Kỹ năng Luật sư: Tham gia phiên tòa sơ thẩm về bạo lực gia đình

"Ở mặt tốt nhất, con người cao thượng nhất trong tất cả các loài động vật; tách khỏi luật lệ và công lý, anh ta trở thành tồi tệ nhất"

- Aristotle

Kỹ năng Luật sư: Tham gia phiên tòa sơ thẩm về bạo lực gia đình

Tại phiên tòa sơ thẩm về bạo lực gia đình, Luật sư cần trao đổi với người mà Luật sư bào chữa, bảo vệ trước tòa nhằm đưa ra phương án, thủ tục trình tự cũng như quyền và động viên khách hàng khi khai báo.

Khi bắt đầu phiên tòa, Luật sư cần lưu ý một số điểm như theo dõi danh sách những người có mặt, vắng mặt nào mà gây ảnh hưởng đến khách hàng của mình hay không cũng như vị trí của người mà Luật sư bảo vệ tại tòa.

Về phần tranh tụng, Luật sư cần lưu ý kỹ trong phần tranh luận, cũng như xét hỏi để khi Hội đồng xét xử tuyên án. Luật sư phải chú ý lắng nghe để nắm bắt toàn bộ nội dung cũng như hình thức bản án, nhất là các quyết định liên quan đến khách hàng của mình để kịp thời trao đổi với khách hàng.

Trường hợp cần thiết thì chuẩn bị kháng cáo theo trình tự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Liên hệ

I- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ KHI TRAO ĐỔI VỚI NGƯỜI MÀ LUẬT SƯ BÀO CHỮA, BẢO VỆ TRƯỚC PHIÊN TÒA:

Để tạo sự chủ động cho khách hàng tại phiên tòa, trước phiên tòa, Luật sư nên gặp gỡ khách hàng và trao đổi về: 

- Phương án bảo vệ cho khách hàng, những nội dung cần lưu ý khi tham gia xét hỏi tại phiên tòa;

- Thủ tục, trình tự phiên tòa, quyền của người bị hại tại phiên tòa sơ thẩm;

-  Động viên khách hàng giữ bình tĩnh khi khai báo.

Việc gặp gỡ khách hàng trước khi mở phiên tòa cũng là cơ hội để Luật sư nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những lo ngại của khách hàng khi ra phiên tòa từ đó có biện pháp xử lý thích hợp.

Ví  dụ: Bị hại là nạn nhân của Bạo lực gia đình, họ thường e ngại khi khai báo về hành vi bạo lực của người chồng sẽ gặp phải phản ứng trái chiều của mẹ chồng và những người họ hàng bên chồng tới tham dự phiên tòa.

II- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ TRONG PHẦN THỦ TỤC BẮT ĐẦU PHIÊN TÒA:

Ngoài công việc như tại các phiên tòa hình sự thông thường, với vụ án liên quan tới Bạo lực gia đình, Luật sư cần lưu ý một số điểm sau:

- Theo dõi danh sách những người được triệu tập có mặt, vắng mặt tại phiên tòa. Nếu thấy sự vắng mặt của người tham gia tố tụng nào đó sẽ bất lợi cho khách hàng của mình thì Luật sư phải chuẩn bị sắn ý kiến, để khi chủ toạ phiên tòa hỏi ý kiến về việc người tham gia tố tụng vắng mặt thì có thế trình bày được ngay, qua đó bảo đảm quyền lợi cho người mà mình bảo vệ. 

- Lưu ý tới vị trí của người mà Luật sư bảo vệ tại phiên tòa. Nếu có thể, đề nghị cho bị hại mà mình bảo vệ ngồi cách xa bị cáo và những người tham gia tố tụng khác để tránh xảy ra hành vi đe dọa, gây áp lực cho khách hàng khi khai báo. Nếu thấy cần thiết, Luật sư có thể đề nghị Hội đồng xét xử sắp xếp cho bị hại ngồi ở một phòng khác và chỉ  cần vào phòng xử án khi nào cần lấy lời khai. Bị cáo có thế được đưa ra ngoài khi bị hại được đưa vào phòng xử án để họ không nhìn thấy nhau.

- Đề xuất Hội đồng xét xử có biện pháp bảo vệ người bị hại trong trường hợp họ có nguy cơ bị tấn công từ phía người thân của bị cáo.

III- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ TRONG PHẦN TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA:

1- Kỹ năng của Luật sư trong phần xét hỏi:

Ngoài các lưu ý về nội dung hỏi, Luật sư bào chữa, bảo vệ trong vụ án liên quan tới Bạo lực gia đình cần lưu ý một số vấn đề về kỹ năng như:

(i) Chú ý theo dõi, ghi chép diễn biến xét hỏi tại phiên tòa để bổ sung, thay đổi kế hoạch hỏi cho phù hợp và xác định các tình tiết sẽ phân tích trong luận cứ bào chữa, bảo vệ; 

(ii) Theo dõi diễn biến việc xét hỏi để giúp đỡ khách hàng thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng, bảo vệ khách hàng khỏi những câu hỏi mang tính chất mớm cung, bức cung, những câu hỏi xâm hại tới danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của khách hàng. Trường hợp cần thiết, Luật sư có thể đề nghị Hội đồng xét xử cách ly bị cáo để đảm bảo người bị hại không bị sự đe dọa, uy hiếp từ bị cáo, ảnh hưởng tới việc khai báo;

(iii) Khi thực hiện việc hỏi tại phiên tòa, Luật sư nên sử dụng nhiều loại câu hỏi khác nhau, có thể là câu hỏi mở yêu cầu người được hỏi trình bày nội dung hoặc câu hỏi đóng để người được hỏi xác nhận hay phủ nhận một sự việc, tình tiết. Các câu hỏi nên ngắn gọn, dễ hiểu, tránh dùng câu hỏi “kép”, hỏi nhiều ý trong cùng một câu.

(iv) Trong quá trình xét hỏi, nếu thấy cần phải công bố lời khai của một người tham gia tố tụng nào, một tài liệu nào để có lợi cho khách hàng thì Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử công bố lời khai và tài liệu đó.

Đồng thời với việc xét hỏi, Luật sư cần theo sát diễn biến phiên toà để giúp đỡ khách hàng của mình về mặt pháp lý trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng; bảo vệ khách hàng của mình khỏi những câu hỏi xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của khách hàng từ phía những người xét hỏi khác... Để thực hiện được các kỹ năng trên và bảo đảm cho việc xét hỏi của mình có hiệu quả, Luật sư phải tập trung theo dõi và ghi chép toàn bộ diễn biến xét hỏi tại phiên toà có liên quan đến việc bảo vệ cho khách hàng để một mặt bổ sung cho kế hoạch xét hỏi và có những yêu cầu bảo vệ quyền lợi của khách hàng một cách kịp thời. 

Trong khi theo dõi quá trình xét hỏi, vào bất kỳ thời điểm nào, Luật sư cũng có thế phản đối các vi phạm thủ tục tố tụng trong xét hỏi của chính Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên hay của Luật sư khác (ví dụ: thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên dụ cung, mớm cung, nhắc lại hoặc công bố lời khai tại Cơ quan điều tra trước khi hỏi, đặt các câu hỏi không liên quan đến vụ án, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của khách hàng...), yêu cầu Chủ toạ phiên toà ngăn chặn kịp thời các vi phạm pháp luật đó.

Ngoài việc trực tiếp xét hỏi, Luật sư có quyền tham gia vào các hoạt động xét hỏi khác tại phiên toà theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể là:

- Tham gia xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên toà; 

- Trình bày những nhận xét của mình về vật chứng được xem xét tại phiên toà;

- Tham gia xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc những địa điểm khác có liên quan đến vụ án và trình bày nhận xét của mình về việc xem xét những nơi đó;

- Nhận xét và hỏi thêm những vấn đề liên quan về những tài liệu của vụ án, báo cáo của cơ quan, tổ chức ngay sau khi những tài liệu, báo cáo đó được công bố tại phiên toà;

- Nhận xét về kết luận giám định, hỏi về những vấn đề chưa rõ hoặc còn mâu thuẫn về kêt luận giám định; yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại nếu thấy có căn cứ theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015...;

Trong quá trình xét hỏi, nếu thấy cần phải công bố lời khai của một người tham gia tố tụng nào, một tài liệu nào để có lợi cho khách hàng thì Luật sư đề nghị HĐXX công bố lời khai và tài liệu đó.

Lưu ý:

- Trên thực tế, có những trường hợp ngay cả khi Luật sư có thể đưa ra những thông điệp mang tính trấn an và cảm thông, song ngôn ngữ cơ thể của Luật sư lại toát lên điều ngược lại: Chán nán, tức giận, không tin tưởng, ghét hoặc bực mình. 

- Hãy kiên nhẫn. Nhắc lại câu hỏi nếu khách hàng không hiểu hoặc không trả lời đầy đủ. 

- Hãy đặt câu hỏi làm rõ nguyên nhân của những vết thương. Đặt câu hỏi cụ thể, không mang tính chất quy kết.

- Hãy chú ý tới nỗi sợ hãi, ngại ngùng và lúng túng của khách hàng.

2- Kỹ năng của Luật sư trong phần tranh luận:

Tranh luận tại phiên toà là thời điểm mà Hội đồng xét xử được nghe một cách toàn diện nhất ý kiến của đại diện Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng về việc giải quyết vụ án. Vì vậy, để hoạt động có hiệu quả, Luật sư cần nắm vững thủ tục tố tụng trong tranh luận và thực hiện thật hoàn hảo kỹ năng bảo vệ, vận dụng kinh nghiệm làm việc khi cần thiết đề tranh luận có chất lượng.

