Phân biệt cầm cố tài sản và thế chấp tài sản
1- Cầm cố tài sản
(i) Định nghĩa
Theo quy định tại Điều 309 Bộ luật dân sự năm 2015, cầm cố tài sản được hiểu là việc một bên (bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
(ii) Tài sản cầm cố và hiệu lực của cầm cố tài sản
Tài sản cầm cố thường là “động sản” (tài sản di chuyển được) và các giấy tờ có giá như trái phiếu, cổ phiếu. Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật quy định khác; cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.
Bên cạnh đó bất động sản cũng có thể là đối tượng của cầm cố theo quy định của pháp luật và thời điểm có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba là kể từ thời điểm đăng ký bất động sản cầm cố.
(iii) Về việc sử dụng tài sản
Sau khi bên cầm cố đã giao tài sản cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì bên cầm cố sẽ không thể dùng tài sản cầm cố trong khoảng thời gian đó (trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác).
Ví dụ: Bên A (bên cầm cố) giao tài sản cầm cố là chiếc xe máy cho bên B (bên nhận cầm cố) để vay bên B một số tiền trong 03 tháng. Khi hợp đồng cầm cố có hiệu lực, bên A sẽ không thể dùng được chiếc xe máy trong vòng 3 tháng đó, khi nào bên A hoàn thành nghĩa vụ trả đủ tiền cho bên B thì mới có thể lấy lại tài sản bỏa đảm chiếc xe máy của mình (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự của Công ty Luật TNHH Everest
2- Thế chấp tài sản
(i) Định nghĩa
Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật dân sự 2015, thế chấp tài sản là việc một bên (bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ (Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp).
(ii) Tài sản thế chấp và hiệu lực của thế chấp tài sản
Theo quy định tại Điều 318 Bộ luật dân sự 2015, tài sản thế chấp thường là bất động sản (tài sản không dịch chuyển được) như quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc động sản có giá trị lơn như là tàu bay, tàu biển… Ngoài ra có thể dùng quyền tài sản làm đối tượng của thế chấp.
Hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết (trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác). Thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba kể từ thời điểm đăng ký thế chấp.
(iii) Về việc sử dụng tài sản
Theo quy định tại Điều 320 và Điều 321 Bộ luật dân sự 2015, bên thế chấp vẫn giữ quyền chiếm hữu và sử dụng tài sản thế chấp (trong thời hạn thế chấp bên thế chấp không được định đoạt tài sản thế chấp). Tuy nhiên việc sử dụng tài sản không được làm giảm giá trị tài sản thế chấp.
Ví dụ: Bên A thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của mình cho Ngân hàng B (nói ngắn gọn là nhà đất thuộc quyền sử dụng và sở hữu của bên A). Trong thời hạn thế chấp ngôi nhà với Ngân hàng B, bên A vẫn có quyền sử dụng và chiếm hữu ngôi nhà đó nhưng không thể thực hiện việc chuyển nhượng hay tặng cho… ngôi nhà cho bên thứ ba. Khi nào thực hiện xong nghĩa vụ với ngân hàng thì bên A mới có thể lấy lại được tài sản thế chấp là ngôi nhà của mình.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự của Công ty Luật TNHH Everest
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Phân biệt cầm cố tài sản và thế chấp tài sản được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Phân biệt cầm cố tài sản và thế chấp tài sản có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.


TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm