Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Công lý không có quyền lực là không có sức mạnh; quyền lực mà không có công lý là bạo ngược hung tàn."
– Blaise Pascal
Nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu ở nước ta chiếm một số lượng lớn. Khi tham gia giải quyết những vụ án hình sự về các tội xâm phạm sở hữu, Luật sư cần vận dụng những kỹ năng cơ bản của mình. Luật sư phải phân tích, đánh giá được tâm lý khách hàng; tiếp xúc và trao đổi hiệu quả với khách hàng; trao đổi, kiến nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức khác trong vụ án hình sự về các tội xâm phạm sở hữu.
Ngoài ra Luật sư phải tiến hành phân tích, đánh giá, tổng hợp được các tài liệu, chứng cứ, đồ vật trong hồ sơ vụ án; tra cứu thông tin văn bản pháp luật; tập hợp tài liệu, đưa ra phương án bào chữa, bảo vệ tốt nhất cho khách hàng trong vụ án hình sự về các tội xâm phạm sở hữu.
1- KỸ NĂNG TIẾP XÚC, TRAO ĐỔI VỚI KHÁCH HÀNG
(i) Đặc điểm khách hàng trong các vụ án về xâm phạm sở hữu
Khách hàng trong các vụ án hình sự nói chung cũng như vụ án về các tội xâm phạm sở hữu nói riêng có thể là những người tham gia tố tụng như bị can, bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan... hoặc là người thân của họ, cụ thể ở đây là những người đại diện hợp pháp của họ theo các quy định của pháp luật. Trong những vụ án về các tội xâm phạm sở hữu, khách hàng thường sẽ có những đặc điểm đặc thù so với khách hàng trong các loại vụ án hình sự khác. Cụ thể:
- Về độ tuổi: Nếu khách hàng là bị can, bị cáo thì họ thường ở độ tuổi tương đối trẻ, có nhiều trường hợp vẫn còn ở độ tuổi vị thành niên, trong nhiều trường hợp nếu họ trực tiếp đến gặp Luật sư thì sẽ có bố mẹ hoặc những người thân khác đi cùng.
- Về nhận thức: Họ thường là những người có trình độ học vấn thấp và đặc biệt về nhận thức pháp luật không cao, khi làm việc với Luật sư họ thường không đặt ra nhiều yêu cầu cùng như đòi hỏi với Luật sư.
- Về nhân thân: Những người phạm tội về sở hữu thường có nhân thân và quan hệ xã hội rất phức tạp. Họ thường hay mắc vào những tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn cờ bạc và ma túy. Trong những năm gần đây, theo thống kê của TANDTC thì có khoảng 50% số người phạm tội về xâm phạm sở hữu là người nghiện ma túy. Gia đình của các bị can, bị cáo trong nhóm tội danh này thường không hạnh phúc, không được chăm lo và giáo dục đầy đủ, hay tập trung ở các tội danh như: tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản, tội trộm cắp tài sản...
- Về tính cách: Vì trình độ học vấn không cao, nên những khách hàng này hay bị thiếu tự tin khi gặp Luật sư, ngoài ra họ rất dễ bị dao động lập trường, dao động với những ý kiến trái chiều. Khi gặp Luật sư thì có thể đồng ý với các lời tư vấn của Luật sư, nhưng khi về thì họ rất có thể lại thay đổi bởi những lời tư vấn của người khác.
- Về kinh tế: Kinh tế của những người này thường ở mức thu nhập thấp và/hoặc không có công việc và thu nhập ổn định.
Trên đây là những đặc điểm cơ bản và cũng là những dấu hiệu thường gặp ở khách hàng thuộc nhóm tội này khi Luật sư tiếp xúc, trao đổi với khách hàng trong các vụ án về xâm phạm sở hữu cần phải lưu ý. Tuy nhiên, không phải là tất cả khách hàng của nhóm tội này đều như vậy, trong thực tế vẫn có những vụ án xâm phạm về sở hữu, khách hàng là những người không phải có các dấu hiệu như trên, ở một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt khoản tài sản lớn thì họ có thể là những người có nhận thức xã hội cao, có học vấn, có điều kiện về kinh tế, có những trường hợp còn là người có chức vụ, quyền hạn nhất định và thường xảy ra ở một số tội danh như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước...
(ii) Những lưu ý khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng
Trong quá trình trao đổi, tiếp xúc đối với khách hàng trong nhóm tội xâm phạm sở hữu, Luật sư nên chú ý những vấn đề sau:
- Một là, phải hỏi để làm rõ mối quan hệ giữa người mà Luật sư đang đối thoại với bị can, với người tham gia tố tụng khác. Với những đặc điểm khách hàng là người có trình độ dân trí không cao, không tự tin vào bản thân về nhận thức pháp lý, do vậy khi đến tìm Luật sư, họ thường đến với nhiều người, bao gồm bị can/bị cáo (nếu được tại ngoại) cùng người nhà và kèm theo là một số người là bà con họ hàng. Trong những người này thường sẽ có một người hiểu biết về xã hội, biết ăn nói và có uy tín của dòng họ, mục đích để họ trình bày nội dung sự việc cho Luật sư và nắm bắt được những tư vấn của Luật sư để về bàn bạc và hội ý gia đình. Khi bắt đầu tiếp xúc, trao đổi với khách hàng, Luật sư chưa thể nắm bắt được vai trò của từng người khi làm việc cùng Luật sư, do vậy việc đầu tiên khi bắt đầu tiếp xúc, trao đổi nhất thiết Luật sư phải đề nghị họ giới thiệu từng người và Luật sư sẽ phải nhanh nhạy nắm bắt được vai trò của từng người để trong quá trình làm việc sẽ có những cách giao tiếp và làm việc cho phù hợp.
Ví dụ 1:
Trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại huyện K tỉnh H, bị can trong vụ án này như là trùm xã hội đen, chuyên cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, xiết nợ, lấy tài sản của con nợ... Khi đến văn phòng Luật sư, khách hàng đi với rất nhiều bị can khác, cùng người nhà của họ, trong số những người đó có người nhìn rất dữ tướng, nói năng ngổ ngáo, ồn ào... Khi đến văn phòng, đã có một Luật sư tiếp họ, do Luật sư chưa có kinh nghiệm nên khi một mình Luật sư phải tiếp tất cả những người trên, mọi người đã dồn dập hỏi Luật sư dẫn đến Luật sư này đã bị rơi vào tình trạng mất bình tĩnh, căng thẳng và không còn làm chủ được tình thế, dẫn đến buổi làm việc hôm đó như một buổi tranh luận, Luật sư đã bị rất nhiều người hỏi và chất vấn. Cuối cùng khách hàng đã không ký hợp đồng, còn Luật sư thì ấm ức. Trong trường hợp này, cách xử lý tình huống là Luật sư phải hết sức bình tĩnh, mời mọi người ngồi ở phòng khách để họ giới thiệu xong từng người, sau đó nắm bắt một vài người quan trọng, chủ chốt trong số những người đó và mời những người chủ chốt đại diện làm việc với Luật sư, như vậy Luật sư sẽ giảm bớt áp lực về mặt tâm lý, sẽ không bị nhiều người hỏi dồn dập. Lúc đó, Luật sư mới có thể bình tĩnh để làm chủ được tình thế trong cuộc trao đổi, tiếp xúc.
- Hai là, lắng nghe khách hàng trình bày. Đề nghị khách hàng từ từ trình bày từng vấn đề pháp lý mà họ đang gặp phải. Thông thường khách hàng trong các vụ án loại này, khi trình bày sự việc luôn ở trong trạng thái tâm lý bị bức xúc nên họ nói rất nhanh và thường không khách quan. Do vậy, Luật sư cần phải kéo chậm nhịp độ nói của khách hàng lại bằng cách vừa để khách hàng nói, vừa ghi chép lại. Sau đó hỏi lại những vấn đề chưa rõ.
Ví dụ 2:
Trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại huyện K tỉnh H, các bị cáo còn tranh nhau nói, trình bày hết sức lộn xộn. Khi đó Luật sư phải kéo chậm nhịp độ lại bằng cách để từng người nói, Luật sư sẽ ghi chép cẩn thận từng ý mà bị cáo đã trình bày, cho các bị cáo khác bổ sung chỗ nào còn thiếu, còn chưa chính xác.
(i) Kỹ năng tham gia hoạt động điều tra
Thứ nhất, kỹ năng tham gia hỏi cung bị can
Để tham gia vào hoạt động hỏi cung của vụ án về các tội xâm phạm sở hữu, Luật sư cần chú ý những vấn đề sau:
Thứ nhất: Thực hiện các thủ tục để trở thành Luật sư của vụ án. Thủ tục để được cấp văn bản thông báo người bào chữa cũng như những khó khăn mà Luật sư gặp phải trong các vụ án xâm phạm sở hữu giống như các nhóm tội khác. Trong thực tiễn, một số trường hợp Luật sư còn gặp khó khăn trong việc làm thủ tục nhận bào chữa cho bị can, bị cáo.
Thứ hai: Trước khi tham dự buổi hỏi cung, Luật sư cần phải chuẩn bị một số vấn đề cần làm rõ trong nội dung vụ án để trao đổi với Điều tra viên khi lấy lời khai hoặc hỏi cung, như: Động cơ phạm tội; Hung khí, phương tiện phạm tội; Hành vi cụ thể; Hậu quả của hành vi; Mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả... Chuẩn bị một số câu hỏi cho khách hàng (nếu Điều tra viên cho phép hỏi) để làm rõ tình tiết giảm nhẹ, thái độ của khách hàng sau vụ việc, vấn đề khắc phục hậu quả... Khi hỏi để làm rõ các vấn đề, đối với bị can trong loại tội danh này, Luật sư nên hỏi bằng những câu hỏi đơn giản, dễ hiểu, không nên hỏi những câu hỏi khó cho việc tư duy và trả lời của bị can. Luật sư cũng cần chuẩn bị lời nhắn nhủ của gia đình trước khi gặp bị can, ảnh của người thân cho bị can xem tại trại tạm giam...
Nếu được Điều tra viên cho phép hỏi, Luật sư nên hỏi những tình tiết quan trọng và có lợi cho khách hàng, những tình tiết giảm nhẹ như bị can hoặc gia đình đã bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả cho người bị hại hay chưa. Đây là vấn đề rất quan trọng mà Luật sư nên nhớ khi bào chữa cho các loại vụ án này. Ngoài ra, Luật sư nên trao đổi với bị can về tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đây là một tình tiết giảm nhẹ mà các bị can trong vụ án xâm phạm sở hữu thường không được hưởng vì họ hay quanh co, thay đổi lời khai.
Bị can trong các vụ án xâm phạm sở hữu thường là người có trình độ hiểu biết hạn chế về văn bản giấy tờ, nên Luật sư cần chú ý hướng dẫn bị can đọc lại cẩn thận trước khi ký vào các biên bản hỏi cung, cùng như hướng dẫn gạch chéo những phần giấy còn viết để trống.
Sau khi đã kết thúc công việc hỏi cung, Luật sư nên đề nghị Điều tra viên cho Luật sư được làm việc riêng với bị can và có sự giám sát của Điều tra viên. Luật sư có thể đọc thư, lời nhắn nhủ của gia đình bị can. Trước khi đọc, Luật sư cần phải đưa cho Điều tra viên đọc trước để bỏ đi những phần nội dung không được phép đọc cho bị can. Hỏi thăm tình hình sức khỏe, điều kiện ăn, ở của bị can trong trại tạm giam. Luật sư cần quan tâm đến việc khách hàng có bị dụ cung, mớm cung không. Trong vụ án xâm phạm sở hữu mà các bị can thường là người ít hiểu biết về pháp luật nên rất dễ bị người khác xúi giục, dụ cung để khai sai, thừa nhận mình thực hiện hành vi phạm tội.
Một trong những điểm mới của BLTTHS năm 2015 so với BLTTHS năm 2003 về hỏi cung bị can là việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Khoản 6 Điều 183 BLTTHS năm 2015 quy định: "Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở CQĐT, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng". Ngoài ra, BLTTHS cũng quy định trong quá trình hỏi cung bị can, nếu người bào chữa muốn hỏi khách hàng thì phải được sự đồng ý của Điều tra viên; Sau khi Điều tra viên tiến hành hỏi cung xong, người bào chữa được quyền chủ động hỏi, trao đổi với khách hàng mà không phụ thuộc vào việc đồng ý hay không đồng ý của Điều tra viên (khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015). Đồng thời, trước khi tiến hành hỏi cung, Điều tra viên phải thông báo về ngày, giờ cũng như địa điểm tiến hành hỏi cung cho người bào chữa biết để người bào chữa sắp xếp công việc, lên kế hoạch để tham dự hỏi cung. Như vậy, các quy định mới nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư trong quá trình tham gia hỏi cung bị can nhằm bảo vệ quyền lợi cho họ.
Thứ hai, kỹ năng tham gia một số hoạt động điều tra khác
Trong vụ án về xâm phạm quyền sở hữu thì các hoạt động điều tra liên quan đến tài sản là rất quan trọng. Luật sư có thể tham gia vào những hoạt động sau:
Tham gia định giá tài sản là tang vật của vụ án. Đối với các tội danh về xâm phạm sở hữu thì vấn đề định giá tài sản là tang vật của vụ án cũng rất quan trọng, căn cứ vào kết quả định giá sẽ xác định được giá trị thiệt hại của người bị hại hay xác định được giá trị tài sản bị chiếm đoạt để làm căn cứ định khung hình phạt. Trong trường hợp này, Luật sư cần phải có đơn đề nghị Điều tra viên cho Luật sư tham gia vào buổi định giá tài sản là tang vật của vụ án.
Hướng dẫn và giúp đỡ bị can về thủ tục xử lý tài sản của bị can để khắc phục hậu quả. Khi bị can đã đồng ý về việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại thì Luật sư sẽ phải giúp bị can bán tài sản hoặc giúp bị can làm các thủ tục để trả lại tài sản cho người bị hại.
(ii) Nghiên cứu hồ sơ
Đối với vụ án về các tội xâm phạm sở hữu, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư cần lưu ý những vấn đề sau đây:
Một là, sao chụp và sắp xếp hồ sơ vụ án: Hồ sơ vụ án về các tội xâm phạm sở hữu thường không nhiều như một số tội phạm khác, bởi vậy khi sao chụp hồ sơ vụ án Luật sư nên sao chụp toàn bộ hồ sơ, tài liệu trong bộ hồ sơ vụ án về nghiên cứu để tránh bỏ sót những tài liệu quan trọng liên quan đến những tình tiết có lợi cho khách hàng. Khi đã sao chụp được hồ sơ vụ án, Luật sư cần sắp xếp một cách khoa học từng loại tài liệu, như: Bản cáo trạng, bản kết luận điều tra, các biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung, các văn bản tố tụng...
Hai là, kỹ năng khi nghiên cứu hồ sơ vụ án: Đây là một kỹ năng đặc biệt quan trọng của Luật sư, nó sẽ giúp cho Luật sư tìm ra phương án bào chữa hay bảo vệ sau này tại các giai đoạn tố tụng. Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án của các tội xâm phạm sở hữu cùng giống như nghiên cứu hồ sơ của các loại tội phạm khác.
Ba là, nghiên cứu các lời khai và căn cứ định tội danh: Đa số các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt tài sản. Do vậy, để xác định việc cơ quan tiến hành tố tụng có đánh giá đúng tội danh cho bị can, bị cáo hay không thì khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, đặc biệt là nghiên cứu các lời khai, Luật sư phải hết sức lưu ý về các hành vi của bị can, bị cáo có dấu hiệu của sự chiếm đoạt tài sản hay không. Dấu hiệu chiếm đoạt tài sản được thể hiện qua mục đích chiếm đoạt hoặc qua hành vi chiếm đoạt của bị can, bị cáo.
Về mục đích chiếm đoạt: Đây sẽ là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP của một số tội, như: tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS năm 2015), tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169 BLHS năm 2015), tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS năm 2015), tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS năm 2015). Mục đích chiếm đoạt tài sản là yếu tố thuộc về mặt chủ quan của tội phạm nên để đánh giá người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội có mục đích chiếm đoạt hay không không phải là điều dễ dàng. Luật sư cần nghiên cứu hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện, hoàn cành, công cụ, phương tiện phạm tội... để đánh giá trong sự kết hợp với ý chí chủ quan của người phạm tội qua sự thừa nhận của họ tại lời khai trong hồ sơ vụ án. Do vậy, khi nghiên cứu hồ sơ các loại vụ án này, Luật sư nên tìm ra các căn cứ để xác định bị can, bị cáo có mục đích “nhằm” chiếm đoạt tài sản hay không, đặc biệt trong một số trường hợp khi tiếp xúc với bị can, bị cáo thấy họ kêu oan.
Hoặc trong một số trường hợp, hành vi của người phạm tội sẽ bị chuyển hóa từ tội này sang tội khác trong cùng nhóm tội, như: từ tội cướp giật tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản. Các trường hợp này có thể xảy ra khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản. Trong trường hợp này, mục đích chiếm đoạt đã xuất hiện trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để giữ cho được tài sản khi tẩu thoát. Hoặc đối với hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật mà sau khi thực hiện hành vi mới có mục đích chiếm đoạt thì sẽ có sự chuyển hóa từ tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157 BLHS năm 2015) sang tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169 BLHS năm 2015)...
Đối với một số tội như tội cướp giật tài sản (Điều 171 BLHS năm 2015), tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172 BLHS năm 2015), tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS năm 2015), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015) thì việc đánh giá ý thức chiếm đoạt của người phạm tội trong một số trường hợp này phải dựa vào hành vi chiếm đoạt của người phạm tội. Bởi vì trong thực tiễn sẽ khó đánh giá được mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội nếu chỉ căn cứ theo lời khai của họ. Thực tế đã có nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án đã xác định không đúng tội danh của bị can, bị cáo khi xác định ý thức chiếm đoạt của họ.
Nghiên cứu các kết luận định giá về tài sản: Trong các vụ án về xâm phạm sở hữu, hậu quả gây ra chủ yếu là những thiệt hại về tài sản. Do vậy, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, trong trường hợp tài sản bị chiếm đoạt không phải là tiền, Luật sư cần phải nghiên cứu kỳ các tài liệu liên quan đến việc định giá tài sản.
Nghiên cứu lời khai và biên bản hỏi cung: Trong các vụ án về xâm phạm sở hữu, bị can, bị cáo thường có nhân thân không tốt, nhiều trường hợp đã có tiền án, tiền sự... do vậy trong quá trình điều tra, CQĐT thường hay áp đặt điều tra theo hướng có tội và đối khi còn dùng các biện pháp bức cung, nhục hình... bắt bị can, bị cáo buộc phải nhận tội trong một số vụ án phức tạp, vụ án không có người làm chứng. Vì vậy khi bị can, bị cáo kêu oan, Luật sư phải nghiên cứu rất kỹ các biên bản hỏi cung, biên bản lấy lời khai.
Nghiên cứu về nhân thân bị can, bị cáo: Khi nghiên cứu các tài liệu về nhân thân bị can, bị cáo Luật sư sẽ hiểu hơn về hoàn cảnh phạm tội, lý do phạm tội của các bị cáo. Với vụ án về xâm phạm sở hữu, có nhiều trường hợp bị can, bị cáo có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, là hậu quả của các tệ nạn xã hội, có trường hợp khi phạm tội vẫn còn là vị thành niên... Trong thực tế, có những trẻ em phạm tội trộm cắp tài sản chỉ do hoàn cảnh gia đình, cha mẹ không được hạnh phúc, đây các em vào cuộc sống lang thang, cơ nhỡ rồi sinh ra trộm cắp, cướp giật tài sản để kiếm sống; có những trường hợp lại là nạn nhân của các trò chơi trong thời đại công nghệ mới; có những vụ án chỉ do “nghiện” internet không có tiền trả mà đi cướp để đủ tiền trả internet...
(iii) Gặp, trao đổi với khách hàng và đương sự khác
[1] Gặp, trao đổi với bị can, bị cáo
Khi gặp bị can, bị cáo Luật sư cần lưu ý trao đổi với bị can, bị cáo các nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về các tình tiết buộc tội và gỡ tội của vụ án: Khi gặp bị can, bị cáo thì Luật sư cần lắng nghe bị can, bị cáo trình bày toàn bộ sự việc của vụ án, sau đó Luật sư sẽ làm rõ với bị can, bị cáo các tình tiết mà Luật sư nắm được trong hồ sơ vụ án. Khi trao đổi với bị can, bị cáo trong loại tội về xâm phạm sở hữu, thông thường họ sẽ chia sẻ hết tất cả các tình tiết của vụ án để Luật sư có thể hiểu, cảm thông và bảo vệ họ trước các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong trường hợp này, Luật sư cần phải giữ mọi bí mật thông tin về vụ án.
Thứ hai, về bồi thường thiệt hại: Trong các vụ án về xâm phạm sở hữu, vấn đề tài sản và bồi thường là rất quan trọng, bởi vì hậu quả mà bị can, bị cáo gây ra chủ yếu là thiệt hại về tài sản, do vậy việc trao đổi với bị can, bị cáo về vấn đề tài sản cũng là một nội dung quan trọng. Luật sư cần phải hỏi bị can, bị cáo quan điểm về việc bồi thường thiệt hại cho người bị hại, cần giải thích cho bị can, bị cáo hiểu rằng nếu tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả cho người bị hại thì đây là một tình tiết giảm nhẹ rất quan trọng.
Thứ ba, về nhân thân bị can, bị cáo: Khi làm việc với các bị can, bị cáo Luật sư cũng phải làm rõ thêm về tình trạng nhân thân của các bị can, bị cáo. Như vậy sẽ hiểu được thêm bản chất của hành vi phạm tội mà bị can, bị cáo gây ra. Ngoài ra sẽ tìm ra những tình tiết giảm nhẹ giúp gỡ tội cho bị can, bị cáo. Ví dụ: Trong loại tội xâm phạm sở hữu, tỷ lệ trẻ em vị thành niên cũng phạm tội rất nhiều. Luật sư cần trao đổi và lắng nghe lý do tại sao phạm tội để áp dụng điều luật dành cho trẻ em. Hoặc làm rõ những thành tích, cống hiến của gia đình bị can, bị cáo đối với Tổ quốc...
Thứ tư, về hướng bào chữa của vụ án: Khi trao đổi về hướng bào chữa cho khách hàng không phải trong trường hợp nào quan điểm giữa Luật sư và bị can, bị cáo cùng thống nhất được với nhau. Đối với những trường hợp bị can, bị cáo của nhóm tội xâm phạm sở hữu thì do lối sống và cách nhận thức của họ, nên họ luôn luôn cho rằng họ đúng, luôn mong muốn Luật sư phải bào chữa vô tội hay với mức án nhẹ nhất... Do vậy, Luật sư cần phải có những ứng xử khéo léo để vẫn có thể là Luật sư cho bị can, bị cáo lại vừa đúng với các quy định của pháp luật và Luật sư sẽ không trở thành người cãi “cùn” tại phiên tòa. Luật sư nên bình tĩnh, lắng nghe bị can, bị cáo trình bày quan điểm và các lập luận, nếu thấy hợp lý thì Luật sư cũng phải lưu ý. Trong trường hợp bị can, bị cáo đưa ra những căn cứ không đúng do hiểu sai, Luật sư sẽ giải thích và phân tích lại các quy định pháp luật cho bị can, bị cáo hiểu. Trong trường hợp mà cả bị can, bị cáo và Luật sư vẫn chưa thỏa mãn với quan điểm của nhau thì tốt nhất Luật sư không nên tranh luận với bị can, bị cáo tại nơi giam giữ mà cần để bị can, bị cáo có thời gian suy nghĩ lại.
Thứ năm, về thủ tục tố tụng: Trong các vụ án xâm phạm sở hữu, tỷ lệ vi phạm về tố tụng cũng nhiều hơn các loại tội danh khác, do vậy, Luật sư khi gặp bị can, bị cáo cũng cần phải trao đổi với họ về việc có bị ép cung, bức cung, dùng nhục hình, hoặc vi phạm các thủ tục tố tụng hay không. Trong quá trình trao đổi với bị can, bị cáo Luật sư cần phải làm rõ và phân tích những vi phạm tố tụng nào sẽ làm thay đổi bản chất vụ án. Ví dụ: Khi lấy lời khai đối với người chưa thành niên không có người giám hộ, hoặc nhũng vụ án có mức khung hình phạt cao nhất lại không có Luật sư tham gia. Cá biệt có những vụ án, khi Luật sư nghiên cứu hồ sơ vụ án thì phát hiện lời khai trong các bản cũng đều giống nhau, từng chữ, từng dòng... hoặc cùng thời điểm một điều tra viên lại lấy được lời khai của cả hai bị can trong một vụ án mà đang bị tạm giam ở hai trại tạm giam khác nhau...
[2] Lưu ý về kỹ năng tiếp xúc, trao đổi:
Khi giao tiếp ban đầu: Thông thường do môi trường sống nên các bị can, bị cáo trong nhóm tội xâm phạm sở hữu thường không tự tin khi tiếp xúc với Luật sư. Do vậy, khi giao tiếp với bị can, bị cáo Luật sư nên chủ động cởi mở, chia sẻ và cảm thông với họ bằng cách hỏi về cuộc sống trong trại giam, lý do tại sao lại phạm tội, mong muốn của bị can, bị cáo...
Khi trao đổi nội dung vụ án: Vì bị can, bị cáo rất dễ bị kích động nên khi nói về hành vi phạm tội của họ Luật sư cần nói một cách khách quan, không nên nói theo kiểu kết tội bị can, bị cáo, nếu không giữa Luật sư và bị can, bị cáo rất dễ xung đột, buổi làm việc sẽ trở thành buổi tranh luận. Ví dụ: Trong vụ án cướp của giết người xảy ra tại tỉnh HT, sau khi chuẩn bị kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Chủ tọa hỏi bị cáo có ý kiến gì không, ngay lúc này bị cáo đã đề nghị thay đổi Luật sư vì cho rằng chính Luật sư cũng đang kết tội bị cáo. Sau khi tìm hiểu thì Luật sư trong quá trình làm việc với bị cáo trong trại tạm giam đã không thống nhất quan điểm bào chữa cho bị cáo, giữa bị cáo và Luật sư đã có những tranh luận gay gắt.
Ngoài ra, Luật sư cùng nên lưu ý thêm một số kỹ năng khác về cách thức trao đổi với bị can, bị cáo như phải chủ động làm chủ buổi làm việc. Thông thường bị can, bị cáo sẽ trình bày rất lan man, rất dài, Luật sư nên chủ động làm chủ cuộc nói chuyện bằng cách để nghị bị can, bị cáo trình bày từng vấn đề theo gợi mở của Luật sư, trình bày theo các câu hỏi Luật sư cần làm rõ.
Bên cạnh đó, đối với nhóm tội này Luật sư nên lưu ý bị can, bị cáo thường là những người hay mắc những tệ nạn xã hội... do vậy trong quá trình làm việc, gặp bị can, bị cáo Luật sư không nên đưa cho bị can, bị cáo bất kỳ vật dụng gì. Trước khi nhận hoặc trả bị can, bị cáo cho cán bộ quản giáo thì nhất thiết Luật sư phải nhớ ký đầy đủ vào sổ nhận và trả phạm nhân để tránh trường hợp bị can, bị cáo bỏ trốn ảnh hưởng đến Luật sư... Ví dụ: Trong quá trình làm việc với bị can, bị cáo họ rất hay xin những đồ vật của Luật sư như bút viết, giấy tờ, thuốc lá, bật lửa, tiền... nếu Luật sư cho họ trong những trường hợp này là rất nguy hiểm, bởi vì như vậy, khi đã có những đồ vật mang theo vào trong trại giam thì họ rất dễ dùng làm hung khí gây án, hoặc đơn giản khi qua cửa trại giam, các cán bộ trại giam thực hiện thủ tục khám người bị can, bị cáo trước khi vào phòng giam phát hiện ra những đồ vật đó và khai ra đó là của Luật sư thì chắc chắn Luật sư sẽ không tránh khỏi liên lụy…
[3] Gặp, trao đổi với các đương sự khác
Gặp bị hại: Trong các vụ án xâm phạm sở hữu, bị hại trong các vụ án này đa số là cá nhân, trừ bị hại trong tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” (Điều 179 BLHS năm 2015). Trong các vụ án này, mục tiêu quan trọng nhất của bị hại là mong muốn lấy lại được tài sản. Do đó, Luật sư sẽ có một vai trò hết sức quan trọng trong việc làm cầu nối giữa gia đình bị can, bị cáo và bị hại. Khi bị can, bị cáo đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả đã gây ra cho bị hại thì Luật sư nên cùng với người nhà của bị can, bị cáo gặp bị hại đến trao đổi về mức bồi thường này giúp bị can, bị cáo, như vậy sẽ khách quan hơn. Luật sư nên tư vấn pháp luật cho cả hai bên và tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết cho các bên. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp bị cáo vì những hoàn cảnh nhất định mà phạm tội, sau khi bị hại đã nhận được đu mức bồi thường tương xứng với tài sản bị xâm phạm, Luật sư có thể đề nghị gia đình bị hại viết giấy xin Tòa án giảm nhẹ hình phạt cho bị can, bị cáo. Điều này sẽ là tình tiết giảm nhẹ cho bị can, bị cáo và làm giảm căng thẳng tại phiên tòa. Ví dụ: Có những vụ án sau khi bị hại hiểu được hoàn cảnh gia đình bị can, bị cáo không những đã viết giấy xin giảm nhẹ hình phạt cho bị can, bị cáo trước Tòa, mà còn có sự giúp đỡ với gia đình bị can, bị cáo.
Gặp, trao đổi với người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự... Trong một số vụ án, sau khi thấy có những tình tiết chưa đúng, nhiều điểm mâu thuẫn, có thể dẫn đến oan sai, vi phạm tố tụng... Luật sư sẽ đến gặp gỡ những người này để trình bày và đề nghị được biết và lắng nghe sự việc, thu thập thêm các chứng cứ cần thiết có lợi cho khách hàng để làm sáng tỏ thêm sự thật của vụ án. Luật sư phải có thái độ nhã nhặn, hợp tác, khách quan để có được lòng tin của các đương sự.
(iv) Kỹ năng trao đổi với Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức khác
Thứ nhất, kỹ năng trao đổi với Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Trong các vụ án về xâm phạm sở hữu, việc trao đổi giữa Luật sư và Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng giống như các loại vụ án khác, thường sẽ xoay quanh các vấn đề về thủ tục tố tụng, vấn đề về chứng cứ, các vấn đề về thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bị can, bị cáo.
Về thủ tục tố tụng: Khi có căn cứ cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Luật sư cần trao đổi, kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụng.
Về chứng cứ của vụ án: Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu của vụ án, Luật sư nhận thấy có những tình tiết có lợi mà cơ quan tiến hành tố tụng chưa xem xét để đánh giá một cách khách quan, toàn diện theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, hoặc trong một sổ trường hợp Luật sư thấy cần bổ sung những chứng cứ, tình tiết có lợi cho bị can, bị cáo thì Luật sư sẽ chủ động trao đổi với cơ quan tiến hành tố tụng để điều tra bổ sung nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Về việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn: Trong các vụ án xâm phạm về sở hữu thì vấn đề thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị can cũng luôn được đặt ra. Bởi vì, nhiều tội trong nhóm tội danh xâm phạm sở hữu như tội cướp giật, trộm cắp, cường đoạt tài sản... thì số tài sản thường không lớn. Khi có Luật sư tham gia bào chữa cho các bị can, bị cáo thì gia đình bị can, bị cáo cũng rất mong muốn Luật sư tìm cách để giúp người thân của họ được tại ngoại. Luật sư phải xem xét tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị can, bị cáo, giá trị tài sản bị chiếm đoạt thế nào để có thể cùng bị can, bị cáo đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn. Thông thường để được xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn sau khi vụ án đã kết thúc quá trình điều tra và bị can, bị cáo đã thành khẩn khai báo, có nơi cư trú rõ ràng nhàm báo đám sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.
Về việc định giá tài sản: Đây là diêm rất quan trọng đối với loại án về xâm phạm sở hữu, mà trong quá trình định giá tài sản sẽ có những chỗ còn chưa chính xác, do vậy Luật sư cần đề nghị CQĐT xem xét, giám định lại kết luận giám định.
Thứ hai, kỹ năng trao đổi với các cơ quan, tổ chức khác
Ngoài việc trao đổi với cơ quan tiến hành tố tụng, trong quá trình giải quyết vụ án, Luật sư còn phải trao đổi với các cơ quan, tổ chức khác liên quan để làm rõ hơn các tình tiết khách quan của vụ án. cơ quan công luận để có thể thông tin kịp thời các vấn đề của vụ án lên công luận trong những trường hợp xét thấy có dấu hiệu oan sai, vi phạm tố tụng...; hoặc trong một số trường hợp đối với bị can, bị cáo có hoàn cảnh nhân thân đặc biệt, Luật sư cần phải đến làm việc với chính quyền địa phương để xin xác nhận về nhân thân có lợi cho bị can, bị cáo.
Nguồn tổng hợp từ Giáo trình "Kỹ năng Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự" của Học viện Tư pháp và các nguồn khác.
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm