Những nội dung cơ bản của Luật Luật sư

"Ở mặt tốt nhất, con người cao thượng nhất trong tất cả các loài động vật. Tách khỏi luật lệ và công lý, anh ta trở thành tồi tệ nhất".

- Aristotle, Triết gia Hy Lạp cổ đại.

Những nội dung cơ bản của Luật Luật sư

Luật Luật sư hợp nhất bởi Văn bản hợp nhất 03/VBHN-VPQH do Văn phòng Quốc hội ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2015: [1] Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2007, được sửa đổi, bổ sung bởi: [2] Luật số 20/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013; và: [3] Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016. 

Luật Luật sư gồm: 09 Chương, 94 Điều, quy định các nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hành nghề, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, quản lý luật sư và hành nghề luật sư, hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Liên hệ

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1- Phạm vi điều chỉnh:

Luật Luật sư quy định về nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hành nghề, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, quản lý luật sư và hành nghề luật sư, hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

2- Những quy định chung:

Luật sư: là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng).

Chức năng xã hội của Luật sư: hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Dịch vụ pháp lý của luật sư: [1] tham gia tố tụng, [2] tư vấn pháp luật, [3] đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng, và: [4] các dịch vụ pháp lý khác.

Nguyên tắc hành nghề luật sư: [1] Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. [2] Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. [3] Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan. [4] Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. [5] Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.

3- Các hành vi bị nghiêm cấm:

Nghiêm cấm Luật sư thực hiện các hành vi: (a) Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là vụ, việc); (b) Cố ý cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; xúi giục người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật; (c) Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; (d) Sách nhiễu, lừa dối khách hàng; (đ) Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; (e) Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức khác để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc; (g) Lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; (h) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; từ chối vụ, việc đã đảm nhận theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, của các cơ quan tiến hành tố tụng, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc theo quy định của pháp luật; (i) Có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng; (k) Tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi trái pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác.

Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân: có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.

II- QUY ĐỊNH VỀ LUẬT SƯ:

1- Tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề:

Tiêu chuẩn luật sư: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư (Điều 10).

Điều kiện hành nghề luật sư: Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.

2- Quy trình trở thành luật sư:

Bước 1 - Tham gia khóa đào tạo nghề luật sư: [1] Người có Bằng cử nhân luật được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư. [2] Thời gian đào tạo nghề luật sư là mười hai (12) tháng. Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư. Hiện nay, cơ sở đào tạo luật sư chỉ có ở Học viện tư pháp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Bước 2 - Tham gia tập sự hành nghề luật sư: Người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư được tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư. Thời gian tập sự hành nghề luật sư là  mười hai (12) tháng, trừ trường hợp được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Luật Luật sư. Người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự và được Đoàn luật sư cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư. 

Bước 3 - Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư: Người tập sự đã hoàn thành thời gian tập sự mười hai (12) tháng theo quy định của Luật Luật sư, được tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, lập danh sách những người đủ điều kiện tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam. Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Bước 4 - Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư: Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp kèm theo bản xác nhận người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có đủ tiêu chuẩn luật sư theo quy định của Luật Luật sư. Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh tính hợp pháp của hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp.

Bước 5 - Gia nhập Đoàn luật sư: Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền lựa chọn gia nhập một Đoàn luật sư để hành nghề luật sư. Người đã gia nhập Đoàn luật sư phải làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở. Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp kèm theo bản xác nhận người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có đủ tiêu chuẩn luật sư theo quy định của Luật Luật sư. Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh tính hợp pháp của hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp. Thời hạn cấp Thẻ luật sư không quá hai mươi (20) ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Đoàn luật sư. Thẻ luật sư có giá trị không thời hạn.

Luật luật sư còn có các quy định cụ thể về: Người được miễn đào tạo nghề luật sư; Người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư; Thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư; Cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư. 

Lưu ý: một cử nhân luật muốn trở thành luật sư trải qua quy trình 05 bước (nêu trên) mất khoảng thời gian tối thiểu ba (03) năm. Đặc biệt là, đối với quy trình kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư  ngày càng sàng lọc khắt khe. Người tập sự đã hoàn thành thời gian tập sự có thể phải tham dự nhiều lần kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư mới đạt yêu cầu.

3- Quyền và Nghĩa vụ của luật sư:

Luật sư có các quyền: (a) Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề luật sư theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan; (b) Đại diện cho khách hàng theo quy định của pháp luật; (c) Hành nghề luật sư, lựa chọn hình thức hành nghề luật sư và hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này; (d) Hành nghề luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam; (đ) Hành nghề luật sư ở nước ngoài; (e) Các quyền khác theo quy định của Luật Luật sư.

Luật sư có các nghĩa vụ: (a) Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư quy định tại Điều 5 của Luật này; (b) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, tôn trọng người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề; (c) Tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu; (d) Thực hiện trợ giúp pháp lý; (đ) Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ; (e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Luật sư.

III- QUY ĐỊNH VỀ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ:

1- Phạm vi hành nghề luật sư:

Tham gia tố tụng: [1] với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. [2] Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.

Thực hiện tư vấn pháp luật: Là việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ. Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật trong tất cả các lĩnh vực pháp luật.

Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng: để giải quyết các công việc có liên quan đến việc mà luật sư đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức nơi luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động. 

Thực hiện dịch vụ pháp lý khác: bao gồm giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.

Hoạt động trợ giúp pháp lý: Ngoài bốn (04) nhóm dịch vụ nêu trên, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lýtheo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, luật sư phải tận tâm với người được trợ giúp như đối với khách hàng trong những vụ, việc có thù lao. 

2- Tổ chức hành nghề luật sư:

Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm: (a) Văn phòng luật sư; (b) Công ty luật.

Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư: (a) Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai (02) năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật Luật sư. (b) Tổ chức hành nghề luật sư phải có trụ sở làm việc.

Văn phòng luật sư: Do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Trưởng văn phòng là người đại diện theo pháp luật của văn phòng.

Công ty luật: Bao gồm công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Thành viên của công ty luật phải là luật sư.

Công ty luật hợp danh: Do ít nhất hai luật sư thành lập. Công ty luật hợp danh không có thành viên góp vốn.

Công ty luật trách nhiệm hữu hạn: bao gồm [1] Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, và: [2] Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do ít nhất hai luật sư thành lập. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một luật sư thành lập và làm chủ sở hữu. 

Giám đốc công ty luật: Các thành viên công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thỏa thuận cử một thành viên làm Giám đốc công ty. Luật sư làm chủ sở hữu công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên là Giám đốc công ty.

Tên của công ty luật: Tên của công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do chủ sở hữu lựa chọn và theo quy định của Luật doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ "công ty luật hợp danh” hoặc “công ty luật trách nhiệm hữu hạn”.

Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư: Được thành lập ở trong hoặc ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của tổ chức hành nghề luật sư, hoạt động theo sự ủy quyền của tổ chức hành nghề luật sư phù hợp với lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hoạt động.

Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư: được thành lập trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động.

3- Quyền của tổ chức hành nghề luật sư: 

Tổ chức hành nghề luật sư có các quyền: [1] Thực hiện dịch vụ pháp lý. [2] Nhận thù lao từ khách hàng. [3] Thuê luật sư Việt Nam, luật sư nước ngoài và nhân viên làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư. [4] Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tư vấn, giải quyết các vụ việc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi được yêu cầu. [5] Hợp tác với tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. [6] Thành lập chi nhánh, văn phòng giao dịch trong nước. [7] Đặt cơ sở hành nghề ở nước ngoài. [8] Các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. 

4- Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư: 

Tổ chức hành nghề luật sư có các nghĩa vụ: [1] Hoạt động theo đúng lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hoạt động. [2] Thực hiện đúng những nội dung đã giao kết với khách hàng. [3] Cử luật sư của tổ chức mình tham gia tố tụng theo phân công của Đoàn luật sư. [4] Tạo điều kiện cho luật sư của tổ chức mình thực hiện trợ giúp pháp lý và tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cho luật sư. [5] Bồi thường thiệt hại do lỗi mà luật sư của tổ chức mình gây ra cho khách hàng. [6] Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. [7] Chấp hành quy định của Luật này và pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê. [8] Chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc báo cáo, kiểm tra, thanh tra. [9] Nhận người tập sự hành nghề luật sư và cử luật sư có đủ điều kiện hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người tập sự được tập sự, giám sát quá trình tập sự của người tập sự hành nghề luật sư. [10] Thực hiện việc quản lý và bảo đảm cho luật sư của tổ chức mình tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. [11] Thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tổ chức và hoạt động của tổ chức mình theo quy định của pháp luật. [12] ác nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

5- Các quy định khác về tổ chức hành nghề luật sư:

Bao gồm: Đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; Cung cấp thông tin về nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; Công bố nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; Đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài; Cử luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý ở nước ngoài; Hợp nhất, sáp nhập và chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề luật sư; Tạm ngừng hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; Chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; Chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư.

6- Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân:

Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân: Luật sư làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức không phải là tổ chức hành nghề luật sư. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên.

Đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân: Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà luật sư đó là thành viên. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân phải có Đơn đề nghị đăng ký hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành, kèm theo hồ sơ gửi Sở Tư pháp. 

Quyền, nghĩa vụ của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động: Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động được thực hiện dịch vụ pháp lý theo nội dung hợp đồng lao động đã giao kết với cơ quan, tổ chức. 

IV- THÙ LAO VÀ CHI PHÍ CỦA LUẬT SƯ:

1- Thù lao luật sư:

Khách hàng phải trả thù lao khi sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư. Việc nhận thù lao được thực hiện theo quy định của Luật Luật sư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2- Căn cứ và phương thức tính thù lao:

Mức thù lao được tính dựa trên các căn cứ: (a) Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý; (b) Thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý; (c) Kinh nghiệm và uy tín của luật sư.

Thù lao được tính theo các phương thức: (a) Giờ làm việc của luật sư; (b) Vụ, việc với mức thù lao trọn gói; (c) Vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án; (d) Hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định.

3- Thù lao, chi phí theo hợp đồng dịch vụ pháp lý:

Mức thù lao được thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Đối với vụ án hình sự mà luật sư tham gia tố tụng thì mức thù lao không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định. Tiền tàu xe, lưu trú và các chi phí hợp lý khác cho việc thực hiện dịch vụ pháp lý do các bên thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được nhận thù lao và được thanh toán chi phí theo quy định của Chính phủ.

4- Tiền lương của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân:

Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng lao động được nhận tiền lương theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Việc thỏa thuận, chi trả tiền lương được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

5- Những quy định khác:

Việc giải quyết tranh chấp có liên quan đến thù lao và chi phí của luật sư được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Việc giải quyết tranh chấp về tiền lương của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

V- MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC CỦA LUẬT LUẬT SƯ:

1- Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư: 

Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư: Là Đoàn Luật sư ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư được thành lập để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luật sư, giám sát việc tuân theo pháp luật, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, thực hiện quản lý hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư.

Đoàn luật sư: Đoàn luật sư là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức và hoạt động theo Luật này và Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Đoàn luật sư có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải bằng nguồn thu từ phí thành viên, các khoản đóng góp của thành viên và các nguồn thu hợp pháp khác.

Liên đoàn luật sư Việt Nam: Liên đoàn luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong phạm vi cả nước, đại diện cho luật sư, các Đoàn luật sư, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản, hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải bằng nguồn thu từ phí thành viên, các khoản đóng góp của thành viên và nguồn thu hợp pháp khác.

2- Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam:

Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đã được thành lập và đang hành nghề luật sư hợp pháp tại nước ngoài được phép hành nghề tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.

3- Quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư:

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư. 

Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.

Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương. Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương.

Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thực hiện tự quản luật sư và hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư và Điều lệ của mình.

4- Xử lý kỷ luật đối với luật sư:

Luật sư vi phạm quy định của Luật Luật sư, Điều lệ, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và quy định khác của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật: (a) Khiển trách; (b) Cảnh cáo; (c) Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai mươi bốn tháng; (d) Xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư. 

Luật sư có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư đối với mình.

Cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

5- Giải quyết tranh chấp:

Trong trường hợp giữa khách hàng và luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có tranh chấp liên quan đến hoạt động hành nghề luật sư thì Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm hòa giải tranh chấp đó.

6- Xử lý vi phạm đối với luật sư:

Luật sư Việt Nam vi phạm quy định của Luật Luật sư, ngoài việc bị xử lý kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

7- Một số quy định khác cần lưu ý: 

Xử lý vi phạm đối với tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam (Điều 90); Xử lý vi phạm đối với các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư (Điều 91); Xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư bất hợp pháp (Điều 92).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.8 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Những nội dung cơ bản của Luật Luật sư

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.40073 sec| 1187.992 kb