Kỹ năng xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu cá nhân

"Ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài tôn kính người hơn tuổi, cẩn thận giữ điều tín, gần gũi thân cận với người nhân đức, được như vậy mà còn dư sức thì học tập tri thức nữa".

Khổng Tử, người sáng lập Nho giáo, triết gia Trung Quốc

Kỹ năng xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu cá nhân

Nền tảng của hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân phải được xây dựng từ những giá trị riêng, những hình ảnh khác biệt của chính cá nhân đó, đảm bảo nguyên tắc nhất quán giữa con người đời thường và những gì cá nhân thể hiện mọi lúc mọi nơi. Cá nhân cần có được các giá trị cốt lõi và cách thức phù hợp để làm nổi bật các giá trị của mình, dần dần có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng để mọi người công nhận và nhắc đến.

Liên hệ

I- SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG HÌNH ẢNH, PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN CỦA LUẬT SƯ

Trong cuộc sống, làm thế nào để chúng ta có thể nhận diện được người này với người kia, tổ chức này với tổ chức kia mà không có sự nhầm lẫn khi mà trong xã hội luôn có rất nhiều cá nhân và tổ chức khác nhau. Trên thực tế, nhà nước sẽ thông qua hệ thống pháp luật để cá biệt hóa các cá nhân và tổ chức thông qua các tên gọi và cách thức khác nhau; như phân chia xã hội theo nhiều nhóm nghành nghề khác nhau (nghề kỹ sư và hiệp hội tư vấn xây dựng; nghề kiến trúc sư và hội kiến trúc sư; nghề Luật sư và Liên đoàn Luật sư…).

Đến lượt mình, các tổ chức và các cá nhân phải tự xây dựng cho mình một hình ảnh riêng biệt để có thể nhận diện chính mình và đồng thời để xã hội, người khác nhận diện được mình trong xã hội. Từ đó, các cá nhân có thể đảm nhận các công việc phù hợp với năng lực, sở trường và thậm chí “sở đoản” để từng bước vươn đến thành công, đóng góp cho bản thân, gia đình và xã hội. Quá trình xây dựng hình ảnh riêng biệt này được hiểu là quá trình xây dựng hình ảnh, thương hiệu của cá nhân. Như vậy, thương hiệu cá nhân “là tổng hợp tất cả những ấn tượng, niềm tin và tri giác của một cá nhân, hay còn gọi là nhân hiệu – Thương hiệu của một con người, một cá nhân”. Quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân có thể đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào tính cách, quan điểm, mục tiêu và giá trị sống của chính các cá nhân đó và cũng phải phù hợp với đặc điểm nghành nghề của mỗi cá nhân.

Một khi người hành nghề luật đã xác định được “đích đến” cụ thể trong hoạt động của mình thì mỗi người sẽ biết cách tự tìm những công cụ và phương tiện phù hợp nhất để xây dựng hình ảnh cá nhân. Từ hình ảnh cá nhân, người hành nghề luật lại tiếp tục lựa chọn, sàng lọc và có tham vọng theo đuổi những thành công trong nghề nghiệp, mở rộng sự ảnh hưởng và lan tỏa giá trị, bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân. Nếu so sánh với hình ảnh cá nhân, có thể nhận thấy sự khác biệt nhỏ nhưng không kém phần quan trọng giữa hình ảnh cá nhân và thương hiệu cá nhân. Đó là, mỗi cá nhân đều có hình ảnh cá nhân nhưng không phải tất cả cá nhân đều có thương hiệu cá nhân.

Trong bất kỳ xã hội nào, việc xây dựng hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân cần có thời gian, không phải là công việc “một sớm một chiều”. Trong thời đại công nghệ chưa phát triển, hành ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân muốn được lan truyền và lưu giữ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn so với thời đại kỷ nguyên số như hiện nay bởi vì công nghệ 4G, 5G sẽ làm “thế giới phẳng”, việc liên lạc, trao đổi thông tin giữa mọi người trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn, không phụ thuộc vào khoảng cách về địa lý, về không gian, thời gian. Do đó, hình ảnh cá nhân và thương hiệu cá nhân sẽ được lan truyền nhanh chóng hơn, cơ hội nghề nghiệp, cơ hội thành công của mỗi cá nhân cũng được gia tăng theo đó.

Đối với cá nhân, mỗi người có thể chọn nhiều ngành nghề khác nhau, có thể thay đổi hoặc cố định trong suốt cuộc đời. Đối với nghề luật, pháp luật thường không quy định cụ thể nghề luật có liên quan đến những nghề gì cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế, một người được gọi là người hành nghề luật nếu họ là Luật sư, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Trọng tài viên, Công chứng viên, Thừa phát lại, Giảng viên giảng dạy tại các trường có đào tạo chuyên ngành luật...

Mỗi cá nhân và lĩnh vực hành nghề luật cụ thể sẽ có cách thức khác nhau để xây dựng hình ảnh cá nhân và thương hiệu cả nhân. Như, một Luật sư sẽ có cách thức xây dựng hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân khác với Thẩm phán hoặc Điều tra viên, Kiểm sát viên. Nhìn chung, hình ảnh, thương hiệu cá nhân có thể được xây dựng và hoàn thiện thông qua hình thức bề ngoài và các giá trị cốt lõi bên trong của chính cá nhân đó. Trong đó, hình ảnh bên ngoài được thể hiện thông qua trang phục, diện mạo, lời nói, cử chỉ, giao tiếp và giá trị bên trong được thể hiện thông qua kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, khả năng xử lý công việc, các kỹ năng mềm, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp chuẩn mực.

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư doanh nghiệp) của Công ty Luật TNHH Everest

II- CÁC YẾU TỐ CẦN THIẾT TRONG XÂY DỰNG HÌNH ẢNH, THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN LUẬT SƯ

Nền tảng của hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân phải được xây dựng từ những giá trị riêng, những hình ảnh khác biệt của chính cá nhân đó, đảm bảo nguyên tắc nhất quán giữa con người đời thường và những gì cá nhân thể hiện mọi lúc mọi nơi.

Cá nhân cần có được các giá trị cốt lõi và cách thức phù hợp để làm nổi bật các giá trị của mình, dần dần có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng để mọi người công nhận và nhắc đến.

Nhìn chung, các yếu tố cần thiết để tạo dựng giá trị cốt lõi và lan tỏa giá trị nhằm xây dựng hình ảnh cá nhân và thương hiệu cá nhân bao gồm:

2.1- Năng lực, kinh nghiệm chuyên môn

Về hình thức, mỗi quốc gia có quy định khác nhau về các hình thức bằng cấp khác nhau để đánh giá nghề nghiệp chuyên môn. Ví dụ: bằng trung cấp, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, các chứng chỉ hành nghề... Về nội dung, năng lực chuyên môn được thể hiện thông qua nhiều tiêu chí khác nhau, có thể cao hoặc thấp hơn bằng cấp chuyên môn bởi vì cá nhân, tùy theo hoàn cảnh và tính cách, đã có sự rèn luyện và tích lũy cá nhân để hoàn thiện năng lực chuyên môn.

Để có năng lực chuyên môn, người hành nghề luật cần học tập và cập nhật kiến thức chuyên môn ngành nghề của mình qua việc tham gia các lớp học, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề. Trong xu thế hiện nay, mọi người cần trau dồi ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp để có thể tự mình nghiên cứu kiến thức chuyên môn và/hoặc trao đổi kiến thức chuyên môn với đồng nghiệp trong và ngoài nước. Khi năng lực ngoại ngữ được cải thiện, người hành nghề luật có thể tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mình để đi du học nước ngoài, tự túc hoặc học bổng, để học tập nâng cao trình độ và/hoặc tham gia các khóa học kỹ năng ngắn hạn. Đặc biệt, hiện nay, hợp tác quốc tế về giáo dục gia tăng, du học tại chỗ cũng dần trở nên phổ biến vì mọi người có thể tiết kiệm thời gian, chi phí cơ hội và cân bằng các mối quan hệ xã hội. Do đó, nâng cao năng lực chuyên môn từ các chương trình đào tạo liên kết cấp chứng chỉ quốc tế cũng là một cơ hội lớn rất đáng quan tâm.

Năng lực chuyên môn, kinh nghiệm làm việc thường tỷ lệ thuận với số năm kinh nghiệm và vị trí công việc mà người hành nghề luật từng đảm nhận. Bởi vì thông qua hai tiêu chí này mọi người có thể hình dung được những công việc mà người hành nghề luật đã, đang và sẽ xử lý. Đặc biệt, các tình huống thực tế ở các cơ quan, tổ chức mà người hành nghề luật phụ trách cũng là một kênh thông tin quan trọng để mọi người đánh giá mức độ “phức tạp” của các công việc mà người hành nghề luật đã đảm nhận và từ đó đánh giá năng lực, kinh nghiệm nghề nghiệp của họ. Một trường hợp khác là kinh nghiệm nghề nghiệp được bồi đắp từ sự tập trung, chuyên sâu trong một lĩnh vực. Một người hành nghề luật còn trẻ về cả tuổi đời và tuổi nghề nhưng toàn bộ thời gian từ khi bắt đầu hành nghề lại tập trung và có nhiều trải nghiệm về một lĩnh vực/loại việc pháp luật nên đã bồi đắp được kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực/loại việc pháp luật đó nhiều hơn những người khác.

2.2- Kỹ năng mềm

Ngành nghề có liên quan đến pháp luật đòi hỏi người làm nghề trau dồi, rèn luyện các kỹ năng mềm, bởi lẽ nghề luật sinh ra là để giải quyết những vấn đề khó khăn phát sinh trong xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến con người, góp phần giữ gìn sự ổn định cho xã hội. Những kỹ năng mềm đặc biệt cần thiết và góp phần cấu thành nên giá trị thương hiệu của cá nhân và tổ chức hành nghề luật là kỹ năng giao tiếp, ứng xử (phong thái, tác phong, cử chỉ, thái độ, hình thức...); kỹ năng trình bày, thuyết phục, phát hiện và giải quyết vấn đề (trước đám đông chẳng hạn): kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng quản lý công việc... Trong đó, kỹ năng giao tiếp giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, là kỹ năng bắt buộc được sử dụng liên tục khi hành nghề. Kỹ năng giao tiếp cũng là điều dễ khiến mọi người nhận thấy, đánh giá và ghi nhớ về một người ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Liên quan đến kỹ năng giao tiếp trong mối quan hệ với hình ảnh và thương hiệu cá nhân, ngoài những kỹ năng chung người hành nghề luật cần lưu ý một số vấn đề sau:

Hình thức bên ngoài:

- Trang phục

Người hành nghề luật hãy quan tâm đến trang phục và đặc biệt là đôi giày của mình. Để đánh giá một người có chỉn chu hay không, ngoài trang phục, đầu tóc, gương mặt - những vị trí luôn được chú ý trau chuốt cẩn thận - thông thường các chuyên gia hay tiền bối lão làng trong nghề thường tinh tế đánh giá con người thông qua đôi giày, bởi đôi giày nằm ở vị trí thấp nhất trên cơ thể và gần như bị lãng quên. Một đôi giày tây đen cho nam hay một đôi cao gót đen vừa phải cho nữ là một sự lựa chọn an toàn và hoàn hảo, nhưng hãy nhớ luôn giữ cho đôi giày của mình sạch sẽ và tươm tất.

Ngoài ra, người hành nghề luật cũng cần chú ý đến túi xách hoặc ba lô mang theo khi đi công việc. Những người mang ba lô hoặc túi xách quá to thường bị cho là quá ôm đồm công việc, không quản lý thời gian hiệu quả, phong thái có vẻ vội vã và lôi thôi. Thêm nữa, ba lô khiến hình thể của người hành nghề luật chúi về phía trước, lâu dần sẽ tạo dáng người khom lưng, mặt sẽ không nhìn thẳng, điều rất dễ để lại sự đánh giá người hành nghề luật là một người tính cách nóng vội bất cẩn và hay lo nghĩ nhiều. Một chiếc cặp da với khối lượng vừa đủ, dáng người đứng thẳng, mặt ngẩng cao thể hiện người chủ sở hữu là người chỉn chu, tự tin, sẵn sàng, quan tâm đến giá trị cốt lõi và thường được đánh giá là người có địa vị cao. Mặt khác, nếu mang bên mình một khối lượng hồ sơ lỉnh kỉnh, người hành nghề luật sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp và lóng ngóng khi tương tác với ngươi khác, từ đó có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội như khi cần bắt tay với đối tác trong lúc chào hỏi trước hoặc sau một cuộc đàm phán.

- Trang điểm phù hợp

Trong ngành luật, nữ giới chiếm số lượng không ít. Vì vậy, việc trang điểm như thế nào để tạo hiệu ứng tích cực được đặc biệt quan tâm, một người phụ nữ có trang điểm thường nhận về chỉ số niềm tin từ người khác cao hơn trong công việc.

Tuy nhiên, vì đặc thù của ngành luật đòi hỏi sự chỉn chu, nghiêm túc nên việc trang điểm cần nhẹ nhàng và vừa phải, trong đó hạn chế son đỏ và lối trang điểm quá đậm không phù hợp.

Phong thái:

Một gương mặt xinh đẹp hay một trang phục chỉn chu đôi khi không thể che giấu được một tinh thần uể oải sau một đêm thức khuya, một tâm trạng tồi tệ sau một thương vụ thất bại hay sự căng thẳng khi vừa mới từ Tòa án trở về. Pháp lý là một lĩnh vực đầy thách thức, đòi hỏi ở nhân sự theo đuổi có những tố chất mạnh mẽ, rèn luyện được tính nhẫn nại và học cách kiểm soát tốt mọi thứ, trong đó có sự kiểm soát cảm xúc và tâm trạng. Học cách kiểm soát cảm xúc không chỉ dừng ở việc giữ lại những cảm xúc tích cực tại một thời điểm nhất định, mà còn là việc học cách nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực, điều hòa và giải tỏa những trạng thái tiêu cực hằng ngày, luôn giữ sức khỏe và tâm trạng tốt cho những cơ hội và thử thách mới sau một ngày làm việc. Để có được điều đó, người hành nghề luật có thể lựa chọn các môn thể thao vừa sức khỏe của mình như: yoga, thiền, pilate[2], bơi lội, kiếm đạo hoặc võ thuật. Nhìn chung, các môn thể thao sẽ giúp người hành nghề luật giải tỏa căng thẳng trong công việc và tạo ra nhiều năng lượng tích cực giúp hành động đúng đắn hơn, đặc biệt trong bối cảnh nghề luật dễ khiến người hành nghề phải chịu đựng những căng thẳng, mệt mỏi trong suốt thời gian dài trước một núi hồ sơ, căng mắt trên màn hình máy tính hàng giờ đồng hồ.

2.3- Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp chuẩn mực

Nghề luật là nghề có ảnh hưởng lớn tới xã hội. Trong quá trình hành nghề, người hành nghề sẽ chịu sự ràng buộc của các quy định pháp luật và quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Việc tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và có ứng xử nghề nghiệp chuẩn mực có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì, nâng cao uy tín của người hành nghề luật. Đây là một trong những giá trị cốt lõi mà người hành nghề luật cần thường xuyên bồi đắp, rèn giũa cho mình.
Một người hành nghề luật có năng lực chuyên môn và giá trị đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực tự thân đã có một hình ảnh cá nhân tốt, một “thương hiệu cá nhân có giá trị” trước cộng đồng và khách hàng.

2.4- Khả năng sử dụng công nghệ thông tin để tạo dựng hồ sơ năng lực chuyên nghiệp

Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, một số nghành nghề phù hợp với việc xây dựng hồ sơ năng lực cá nhân thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Linkedin… Ví dụ: Thiết kế thời trang, quảng cáo, sản xuất phim ảnh, truyền hình… Bởi vì các nghề này cần sự tương tác xã hội, quảng bá, cơ hội tiếp xúc với càng nhiều người thì càng tăng khả năng thành công. Tuy nhiên, đối với một số nghề cần sự bảo mật thông tin cao như nghề luật… thì việc sử dụng công nghệ thông tin để xây dựng hình ảnh cá nhân hạn chế hơn rất nhiều. Do đó, những nội dung liên quan tới ứng dụng công nghệ, xây dựng và chuyển tải hồ sơ cá nhân dưới đây chủ yếu dành cho những người hành nghề luật cần chủ động tìm kiếm khách hàng dể cung cấp dịch vụ (ví dụ như Luật sư).

Mỗi cá nhân cần lựa chọn một phương pháp xây dựng hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, tránh xung đột với các quy tắc nghề nghiệp, phù hợp với năng lực, tính cách và “sở trường” của mình, thông qua công nghệ thông tin chuyền tải đến cộng đồng.

Có một số quan điểm cho rằng, cộng đồng mạng là đời sống ảo nhưng trong thực tế đời sống ảo có thể mang lại niềm vui thật và nỗi buồn thật. Do đó, mỗi cá nhân cần làm cho đời sống ảo lành mạnh ở một mức độ nhất định. Hay nói cách khác, người hành nghề luật có nhiều cách để chăm sóc và truyền “dưỡng chất” cho đời sống thật (vận động thể thao, luyện tập trí nhớ, hoàn thiện kỹ năng giao tiếp…) như thế nào thì cũng cần thực hiện một số biện pháp tương ứng để làm hồ sơ cá nhân trên mạng xã hội có sự linh hoạt, sống động và thú vị để tăng cường cơ hội giao lưu, quảng bá hình ảnh cá nhân và trên cơ sở đó, thành công trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân.

Cần lưu ý rằng, việc sử dụng công nghệ thông tin đòi hỏi người hành nghề luật phải am hiểu nhất định để có thể tạo lập, điều chỉnh, sửa đổi các thông tin cá nhân của mình trên mạng xã hội. Nếu người hành nghề luật tự nhận thấy bản thân không thể điều hành và vận hành hồ sơ cá nhân trên trang mạng xã hội thì lựa chọn thuê một đơn vị dịch vụ chuyên nghiệp để cập nhật thông tin, xử lý sự cố đề phòng trường hợp hồ sơ cá nhân bị lạm dụng cho các mục đích chính trị, tội phạm, xâm hại đến đời sống hằng ngày bình thưòng của mình và gia đình là một lựa chọn nên được cân nhắc.

Nhìn chung, hồ sơ cá nhân được sử dụng để xây dựng hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân, cho dù được đầu tư bóng bẩy và trau chuốt đến mức nào đi chăng nữa, thì người hành nghề luật cũng nên cung cấp thông tin chân thật và bảo mật trong phạm vi giới hạn cần thiết. Người hành nghề luật có thể sử dụng hồ sơ cá nhân cho nhiều mục đích như: tìm kiếm việc làm, tìm kiếm khách hàng, vì sở thích, mua bán thương mại điện tử... Tuy nhiên, người hành nghề luật cũng hết sức cẩn thận đối với sự chính xác của thông tin, bởi vì nếu cung cấp thông tin sai lệch có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý nhất định về trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính và/hoặc trách nhiệm hình sự.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

Nguồn tham khảo: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.1 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu cá nhân

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
4.14503 sec| 1147.813 kb