Xe ưu tiên - Quy định của pháp luật Việt Nam
1- Xe ưu tiên là gì?
Luật giao thông đường bộ quy định, xe ưu tiên là những loại phương tiện thực thi công vụ, không bị hạn chế tốc độ và được phép đi vào đường ngược chiều hoặc bất cứ các đường nào khác có thể đi được, kể cả khi đã có tín hiệu đèn đỏ (chỉ trừ đoàn xe tang), nhưng phải tuân theo sự chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, mọi người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Nghiêm cấm các hành vi cản trở xe ưu tiên.
2- Đâu là xe được quyền ưu tiên?
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về xe ưu tiên như sau:
"Điều 22. Quyền ưu tiên của một số loại xe
Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự xe ưu tiên như sau:
a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
đ) Đoàn xe tang."
Như vậy, xe ưu tiên bao gồm các loại xe sau:
(i) Xe chữa cháy: hay còn gọi là xe cứu hỏa, là một loại xe chuyên dùng để dập tắt các đám cháy. Xe được trang bị các thiết bị hỗ trợ cứu cháy chữa cháy và được những người lính cứu hỏa đã trải qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ theo quy chuẩn nhà nước điều khiển.
(ii) Xe quân sự, xe công an, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường: là các xe do những người giữ chức vụ bộ đội, công an và cảnh sát sử dụng trong lúc thực hiện nhiệm vụ. Biển số của các loại xe này thường là màu đỏ, xanh,… để phân biệt với các loại xe thông thường khác.
(iii) Xe cứu thương: là loại xe chuyên dùng của ngành y tế, dùng để vận chuyển và cấp cứu những người bị thương. Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu.
(iv) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh, xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp: là các xe được sử dụng khi xảy ra các sự cố cần phải khắc phục khẩn cấp như vỡ đê, thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt,…
(v) Đoàn xe tang: bao gồm các loại xe tải được sửa đổi một số đặc điểm như thêm các họa tiết trang trí, dụng cụ đặc biệt,… và dùng để chở quan tài đi chôn hay hỏa táng. Ngoài xe tải chở quan tài, những chiếc xe ô tô và xe máy đi cạnh xe tải để rước quan tài đi chôn hay hỏa táng sẽ tạo thành một đoàn xe và đó được gọi là đoàn xe tang.
Nếu các loại xe trên đang đi làm nhiệm vụ thì tất cả các phương tiện khác phải chủ động giảm tốc độ và nhường đường, không được gây cản trở.
Căn cứ các quy định tại Nghị định 109/2009/NĐ-CP, thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, gồm: còi phát tín hiệu ưu tiên; đèn phát tín hiệu ưu tiên; cờ hiệu ưu tiên.
3- Thứ tự của các xe ưu tiên tại Việt Nam
Nếu có nhiều xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ xuất hiện cùng lúc thì quyền ưu tiên được thực hiện như thế nào? Theo Khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã trích dẫn ở phần trên, thứ tự xe ưu tiên được sắp xếp từ cao đến thấp như sau:
Vậy có thể hiểu, nếu các loại xe trên xuất hiện cùng một thời điểm và cùng một vị trí thì thứ tự xe ưu tiên sẽ như sau: Các xe ưu tiên thấp hơn sẽ phải nhường quyền cho các xe ưu tiên cao hơn. Xe có quyền ưu tiên cao nhất trong số đó là xe chữa cháy, sau đó lần lượt là xe quân sự, xe công an, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường, xe cứu thương, xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh, xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp và xe có quyền ưu tiên thấp nhất là đoàn xe tang.
4- Không nhường đường cho xe ưu tiên có bị phạt?
Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đề cập đến việc xử lý những hành vi gây cản trở, không nhường đường cho xe ưu tiên cụ thể như sau:
Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác gây cản trở xe ưu tiên sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng.
Người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng. Nếu hành vi này gây ra tai nạn giao thông thì người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 tháng đến 4 tháng.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm