Ai là người đứng tên chủ tài khoản của doanh nghiệp?
Nội dung bài viết
- 1- Người đứng tên chủ tài khoản của doanh nghiệp
- 2- Về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Điều 13)
- 3- Về Chủ tịch Hội đồng thành viên và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng thành viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (khoản 1, khoản 2 Điều 57)
- 4- Lý do khách hàng lựa chọn dịch vụ của Công ty Luật TNHH Everest
- 5- Về mức thù lao luật sư của Công ty Luật TNHH Everest
1- Người đứng tên chủ tài khoản của doanh nghiệp
Chủ tài khoản của Công ty là người đại diện theo pháp luật. Trường hợp người đại diện theo pháp luật có ủy quyền thì người đại diện theo ủy quyền có thể đứng tên chủ tài khoản.
2- Về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Điều 13)
"1- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2- Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
3- Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
4- Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo khoản 3 Điều này mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây: (a) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp; (b) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
5- Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.
6- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.
7- Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án".
3- Về Chủ tịch Hội đồng thành viên và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng thành viên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (khoản 1, khoản 2 Điều 57)
"1- Hội đồng thành viên bầu một thành viên làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty.
2. Chủ tịch Hội đồng thành viên có các quyền và nghĩa vụ sau đây: (a) Chuẩn bị chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng thành viên; (b) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu họp Hội đồng thành viên hoặc để lấy ý kiến các thành viên; (c) Triệu tập và chủ trì cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên; (d) Giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng thành viên; (đ) Thay mặt Hội đồng thành viên ký các nghị quyết của Hội đồng thành viên; (e) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty".
- Giám đốc, Tổng giám đốc, nhiệm vụ quyền hạn của Giám đốc, Tổng giám đốc trong Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (khoản 1, khoản 2 Điều 64):
“1- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
2- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các quyền và nghĩa vụ sau đây: (a) Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng thành viên; (b) Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty; (c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty; (d) Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác; (đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên; (e) Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên; (g) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty; (h) Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên; (i) Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh; (k) Tuyển dụng lao động; (l) Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với công ty theo nghị quyết của Hội đồng thành viên”.
Trong thư, anh (chị) chưa nêu rõ, tại Công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên hay Giám đốc sẽ là người đại diện theo pháp luật của Công ty (hoặc cả hai). Luật Doanh nghiệp năm 2020 không có quy định trực tiếp (tại Điều 57, Điều 64) rằng, Chủ tịch Hội đồng thành viên hay Giám đốc, Tổng giám đốc là người đứng tên chủ tài khoản của công ty.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 (nêu trên) thì: người đại diện theo pháp luật sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, bao gồm việc đứng tên chủ tài khoản của Công ty. Trường hợp Công ty có nhiều hơn 01 (một) người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ của Công ty cần có quy định rõ về số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, trong đó cần phân định quyền hạn, người đứng tên chủ tài khoản.
Trường hợp người đại diện theo pháp luật có ủy quyền, người đại diện theo ủy quyền có thể đứng tên chủ tài khoản.
4- Lý do khách hàng lựa chọn dịch vụ của Công ty Luật TNHH Everest
Với đội ngũ luật sư, chuyên gia, chuyên viên pháp lý có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực: hành chính, hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân, gia đình, đầu tư, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ, tài chính, kế toán và nhiều lĩnh vực khác chúng tôi có thể hỗ trợ khách hàng xử lý những vụ việc phức tạp, trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Với mạng lưới chi nhánh tại Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An và hệ thống đối tác, đại lý tại nhiều địa phương, chúng tôi cung cấp dịch vụ pháp lý chất lượng tốt, thời gian nhanh, chi phí hợp lý.
Với việc áp dụng công nghệ và các gói dịch vụ pháp lý đa dạng, chúng tôi có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng có nhu cầu khác nhau.
5- Về mức thù lao luật sư của Công ty Luật TNHH Everest
Mức thù lao được tính dựa trên các căn cứ: (i) nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý; (ii) thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý; (iii) kinh nghiệm và uy tín của luật sư.
Thù lao của luật sư được tính theo phương thức cơ bản là thời gian làm việc của luật sư. Ngoài ra, thù lao của luật sư có thể tính theo phương thức: (i) vụ việc với mức thù lao trọn gói; (ii) vụ việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án; (iii) hợp đồng với thù lao cố định.
Quý Khách có thể gửi liên hệ trực tiếp với Công ty Luật TNHH Everest để được cung cấp Biểu phí dịch vụ.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm