Thực tiễn giải quyết các trường hợp ly hôn tại Tòa

06/07/2024
Nguyễn Kim Chi
Nguyễn Kim Chi
Dù được xác lập trên cơ sở tình cảm và tự nguyện của các bên, nhưng trong đời sống hôn nhân có thể phát sinh các mâu thuẫn khiến cho hai bên vợ chồng không thể tiếp tục duy trì mối quan hệ hôn nhân, do đó ly hôn là giải pháp cuối cùng mà các bên lựa chọn để chấm dứt quan hệ hôn nhân.

1- Khái niệm ly hôn và giải quyết ly hôn

Hôn nhân là nền tảng, là bước đi đầu để hình thành nên gia đình, vì vậy Việt Nam coi trọng hôn nhân và có những quy định pháp luật điều chỉnh liên quan đến việc xác lập và chấm dứt quan hệ hôn nhân. Việc xác lập quan hệ hôn nhân dựa trên cơ sở tình cảm và tự nguyện của các bên. Tuy nhiên, dù được xác lập trên cơ sở tình cảm và tự nguyện của các bên, nhưng trong đời sống hôn nhân có thể phát sinh các mâu thuẫn khiến cho hai bên vợ chồng không thể tiếp tục duy trì mối quan hệ hôn nhân, do đó ly hôn là giải pháp cuối cùng mà các bên lựa chọn để chấm dứt quan hệ hôn nhân.

Ly hôn là một mặt của quan hệ hôn nhân. Nếu kết hôn là hiện tượng bình thường nhằm xác lập quan hệ vợ chồng, thì ly hôn là hiện tượng bất bình thường, là mặt trái của hôn nhân nhưng là mặt không thể thiếu được khi quan hệ hôn nhân đã thực sự tan vỡ.

Có nhiều cách định nghĩa về ly hôn, trong đó, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng: “Ly hôn chỉ là việc xác nhận một sự kiện: Cuộc hôn nhân này là cuộc hôn nhân đã chết, sự tồn tại của nó chỉ là bề ngoài và lừa dối. Theo đó, quan điểm này khẳng định điều kiện của hôn nhân là phải xuất phát từ tình cảm chân thành và mong muốn của hai bên vợ và chồng. Vì vậy, khi cả hai không còn tình cảm với nhau và hôn nhân chỉ là nghĩa vụ và vỏ bọc thì ly hôn là điều tất yếu.

Trong khi đó, pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam lại định nghĩa: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Cách định nghĩa này dù mang tính pháp lý nhiều hơn nhưng đều khẳng định rằng, ly hôn là sự kiện chấm dứt quan hệ hôn nhân. Như vậy, để ly hôn cần có “bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”, tức là thủ tục ly hôn cần diễn ra theo đúng trình tự pháp luật quy định, và thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc về Tòa án.

Tóm lại, ly hôn là sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ hôn nhân, được giải quyết thông qua Tòa án theo những căn cứ và trình tự, thủ tục nhất định được pháp luật quy định.

Theo đó, có thể hiểu, giải quyết vụ việc ly hôn là quá trình Tòa án nhân dân có thẩm quyền vận dụng những căn cứ ly hôn, trình tự thủ tục giải quyết ly hôn được quy định trong pháp luật để giải quyết các trường hợp ly hôn ly hôn.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư ly hôn của Công ty Luật TNHH Everest

2- Quy định của pháp luật hiện hành về giải quyết các trường hợp ly hôn

[a] Căn cứ ly hôn

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 phân chia ly hôn thành hai trường hợp là thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn. Đối với mỗi trường hợp, pháp luật đưa ra những quy định riêng để tòa án có căn cứ xác định và thụ lý yêu cầu ly hôn.

Thứ nhất, đối với trường hợp thuận tình ly hôn, theo Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành, căn cứ để Tòa án xác định, thụ lý đơn yêu cầu và công nhận ly hôn thuận tình như sau:

(i) Về chủ thể: phải bao gồm cả vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn (cùng nhau nộp đơn yêu cầu ly hôn ra Tòa) và hai bên phải thật sự tự nguyện ly hôn.

(ii) Về quan hệ liên quan đến ly hôn: không xảy ra tranh chấp về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con và các vấn đề này phải được vợ chồng thỏa thuận trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.

Thứ hai, đối với trường hợp đơn phương ly hôn, theo Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành, căn cứ để Tòa án xác định và thụ lý đơn khởi kiện ly hôn như sau:

(i) Về chủ thể: vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn (vợ hoặc chồng nộp đơn khởi kiện đến Tòa), ngoài ra pháp luật còn cho phép cha, mẹ hoặc người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

(ii) Về quan hệ liên quan đến ly hôn: vợ chồng không thỏa thuận thống nhất và xảy ra tranh chấp về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.

(iii) Về hành vi: vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

(iv) Trường hợp đặc biệt: một bên vợ hoặc chồng bị tuyên bố mất tích và bên còn lại có yêu cầu ly hôn. Tuyên bố mất tích là sự kiện pháp lý khi một người biệt tích trong khoảng thời gian được pháp luật quy định và đáp ứng các quy định cụ thể tại Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015. Việc Luật Hôn nhân và gia đình 2014 coi đây là căn cứ để giải quyết ly hôn là hợp lý, nhằm cho phép người còn lại có cơ hội được bắt đầu cuộc sống hôn nhân mới sau khoảng thời gian dài chờ đợi, cũng như thể hiện tính nhân văn của pháp luật.

[b] Trình tự, thủ tục giải quyết các trường hợp ly hôn

Căn cứ vào Điều 190, 191, 195, 196, 197, 203, 204, 208, 210, 211, 212, 220, 363, 365, 366, 369, 370, chương XIV Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Điều 53, 54, 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thì trình tự, thủ tục giải quyết các trường hợp ly hôn như sau:

Bước 1: Tòa án nhận đơn yêu cầu/đơn khởi kiện ly hôn

Người khởi kiện/người yêu cầu gửi đơn khởi kiện/đơn yêu cầu kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ, việc bằng các phương thức: nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính.

Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện/đơn yêu cầu do người khởi kiện/người yêu cầu nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn.

Trường hợp nộp trực tiếp tại Tòa án thì phải có biên bản giao nhận đơn khởi kiện/đơn yêu cầu kèm theo tài liệu, chứng cứ của Tòa án.

Bước 2: Tòa án thụ lý đơn yêu cầu/đơn khởi kiện ly hôn

Khi nhận đơn khởi kiện/đơn yêu cầu nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện/người yêu cầu. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện/người yêu cầu.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện/đơn yêu cầu, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện/đơn yêu cầu.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện/đơn yêu cầu. Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện/người yêu cầu.

Sau khi đã thụ lý đơn khởi kiện/đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải. Nếu người khởi kiện/người yêu cầu đồng ý hòa giải thì Tòa án chuyển vụ việc sang Trung tâm hòa giải, đối thoại giải quyết.  Nếu người khởi kiện/người yêu cầu không đồng ý hòa giải thì Tòa án tiếp tục giải quyết.

Bước 3: Tòa án thụ lý vụ, việc ly hôn

Sau khi nhận đơn khởi kiện/đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ, việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện/người yêu cầu biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí/lệ phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí/lệ phí.

Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí/lệ phí ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện/người yêu cầu để họ nộp tiền tạm ứng án phí/lệ phí. Trong thời hạn 07 ngày (đối với vụ án ly hôn) và thời hạn 05 ngày (đối với việc ly hôn), kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí/lệ phí người khởi kiện/người yêu cầu phải nộp tiền tạm ứng án phí/lệ phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí/lệ phí.

Thẩm phán thụ lý vụ việc khi người khởi kiện/người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí/lệ phí.

Trường hợp người khởi kiện/người yêu cầu được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí/lệ phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ việc khi nhận được đơn khởi kiện/đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ việc, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ việc. Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, cho VKS cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ việc.

Bước 4: Tòa án giải quyết vụ, việc ly hôn

Tòa án triệu tập đương sự tiến hành cung cấp lời khai xác định quan hệ tranh chấp liên quan đến ly hôn giữa các đương sự: về tình cảm vợ chồng, con chung và tài sản công nợ chung. Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì Tòa án triệu tập để xem xét nguyện vọng của con.

Trong thời hạn 04 tháng theo luật định (đối với vụ án ly hôn) và thời hạn 01 tháng theo luật định (đối với việc ly hôn), Thẩm phán phải ra quyết định Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc Đưa vụ án ra xét xử.

Đối với vụ án ly hôn, trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Bước 5: Tòa án mở phiên hòa giải

Thẩm phán tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự. Trước khi tiến hành phiên họp, Thẩm phán phải thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp.

Thư ký Tòa án phải lập biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và biên bản về việc hòa giải.

Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ việc ly hôn thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải.

Trường hợp các đương sự không thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết thì Tòa án tiến hành mở phiên tòa XXST (đối với vụ án ly hôn) hoặc ra quyết định đình chỉ (đối với việc ly hôn).

Bước 6: Tòa án ra quyết định/bản án ly hôn

Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và VKS cùng cấp. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và VKS cùng cấp.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Thực tiễn giải quyết các trường hợp ly hôn tại Tòa được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Thực tiễn giải quyết các trường hợp ly hôn tại Tòa có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Thực tiễn giải quyết các trường hợp ly hôn tại Tòa

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.87740 sec| 990.844 kb