Kỹ năng của Luật sư chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm về tranh chấp nhà, đất

"Luật sư luôn có cơ hội làm việc tử tế. Nhưng trước hết, bạn phải là một Luật sư tử tế".

- Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Everest

Kỹ năng của Luật sư chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm về tranh chấp nhà, đất

Sau khi Tòa án thụ lý vụ án, để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng:

Bước đầu tiên: Luật sư cần thu thập các chứng cứ khác trên cơ sở các chứng cứ mà khách hàng cung cấp.

Bước thứ hai: Luật sư nghiên cứu chứng cứ, nhìn nhận chứng cứ dưới góc độ trực giác để bước đầu xác định giá trị chứng minh của từng chứng cứ.

Bước thứ ba: Luật sư tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành nhằm giúp các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự. 

Bước thứ tư: Luật sư chuẩn bị đề cương luận cứ. Luận cứ phản ánh quan điểm của Luật sư, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của khách hàng.

Liên hệ

I- KỸ NĂNG THU THU THẬP CHỨNG CỨ:

Trước hết, Luật sư cần xác định nhà, đất đang tranh chấp đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy đinh tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013. Tiếp đó, Luật sư cần thu thập, nghiên cứu các chứng cứ chứng minh về nguồn gốc nhà, quyền sử dụng đất.

Luật sư cần kiểm tra những tài liệu, giấy tờ mà khách hàng cung cấp đã có thể xác định chủ sở hữu nhà ở hoặc quyền sử dụng đất hợp pháp của nhà đất đang có tranh chấp hay không. Trong trường hợp khách hàng không cung cấp được các tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất của mình, để đạt được yêu cầu của khách hàng, Luật sư phải thu thập chứng cứ về nguồn gốc của nhà đất như: nguồn gốc đất đang tranh chấp như thế nào, thuộc loại đất gì (đất thổ cư, đất giãn dân hay đất được đền bù; đất canh tác cấp cho cá nhân hay hộ gia đình; nếu là đất công thì Luật sư cũng nên xác định: đất công đó được cho thuê hay do lấn chiếm, khai khẩn). Thời điểm khách hàng sử dụng đất thì đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không.

Trường hợp đất đó chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, năm 1993, năm 2003 thì Luật sư cần kiểm tra xem có giấy tờ gì khác để chứng minh cho việc sử dụng đất hợp pháp của khách hàng không? Xác định thời điểm sử dụng đất một cách chính xác của khách hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quyền sử dụng đất của khách hàng có hợp pháp hay không.

Các chứng cứ để chứng minh nguồn gốc đất bao gồm:

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Giấy chứng nhậnn quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính trước ngày 15/10/1993.

- Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất.

- Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993, nay được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993.

- Giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất (ví dụ, bằng khoán điền thổ...).

- Một trong các giấy tờ nêu trên đây mà giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày 01/7/2014 chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp.

- Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án; văn bản công nhận kết quả hòa giải thành; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thấm quyền đã được thi hành.

Khi thu thập chứng cứ này, Luật sư cần phải xem xét và nghiên cứu kỹ chứng cứ đế xác định quyền của người sử dụng đất và đánh giá giá trị pháp lý của các giao dịch được xác lập khi chủ sử dụng đất có các loại giấy tờ này.

Việc thu thập chứng cứ đòi hỏi Luật sư phải đi thực tế đế xem xét thực trạng nhà đất đó ra sao: diện tích thực tế là bao nhiêu, vị trí cụ thể, hình thể, kết cấu ra sao và có giá trị thực tế tại thời điểm đang giải quyết tranh chấp như thế nào? Chứng cứ có thể thu thập từ việc: lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng; yêu cầu trưng cầu giám định; đề nghị Tòa án định giá tài sản; xem xét, thẩm định tại chỗ; ủy thác thu thập chứng cứ; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự...

Để các chứng cứ có giá trị chứng minh cho khách hàng, Luật sư cần kiểm tra, đối chiếu nhà, đất đang tranh chấp với giấy tờ, tài liệu thu thập được và làm rõ mức độ phù hợp giữa giấy tờ với thực tế nhà, đất. Đối với nhà ở: cần xác định có sự thay đổi hay không (tăng hay giảm giá trị); có thể phải tìm hiểu ai có công sức hoặc có lỗi trong việc thay đổi nhà ở; thực tế sử dụng nhà đang tranh chấp như thế nào? Khi xem xét thực tế, cần bám sát những yêu cầu của khách hàng để lưu ý khai thác những gì có lợi nhất cho khách hàng.

Đối với đất đai, cũng cần xác định thực tế sử dụng đất như thế nào? Sừ dụng có đúng mục đích hay không? Trường hợp diện tích đất thực tế rộng hơn hay nhỏ hơn diện tích đất trong giấy chứng nhận quyền sừ dụng đất thì cần xác định xem xét đến mốc giới và chỉ giới giao đất. Nếu diện tích rộng hơn nhưng nằm trong chỉ giới giao đất thì có thể được chấp nhận diện tích rộng hơn; nếu theo sổ địa chính, một phần đất nằm trong mốc giới và một phần nằm ngoài mốc giới thì có thể chỉ được chấp nhận diện tích đất hợp pháp trong mốc giới, phần ngoài mốc giới sẽ không được coi là có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trường hợp đất đã được tôn tạo (san, lấp...) thi cũng phải được xác định và tính toán công sức cho người đã tôn tạo đất đó.

Ví dụ: A tranh chấp hợp đồng đổi đất với B. A xuất trình cho Toà án giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên A. B khẳng định mảnh đất A đổi cho B không phải thuộc quyền sở hữu của A, vì trích lục bản đồ thửa đất thể hiện vị trí đất thuộc thửa số 86, tờ bản đồ số 11 của bà C (bên cạnh nhà A), còn mảnh đất A đổi là thuộc thửa số 87, tờ bản đồ số 11. Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi cho A, Luật sư cần hướng dẫn cho A làm đơn đề nghị Toà án xác minh về nguồn gốc đất, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại UBND cấp cỏ thẩm quyền và cơ quan địa chính nơi có đất tranh chấp.

Trong vụ án tranh chấp đất đai thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ hoặc trích lục bản đồ địa chính, số mục kê, sổ dã ngoại... là những chứng cứ quan trọng để Tòa án làm căn cứ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, các giấy tờ, tài liệu về quản lý đất đai không phải bao giờ cũng chính xác và hợp pháp. Do đó, trong trường hợp đương sự cho rằng các giấy tờ, tài liệu đó là không hợp pháp thì cần đề nghị Tòa án trưng cầu giám định.

Trong các vụ án tranh chấp nhà ở, Luật sư cần hướng dẫn đương sự thu thập các tài liệu như hoá đơn mua nguyên vật liệu, biên nhận thanh toán tiền công xây dựng, hợp đồng thuê khoán xây dựng, giấy tờ vay mượn tiền, thời điểm rút tiền tiết kiệm... Đây là những tài liệu, chứng cứ quan trọng trong trường hợp cần chứng minh ai là người đã xây dựng nhà.

Trường hợp nhà, đất thuê của Nhà nước hoặc khi thực hiện việc mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước: cần xác định những ai có tên trong hợp đồng thuê nhà, ai là người đại diện đứng tên trong hợp đồng thuê nhà? Nếu có việc thanh lý nhà theo Nghị định số 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở thì cũng cần làm rõ ai là người có tiêu chuẩn được thanh lý, ai là người nộp tiền thanh lý, ai là người được hưởng chế độ miễn trừ tiền mua nhà...? Đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở trong hồ sơ chưa?

Đối với loại nhà ở được cơ quan chủ quản phân, cấp thì phải xem ai là người có quyền sở hữu nhà hợp pháp (đơn xin cấp nhà, quyết định cấp nhà và biên bản bàn giao nhà...).

Đối với nhà ở có nguồn gốc từ một giao dịch dân sự như mua, bán, đổi nhà..., Luật sư cần tìm hiểu giao dịch đó được xác lập từ thời điểm nào, bên mua, bán có đủ tư cách chủ thể không? Việc mua bán có giấy tờ hợp pháp hay không (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay giấy tờ nào?), các bên đã thực hiện đẩy đủ thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay chưa? Quyền và nghĩa vụ của các bên? Việc xác định thời điểm xác lập giao dịch có ý nghĩa trong việc vận dụng pháp luật để giải quyết vấn đề đang tranh chấp.

Khi giải quyết các loại tranh chấp này, Luật sư cần thu thập, nghiên cứu các chứng cứ chứng minh có việc chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất hay không? Nếu việc tranh chấp xuất phát từ những giao dịch dân sự như cho ở nhờ, chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng, thừa kế, cho thuê quyền sử dụng đất... thì Luật sư cần quan tâm đến những tài liệu thể hiện các giao dịch đó. Thời điểm xác lập giao dịch, tư cách những người xác lập giao dịch đều là những nội dung rất quan trọng, vi nó ảnh hưởng đến đường lối giải quyết tranh chấp sau này. Giấy tờ, tài liệu để chứng minh cho những vấn đề này là các hợp đồng, các giây tờ mua, bán... Luật sư cần yêu cầu khách hàng cung cấp hoặc xác minh, nghiên cứu các tài liệu về việc chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất như: Hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất. Luật sư cần xác định thời điểm, hình thức của hợp đồng.

Lưu ý: Khi giải quyết các loại tranh chấp từ giao dịch thì cần lưu ý đến tính hợp pháp của giao dịch. Xem xét, đánh giá hợp đồng có phù hợp với các quy định của pháp luật về hình thức, nội dung không? Trong trường hợp xác định giao dịch là vô hiệu sẽ phải làm gì? Hướng giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu được thực hiện như thế nào: hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và xác định lỗi, thiệt hại như thế nào?

Đối với nhà ở do chính khách hàng xây dựng cần xác định: Nhà được xây dựng vào thời điểm nào? Có giấy phép xây dựng hay không? Đất xây dựng nhà thuộc loại nào: đất thổ cư do ông, ba, cha, mẹ để lại, đất công được thuê hợp pháp hay là đất lấn chiếm? Nhà trên đất đã có quy hoạch chưa...? Việc xác định vấn đề này một cách chính xác có ý nghĩa lớn trong việc xác định, định hướng của Luật sư khi bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng.

Đối với nhà ở, quyền sử dụng đất có liên quan đến việc tranh chấp thừa kế cần tìm hiểu thời hiệu chia thừa kế, hàng thừa kế, quan hệ huyết thống giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản, quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất có thuộc di sản của người đã chết để lại không? Những ai có công sức duy trì và làm tăng giá trị nhà ở... Khi giải quyết các vụ việc này, Luật sư cần tìm hiểu sâu hơn về vấn đề thừa kế nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Trong nhiều trường hợp, Luật sư phải tự mình đi thu thập, xác minh chứng cứ tại một số cơ quan, xí nghiệp, địa phương mà khách hàng không thể tự làm được. Ví dụ, trường hợp Luật sư cần liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố, UBND quận, huyện... để yêu cầu các cơ quan này cung cấp hoặc xác nhận về một tình tiết nào đó có liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng của mình. Trong trường hợp này, Luật sư cần chuẩn bị các thủ tục như giấy giới thiệu, đơn yêu cầu Luật sư của khách hàng và thẻ Luật sư để xuất trình với cơ quan khi đến xác minh hoặc giấy chứng nhận là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (trong trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án).

Đối với vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, việc xác định giá trị của nhà, đất là vấn đề rất quan trọng. Về nguyên tắc, việc định giá quyền sử dụng đất căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm. Song, Luật sư cũng cần đối chiếu với các văn bản pháp luật và phương pháp về định giá quyền sử dụng đất để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình.

Những chứng cứ, tài liệu mà Luật sư xác minh, thu thập được cần thông báo cho khách hàng của mình, đồng thời cũng cần thiết phải giao nộp cho Tòa án. Tuy nhiên, Luật sư cũng nên cân nhắc thời điểm giao nộp chứng cứ cho Tòa án để vừa bảo đảm thời hạn giao nộp chứng cứ, vừa bảo đảm cho việc bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho khách hàng của mình. Trong giai đoạn này, nhiều khi Toà án, Luật sư của đối phương, các đương sự đều có thể có những biểu hiện, những ý kiến có liên quan đến việc Toà án giải quyết vụ án. Vì vậy, Luật sư cần theo dõi, ghi chép những thông tin đó để có cái nhìn toàn diện hơn về vụ án, về các bên, về những diễn biến bên ngoài mà trong hồ sơ nhiều khi không thể hiện hết.

II- KỸ NĂNG NGHIÊN CỨU HỒ SƠ:

Mục đích của nghiên cứu chứng cứ là nhìn nhận chứng cứ dưới góc độ trực giác để bước đầu xác định giá trị chứng minh của từng chứng cứ.

Đánh giá chứng cứ là quá trình xác định giá trị chứng minh của chứng cứ và tính hiệu quả của chứng cứ trong tổng thể vụ án. Chứng cứ trong hồ sơ vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, có thể là: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, biên lai thu tiền sử dụng đất, danh sách cấp đất giãn dân (nếu là đất giãn dân); đơn xin cấp đất; sổ địa chính, sổ mục kê; hợp đồng mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giấy biên nhận tiền; giấy xin phép xây dựng; di chúc; biên bản hòa giải trong gia đình, họ tộc hay tại UBND; giấy khai sinh; kết luận giám định; chứng minh thư; sổ hộ khẩu... Nhiều khi bản thân các chứng cứ này nếu đứng riêng lẻ thì không tạo nên giá trị chứng cứ, nhưng nếu phân tích, so sánh chúng với nhau thì có thể thấy rõ sự khác biệt và chính sự khác biệt đó lại tạo nên giá trị chứng minh. 

Nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự nói chung, đặc biệt là hồ sơ vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là một công việc hết sức quan trọng và cần thiết. Vụ án dù đơn giản đến đâu thì Luật sư ít nhiều cũng phải dành thời gian để nghiên cứu hồ sơ vụ án. Nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách toàn diện, có hệ thống, khách quan giúp Luật sư nắm bắt được những mặt mạnh, mặt yếu của khách hàng của mình, trên cơ sở đó hình thành các luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án có thể đi theo những hướng khác nhau tùy thuộc vào việc Luật sư tham gia tố tụng từ giai đoạn nào.

Nguyên tắc chung là nghiên cứu một cách toàn diện nhưng không nhất thiềt phải nghiên cứu lại những vấn đề mà mình đã biết trước đó. Trong trường hợp là Luật sư của nguyên đơn thì cần thiết bắt đầu việc nghiên cứu hồ sơ từ tài liệu do phía bị đơn cung cấp. Thông thường, tài liệu của phía bị đơn cung cấp có thể bao gồm các tài liệu mà bị đơn dùng để phản bác lại yêu cầu của nguyên đơn, các tài liệu chứng minh cho các yêu cầu, phản bác yêu cầu của bị đơn. Đặc biệt, Luật sư cần so sánh, phát hiện và tập trung nghiên cứu những tài liệu, chứng cứ mới so với hồ sơ khởi kiện và những chứng cứ phía nguyên đơn đã có, từ đó tìm ra điểm mâu thuẫn, vấn đề mấu chốt của vụ án. Trường hợp là Luật sư của bị đơn thì cần thiết bắt đầu việc nghiên cứu đơn khởi kiện của nguyên đơn và tài liệu, chứng cử gửi kèm theo hồ sơ khởi kiện. Đặc biệt cần làm rõ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn để xác định quan hệ tranh chấp là đòi đất, đòi nhà ở hay giá trị quyền sử dụng đất, giá trị căn nhà...

III- KỸ NĂNG THAM GIA VIỆC HÒA GIẢI:

Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hòa giải là hoạt động do Tòa án tiến hành nhằm giúp các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự. Hòa giải là thủ tục bắt buộc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Song, ở các thời điểm khác, Tòa án luôn khuyến khích và tôn trọng sự tự thỏa thuận của các đương sự. Do đó, ở cả hai trường hợp các đương sự tự hòa giải với nhau và hòa giải do Thẩm phán tiến hành, Luật sư đều cần thiết phải tham gia. Ngoài ra. Luật sư cũng có thể tham gia hòa giải trực tiếp với bên kia trong trường hợp được ủy quyền hoặc được sự đồng ý của khách hàng. Để việc hòa giải tiến hành có hiệu qủa, Luật sư cần thiết phải có những chuẩn bị sau đây:

- Chuẩn bị tài liệu, chứng cứ cho khách hàng trước khi tham dự phiên hòa giải và phiên họp xét chứng cứ: 

Nhìn chung các chứng cứ cần sử dụng khi hòa giải không có gì khác so với các chứng cứ của toàn bộ vụ án. Tuy vậy, cũng cần phải phân loại chúng theo yêu cầu khác nhau để khi sử dụng những chứng cứ này đối phương thấy được rằng họ đang gặp bất lợi hoặc nếu họ tiếp tục theo đuổi vụ kiện thì sẽ gặp bế tắc.

Về nguyên tắc, các tài liệu, chứng cứ của khách hàng (trong trường hợp họ là nguyên đơn) đều đã được thể hiện trong hồ sơ khởi kiện. Trước khi tham gia hòa giải, Luật sư chỉ cần tập hợp lại và giới thiệu qua cho nguyên đơn biết để trong quá trình hòa giải, nguyên đơn có thể tự mình đưa ra được các chứng cứ để minh họa cho giải trình của mình. Để giúp cho khách hàng nắm bắt một cách có hệ thống và dễ hiểu thì Luật sư nên sắp xếp lại hồ sơ khởi kiện để phục vụ riêng cho giai đoạn hòa giải. Đối với trường hợp khách hàng của mình là bị đơn thì Luật sư cũng căn cứ vào bộ hồ sơ mà khách hàng cùng với Luật sư đã chuẩn bị trước đó và cũng sắp xếp lại tương tự như trong trường hợp là Luật sư cho nguyên đơn.

- Thỏa thuận trước với khách hàng về các yêu cầu cần đạt được trong hòa giải, những vấn đề cần nhượng bộ: 

Trước khi hòa giải, Luật sư cần thỏa thuận trước với khách hàng của mình về một số yêu cầu cần đạt được sau khi nhượng bộ là như thế nào? Thông thường, không phải lúc nào đương sự cũng sẵn sàng đồng ý với Luật sư để nhượng bộ đối phương, nhất là trong những trường hợp liên quan đến danh dự hoặc các quyền lợi tinh thần. Do đó, trước phiên hòa giải, Luật sư cần thông báo cho khách hàng về những nội dung như tình trạng pháp lý của họ, những ưu thế và bất lợi của họ, những ưu thế và bất lợi của đối phương, các chứng cứ của cả hai bên, khả năng đối phương sẽ phản ứng như thế nào khi mình đưa ra các đề xuất, từ đó đưa ra các giải pháp nhượng bộ để khách hàng lựa chọn và thống nhất với khách hàng về một số giải pháp tối ưu. 

- Thỏa thuận về án phí: 

Án phí cũng là một nội dung rất quan trọng trong hòa giải. Trong nhiều trường hợp, các bên thỏa thuận được với nhau về nội dung giai quyết tranh chấp nhưng lại không thỏa thuận được với nhau về án phí, bởi án phí tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà là những vụ án có giá ngạch lớn, tiền án phí thường rất cao. Tùy từng trường hợp mà Luật sư tư vấn cho khách hàng của mình chấp nhận mức án phí bao nhiêu là phù hợp và cần thiết để tạo thuận lợi cho bên đối phương. Tất nhiên, nếu hai bên không thỏa thuận để đi đến thống nhất về ai phải chịu và chịu bao nhiêu thì án phí sẽ được quyết định theo pháp luật. 

- Ghi chép lại nội dung phiên hòa giải: 

Nói chung, khi tiến hành hỏa giải, các bên cũng như Tòa án đều mong muốn đạt được những lợi ích nhất định. Tuy vậy, không phải lúc nào mong muốn của các bên cũng đều đạt được. Vì vậy, ghi chép lại diễn biến của giai đoạn này để có cơ sở cho các giai đoạn tiếp theo, thậm chí những ý kiến, quan điểm của các bên có thể được sử dụng lại trong phần hỏi nhằm nhắc lại cho họ rằng đã có lúc họ bày tỏ những mong muốn như thế nhưng họ đã không đạt được và bây giờ họ vẫn còn cơ hội để thực hiện những mong muốn đó. Ngoài ra, khi biết được quan điểm của đối phương trong giai đoạn hòa giải, Luật sư cũng có thể dựa vào đó để giúp đương sự điều chỉnh yêu cầu hoặc phản bác yêu cầu của đối phương. Nếu không ghi chép lại những diễn biến đó, Luật sư rất có thể sẽ bị quên hoặc nhớ không chính xác.

IV- KỸ NĂNG CHUẨN BỊ BẢN LUẬN CỨ:

Đề cương luận cứ của Luật sư là văn bản có ý nghĩa tố tụng rất lớn. Một mặt, nó phản ánh quan điểm của Luật sư, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của khách hàng, thể hiện mong muốn của cả Luật sư và khách hàng của mình thông qua các yêu cầu mà Luật sư đề xuất. Mặt khác, đó là cơ hội để Luật sư phân tích, nhận định và giải thích pháp luật nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.

Để có được một bản luận cứ sắc sảo, có tính thuyết phục cần làm tốt các khâu chuẩn bị bản luận cứ đã được nghiên cứu ở phần kỹ năng cơ bản của Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ việc dân sự. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Luật sư cũng chưa cần phải viết một cách quá chi tiết mà chỉ cần soạn thảo đề cương để tiện cho việc bổ sung, sửa chữa. Đối với những nội dung này nhất thiết phải được bổ sung, sữa đổi lại cho phù hợp sau khi Luật sư đã trực tiếp tham gia vào quá trình hỏi tại phiên tòa.

Lưu ý là trong phần này, những vấn đề chứng minh được các yêu cầu của khách hàng là rất quan trọng. Muốn làm được điều này đòi hỏi Luật sư phải lần lượt nêu ra các yêu cầu, hoặc phản đối yêu cầu đó và dùng các chứng cứ để chứng minh, làm rõ. Khi nhận định, phân tích hoặc kết luận nhất thiết phải căn cứ vào các quy định của pháp luật. Khi sử dụng các quy định pháp luật để làm căn cứ phải kiểm tra trước hiệu lực của các văn bản đó. 

Phần kết luận bao gồm hai nội dung chính: Khẳng định lại các quan điểm (các kết luận) của mình thông qua quá trình phân tích, chứng minh trong phần nội dung và đề xuất với Tòa án phương án giải quyết nhằm thỏa mãn yêu cầu của đương sự. Phần kết luận phải được trình bày rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, đủ ý, tránh hiểu nhầm và phải có căn cứ pháp luật. Không đề xuất chung chung như “đề nghị Tòa ản xử buộc bị đơn phải trả lại nhà, đất theo quỵ định của pháp luật hoặc đề nghị Tòa án xét xử theo pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho khách hàng của tôi... ”. Những yêu cầu về án phí cũng cần thiết phải được đề cập đến trong phần đề xuất. Các thời hạn, thời hiệu hoặc các liên đới về quyền và nghĩa vụ cũng cần được làm rõ. Các quy đổi từ tài sản sang tiền hoặc ngược lại cũng cần phải được trình bày một cách rõ ràng, đồng thời các khoản đã được một bên thanh toán trước đó cũng cần được giải quyết.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của Luật sư chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm về tranh chấp nhà, đất

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
3.63986 sec| 1164.906 kb