Kỹ năng chung chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm

"Luật pháp nghiêm khắc nhất đôi khi là sự bất công trầm trọng nhất."

- Benjamin Franklin

Kỹ năng chung chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm

Để phiên toà sơ thẩm được diễn ra tốt, chất lượng, đòi hỏi Luật sư ở vị trí tố tụng của mình không những phải nắm vững các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về phiên tòa dân sự sơ thẩm mà phải có kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm. Muốn vậy, công tác chuẩn bị cho tham gia phiên toà phải tốt. Thông qua việc chuẩn bị, Luật sư sẽ chủ động trong việc thực hiện các kỹ năng nghiệp vụ theo tiến trình tố tụng do pháp luật quy định, theo kịp và hạn chế sự bị động trước những diễn biến phát sinh tại phiên tòa.

Những công việc chuẩn bị cần thiết tham gia phiên tòa sơ thẩm gồm: (1) Kiểm tra và sắp xếp lại hồ sơ vụ án, (2) Kiểm tra lại việc triệu tập những người tham gia phiên toà, (3) Dự liệu tình huống phát sinh tại phiên tòa, (4) Nghiên cứu hồ sơ, đánh giá những chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, xác định lại nội dung trọng tâm, cụ thể cần phải giải quyết tại phiên tòa, (5) Chuẩn bị các văn bản pháp luật và điều kiện vật chất cần thiết, (6) Xây dựng kế hoạch hỏi tại phiên tòa và (7) Chuẩn bị bản luận cứ bảo vệ tại phiên toà.

Liên hệ

1- Kiểm tra và sắp xếp lại hồ sơ vụ án

Hồ sơ vụ án bao gồm đơn và toàn bộ tài liệu, chứng cứ của đương sự, người tham gia tố tụng khác; tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập liên quan đến vụ án; văn bản tố tụng của Tòa án về việc giải quyết vụ án.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án, Luật sư phải tiến hành nhiều công việc, thực hiện nhiều kỹ năng nghề nghiệp. Trong quá trình tác nghiệp đó, hồ sơ vụ án không phải lúc nào cùng ở một chỗ mà nhiều khi chúng ta phải mang theo và phải sử dụng. Thứ tự bút lục có thể sẽ bị đảo lộn hoặc do tác phong nghề nghiệp mà có thể để lẫn một vài bút lục, tài liệu ở đâu đó. Vì vậy, để đảm bảo việc sử dụng thuận tiện, nhanh chóng tại phiên tòa góp phần bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong vụ kiện, trước khi ra phiên toà, cần phải kiểm tra lại các bút lục có trong hồ sơ vụ án, đặc biệt là những bút lục quan trọng và sắp xếp lại hồ sơ vụ án theo một thứ tự hợp lý để khi cần ở phiên tòa có thể lấy được ngay.

Luật sư muốn nghiên cứu hồ sơ, khai thác, sử dụng hồ sơ đạt hiệu quả cao, tiết kiệm được thời gian, giúp cho việc xem xét, ghi nhớ, phân tích, đánh giá các tài liệu đó được khách quan, thuận lợi thì phải sắp xếp hồ sơ theo một trật tự nhất định là rất cần thiết. Đặc biệt vụ án có nhiều đương sự, nhiều nhân chứng và họ có nhiều lời khai khác nhau; có nhiều văn bản yêu cầu và kết luận giám định, nhiều văn bản ghi kết quả những lần định giá, thẩm định giá, nhiều văn bản xem xét thẩm định tại chỗ trong những thời điểm khác nhau... Hồ sơ có hàng trăm bút lục thì việc sắp xếp hồ sơ khoa học trước khi nghiên cứu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình quản lý, sử dụng và công tác lưu trữ, khai thác sau đó. Thực tiễn đã chỉ ra rằng nhiều trường hợp do chưa chú tâm đến công việc này nên khi ra đến phiên tòa có những luật sư mất nhiều thời gian để lục tìm bút lục, hoặc chứng minh mà thiếu chứng cứ, tạo nên sự không chuyên nghiệp trong hành nghề. Đây là vấn đề mà Luật sư cần phải quan tâm lưu ý.

Mỗi luật sư có cách sắp xếp hồ sơ khác nhau, nhưng kinh nghiệm chỉ ra rằng các bút lục nên được sắp xếp theo các tệp khác nhau để thể hiện về yêu cầu khởi kiện, về quan hệ pháp luật xác lập giữa các bên, về tư cách đương sự, về quá trình giải quyết tranh chấp và quan điểm của các bên, về văn bản tố tụng được ban hành trong quá trình giải quyết tranh chấp trước đó tại tòa.

Đối với từng tệp, việc sắp xếp hồ sơ nên theo thứ tự thời gian ngược hoặc xuôi theo chiều kim đồng hồ để làm sao thuận tiện nhất cho việc nắm bắt được diễn biến tình tiết, sự kiện của vụ việc và thuận tiện trong việc dẫn chiếu sử dụng sau này tại phiên toà.

Đối với tệp các tài liệu, các nguồn chứng cứ do đương sự giao nộp hay do Tòa án trực tiếp thu thập, nếu vụ án có nhiều đương sư, có nhiều lời khai của người làm chứng, có nhiều biên bản định giá, nhiều kết luận giám định, nhiêu tài liệu khác do đương sự, cơ quan tổ chức, cá nhân cung cấp cho Tòa án... thì chia ra nhiều tập nhỏ gồm: Tập lời khai của nguyên đơn; Tập lời khai của bị đơn; Tập lời khai của người làm chứng; Tập các biên bản định giá; Tập các biên bản kết luận giám định; Tập các tài liệu, chứng cứ khác.

Mỗi nguyên đơn, bị đơn, người làm chứng (có nhiều lời khai) thì sắp xếp vào một tập và luôn luôn xếp theo thứ tự thời gian.

Khi sắp xếp các tài liệu phải kiểm tra đánh số bút lục và có danh mục tài liệu chưa? Nếu hồ sơ chưa được đánh số bút lục, chưa có danh mục tài liệu thì phải kịp thời bổ sung. Nếu hồ sơ đã được đánh số bút lục, đã có danh mục tài liệu thì phải kiểm tra xem tài liệu có trong hồ sơ có phù hợp với danh mục tài liệu không, nếu thiếu thì thiếu bút lục nào, phải tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời khắc phục, cần chú ý rằng Điều 204 BLTTDS năm 2015 đã có quy định về việc đánh số bút lục của Tòa án, song để thuận tiện cho việc sử dụng của mình, Luật sư cần có đánh dấu riêng để dễ dẫn chiếu đến bút lục của Tòa án.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra và sắp xếp hồ sơ, chúng ta cũng cần phải đánh dấu ngay những bút lục, hoặc những nội dung trong bút lục đã thể hiện sự thống nhất về tình tiết, sự kiện của các bên và đánh dấu những bút lục, nội dung trong bút lục thể hiện những tình tiết, sự kiện mà các bên không thống nhất, còn đang mâu thuẫn để sau này thuận tiện trong việc viện dẫn, trình bày bảo vệ tại phiên tòa.

2- Kiểm tra lại việc triệu tập của Tòa án và chuẩn bị điều kiện vật chất, văn bản pháp luật tham gia phiên toà

Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, Tòa án mở phiên tòa theo thời gian, địa điểm đã quy định. Trên cơ sở đó, Tòa án xác định đương sự cần được triệu tập đến phiên tòa để tiến hành các thủ tục tống đạt hợp lệ giấy triệu tập phiên tòa đối với họ. Vì đương sự là thành phần rất quan trọng trong vụ án dân sự nên đòi hỏi phiên tòa diễn ra phải có mặt đầy đủ các đương sự trừ những trường hợp đương sự có đơn đề nghị xét xử vắng mặt họ hoặc các trường hợp theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì phải hoàn phiên tòa. Kiểm tra lại việc triệu tập của Toà án và chuẩn bị điều kiện cần thiết tham gia phiên toà là công việc nhỏ nhưng lại có ý nghĩa trong chuẩn bị tham gia phiên tòa. Thực tiễn xét xử đã chỉ ra rằng nhiều vụ việc bản án đã bị hủy án do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng bởi lý do triệu tập đương sự không hợp lệ hoặc có những trường hợp Tòa án xét xử vắng mặt, mặc dù Luật sư có thể đến phiên tòa nhưng không đủ tư cách để tham gia phiên toà.

Trong công tác chuẩn bị, Luật sư cần chú ý đến các công việc sau đây:

- Theo dõi lịch xét xử, bố trí công việc để tham gia phiên tòa;

- Xác định những người cần phải triệu tập tham gia phiên tòa sơ thẩm? Kiểm tra việc triệu tập đối với mình hoặc đối với người khác (nếu biết) đã hợp lệ chưa, có bỏ sót người tham gia tố tụng không? Cách thức tống đạt hợp lệ không? Có niêm yết trong những trường hợp cần phải niêm yết không?

Theo quy định của BLTTDS, nếu việc triệu tập là không hợp lệ thì Tòa án không thể ra các quyết định như hoãn phiên tòa hay xét xử vắng mặt. Thông thường, thủ tục triệu tập những người tham gia phiên tòa do các Thư ký Tòa án đảm nhiệm. Do đó, sau khi nhận được Giấy triệu tập tham gia phiên tòa, căn cứ vào việc triệu tập của Tòa án, Luật sư cần phải kiểm tra lại việc triệu tập những người tham gia phiên tòa xem việc triệu tập đã đúng và đủ những người tham gia tố tụng chưa và có đúng quy định của BLTTDS không.

Nếu thiếu thì cần có văn bản đề nghị triệu tập cho đúng và đủ thành phần tham gia phiên tòa. Bên cạnh đó, cũng cần phải chuẩn bị những giấy tờ cần thiết của mình để tham gia phiên tòa như Thẻ Luật sư hoặc Giấy ủy quyền, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân. Thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, khi xuất trình các giấy tờ cần thiết để tham gia phiên tòa thì Luật sư lại để quên các giấy tờ đó, ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi cho đương sự.

- Ngoài ra, để có thể giải quyết vụ việc, nhất thiết phải có những điều kiện vật chất nhât định. Đây là việc tưởng đơn giản nhưng lại rất quan trọng, nhiều phiên toà do việc chuẩn bị không tốt nên đã không đạt kết quả, thậm chí phải hoãn phiên toà. Trong thực tế, nhiều trường hợp đã không quan tâm đến điều kiện vật chất, không quan tâm đúng mức cho công tác chuẩn bị này dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng bảo vệ quyền lợi cho khách hàng tại phiên tòa.

Đối với Luật sư, mặc dù không phải chuẩn bị điều kiện vật chất của phòng xử nhưng cũng phải chú ý đến các điều kiện vật chất để tới tham dự phiên tòa, nhất là các phiên tòa được mở ở xa nơi mình ở, làm việc. Trong trường hợp phải tham dự phiên tòa ở các tỉnh khác, có địa điểm xa thì cần phải tính toán khoảng cách để đặt vé máy bay, sử dụng phương tiện đi lại thuận lợi có thời gian, thời điểm phù hợp, tránh trường hợp không thể đến dự phiên tòa được hay việc sử dụng máy tính, máy chiếu, máy in tại phiên xử.

- Ngoài khả năng lập luận, khả năng khai thác và phân tích chứng cứ thì việc đưa ra được các văn bản pháp luật phù hợp, đầy đủ là nội dung không thể thiếu tại phiên tòa. Việc viện dẫn các văn bản pháp luật sẽ củng cố lòng tin của người nghe về nội dung. Do đó, Luật sư cũng cần phải chú ý đến việc chuẩn bị hệ thống các văn bản pháp luật được sử dụng để bảo vệ quyền lợi cho đương sự.

Khi giải quyết một vụ kiện dân sự thường phải áp dụng nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thậm chí của nhiều ngành luật khác nhau. Do đó việc chuẩn bị sẵn các văn bản pháp luật sẽ giúp cho Luật sư chủ động khi cần viện dẫn văn bản. Các văn bản pháp luật cần chuẩn bị bao gồm cả văn bản pháp luật về nội dung và văn bản pháp luật về tố tụng, không chỉ dừng lại ở điều luật mà cần thiết phải ở những văn bản hướng dẫn, cần áp dụng và hướng giải quyết từng quan hệ pháp luật trong vụ án.

Việc chuẩn bị văn bản không nên chỉ dừng lại ở việc nêu tên văn bản mà tuỳ theo yêu cầu của nội dung tranh luận, trong những trường hợp cần thiết nên trích dẫn hoặc nêu nội dung cụ thể. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã thừa nhận án lệ là một nguồn để xét xử. Do đó, ngoài việc chuẩn bị các văn bản pháp luật, chúng ta còn cần phải chuẩn bị những án lệ được Hội đồng Thẩm phán TANDTC công bố hàng năm nếu án lệ này có thể được sử dụng để giải quyết vụ án.

Cần lưu ý rằng, hiện nay, do sự phát triển của hệ thống công nghệ thông tin, các phương tiện máy móc khá hiện đại. Nhiều trường hợp khi ra toà, Luật sư thường mang theo máy tính xách tay, máy tính bảng, ebook hoặc điện thoại smartphone, trong đó chứa đựng nhiều dù liệu văn bản pháp luật. Việc sử dụng các thiết bị này có nhiều tiện ích, gọn nhẹ, nhanh chóng tra cứu văn bản pháp luật song Luật sư không nên lạm dụng, chủ quan đề phòng xảy ra sự cố. Do đó, giải pháp tốt nhất là song hành cùng các thiết bị điện tử nêu trên vẫn phải có những văn bản pháp luật được in trên giấy.

3- Dự liệu tình huống phát sinh tại phiên tòa

Trước khi phiên tòa được mở, Luật sư cần phải dự liệu được những tình huống phát sinh có thế xảy ra tại phiên tòa. Nếu không dự liệu được các tình huống diễn ra tại phiên toà thì sẽ không chủ động, nhiều trường hợp không biết cách xử lý như thế nào cho đúng quy định pháp luật. Những tình huống này có thể phát sinh từ người tham gia tố tụng khác hoặc từ những người tiến hành tố tụng. Việc dự liệu tốt tình huống sẽ giúp cho Luật sư có sự chủ động chuẩn bị ứng phó khi có tình tiết phát sinh, nhiều khi chủ động quản trị được thời gian cho minh.

Tình huống phát sinh tại phiên tòa có thể là những tình huống có thể gây một số trở ngại nhất định cho bản thân Luật sư hoặc cho phiên toà khi tiến hành xét xử như liên quan đến việc đảm bảo sự an toàn cho những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng gây mất trật tự, an toàn trong xét xử hoặc là những tình huống phát sinh liên quan đến hoạt động xét xử như các tình huống tố tụng và tình huống liên quan đến nội dung giải quyết vụ án.

-  Cần công bố tài liệu, lời khai, băng video: Đề nghị Toà án hoặc tự mình chuẩn bị máy chiếu, màn hình...

- Tình huống vắng mặt đương sự, người làm chứng, người phiên dịch... Thông thường, ở lần triệu tập thứ nhất, phiên toà nhiều khả năng sẽ bị hoãn bởi sự vắng mặt của bị đơn. Vì thế, nếu là Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn thì Luật sư cần phải chú ý để tránh trường hợp mất thời gian, chi phí khi đến phiên toà nhất là khi ở xa nơi xét xử.

-  Tình huống có thể xin thay đổi người tiến hành tố tụng như thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hay Kiểm sát viên. Trong số các tình huống có thế xảy ra tại phiên tòa, tình huống vắng mặt đương sự, người đại diện đương sự hay đề nghị thay đổi Thẩm phán với lý do Thẩm phán “có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ” hay xảy ra nhất.

Biểu hiện cụ thể của sự không vô tư, khách quan có thể là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân với một bên đương sự từng có mối quan hệ qua lại, gặp gỡ, tới nhà nhau, tặng quà... Tuy nhiên, với lý do này, đương sự phải đưa ra được chứng cứ rõ ràng để chứng minh chứ không thể nói hàm hồ. Chứng cứ ở đây có thể là băng, đĩa ghi âm, ghi hình, ảnh chụp... ghi lại những cuộc hội thoại, gặp gỡ... đề chứng minh giữa Thẩm phán, Hội thẩm và đương sự có mối quan hệ qua lại. Hoặc băng, đĩa ghi âm, ghi hình thể hiện những lời nói, hành động cụ thể mà trước đó trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán tỏ rõ sự không vô tư, khách quan như bênh chằm chằm một bên, ép bên kia... Nếu đương sự không đưa ra được chứng cứ chứng minh thì sẽ không được Chánh án (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử) hay Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) chấp nhận.

Sự không vô tư, khách quan của Thẩm phán, Hội thẩm khi làm nhiệm vụ còn có thể biểu hiện như giữa Thẩm phán, Hội thẩm với người đề nghị thay đổi Thẩm phán có mâu thuẫn cá nhân gay gắt ngoài xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là đương sự phải đưa ra được chứng cứ chứng minh để tòa đánh giá, xem xét. Trong quá trình chuẩn bị xét xử, thông qua các buổi lấy lời khai, đối chất, hoà giải và qua việc tiếp xúc, làm việc với Thẩm phán, Luật sư đã có thể nắm bắt được một số nội dung về định hướng xét xử, quan điểm của Thẩm phán về việc giải quyết vụ án. Vì thế, nếu có những tình tiết thể hiện sự không vô tư, khách quan trong việc giải quyết vụ án của Thẩm phán, Luật sư cần dự liệu, đánh giá để có thể có những biện pháp khẩn cấp như khiếu nại về hành vi vi phạm không vô tư, khách quan của Thẩm phán.

Cho nên, để dự liệu chính xác tình huống phát sinh tại phiên tòa, ngay trong quá trình giải quyết vụ việc, cần cân nhắc, nghiên cứu đặc điểm tâm sinh lý, tính cách, hoàn cảnh cuộc sống, điều kiện kinh tế, thành phần bản thân của các đương sự. Ngoài ra, dựa trên những nhận định, đánh giá của mình về các đương sự trong quá trình chuẩn bị xét xử, căn cứ vào quy định pháp luật tố tụng như lần triệu tập đương sự tham gia phiên toà, đơn yêu cầu của đương sự, cần dự liệu những tình huống tố tụng nảy sinh. Phần lớn các vụ việc dân sự đều phải hoãn phiên tòa ở lần triệu tập thứ nhất. Hoặc có khi tại phiên toà, có khả năng đương sự sẽ rút bớt một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, hoặc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện.

Đối với Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên cần chú ý rằng theo quy định tại khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, nguyên đơn triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì sẽ bị Toà án đình chỉ giải quyết vụ án. Do đó, nếu trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nguyên đơn đã vắng mặt một lần thì Luật sư cần lưu ý không thể xin vắng mặt lần thứ hai hoặc xin hoãn phiên tòa sơ thẩm.

4- Nghiên cứu lại hồ sơ và dự thảo bản trình bày tình tiết, sự kiện, yêu cầu khởi kiện và chứng cứ để chứng minh của đương sự tại phiên tòa

Nghiên cứu hồ sơ vụ án là công việc được tiến hành thường xuyên, gắn liền với quá trình xây dựng hồ sơ vụ án. Tùy thuộc vào điều kiện về thời gian, về mức độ phức tạp của vụ án và kinh nghiệm cá nhân, mà mỗi người có phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án khác nhau. Tại cấp sơ thẩm, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án cần phải tiến hành cả hai bước là nghiên cứu thường xuyên và nghiên cứu tổng hợp.

Nghiên cứu tổng hợp hồ sơ vụ án là cơ sở để xây dựng phương án hòa giải hoặc để xây dựng kế hoạch hỏi, kế hoạch tranh tụng, chuẩn bị bản luận cứ bảo vệ. Do đó, kết quả nghiên cứu tổng hợp phải được ghi chép đầy đủ. Phương pháp tổng hợp và cách ghi chép của mỗi người có thể khác nhau, nhưng về nội dung, kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án phải thể hiện được chính xác và đầy đủ: loại quan hệ tranh chấp, diễn biến nội dung tranh chấp, yêu cầu kiện tụng; những vấn đề đã có đủ cơ sở để kết luận, những vấn đề cần phải làm rõ tại phiên tòa. Đối với những vấn đề đã có đủ cơ sở kết luận, thì phải chỉ ra được là kết luận dựa trên những chứng cứ và căn cứ pháp lý nào. Những vấn đề cần phải tiếp tục làm rõ là gì, biện pháp thực hiện là gì (bằng việc yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ, hay yêu cầu cơ quan, cá nhân tổ chức cung cấp chứng cứ, hay thông qua tranh tụng tại phiên tòa).

Nghiên cứu hồ sơ là kỹ năng quan trọng của Luật sư chuẩn bị cho việc tham gia phiên toà. Kết quả của hoạt động nghiên cứu hồ sơ sẽ giúp cho Luật sư thực hiện các hoạt động của mình tại phiên tòa như trình bày tình tiết, sự kiện, đặt câu hỏi, phát biểu tại phiên tòa. Thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án đã chỉ ra rằng có nhiều trường hợp do chủ quan cho rằng trước đó, mình đã nghiên cứu hồ sơ kỹ rồi, không cần xem lại, nghiên cứu hồ sơ vụ án không kỹ đã dẫn đến việc ra phiên tòa lúng túng, không biết trình bày các tình tiết, sự kiện, trình bày thiếu, không đúng trọng tâm các tình tiết, sự kiện của vụ án, không trích xuất được các chứng cứ chứng minh cần thiết hoặc xử lý sai các tình huống. Có không ít trường hợp đọc hồ sơ vụ án rất kỹ nhưng lại không có khả năng phân tích, tổng hợp nên không xác định được các tình tiết của vụ án, dẫn đến không bảo vệ được quyền lợi chính đáng, phù hợp với quy định pháp luật của đương sự. Có trường hợp khi nghiên cứu hồ sơ vụ án đã không thể hiện tính khách quan mà chỉ chú tâm nghiên cứu các tài liệu là chứng cứ mặc định của mình mà bỏ qua các tài liệu khác nên nhiều vụ án bị huỷ, bị sửa hoặc bị xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Khi nghiên cứu lại hồ sơ vụ án, Luật sư phải thực hiện tốt những yêu cầu sau đây:

Một là, phải xác định đầy đủ những vấn đề mà Tòa án phải xem xét trong vụ án, đồng thời xác định được những vấn đề cần phải làm rõ tại phiên tòa như: Quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án; Nội dung vụ việc và nội dung tranh chấp; Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là gì? Có hay không có yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu có thì đó là yêu cầu gì? Tư cách đương sự của các bên trong vụ việc; Những tình tiết, sự kiện không cần phải chứng minh trong vụ án; Tài liệu, chứng cứ có trong vụ việc có đảm bảo tính đầy đủ, tính hợp pháp không. Chứng cứ hợp pháp là chứng cứ được thu thập bằng các biện pháp hợp pháp (do BLTTDS quy định, được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục); được chứa đựng trong các nguồn chứng cứ hợp pháp. Để khẳng định được chứng cứ có hợp pháp hay không, Luật sư phải kiểm tra từng loại nguồn chứng cứ và khẳng định nguồn chứng cứ đó là hợp pháp, đồng thời kiểm tra trình tự, thủ tục đương sự thu thập chứng cử để xác định chứng cứ đó là hợp pháp.

Hai là, xác định đúng những tình tiết, chứng cứ cần phải tập trung làm rõ tại phiên tòa, trách nhiệm chứng minh của các bên đối với những tình tiết, chứng cứ cần phải làm rõ.

Dự thảo bản trình bày tình tiết, sự kiện, yêu cầu khởi kiện và chứng cứ để chứng minh của đương sự tại phiên tòa

Trình bày tình tiết, sự kiện, yêu cầu và chứng cứ để chứng minh là công việc đầu tiên trong phần tranh tụng tại phiên tòa mà Luật sư phải đảm nhiệm. Trên cơ sở những tình tiết, sự kiện đã được trình bày tại phiên tòa, Hội đồng xét xử mới tiến hành xác định và bán án phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ, tình tiết và sự kiện được đưa ra xem xét tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết của vụ án.

Cần lưu ý rằng không phải tất cả các tình tiết, sự kiện có trong hồ sơ vụ việc đều phải được trình bày tại phiên tòa mà chỉ những tình tiết có giá trị để giải quyết vụ án mới cần trình bày. Những tình tiết có giá trị để giải quyết vụ án là những tình tiết mà Hội đồng xét xử phải phân tích, đánh giá trên cơ sở chứng cứ và đối chiếu với các quy định của pháp luật để chấp nhận hay không chấp nhận những yêu cầu của đương sự. Yêu cầu đặt ra là Luật sư phải xác định đúng và đầy đủ các tình tiết có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Để xác định những tình tiết có giá trị giải quyết vụ án phải xuất phát từ yêu cầu của các đương sự, những quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ đang tranh chấp, từ đó Luật sư sẽ lựa chọn ra những tình tiết có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án.

Để đảm bảo tính đầy đủ, Luật sư phải tổng hợp tất cả các tình tiết, sự kiện của vụ việc nêu ra, trên cơ sở đó chọn ra những tình tiết có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án, sắp xếp lại theo một trật tự logic để trình bày tại phiên tòa.

Khi chuẩn bị bản trình bày tình tiết, sự kiện và yêu cầu khởi kiện, Luật sư cần lưu ý:

-  Tránh việc sao chụp nguyên si lời khai của đương sự, trong đó có rất nhiều những tình tiết không liên quan đến việc giải quyết vụ án, làm cho việc trình bày dài dòng, lủng củng, nhưng lại có những tính nết rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của đương sự, mà đương sự hoặc Luật sư của đương sự bổ sung tại phiên tòa thì lại không đưa vào. Luật sư phải tổng hợp, chuyển hoá những suy nghĩ, trình bày của đương sự thành cách thể hiện sao cho ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu.

-  Thực tiễn chỉ ra rằng nhiều trường hợp Luật sư thường nhầm lẫn giữa việc trình bày tình tiết, yêu cầu, chứng cứ chứng minh với trình bày quan điểm lập luận để bảo vệ yêu cầu của đương sự. Phần trình bày tình tiết, sự kiện của Luật sư không được đưa ra cách lập luận, viện dẫn quy định pháp luật hoặc đánh giá yêu cầu của đương sự là đúng hay không đúng pháp luật, có hay không có căn cứ.

-  Các yêu cầu của đương sự phải được thể hiện rõ ràng và chi tiết. Việc ghi rõ từng yêu cầu sẽ đảm bảo được quyền tự định đoạt của đương sự, thể hiện tính khách quan trong việc xét xử.

-  Những tình tiết, sự kiện dùng để chứng minh phải rõ ràng và đầy đủ trong đó đặc biệt lưu ý đến những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh.

-  Theo thủ tục tố tụng, Luật sư phía nguyên đơn trình bày trước, Luật sư phía bị đơn trình bày sau. Vì thế, khi bảo vệ quyền lợi cho phía nguyên đơn, Luật sư cần phải chuẩn bị chi tiết, cụ thể các tình tiết, sự kiện. Đối với Luật sư bảo vệ quyền lợi cho phía bị đơn, khi trình bày tình tiết, sự kiện, chứng cứ, để tránh mất thời gian và trùng lặp, nếu đồng ý với tình tiết, sự kiện hoặc chứng cứ nào đó phía nguyên đơn đưa ra thì xác nhận, Ví dụ, tôi đồng ý với những tình tiết, sự kiện... mà phía nguyên đơn trình bày. Đối với những tình tiết, sự kiện, chứng cứ mà không đồng ý thì phía bị đơn mới trình bày tình tiết, sự kiện bố sung.

Cần lưu ý liên quan đến phạm vi yêu cầu, tránh trường hợp vượt quá giới hạn phạm vi khởi kiện ban đầu.

5- Dự thảo kế hoạch hỏi tại phiên toà

Hỏi là một thủ tục bắt buộc tại phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự. Thông qua việc hỏi sẽ làm rõ được những tình tiết, sự kiện hay những chứng cứ có giá trị nhằm giải quyết một cách khách quan, chính xác, đúng pháp luật và có căn cứ vụ án. Theo quy định, Luật sư nguyên đơn hỏi trước sau đó đến Luật sư bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người tham gia tố tụng khác, rồi đến Thẩm phán chủ toạ phiên toà và cuối cùng là Kiểm sát viên tham gia phiên toà.

Kế hoạch hỏi là những dự kiến của Luật sư hỏi những người tham gia tố tụng tại phiên tòa. Những dự kiến này dựa trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án mà đặc biệt là nghiên cứu những lời khai của họ. Việc lập kế hoạch hỏi bao gồm việc xác định trình tự hỏi, dự kiến các câu hỏi và thời gian hỏi cho mỗi đối tượng, dự kiến các tình huống có thể xảy ra trong quá trình hỏi. Kế hoạch hỏi còn phụ thuộc vào từng vụ án cụ thể, nếu vụ án có nhiều đương sự, nhiều người tham gia thì cần lập kế hoạch hỏi sao cho phù hợp. Có thể hỏi theo từng nhóm vấn đề, nội dung cần hỏi hoặc từng đương sự để khỏi lãng phí thời gian; cần xác định hỏi người nào trước, người nào sau; kết hợp việc hỏi nguyên đơn, bị đơn với việc hỏi những người tham gia tố tụng khác; kết hợp việc hỏi với việc đưa vật chứng, công bố lời khai và các tài liệu có trong hồ sơ.

Kế hoạch hỏi được lập sao cho khi hỏi phía đối phương không biết hoặc lường trước được chủ ý của mình.

Cần lưu ý rằng, tại phiên tòa, Luật sư nên chỉ đặt câu hỏi về những tình tiết, sự kiện hoặc những nội dung mà các bên còn đang tranh chấp, chưa thống nhất, mâu thuẫn để làm rõ nội dung vụ án. Do đó, kế hoạch hỏi phải dựa trên những vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết trong vụ án, căn cứ vào những tình tiết, sự kiện, nội dung mà các bên đang tranh chấp, chưa thống nhất, mâu thuẫn được Thẩm phán xác định, kết luận tại biên bản họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Ngoài ra, khi đặt câu hỏi, Luật sư cần phải chú ý đến nghĩa vụ chứng minh của các bên trong vụ việc đối với vấn đề, nội dung, tình tiết, sự kiện cần hỏi và trên cơ sở lợi ích của khách hàng mà mình bảo vệ quyền lợi. Tùy theo vị trí tham gia tố tụng mà Luật sư cần xác định vấn đề trọng tâm phù hợp nhất với lợi ích của khách hàng để xây dựng kế hoạch hỏi. Từ vấn đề trọng tâm được xác định, Luật sư xác định những vấn đề cần phải làm rõ tại phiên tòa. Việc làm rõ được thể hiện thông qua thủ tục hỏi và thủ tục tranh luận tại phiên tòa.

Việc xây dựng kế hoạch hỏi giúp Luật sư hỏi có trọng tâm, xác định được những vấn đề cần làm rõ, không bỏ sót, không những câu hỏi thừa hoặc vô nghĩa, không bị lúng túng trươc sự trả lời của người bị hỏi. Tuỳ vào nội dung vụ án, các tình tiết được thể hiện trong hồ sơ, Luật sư dự kiến những người cần hỏi, thư tự hỏi ai trước, ai sau; Dự kiến cách đặt câu hỏi; Nhất thiết hỏi phải làm rõ các tình tiết của vụ án sao cho có lợi cho khách hàng cần bảo vệ. Câu hỏi phải rõ ràng, ngắn gọn, chính xác và không làm cho người được hỏi hiểu theo nhiều nghĩa. Khi dự kế hoạch hỏi, Luật sư cần tránh việc đặt câu hỏi quá chung chung, dài dòng hoặc không rõ đó là câu hỏi hay câu giải thích, vì hỏi như thế sẽ làm cho người bị hỏi không biết phải trả lời như thế nào. Nếu muốn yêu cầu người bị hỏi giải thích một số điểm trong lời khai, Luật sư chuẩn bị sẵn lời khai này, đánh dấu những điểm cần hỏi để luôn luôn chủ động khi hỏi.

Việc đặt câu hỏi cho đương sự tại phiên tòa là việc làm không đơn giản. Trên thực tế không hiếm những trường hợp câu hỏi của Luật sư đưa ra không góp phần làm sáng tỏ được điều gì. Điều này dễ dẫn đến tâm lý nhàm chán, sốt ruột cho người nghe.

Khi đặt câu hỏi nên tránh lặp lại những câu hỏi mà Hội đồng xét xử hoặc những người khác đã nêu; không đặt câu hỏi lan man, không thể làm rõ ràng; câu hỏi không sát với nội dung của vụ kiện. Theo quy định pháp luật, việc đặt câu hỏi phải rõ ràng, nghiêm túc, trong trung lập, không lợi dụng việc hỏi và trả lời để xâm phạm nhân phẩm của những người tham gia tố tụng. Yêu cầu đặt câu hỏi phải sắc bén, ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề quan trọng của vụ án nhưng chưa được làm rõ sao cho sự trả lời của người được hỏi sẽ lợi nhất cho người mà mình bảo vệ. Luật sư không nên đặt những câu quá dài, không trọng tâm hoặc vừa đạt câu hỏi vừa phân tích, bình luận làm lẫn lộn với phần tranh luận để chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở.

Trong cách đặt câu hỏi, cần chú ý đến nguyên tắc 5C trong việc đặt câu hỏi. Đó là, phải: Ngắn gọn (Concise), Lịch sự, nhã nhặn(Courteours), Đúng, không sai sót(Correct), Rõ ràng (Clear) và Hoàn chỉnh (Complete).

Tùy từng trường hợp có thể sử dụng những loại câu hỏi sau.

- Câu hỏi bổ sung lời khai: Mục đích sử dụng câu hỏi này để làm rõ hơn về các tình tiết, sự kiện của vụ án đã được người tham gia tố tụng khai báo tại phiên toà nhưng chưa rõ. Câu hỏi này được dùng trong trường hợp khách hàng của mình đã trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử nhưng chưa làm rõ được các tình tiết của vụ án có lợi cho họ. Luật sư cần đặt câu hỏi để người này khai bổ sung những điểm chưa rõ hoặc còn sót. Cũng có thể đặt câu hỏi này với những người làm chứng hoặc những người tham gia tố tụng khác khi thấy lời khai bổ sung của họ sẽ có lợi cho khách hàng của mình.

- Câu hỏi gợi mở: Mục đích câu hỏi này để phục hồi trí nhớ, khơi dậy trong trí nhớ của người được hỏi mối liên tưởng về thời gian, sự việc, nhờ đó họ có thể khai báo được chính xác tình tiết, sự kiện của vụ án. Luật sư dùng câu hỏi này để hỏi người làm chứng hoặc đương sự, giúp họ có điều kiện nhớ lại thời gian, địa điểm, sự việc liên quan đến vụ án nhưng bị lãng quên.

- Câu hỏi chỉ rõ sự mâu thuẫn: Câu hỏi này nhằm mục đích chỉ ra sự mâu thuẫn, không logic, hợp lý trong lời khai của những người có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình hoặc của người làm chứng. Loại câu hỏi chỉ rõ sự mâu thuẫn thường có hai phần. Phần một nêu những chứng cứ, tình tiết, sự kiện đã được kiểm tra và xác định là đúng. Phần hai nêu nội dung lời khai của người được hỏi có mâu thuẫn với các chứng cứ, tình tiết, sự kiện đã đưa ra ờ phần một và yêu cầu người này giải thích về sự mâu thuẫn đó.

Đối với người mà mình bảo vệ, Luật sư không nên đặt câu hỏi phức tạp, câu hỏi mà trước đó chưa có sự trao đổi thống nhất, chỉ nên đặt loại câu hỏi bổ sung lời khai, câu hỏi gợi mở hoặc câu hỏi đã có sự trao đổi thống nhất giữa Luật sư với người được bảo vệ. Lưu ý này để tránh tình trạng Luật sư đặt câu hỏi quá khó làm cho người được Luật sư bảo vệ không biết trả lời thế nào hoặc trả lời lại không có lợi cho họ. Chú ý khi đặt câu hỏi gợi mở không được gợi ý cho người được hỏi trả lời mà chỉ nhằm giúp họ nhớ lại những gì đã biết nhưng do lâu ngày bị lãng quên. Căn cứ vào diễn biến tại phiên toà, Luật sư có thể đưa ra các yêu cầu cần thiết như đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vật chứng, hỏi những người có liên quan để làm rõ vật chứng; nếu thấy cần thiết có thể đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa được.

-   Câu hỏi đánh giá: là loại câu hỏi thường nhằm đánh giá suy nghĩ, thái độ của người trả lời.

-  Câu hỏi mở: người nghe có thể trả lời tùy theo ý của mình.

-   Câu hỏi yêu cầu: người hỏi yêu cầu người trả lời hướng dẫn vào vấn đề mà người hỏi quan tâm.

-   Câu hỏi đóng: dạng câu hỏi trả lời có hoặc không. 

-   Câu hỏi tác động suy nghĩ (kiểu Socrates): dạng câu hỏi để người được hỏi tự suy nghĩ.

6- Dữ liệu những vấn đề (nội dung) cần tranh tụng

Trong vụ kiện thường có nhiều vấn đề được đặt ra. Tuy nhiên không phải nội dung nào cũng cần phải phân tích kỹ hoặc cần phải tranh luận... Việc tập trung phân tích nội dung nào phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của từng vụ kiện. Luật sư chỉ nên tập trung đi sâu phân tích những nội dung mà các bên trong vụ kiện đang tranh chấp, vì đó chính là những nội dung cần tranh luận nhiều. Không dành quá nhiều công sức vào việc phân tích những nội dung mà các bên đã thống nhất được với nhau về cách giải quyết.

Những vấn đề cần tranh luận thường tập trung vào việc đánh giá chứng cứ và hướng áp dụng pháp luật giải quyết yêu cầu của các bên. Khi đã xác định những nội dung cần tranh luận, Luật sư cần chuẩn bị những chứng cứ phục vụ cho nội dung đó, các lập luận của Luật sư cũng như những văn bản pháp luật dùng làm cơ sở cho đề xuất của Luật sư.

7- Xây dựng phương án bảo vệ quyền lợi cho khách hàng

Trước khi phiên tòa diễn ra, Luật sư cần phải dự liệu các tình huống, tính toán điều kiện để chuẩn bị các phương án bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Phương án tối ưu sẽ được ưu tiên lựa chọn. Phương án bảo vệ quyền lợi cho khách hàng khác với phương án giải quyết vụ án. Ngoài việc dựa trên cơ sở quy định pháp luật, tình tiết sự kiện của vụ việc để xác định phương án giải quyết vụ án, Luật sư cần cân nhắc tính toán với đặc điểm tính cách của phía đối phương, với khả năng thi hành án, năng lực thực hiện nghĩa vụ của các bên để xây dựng phương án bảo vệ quyền lợi cho khách hàng một cách tốt nhất.

Phương án bảo vệ quyền lợi cho khách hàng có thế là phương án về tố tụng và phương án về nội dung giải quyết vụ án Đó có thể là phương án hoà giải, phương án rút đơn kiện hoặc rút bớt yêu cầu khởi kiện hoặc nhượng bộ một phần yêu cầu của nguyên đơn, hoặc nhượng bộ về án phí hay chấp thuận để Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật trên cơ sở tình tiết, sự kiện, các tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa.

Để có thể xây dựng phương án bảo vệ quyền lợi của khách hàng, cần phải nắm được diễn biến, nội dung tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp, yêu cầu của các đương sự và các quy định của pháp luật về vấn đề đang có tranh chấp, cách giải quyết tranh chấp theo quan điểm của mỗi bên và mức độ thiện chí giữa họ... Ngoài ra, trên cơ sở phương án dự liệu đó, Luật sư cần trao đổi với khách hàng để thống nhất quan điểm, phương án nhằm đảm bảo nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự tại phiên tòa.

8- Chuẩn bị bản luận cứ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng tại phiên tòa

Bản luận cứ bảo vệ quyền lợi cho đương sự là văn bản pháp lý rất quan trọng của vụ kiện. Một mặt, phản ánh quan điểm của Luật sư, cũng như tâm tư nguyện vọng của khách hàng, thông qua các yêu cầu mà Luật sư đề xuất. Mặt khác, bản luận cứ còn là cơ sở giúp cho Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của đương sự và thông qua bản luận cứ phản ánh khả năng của Luật sư trong việc khai thác hồ sơ, khả năng phân tích, đánh giá chứng cứ cũng như khả năng biện luận, trình độ, năng lực của Luật sư. Kết thúc phiên toà, Luật sư cần nộp cho Toà án bản luận cứ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Bản luận cứ bảo vệ quyền lợi cho đương sự được Luật sư trình bày tại thủ tục tranh tụng của phiên tòa. Đây là một hoạt động trung tâm của phiên tòa dân sự sơ thẩm. Mục đích của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa là nhằm làm sáng tỏ thêm những tình tiết, sự kiện của vụ án. Việc tranh luận của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được diễn ra tại phiên tòa về những vấn đề mà các đương sự chưa thống nhất hoặc còn mâu thuẫn. Những vấn đề mà các bên đưa ra đã được bên kia thừa nhận và không phản đối thì không cần phải tranh luận. Tranh luận tại phiên tòa còn thể hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử của Tòa án. Các đương sự và Luật sư có cơ hội để chứng minh cho các yêu cầu của mình bằng cách thể hiện công khai việc đánh giá các chứng cứ, lý lẽ của mình tại phiên tòa. Hội đồng xét xử phải chú ý lắng nghe các ý kiến, lập luận và đánh giá chứng cứ của các bên cũng như đề xuất của họ trong việc giải quyết vụ án

Về cơ bản, bản luận cứ bảo vệ quyền lợi cho đương sự tại phiên toà thường có cơ cấu gồm ba phần:

-  Phần mở đầu: phần này thường đơn giản. Nội dung chủ yếu giới thiệu về tư cách tham gia tố tụng của Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư mà Luật sư đang hành nghề. Mặc dù trong phần thủ tục, về nguyên tắc thì Hội đồng xét xử đã xác định được Luật sư nào bảo vệ quyền lợi cho đương sự nào trong vụ kiện. Nhưng trước khi phát biểu quan điểm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình, Luật sư vẫn nên khẳng định lại điều này, đặc biệt là trong những vụ kiện có nhiều đương sự, có nhiều luật sư tham gia.

Phần mở đầu của bản luận cứ thường bắt đầu bằng câu “Kính thưa Hội đồng xét xử! ’. Việc giới thiệu về Luật sư nên ngắn gọn. Nội dung thường là giới thiệu tên của Luật sư, Luật sư đang hành nghề tại văn phòng Luật sư nào, thuộc Đoàn Luật sư nào, tham gia phiên toà để bảo vệ quyền lợi cho ai trong vụ kiện.

- Phần nội dung: Đây là phần quan trọng nhất của bản luận cứ. Toàn bộ những nội dung tranh chấp, quan điểm và các chứng cứ, cơ sở pháp lý cho quan điểm của Luật sư được thể hiện đầy đủ tại phần này.

Khi chuẩn bị bản luận cứ, cần chú ý rằng:

Khi nghiên cứu hồ sơ, phát hiện quá trình giải quyết vụ án có những sai sót hoặc còn chưa rõ ràng về tố tụng như không đúng thẩm quyền, hết thời hiệu khởi kiện, xác định sai tư cách đương sự hoặc có tinh tiết, căn cứ để Tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì phải đề cập trước trong bản luận cứ.

+ Trong vụ việc có nhiều vấn đề tranh chấp, những vấn đề tranh chấp quan trọng, là cơ bản, cốt yếu để giải quyết vụ việc thì nên được trình bày trước, những vấn đề kém quan trọng hơn thì trình bày lập luận sau.

+ Trong từng vấn đề tranh chấp của vụ án, khi nhận định, phương pháp lập luận có thể sử dụng phương pháp quy nạp hay diễn giải để trình bày.

+ Đối với từng vấn đề tranh chấp, bản luận cứ cần phải khẳng định rõ vấn đề đó là đúng hay trái quy định pháp luật, có hay không có căn cứ.

+ Trong trường hợp mà các bên có cách hiểu quy định pháp luật khác nhau về vấn đề tranh chấp, cần phải giải thích pháp luật hoặc điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng thì bản luận cứ cũng cần phải nêu cách hiểu, cách giải thích quy định trong hợp đồng, pháp luật của mình.

- Phần kết luận: Đây là phần kết của bản luận cứ nhằm khẳng định phương án bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình. Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử sẽ nghiên cứu, xem xét để quyết định trong bản án. Để kết thúc phần tranh luận, Luật sư có thể gửi đến Hội đồng xét xử lời cảm ơn của mình đối với Hội đồng xét xử.

Phần kết luận bao gồm hai nội dung chính: Khẳng định lại các quan điểm (các kết luận) của mình thông qua quá trình phân tích, chứng minh trong phần nội dung và đề xuất với Tòa án phương án giải quyết nhằm thỏa mãn yêu cầu của đương sự. Phần kết luận phải được trình bày rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, đủ ý, tránh hiểu nhầm và phải có căn cứ pháp luật. Luật sư cần tuyệt đối tránh những đề xuất chung chung như “đề nghị Tòa án xử buộc bị đơn phải trả lại nhà, đất theo quy định của pháp luật hoặc đề nghị Tòa án xét xử theo pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho khách hàng của tôi...

(Tổng hợp từ Giáo trình Kỹ năng cơ bản của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ việc dân sự (Học viện tư pháp - 2021))

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.1 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng chung chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.38934 sec| 1240.961 kb