Trong luận cứ bào chữa, bảo vệ, Luật sư cần đưa ra những lập luận cụ thể, trên cơ sở đánh giá các chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa để phục vụ cho định hướng bào chữa, bảo vệ. Luật sư cần tập trung phân tích về diễn biến, nguyên nhân, hậu quả của hành vi Bạo lực gia đình, tác động của Bạo lực gia đình lên hành vi phạm tội mà nạn nhân bị Bạo lực gia đình thực hiện. Luật sư cần nhấn mạnh hậu quả nhiều mặt của Bạo lực gia đình không chỉ đối với người bị hại hay bị cáo, mà còn đối với tất cả các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là đối với sự phát triển của trẻ em. Điều này sẽ giúp Hội đồng xét xử có cái nhìn toàn diện về vụ án, từ đó có những quyết định không chỉ đúng người, đúng tội, đúng pháp luật mà còn phù hợp với các chuẩn mực về đạo lý, truyền thống trong gia đình. Để nâng cao tính thuyết phục và hiệu quả bào chữa,bảo vệ, trong lời trình bày của mình, Luật sư có thể nhất trí với luận tội của Kiểm sát viên về một số nội dung nào đó (nếu chứng cứ đã rõ ràng không thể có cách đánh giá nào khác) và sau đó đưa ra những phân tích, kiến nghị của mình. Điều đó tạo ra ấn tượng rằng, Luật sư luôn luôn tôn trọng sự thật khách quan và các quy định của pháp luật trong quá trình bào chữa, bảo vệ.    

Khi tham gia đối đáp, Luật sư phải trả lời ngay những vấn đề mình không đồng ý mà không có nhiều thời gian suy nghĩ, chuẩn bị từ trước. Do vậy, muốn đối đáp sắc bén, kịp thời và chính xác, Luật sư phải lắng nghe ý kiến của bên kia, ghi nhanh, đánh dấu những điểm cần phải đáp lại. Tất nhiên khi đánh dấu những điểm phải trả lời, Luật sư đã suy nghĩ chuẩn bị ngay các lý lẽ sẽ trình bày khi đối đáp. Khi trả lời, Luật sư cần trình bày ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề cần phản bác. Ngoài việc dùng các chứng cứ mà mình đã chuẩn bị trước hay ghi nhận được trong phần xét hỏi, Luật sư phải triệt để sử dụng những điểm mâu thuẫn, những vấn đề do bên kia đưa ra nhưng có thể vận dụng để bảo vệ tốt cho người bị hại là nạn nhân của Bạo lực gia đình. Đảm bảo các yêu cầu này, lời đối đáp của Luật sư sẽ có sức thuyết phục cao khiến Hội đồng xét xử đồng tình với những quan điểm, lập luận của mình. 

Một điều Luật sư cần lưu ý, đó là khi đối đáp không khí tại phiên toà thường căng thẳng do mâu thuẫn giữa các bên. Trong mọi trường hợp, Luật sư đều phải bình tĩnh, tôn trọng sự điều khiển của chủ toạ phiên toà, tôn trọng người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khác; tránh tình trạng lợi dụng quyền tranh luận để đả kích, xúc phạm hoặc “cãi nhau” tay đôi với người tham gia tranh luận. 

Nếu trong quá trình tranh luận, Luật sư phát hiện những vấn đề được nêu ra nhưng chưa xét hỏi hoặc cần phải xem xét thêm chứng cứ thì Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử quay trở lại phần xét hỏi để làm rõ những vướng mắc.

IV- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ KHI HỘI ĐỒNG XÉT XỬ TUYÊN ÁN

Luật sư cần tuân theo điều khiển của chủ toạ phiên toà khi tuyên án. Luật sư phải chú ý lắng nghe để nắm bắt toàn bộ nội dung cũng như hình thức bản án, nhất là các quyết định liên quan đến khách hàng của mình để kịp thời trao đổi với khách hàng về việc thực hiện hay không quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật; trường hợp cần thiết thì chuẩn bị kháng cáo theo trình tự phúc thẩm theo quy định của pháp luật. 

- Trường hợp phải đứng nghe tuyên án thì Luật sư phải cố gắng ghi nhớ nội dung bản án, nhất là phần quyết định có liên quan. Ngay sau khi kết thúc phiên toà có thể đề nghị xem biên bản phiên toà để kiểm tra lại nội dung mà mình ghi nhớ được.

- Trường hợp chủ toạ phiên toà cho phép ngồi nghe tuyên án thì Luật sư phải chú ý lắng nghe và ghi chép đầy đủ nội dung bán án. Cần ghi tóm tắt những nhận định của Hội đồng xét xử về hành vi phạm tội, vai trò của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng với bị cáo, đặc biệt là phần quyết định của bản án liên quan đến bị cáo.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.4 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng Luật sư: Tham gia phiên tòa sơ thẩm về bạo lực gia đình

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
3.43697 sec| 1128.031 kb