Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Thành công là một người thầy tồi tệ. Nó quyến rũ những người thông minh vào ý nghĩ rằng họ sẽ chẳng bao giờ thất bại"
.Bill Gates
Lựa chọn nghề nghiệp không chỉ đơn thuần là việc bạn tìm cho mình một công việc mà bạn yêu thích và có thể mang lại nguồn thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình, mà nó còn là tìm kiếm cho bạn một gia đình thứ hai bên cạnh gia đình thân yêu của bạn.
Bạn chỉ có vỏn vẹn 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày để làm tất cả mọi thứ, nếu trừ đi thời gian dành để ăn ngủ, nghỉ, thì phần lớn thời gian còn lại của bạn sẽ là dành cho công việc. Có thể nói, đôi khi thời gian mà bạn có mặt tại nơi làm việc còn nhiều hơn thời gian mà bạn ở nhà mỗi ngày. Vì thế, chọn đúng nghề nghiệp sẽ giúp bạn dễ dàng đạt được thành công trong nghề nghiệp đã chọn và ngược lại, nếu chọn sai, bạn sẽ tự đặt mình vào một tương lai không an toàn. Hơn thế nữa, bạn còn phải chịu đựng công việc mà bạn không yêu thích hoặc phải làm những thứ mà bạn thật sự không cảm thấy hứng thú trong phần lớn thời gian mà bạn có. Điều này ít nhiều sẽ làm bạn mất đi niềm vui trong công việc, mất đi ý chí phấn đấu và điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả những mặt còn lại trong cuộc sống của bạn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể trả lời được câu hỏi làm thế nào để chọn được cho mình một nghề nghiệp phù hợp, liệu rằng nghể luật sư có phải là nghề nghiệp mà bạn thật sự yêu thích và phù hợp với bạn hay không, nghề luật sư có giúp bạn đạt được những mong muốn mà bạn đã đặt ra cho chính mình hay không.
Nếu bạn muốn trúng tuyển đại học với chuyên ngành luật thì đầu tiên bạn phải thật sự thích thú, đam mê các môn học mà có ít nhiều liên quan đến chuyên ngành này cũng như bản thân bạn đã phấn đấu để có được kết quả học tập khá, giỏi ở các môn này. Việc này là cần thiết vì trước hết nó giúp bạn có thể vượt qua các môn thi bắt buộc ở kỳ thi tuyển sinh đầu vào của trường đại học, bổ trợ cho bạn trong các môn học pháp lý chuyên ngành ở trường đại học và ngay cả trong khoảng thời gian hành nghề luật sư của bạn sau này.
Cụ thể, trước hết là bạn phải có sức học khá, giỏi ở môn ngữ văn, tức là bạn phải có khả năng viết lách tốt vì phần lớn thời gian của bạn sẽ dành cho việc viết các nội dung phục vụ cho công việc hành nghề của mình, như: viết thư tư vấn cho khách hàng, viết thư trả lời cho luật sư bên đối nghịch với khách hàng trong các vụ tranh chấp, viết thư điện tử trao đổi qua lại với khách hàng, viết bản tự khai theo yêu cầu của tòa án, trọng tài, soạn thảo hợp đồng, thỏa thuận cho khách hàng, v.v.. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải có nền tảng ở môn toán vì đã là luật sư thì bạn chắc chắn sẽ va chạm vấn đề pháp lý mà cần đến tính toán, như tính thiệt hại và tiền bổi thường trong các vụ tranh chấp. Ngoài ra, bạn cũng cần phải có kiến thức về lịch sử, đặc biệt là lịch sử thế giới vì các hệ thống pháp luật từ xưa đến nay đều bắt nguồn từ sự hình thành của các Nhà nước khác nhau. Khi có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, bạn sẽ hiêu được lý do hình thành pháp luật của từng giai đoạn, nội dung cơ bản cua pháp luật phục vụ cho từng Nhà nước và sự tiến hóa của pháp luật theo thời gian dựa trên sự tiến hóa của nhân loại và phát triển của đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế. Hơn thế nữa, bạn cũng cần học giỏi môn giáo dục công dân vì môn này giúp bạn hiểu biết về những chuẩn mực đạo đức, pháp luật cơ bản cũng như giá trị và ý nghĩa của nó, giúp bạn có được những tri thức phổ thông cơ bản về đạo đức, kỹ năng sống, kinh tế, pháp luật; giúp bạn tự điều chỉnh và nhắc nhở, giúp đỡ bạn bè, người thân điều chỉnh thái độ, hành vi theo chuẩn mực đạo đức, pháp luật cũng như có trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường, xã hội, công việc và môi trường sống.
Ngoài ra, bạn cũng cần phải biết ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh vì trong thời đại kỹ thuật số và thế giới phẳng như hiện nay thì hầu như tất cả các mối quan hệ, giao dịch, kinh doanh trên thế giới đa phần đều sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Việc có nền tảng ngoại ngữ tốt đặc biệt là tiếng Anh pháp lý thì bạn sẽ có được ưu thế lớn trong hành nghề luật sư. Không dừng lại ở đó, các môn học khác, như lý, hóa, địa lý, cũng hỗ trợ bạn không nhỏ trong việc mở mang kiến thức khoa học phổ thông cho bạn, giúp bạn giải thích được những sự vật và hiện tượng có liên quan đối với những vấn đề pháp lý của khách hàng của bạn, cũng như làm sâu sắc thêm những ý kiến, nhận định, phân tích pháp lý của bạn đối với những vấn đề đó.
Hiện nay, tùy vào từng chuyên ngành nhỏ trong chuyên ngành luật chung mà các trường đại học luật hay các trường đại học khác mà có dạy chuyên ngành luật sẽ chọn ra 03 môn thi tuyển sinh đầu vào từ các môn học có liên quan đến ngành luật là toán, lý, hóa, văn, sử, địa, giáo dục công dân để phù hợp với từng chuyên ngành cụ thể. Ngoài ra, đối với những chuyên ngành có yếu tố hội nhập quốc tế ví dụ như luật kinh tế hay luật thương mại quốc tế thì sẽ có một môn ngoại ngữ (thường sẽ là tiếng Anh) trong 03 môn thi đầu vào đó. Khi muốn thi một chuyên ngành luật cụ thể của bất kỳ trường đại học nào, bạn cần tham khảo trang web của họ hoặc thông báo của họ tại trường về các môn thi đầu vào để bạn dành thời gian tập trung cho việc ôn tập các môn học đó.
Nếu bạn chọn nghề nghiệp cho mình không phải vì sự áp đặt của gia đình, họ hàng, hay xúi giục của bạn bè, không chạy theo phong trào, không chọn nghề vì danh tiếng, công việc dễ kiếm tiền, mà thật sự là vì đam mê và mong muốn theo đuổi ngành luật thì nên nhớ rằng học luật không nhất thiết sẽ trở thành luật sư. Bạn có thể có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp cho mình sau khi đã tốt nghiệp ngành luật.
Có người học ngành luật vì muốn làm việc trong ngành tư pháp ví dụ như thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm sát viên, công tố viên, chấp hành viên. Bên cạnh đó, cũng có người học ngành luật vì muốn trở thành công chức Nhà nước, giảng viên chuyên ngành Luật tại các trường đại học, cao đẳng, trợ giúp viên pháp lý, trọng tài viên của các trung tâm trọng tài thương mại, thừa phát lại, công chứng viên, quản tài viên, nhà báo, phóng viên chuyên về các mảng tin tức có liên quan đến lĩnh vực pháp luật, v.v...
Tuy vậy, tất cả những công việc nêu trên đều có một điểm chung là cho dù bạn chọn nghề nào cho mình đi chăng nữa, việc định hướng nghề nghiệp một cách rõ ràng và có sự chuẩn bị đầy đủ ngay khi bạn bắt đầu bước vào năm học đẩu tiên tại trường đại học luôn là yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ dẫn tới sự thành công trong nghề nghiệp của bạn sau này.
Nguồn: Sách "Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề Luật sư" của Luật sư Nguyễn Hữu Phước - Công ty Luật Phuoc & Partner.
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm