Pháp nhân thương mại phạm tội - Đặc điểm chung

"Con người trở nên tự do khi anh ta nhận ra mình bị luật lệ ràng buộc"

- Will Durant

Pháp nhân thương mại phạm tội - Đặc điểm chung

Bộ luật hình sự năm 2015 đã chính thức quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, đánh dấu bước phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam, phù hợp với xu thế chung của pháp luật hình sự trên thế giới, đồng thời đáp ứng yêu cầu phòng và đấu tranh chống tội phạm ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Qua các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 cho thấy: phạm vi pháp nhân phài chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại; pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi có những điều kiện nhất định; pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong phạm vi những tội phạm nhất định; trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Liên hệ

1- Quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự năm 2015

BLHS năm 2015 đã chính thức quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, đánh dấu bước phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam, phù hợp với xu thế chung của pháp luật hình sự trên thế giới, đồng thời đáp ứng yêu cầu phòng và đấu tranh chống tội phạm ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân (tổ chức) đã được quy định từ lâu trong luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới và cho đến nay đã có hơn 100 quốc gia quy định chế định này. Tuy nhiên, do có sự khác nhau trong cách tiếp cận về cơ sở lý luận và sự khác nhau về hệ thống pháp luật, về các điều kiện chính trị - kinh tế - xã hội nên chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân (tổ chức) trong luật hình sự ở mỗi quốc gia có sự khác nhau về nội dung cũng như kỹ thuật lập pháp. Trên cơ sở học tập, tiếp thu kinh nghiệm của nhiều quốc gia và trên cơ sở các điều kiện của Việt Nam, chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong BLHS năm 2015 được quy định dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn lập pháp có tính chất tiến bộ và phố biến trên thế giới, đồng thời có những đặc điểm riêng biệt.

Trong BLHS năm 2015, những vấn đề chung nhất về trách nhiệm hình sự của pháp nhân được quy định trong một số điều luật ở phần chung, đồng thời những nội dung cụ thể có tính đặc thù được quy định ở Chương XI, từ Điều 74 đến Điều 89. Qua các quy định của BLHS năm 2015 cho thấy: phạm vi pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại; pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi có những điều kiện nhất định; pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong phạm vi những tội phạm nhất định; trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Các hình phạt áp dụng cho pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 33 và được cụ thể tại Điều 77, Điều 78 và Điều 79; trong đó bao gồm các hình phạt chính và các hình phạt bổ sung. Hình phạt chính gồm: phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; các hình phạt bổ sung gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và phạt tiền, nếu không được áp dụng là hình phạt chính. Ngoài các hình phạt được quy định nêu trên, BLHS năm 2015 còn quy định các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại tại các Điều 47, Điều 48 và khoản 1 Điều 82 và một số biện pháp khác buộc pháp nhân thương mại phải thực hiện nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tội phạm tại khoản 2 Điều 82.

Mặc dù, chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đã được BLHS năm 2015 chính thức quy định nhưng có một vấn đề rất quan trọng đặt ra, cần phải có sự nhận thức đúng đắn và thống nhất - đó là về bản chất việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Đây là vấn đề không chỉ có ý nghĩa đế xác định về nội dung và kỹ thuật lập pháp chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại khi quy định trong BLHS, mà còn liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, đặc biệt là trong việc xác định các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án pháp nhân thương mại phạm tội.

Có nhiều quan điểm khác nhau về bản chất việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân (tổ chức) nhưng quan điểm phổ biến nhất và được thế hiện trong pháp luật hình sự của nhiều quốc gia là: trách nhiệm hình sự của pháp nhân (tổ chức) là trách nhiệm được quy kết từ hành vi phạm tội của cá nhân, khi giữa cá nhân và pháp nhân (tổ chức) có mối quan hệ pháp lý ràng buộc và hành vi phạm tội thỏa mãn những điều kiện nhất định. Nói một cách khác, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân (tổ chức) thực chất chỉ là mở rộng phạm vi chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự; tội phạm vẫn chỉ do cá nhân thực hiện nhưng có hai chủ thể cùng chịu trách nhiệm hình sự là cá nhân và pháp nhân (tổ chức). Trong BLHS năm 2015, tuy có một số quy định thể hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tội phạm do cá nhân hoặc pháp nhân thương mại thực hiện, nhưng xuyên suốt qua tất cả các quy định vẫn cho thấy chỉ có một loại tội phạm duy nhất do cá nhân là người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, nhưng có hai chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự là cá nhân và pháp nhân thương mại. Chính vì vậy mà trong các điều luật của BLHS năm 2015 quy định những nội dung nhằm cụ thể hóa khái niệm tội phạm như quy định về lỗi (Điều 10, Điều 11), về chuẩn bị phạm tội (Điều 14), phạm tội chưa đạt (Điều 15), tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 16), đồng phạm (Điều 17) ... chi đề cập đến chủ thể là cá nhân mà không đề cập đến chủ thể là pháp nhân thương mại. Trong cấu thành cơ bản của các tội phạm cụ thể cũng chỉ quy định chủ thể của tội phạm là cá nhân, pháp nhân chỉ là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, mặc dù trong BLHS quy định “pháp nhân thương mại phạm tội ” nhưng cần phải hiểu rằng tội phạm là do cá nhân thực hiện nhưng pháp nhân thương mại bị quy kết là phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này có ý nghĩa thực tiễn vô cùng quan trọng, cho phép việc chứng minh các vấn đề của tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự có thể dựa trên cơ sở hành vi phạm tội của cá nhân.

2- Những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án pháp nhân thương mại phạm tội

Những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 85 của BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, đối với mỗi loại vụ án hoặc mỗi vụ án còn có những vấn đề cần phải chứng minh có tính chất đặc thù, bên cạnh những vấn đề chung. Những vấn đề cần chứng minh trong vụ án pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 441 của BLTTHS năm 2015.

Tuy nhiên, như đã nêu ở phần trên, trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là được quy kết từ hành vi phạm tội của cá nhân; vì vậy, những vấn đề của tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự được xác định thông qua hành vi phạm tội của cá nhân. Cho nên, những vấn đề cần phải chứng minh quy định tại Điều 441 như: có hay không có hành vi phạm tội xảy ra, thời gian, địa điểm, lỗi, tính chất và mức độ thiệt hại... thực chất là những vấn đề cần phải chứng minh đối với hành vi phạm tội của cá nhân, từ đó dùng để quy kết trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Những vấn đề thực sự có tính chất đặc thù cần phải chứng minh đối với pháp nhân thương mại phạm tội nằm trong quy định: “những tình tiết khác của hành vi phạm tội thuộc trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của BLHS” (khoản 1 Điều 441).

Những tình tiết khác trong quy định nêu trên là các quy định về: phạm vi pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 2); điều kiện phải chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại (Điều 75); phạm vi pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 76).

Về phạm vi pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự

Điều 2 BLHS năm 2015 quy định “2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, giới hạn phạm vi pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại. Do vậy, vấn đề đầu tiên cần phải xác định là pháp nhân bị quy kết phải chịu trách nhiệm hình sự có phải là pháp nhân thương mại hay không. Để chứng minh vấn đề này cần phải dựa vào quy định của BLDS. Theo Điều 75 BLDS năm 2015 thì: “ 1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. 2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác...".

Về điều kiện phải chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong những điều kiện nhất định, được quy định tại Điều 75 của BLHS năm 2015. Theo đó thì có 04 điều kiện pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự.

(i) Điều kiện thứ nhất, đòi hỏi hành vi phạm tội phải nhân danh pháp nhân. Đó là hành vi của những người đại diện, lãnh đạo, điều hành pháp nhân hoặc được pháp nhân ủy quyền. Hành vi không nhân danh pháp nhân mà chỉ mang danh nghĩa cá nhân thì pháp nhân thương mại không phải chịu trách nhiệm hình sự;

(ii) Điều kiện thứ hai, đòi hỏi hành vi phạm tội phải được thực hiện vi lợi ích của pháp nhân thương mại. Như vậy, mục đích của hành vi phạm tội là phải đem lại lợi ích chung cho pháp nhân thương mại, có thể là lợi ích vật chất hoặc tinh thần. Hành vi được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại nhưng chỉ nhằm mục đích đem lại lợi ích cho cá nhân thì chỉ cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự;

(iii) Điều kiện thứ ba, đòi hỏi hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Điều đó có nghĩa, mặc dù nhận thức được hành vi do mình chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận cho người khác thực hiện là hành vi phạm tội nhưng pháp nhân thương mại vẫn chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận. Tất nhiên, sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại được thực hiện thông qua hành vi của người có những thẩm quyền này của pháp nhân thương mại;

(iv) Điều kiện thứ tư, đòi hỏi hành vi phạm tội chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều cần lưu ý là: pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi chứng minh được hành vi phạm tội có đầy đủ đồng thời cả 04 điều kiện nêu trên.

Về phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 76 của BLHS năm 2015. Đó là các tội phạm xảy trong lĩnh vực kinh tế, môi trường và an ninh kinh tế. Đây là các tội phạm có tính đặc thù, phù hợp trách nhiệm hình sự của pháp nhân, cũng là những tội phạm xảy ra phổ biến ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Như vậy, để có thể buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự thì phải xác định tội phạm mà pháp nhân thương mại bị cáo buộc là một trong những tội phạm được quy định tại Điều 76 của BLHS năm 2015. Đây là vấn đề rất quan trọng trong thực tiễn tố tụng, đòi hỏi việc xác định tội danh cần phải chính xác ngay từ khi tiến hành khởi tố vụ án, nếu không sẽ gây ra hậu quả là làm oan, sai cho pháp nhân thương mại.

3- Về thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội được xác định là thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự, được quy định tại Chương XXIX của BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, mặc dù được quy định là thú tục đặc biệt nhưng cần phải hiểu rằng, thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại không phải là hoàn toàn riêng biệt với thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân. Điều 431 ở Chương XXIX của BLTTHS năm 2015 quy định: “Thủ tục tố tụng đối với pháp nhân bị tố giác, bảo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tổ, bị điều tra, truy tổ, xét xử, thi hành án được tiến hành theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này".

Qua các quy định của BLTTHS năm 2015 cho thấy, về cơ bản thì trình tự và thủ tục khởi tố, điều tra, truy tô, xét xử đối với các vụ án pháp nhân thương mại phạm tội được thực hiện như đối với các vụ án cá nhân phạm tội. Bên cạnh đó, có một số thủ tục có tính chất đặc thù sau:

Về người đại diện cho pháp nhân thương mại để tham gia tố tụng

Cũng giống như cá nhân, khi có đủ căn cứ xác định pháp nhân đã thực hiện hành vi phạm tội mà BLHS quy định là tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố đối với pháp nhân. Như vậy, khi có quyết định khởi tố của cơ quan có thẩm quyền thì pháp nhân thương mại trở thành bị can. Tuy nhiên, khác với bị can là cá nhân, do tính chất đặc thù nên "bị can" là pháp nhân thương mại không thể trực tiếp tham gia các hoạt động tố tụng mà phải thông qua cá nhân, là người có thẩm quyền đại diện cho pháp nhân. Điều 434 BLTTHS năm 2015 quy định: "Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân”. Điều luật này cũng quy định trường hợp người đại diện theo pháp luật không thể tham gia tố tụng thì pháp nhân phải cử người khác làm đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng; trường hợp tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là người đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.

Như vậy, cơ quan và người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng - trong đó có Luật sư với tư cách là người bào chữa hoặc bảo vệ - trong quá trình tiến hành hoặc tham gia giải quyết vụ án đều phải hết sức chú ý xác định tư cách của người đại diện cho pháp nhân thương mại. Về nguyên tắc thì việc xác định tư cách của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân dựa trên cơ sở quy định của BLDS, Luật doanh nghiệp; tuy nhiên, trên thực tế cần phải xác định cụ thể theo từng trường hợp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp của nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài, vì có thể có sự khác biệt trong vấn đề này giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật của các quốc gia khác.

Về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân cũng chính là quyền và nghĩa vụ của pháp nhân thương mại trong tố tụng hình sự, được quy định tại Điều 435 của BLTTHS năm 2015. Với tư cách là người bào chữa cho pháp nhân thương mại phạm tội, Luật sư cần phải nắm vững các quy định này để thực hiện tốt việc bào chữa cho pháp nhân thương mại

Về các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân

Các biện pháp cưỡng chế được áp dụng đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 436 của BLTTHS năm 2015, bao gồm các biện pháp: Kê biên tài sản của pháp nhân thương mại; Phong tỏa tài khoản của pháp nhân thương mại; Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân thương mại; Buộc nộp một khoản tiền để đảm bảo thi hành án. Mặc dù chì được áp dụng những biện pháp này đổi với những tài sản, tài khoản, hoạt động có liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại nhưng chắc chắn sẽ tác động tới toàn bộ các hoạt động của pháp nhân, trong đó có lợi ích của những người lao động.

Tổng hợp từ Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự (Phần đào tạo tự chọn) - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.8 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Pháp nhân thương mại phạm tội - Đặc điểm chung

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.28863 sec| 1140.836 kb