành những thủ tục cần thiết trước khi hồ sơ vụ án được chuyển cho toà án cấp có thẩm quyền phúc thẩm.

b) Hình thức kháng nghị

Viện trưởng viện kiểm sát kháng nghị bằng quyết định kháng nghị và có các nội dung chính được quy định tại Điều 279 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, bao gồm: Ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị và số của quyết định kháng nghị; tên của viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị; kháng ghị toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật; lí do của việc kháng nghị và yêu cầu của viện kiểm sát; họ, tên của người kí quyết định kháng nghị và đóng dấu của viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị. Quyết định kháng nghị phải được gửi ngay cho toà án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng nghị để toà án cấp sơ thẩm tiến hành các thủ tục do Bộ Luật tố tụng dân sự quy định và gửi hồ sơ vụ án cho toà án cấp phúc thẩm theo quy định tại Điều 283 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015. Kèm theo quyết định kháng nghị là tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng nghị của viện kiểm sát là có căn cứ và hợp pháp.

6- Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm

Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, toà án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí phúc thẩm. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và nộp cho toà án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Het thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là từ bỏ việc kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng. Trường hợp sau khi hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo mới nộp cho toà án biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà không nêu rõ lí do thì toà án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của toà án phải có văn bản trinh bày lí do chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nộp cho toà án cấp sơ thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp này được xử lí theo thủ tục xem xét kháng cáo quá hạn.

7- Thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm

a) Thông báo kháng cáo

Theo quy định tại Điều 277 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, sau khi chấp nhận đơn kháng cáo họp lệ, toà án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo kèm theo bản sao đơn kháng cáo, tài liệu, chứng cứ bổ sung mà người kháng cáo gửi kèm đơn kháng cáo. Đương sự có liên quan đến kháng cáo được thông báo về việc kháng cáo có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng cáo cho toà án cấp phúc thẩm. Văn bản nêu ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án.

b) Thông báo kháng nghị

Điều 281 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định, viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị phải gửi ngay quyết định kháng nghị cho đương sự có liên quan đến kháng nghị. Người được thông báo về việc kháng nghị có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng nghị cho toà án cấp phúc thẩm. Văn bản nêu ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án.

8- Hậu quả của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm

Những phần của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định cho thi hành ngay. Bản án, quyết định hoặc những phần của bản án, quyết đinh sơ thẩm của toà án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị (Điều 282 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015).
Do thời hạn kháng cáo và thời hạn kháng nghị không giống nhau nên để xác định thời điểm bản án, quyết định sơ thẩm phát sinh hiệu lực do không có kháng cáo, kháng nghị cần phải tính từ thời điểm kết thúc thời hạn kháng nghị của viện kiểm sát cấp trên. Chỉ đến thời điểm đó, bản án, quyết định sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị mới phát sinh hiệu lực pháp luật.

9- Thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị và rút kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm

Trường hợp chưa hết thời hạn kháng cáo, người đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu. Trường hợp chưa hết thời hạn kháng nghị, viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng nghị ban đầu. 
Trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã hết. Trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo có quyền rút kháng cáo, viện kiểm sát đã kháng nghị hoặc viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút kháng nghị.
Toà án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc viện kiểm sát đã rút kháng nghị. Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên toà do thẩm phán chủ tọa phiên toà quyết định, tại phiên toà do hội đồng xét xử quyết định.
Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên toà phải được lập thành văn bản và gửi cho toà án cấp phúc thẩm. Toà án cấp phúc thẩm phải thông báo cho các đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị, thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên toà phải được ghi vào biên bản phiên toà.

10- Gửi hồ sơ vụ án cho toà án cấp phúc thẩm

Để bảo đảm cho toà án cấp phúc thẩm giải quyết lại được vụ án trong thời hạn do pháp luật quy định, Điều 283 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định toà án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho toà án cấp phúc thẩm ttong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị. Đối với trường họp có kháng cáo thì thời hạn 05 ngày làm việc được tính từ ngày hết thời hạn kháng cáo, người kháng cáo đã nộp cho toà án cấp sơ thẩm biên lai thu tạm ứng án phí phúc thẩm.
Riêng đối với trường hợp kháng cáo quá hạn, toà án cấp sơ thẩm chỉ gửi hồ sơ vụ án cho toà án cấp phúc thẩm sau khi nhận được văn bản của toà án cấp phúc thẩm về việc chấp nhận lí do kháng cáo quá hạn.

 

0 bình luận, đánh giá về Kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.17261 sec| 1031.461 kb