Quan hệ pháp luật cha mẹ và con từ việc sinh bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản

15/02/2023
Nhiều vợ chồng có nhu cầu sinh con nhưng chưa thể thực hiện được vì lí do sức khỏe phải nhờ đến sự tiến bộ của y học. Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm đã giúp các cặp vợ, chồng có cơ hội có con, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho họ. Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được thực hiện dựa trên sự hướng dẫn về chuyên môn của các cơ quan có thẩm quyền và phù hợp với quy định của pháp luật cũng như xác định quan hệ pháp luật khi cha mẹ cho con sinh ra

1-Khái niệm sinh con bằng kĩ thuật sinh sản

Theo quy định tại Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (Nghị định số 10/2015/NĐ-CP) thì việc thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Theo Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học (Nghị định số 12/2003/NĐ-CP) thì “Sinh con theo phương pháp khoa học là việc sinh con được thực hiện bằng các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm ” (khoản 1 Điều 3). Nghị định số 10/2015/NĐ-CP còn quy định về việc mang thai hộ. Bản chất của việc mang thai hộ dựa trên cơ sở kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, mà cụ thể là kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Thụ tinh nhân tạo “là thủ thuật bơm tinh trùng của chồng hoặc của người cho tinh trùng vào tử cung của người phụ nữ có nhu cầu sinh con để tạo phôi” (khoản 2 Điều 3 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP). Thụ tinh trong ống nghiệm “là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi”(khoản 1 Điều 2 Nghị định số 10/2015/ND-CP). Có thể hiểu kĩ thuật hỗ trợ sinh sản (Assisted Reproductive Techniques - ART) bao gồm tất cả các phương pháp chữa trị chứng vô sinh trong đó cả trứng lẫn tinh trùng đều được sử dụng. Nói chung ART là công tác phẫu thuật lấy trứng từ buồng trứng của một người nữ, kết họp với tinh trùng của một người nam, sau đó đem trở vào tử cung của người nữ đó hay tử cung của một người nữ khác.
Những phương pháp giúp có thai đơn thuần hơn như bơm tinh trùng vào tử cung (không trực tiếp tác động đến trứng) và kích thích tạo trứng (không trực tiếp lấy tinh trùng) không được xếp vào lĩnh vực của ART. Tuy nhiên, cấy tinh trùng vào tử cung là phương pháp hỗ trợ sinh sản khá đơn giản, tốn ít thời gian và chi phí. Như vậy, sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản được hiểu là việc bằng các thủ thuật y học tác động đến trứng để lấy trứng từ buồng trứng kết hợp với tinh trùng và đưa vào trong ống nghiệm tạo thành phôi thai để sinh con.

 

2- Nguyên tắc áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản

Việc sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
- Việc sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản được thực hiện đối với cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân có yêu cầu thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản trên cơ sở tự nguyện. Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP thì “vô sinh là tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống có quan hệ tình dục trung bình 2-3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không có thai, phụ nữ độc thân là người đang không có chồng, không có quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản được thực hiện khi có đơn tự nguyện yêu cầu của đương sự. Sự tự nguyện yêu cầu thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản gắn liền với việc các đương sự nhận thức rõ những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và chấp nhận những hậu quả đó. Mặt khác, sự tự nguyện yêu cầu thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản phải dựa trên cơ sở chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nếu vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ độc thân muốn thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản nhưng điều kiện sức khỏe không cho phép, bác sĩ chuyên khoa không có chỉ định thì cũng không thể thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.Đảm bảo nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận tinh trùng, giữa người cho và nhận phôi, “tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yểu tố chủng tộc” (khoản 4 Điều 3 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP). Việc cho tinh trùng, cho phôi xuất phát trên cơ sở tự nguyện, không vì mục đích kinh tế cũng như nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con, do đó nguyên tắc vô danh tạo điều kiện cho cả bên cho và bên nhận không bị ràng buộc đối với nhau, giảm thiểu các tranh chấp phát sinh có thể xảy ra xung quanh việc đứa trẻ ra đời. Nguyên tắc vô danh đòi hỏi các bên không được tìm hiểu về tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh, các thông tin về nhau. Tuy nhiên, những yếu tố liên quan tới gen di truyền có ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa bệnh cho trẻ trong những trường họp trẻ được sinh ra từ kĩ thuật hỗ trợ sinh sản. Do đó, trong chừng mực nhất định, việc lưu giữ những đặc điểm sinh học của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc có ý nghĩa quan trọng. Các cơ sở y tế có thẩm quyền thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh của người cho tinh trùng, cho phôi.
Pháp luật tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của các bên có liên quan trong việc thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Việc thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải tuân theo quy trình kĩ thuật, quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Chỉ những cơ sở y tế có đủ điều kiện, được Bộ Y tế công nhận mới được thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

3- Điều kiện để thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Để sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, mà cụ thể là kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, các bên có liên quan như người cho tinh trùng, người cho noãn, người cho phôi, người nhận tinh trùng, người nhận noãn, người nhận phôi phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP. Theo đó, các điều kiện cần thiết đối với người cho và người nhận như sau:
Điều kiện đối với người cho tinh trùng, cho noãn:
Người cho tinh trùng, cho noãn phải được khám và làm các xét nghiệm để xác định: không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau; không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; không bị nhiễm HIV. Các điều kiện này nhằm đảm bảo sức khỏe về thể chất, tâm thần của đứa trẻ được sinh ra. Các cơ sở y tế được phép thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải tiến hành việc khám và làm các xét nghiệm cần thiết một cách kĩ càng, có trách nhiệm và chỉ tiếp nhận tinh trùng, noãn của người cho để sử dụng cho người khác khi tinh trùng, noãn đó đảm bảo chất lượng để thụ thai cũng như không mang gen di truyền bệnh. Điều này đòi hỏi trách nhiệm cao của các bác sĩ chuyên khoa, của các cơ sở y tế.
Tự nguyện cho tinh trùng, cho noãn và chỉ cho tại một cơ sở khám, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Việc quy định người cho chỉ được cho tại một cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhằm đảm bảo việc quản lí, theo dõi, lưu giữ tinh trùng hoặc trứng đúng kĩ thuật, đảm bảo chất lượng thụ thai, tính bí mật của người cho và đảm bảo việc chỉ sử dụng tinh trùng, trứng của người cho cho một người.
Việc cho tinh trùng, cho trứng được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, không vì mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên trên thực tế vẫn tồn tại hiện tượng rao bán tinh trùng. Theo quy định của pháp luật, việc rao bán tinh trùng là trái pháp luật, không đảm bảo được lợi ích của người nhận, có nguy cơ dẫn tới việc kết hôn cận huyết thống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lây nhiễm bệnh...
- Tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trong trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng, noãn chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở y tế làm nghiên cứu khoa học. Đây là một điều kiện tiên quyết để đảm bảo không lặp lại quan hệ hôn nhân cận huyết thống trong tương lai, đảm bảo sự lành mạnh của nòi giống.
Điều kiện đối với người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi:
Để đảm bảo sức khỏe cho đứa con sinh ra, pháp luật quy định “người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi phải có đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con; không đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV, bệnh trưyền nhiễm thuộc nhóm A, B; không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau, không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mac bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình ” (khoản 4 Điều 5 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP).
Theo quy định của pháp luật, người nhận tinh trùng là người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người chồng; hoặc là người phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con và noãn của họ bảo đảm chất lượng để thụ thai (khoản 1 Điều 5 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP).
Người nhận noãn phải là người Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam và là người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người vợ không có noãn hoặcnoãn không đảm bảo chất lượng để thụ thai (khoản 2 Điều 5 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP).
Người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh có thể nhận phôi trong trường hợp nguyên nhân vô sinh là do cả hai vợ chồng, hoặc vợ chồng đã thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhung bị thất bại.
Nghị định số 10/2015/NĐ-CP đã cho phép người phụ nữ độc thân được nhận phôi trong trường hợp họ không có noãn hoặc noãn không đảm bảo chất lượng để thụ thai (điểm c khoản 3 Điều 5). Đây là điểm khác với trước đây, vì theo Nghị định số 12/2003/NĐ-CP thì người phụ nữ độc thân không được nhận phôi mà chỉ được nhận tinh trùng. Quy định này đã mở ra cơ hội làm mẹ đối với cả những người phụ nữ độc thân mà không có noãn hoặc noãn không đảm bảo chất lượng để thụ thai. Tuy nhiên, với quy định này thì đứa trẻ do người phụ nữ độc thân sinh ra trong trường họp nhận phôi sẽ không mang huyết thống di truyền của người mẹ.
Như vậy, điều kiện đối với người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi trước hết phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của họ và tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà pháp luật quy định cách xử lí tương ứng.

4- Xác định cha mẹ cho con sinh ra nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Theo Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc xác định cha, mẹ cho con sinh ra từ kĩ thuật hỗ trợ sinh sản được quy định như sau:
Trong trường hợp người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh mà sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ cho con được áp dụng theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, nguyên tắc suy đoán pháp lí xác định cha, mẹ cho con được áp dụng trong trường họp này. Con sinh ra trong thời kì hôn nhân là con chung của cặp vợ chồng vô sinh đã thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản. Cặp vợ chồng vô sinh thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản là cha mẹ của đúa trẻ được sinh ra. Trong trường hợp sau khi thực hiện kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, phôi thai đã được đưa vào tử cung của người vợ mà người chồng chết thì đứa con sinh ra vẫn được xác định là con chung của vợ chồng. Tuy nhiên trong thực tế có thể phát sinh một số trường hợp mà pháp luật chưa có dự liệu. Chẳng hạn như trường hợp việc thụ tinh trong ống nghiệm đã xong, phôi thai đã được tạo thành thì người chồng chết nên người vợ chưa thực hiện việc cấy phôi thai vào tử cung, mà yêu cầu lưu giữ phôi thai đó trong một thời gian nhất định sau đó mới đưa phôi thai vào tử cung. Yêu cầu đó của người vợ có được chấp nhận không? Trong trường hợp này, nếu cơ sở y tế thực hiện theo yêu cầu của người vợ thì thời gian mang thai tối đa là 300 ngày kể từ ngày chấm dứt hôn nhân không còn phù hợp. Thực tế đã có trường hợp người vợ yêu cầu luư giữ tinh trùng của người chồng khi người chồng bị tai nạn chết, sau đó mới thụ thai với tinh trùng của người chồng và sinh con sau khi chồng chết 4 năm. Những trường hợp này không có tính phổ biến, tuy nhiên do sự phát triển của khoa học, y học, con người đã thực hiện được những điều mong muốn chính đáng của mình mà pháp luật chưa dự liệu hết được để có sự điều chỉnh phù hợp. Do đó, đối với những trường hợp sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản thì chỉ có thể áp dụng thời hạn mang thai tối đa 300 ngày kể từ ngày chấm dứt hôn nhân nếu đã hoàn tất các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản và phôi thai đã được đưa vào tử cung của người vợ trước hoặc cùng với thời điểm chấm dứt hôn nhân.
Người phụ nữ độc thân thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của đứa trẻ được sinh ra, giữa hai bên có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mẹ và con theo quy định của pháp luật.
Người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi mặc dù có quan hệ huyết thống với đứa trẻ được sinh ra nhưng giữa hai bên không phát sinh quan hệ cha, mẹ và con. Với nguyên tắc bí mật trong việc cho, nhận tinh trùng, noãn, phôi thì không thể biết rõ về nguời cho cũng nhu người nhận và các bên không được tìm hiểu về tên, tuối, hình ảnh... của nhau. Giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với đứa trẻ được sinh ra không có bất cứ quyền và nghĩa vụ pháp lí nào của quan hệ cha, mẹ và con đối với nhau, không được thừa kế tài sản của nhau.

0 bình luận, đánh giá về Quan hệ pháp luật cha mẹ và con từ việc sinh bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.81978 sec| 982.406 kb