Thuế thu nhập doanh nghiệp

"Duy chỉ có phục tùng pháp luật mà mọi người đã đặt ra vì mình mới là tự do".

- Rousseau (Pháp)

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu, thu trên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cuối cùng của doanh nghiệp. Người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế. Số thuế phải nộp được dựa trên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế đánh vào doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có mức thu nhập phải chịu thuế bao gồm từ hoạt động kinh doanh, hoạt động sản xuất, hoạt động vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và những thu nhập khác của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Liên hệ

1- Thuế thu nhập doanh nghiệp

1.1- Thuế suất

Thuế suất thuế TNDN áp dụng đối với các doanh nghiệp (thông thường là các công ty) được quy định trong Luật Thuế TNDN. Kể Từ năm 2014. Mức thuế suất thuế TNDN phổ thông giảm từ 25% xuống còn 22%. Năm 2015 có 02 mức thuế suất cơ bản: mức thuế suất 20% được áp dụng cho các doanh nghiệp có Tổng Doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng và mức thuế suất 22% áp dụng cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề lớn hơn 20 tỷ đồng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính, từ ngày 01/01/2016, trường hợp thuộc diện áp dụng thuế mức suất là 22% sẽ chuyến sàng áp dụng mức thuế suất là 20%, không phụ thuộc vào doanh thu của doanh nghiệp là bao nhiêu. Thuế suất thuế TNDN đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí tại Việt Nam là từ 32% đến 50% tùy theo từng địa bàn và điều kiện cụ thể của từng dự án. Thuế suất thuế TNDN đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên quý hiếm (như vàng, bạc, đá quý...) là 50% hoặc 40% tùy theo từng địa bàn.

1.2- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Ưu đãi về thuế suất: Thuế suất ưu đãi được quy định tại Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính. Theo đó. ưu đãi thuế TNDN được áp dụng đối với dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư hoặc dự án có quy mô lớn. Các dự án đầu tư mở rộng thỏa mãn một số điều kiện nhất định cũng sẽ được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng không bao gồm các dự án được hình thành từ việc sáp nhập hoặc tái cơ cấu.

- Những lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam khuyến khích đầu tư bao gồm giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, công nghệ cao, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất sản phẩm phần mềm và năng lượng tái sinh.

- Những địa bàn được khuyến khích đầu tư bao gồm khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp nằm trong khu vực đô thị loại 1) và các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

- Những dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất có quy mô từ 6 nghìn tỷ đồng trở lên (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản), thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư cũng được hưởng ưu đãi thuế TNDN nếu đáp ứng được một trong hai tiêu chí sau: (i) Có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10 nghìn tỷ đồng/năm chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu; hoặc (ii) sử dụng trên 3.000 lao động chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu.

Từ năm 2015, định nghĩa dự án đầu tư lớn bao gồm các dự án từ 12 nghìn tỷ đồng trở lên, giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày cấp phép (không bao gồm dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) và sử dụng công nghệ được thẩm định theo các quy định liên quan.

Ngoài ra, các dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cùng được ưu đãi thuế TNDN nếu đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao;

- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt - may; da - giày; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu hoặc tương đương, tính đến ngày 01/01/2015.

Thông thường, mức thuế suất ưu đãi 10% được áp dụng trong thời hạn 15 năm và mức thuế suất ưu đãi 20% được áp dụng trong thời hạn 10 năm tính liên tục từ năm phát sinh doanh thu từ hoạt động được hưởng ưu đãi thuế. Từ ngày 01/01/2015, thuế suất ưu đãi 15% được áp dụng cho một số trường hợp. Thời gian áp dụng ưu đãi có thể được gia hạn trong một số trường hợp cụ thể. Từ ngày 01/01/2016, doanh nghiệp có dự án hưởng thuế suất ưu đãi 20% sẽ được hưởng thuế suất 17%. Hết thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi. thuế suất thuế TNDN phổ thông sẽ được áp dụng. Một số lĩnh vực xã hội hóa (như giáo dục, y tế...) được hưởng thúc suất 10% trong suốt thời gian hoạt động.

Người nộp thuế có thể được hưởng ưu đãi về miễn thuế hoặc giảm thuế. Thời gian miễn thuế được tính liên tục trong một giai đoạn nhất định từ năm đầu tiên doanh nghiệp kinh doanh có thu nhập chịu thuế, sau đó là giai đoạn giảm thuế với thuế suất giảm ở mức 50% so với mức thuế suất đang áp dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong vòng 3 năm đầu từ năm đầu tiên có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế, thì thời gian miễn thuế/giảm thuế được tính từ năm thứ tư kể từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các tiêu chí để được hưởng ưu đãi miễn và giảm thuế được quy định cụ thể trong các quy định về thuế TNDN. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng và vận tải sử dụng nhiều lao động nữ hoặc người dân tộc thiểu số được hưởng thêm các ưu đãi giảm thuế khác.

Không áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với các khoản thu nhập khác (quy định tại Điều 7 Thông tư số 78/2014/TT-BTC và Điêu 5 Thông tư số 96/2015/TT-BTC) trong các trường hợp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế TNDN về lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn.

1.3- Xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ tính thuế được xác định bằng Tổng Doanh thu không phân biệt phát sinh trong nước hay ở nước ngoài trừ các khoản chi phí được trừ, cộng với các khoản thu nhập chịu thuế khác.

Theo Điều 2 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế được xác định theo công thức sau:

Thu nhập chịu thuế = (Doanh thu - Chi phí được trừ) + Các khoản thu nhập khác

Trong đó, thu nhập tính thuế được xác định theo công thức sau:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định)

Thuế TNDN được tính theo công thức sau:

Thuế TNDN phải nộp Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ khoa học và công nghệ x Thuế suất thuế TNDN

Người nộp thuế phải lập tờ khai quyết toán thuế TNDN hàng năm trong đó thể hiện các khoản điều chỉnh giữa thu nhập cho mục đích kế toán và thu nhập chịu thuế cho mục đích tính thuế.

1.4- Các khoản chi không được trừ và được trừ

Các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật; thanh toán không dùng tiền mặt đối với các hóa đơn có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên và không thuộc danh sách các khoản chi không được trừ, sẽ được trừ cho mục đích tính thuế TNDN.

Một số ví dụ về các khoản chi không được trừ bao gồm:

- Chi khấu hao tài sản cố định vượt mức quy định hiện hành;

- Tiền lương, tiền công cho người lao động thực tế không chi trả hoặc không được quy định cụ thể trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể;

- Phúc lợi nhân viên (bao gồm một số phúc lợi cung cấp cho thân nhân của nhân viên) vượt mức một tháng lương bình quân;

- Các khoản trích lập quỹ nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ không theo quy định hiện hành;

- Khoán trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm (trừ trường hợp doanh nghiệp không thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật được phép trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm) và các khoản chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động vượt quá quy định của Bộ luật Lao động;

- Chi phí quản lý kinh doanh do công ty ở nước ngoài phân bổ cho các cơ sở thường trú tại Việt Nam vượt mức chi phí phân bổ theo doanh thu trong kỳ;

- Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp;

- Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh cho các đối tượng không phải là tổ chức kinh tế hoặc tổ chức tín dụng, vượt quá 1,5 lần mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng  Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay;

- Các khoản trích, lập và sử dụng dự phòng như dự phòng giảm giá hàng tồn kho, nợ khó đòi, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, bảo hành sản phẩm, hàng hóa hoặc công trình xây lắp không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng;

- Lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ trừ lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả cuối kỳ tính thuế;

- Các khoản chi tài trợ, ngoại trừ những khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai hoặc làm nhà tình nghĩa cho người nghèo có đủ hồ sơ xác định theo quy định;

- Các khoản tiền phạt vi phạm hành chính, tiền chậm nộp;

- Phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện;

- Khoản chi liên quan trực tiếp đến phát hành, mua hoặc bán cổ phiếu;

- Thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ hoặc hoàn thuế, thu TNDN và thuế thu nhập cá nhân.

Từ năm 2015, mức khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi đã được bãi bỏ.

Đối với một số công ty như các công ty bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán và xổ số kiến thiết, Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể về các khoản chi được trừ khi tính thuế TNDN.

Các doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm đề lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trước khi tính thuế TNDN, tuy nhiên cũng cần thỏa mãn một số điều kiện theo quy định để được trừ.

1.5- Chuyển lỗ

Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì được chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp theo trong thời gian không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

Các khoản lỗ từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế TNDN được bù trừ vào lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế TNDN và ngược lại. Lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư được bù trừ vào lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp không được phép chuyển lùi các khoản lỗ. Việt Nam hiện chưa có quy định về việc bù trừ lãi, lỗ giữa các doanh nghiệp trong cùng một tập đoàn.

1.6- Kê Khai và nộp thuế

Doanh nghiệp không cần phải nộp tờ khai tạm tính thu TNDN hàng quý. Thay vào đó, doanh nghiệp phải tạm nộp thuế hàng quý theo ước tính. Nếu số thuế tạm nộp hàng quý thấp hơn 80% tổng số thuế phải nộp cả năm, doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế cho phần thuế còn thiếu nhiều hơn 20% (mức tiền chậm nộp tiền thuế hiện tại khoảng 10,8%/năm), tính từ hạn nộp thuế quý 4.

Việc quyết toán thuế TNDN được thực hiện hàng năm. Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN và nộp thuế TNDN trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Trường hợp người nộp thuế có cơ sở hạch toán phụ thuộc (ví dụ, chi nhánh) ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác thì người nộp thuế chỉ cần nộp hồ sơ khai thuế TNDN tại địa bàn nơi đơn vị đóng trụ sở chính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất phải phân bổ số tiền thuế phải nộp cho các cơ quan thuế ở các tỉnh nơi có các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc. Cơ sở để phân bổ số thuế phải nộp tại từng địa bàn được căn cứ vào tỷ lệ chi phí của từng cơ sở sản xuất trên Tổng Chi phí của doanh nghiệp.

Năm tính thuế thông thường là năm dương lịch. Trong trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tính thuế (nghĩa là năm tài chính) khác năm dương lịch thì phải thông báo với cơ quan thuế địa phương.

1.7- Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài

Các nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển lợi nhuận ra nước ngoài khi kết thúc năm tài chính hoặc khi kết thúc hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài không được phép chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trong trường hợp doanh nghiệp được đầu tư có lỗ luỹ kế.

Nhà đầu tư nước ngoài phải trực tiếp hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp được đầu tư thông báo cho cơ quan thuế việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài ít nhất 7 ngày làm việc trước khi thực hiện việc chuyển lợi nhuận.

1.8- Chuyển giá

Quy định về giao dịch theo nguyên tắc giá thị trường của Việt Nam liệt kê các trường hợp được xác định là giao dịch được thực hiện bởi các bên liên kết, đồng thời nêu rõ các phương pháp để xác định trị giá giao dịch theo giá thị trường.

Định nghĩa về các bên liên kết là khá rộng. Theo định nghĩa này, ngưỡng tỷ lệ kiểm soát vốn chủ sở hữu để xác định mối quan hệ giữa các bên liên kết của Việt Nam thấp hơn so với nhiều quốc gia khác (25%). Định nghĩa này bao gồm cả các bên thông thường vốn không được xem là có quan hệ liên kết, ví dụ các bên bảo lãnh cho vay chiếm tỷ trọng lớn, các bên có quan hệ huyết thống... Các quy định về giao dịch theo nguyên tắc giá thị trường của Việt Nam đang áp dụng đối với các giao dịch liên kết thực hiện trong lãnh thổ Việt Nam.

Các phương pháp được chấp thuận để xác định giá thị trường tương đồng với các nguyên tắc tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thiết lập (cụ thể là phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập, phương pháp giá bán lại, phương pháp giá vốn cộng lại, phương pháp tách lợi nhuận và phương pháp so sánh lợi nhuận).

Các yêu cầu khai thông tin về các giao dịch liên kết bao gồm việc kê khai hàng năm các giao dịch giữa các bên liên kết và các phương pháp xác định giá và sử dụng trong tờ khai thông tin về giao dịch liên kết nộp cùng tờ khai quyết toán thuế TNDN. Từ năm tính thuế 2014, mẫu biểu kê khai giao dịch liên kết mới được áp dụng, bao gồm yêu cầu kê khai chi tiết hơn, doanh nghiệp phải tự xác định và kê khai giá thị trường của các giao dịch liên kết (trong trường hợp giá thị trường có khác biệt so với giá thực tế áp dụng, doanh nghiệp phải tự điều chỉnh chênh lệch).

Các công ty có giao dịch với các bên liên kết cùng phải soạn lập và cập nhật báo cáo về chính sách giá. Báo cáo này phải nộp cho cơ quan thuế trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận yêu cầu nộp báo cáo. Yêu cầu lập báo cáo chính sách giá được áp dụng kể cả với những giao dịch liên kết có giá trị nhỏ.

Từ ngày 05/02/2014, Thông tư số 201/2013/TT-BTC có hiệu lực thi hành là một phần quan trọng trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về xác định giá thị trường của Việt Nam. Theo đó, đã cung cấp hướng dẫn chính thức về thỏa thuận trước phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trên cơ sở cho phép người nộp thuế thỏa thuận đơn phương, song phương hoặc đa phương với cơ quan thuế liên quan.

2- Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng vốn

Thu nhập của một doanh nghiệp từ việc chuyển nhượng vốn (trừ cổ phiếu) mà doanh nghiệp đó đã đầu tư tại Việt Nam phải chịu thuế TNDN với thuế suất 20%. Phần thuế này thường được gọi là thuế chuyển nhượng vốn mặc dù đây không phải là một loại thuế riêng biệt. Thu nhập tính thuế được xác định dựa trên giá chuyển nhượng trừ đi giá vốn (hoặc giá trị ban đầu của khoản vốn góp nếu vốn được chuyển nhượng lần đầu tiên) và trừ đi các chi phí chuyển nhượng.

Trong trường hợp bên bán là một tổ chức nước ngoài, tổ chức, cá nhân Việt Nam nhận chuyển nhượng vốn có trách nhiệm xác định, khấu trừ và nộp thuế thay cho bên bán. Trong trường hợp cả bên mua và bán đều là tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam có phần vốn được chuyển nhượng có trách nhiệm kê khai và nộp thay số thuế TNDN phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng vốn. Việc kê khai và nộp thuế từ hoạt động chuyển nhượng vốn phải được thực hiện trong vòng 10 ngày kể từ ngày việc chuyển nhượng được chấp thuận.
Chuyển nhượng vốn có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ chứng minh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu không, cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng cho mục đích tính thuế.

Việc chuyển nhượng chứng khoán (trái phiếu, cổ phiếu của công ty cổ phần đại chúng...) bởi một pháp nhân nước ngoài chịu thuế TNDN ở mức ấn định bằng 0,1% trên tổng doanh thu từ việc chuyển nhượng. Thu nhập của một pháp nhân cư trú hoặc thu nhập từ việc chuyển nhượng cổ phiếu (trừ chứng khoán) phải chịu thuế với thuế suất là 20%.

Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng - Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Tư vấn Pháp luật cho Doanh nghiệp - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.1 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Thuế thu nhập doanh nghiệp

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.47151 sec| 1155.563 kb